www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Video clip: Chuyện chàng Đoàn viên say mê... gà rừng ở Tiên Phước

 Là một trong 6 sinh viên tiểu biểu của Đà Nẵng, được TW khen tặng danh hiệu “sinh viên 5 tốt” năm 2010, Võ Duy Nghĩa (SV năm 4, trường CĐ nghề Hoàng Diệu, Đà Nẵng) không chỉ “nổi” vì có tay nuôi gà rừng, mà còn vì hay xung phong làm “chuyện bao đồng”.

 

Từ ý tưởng kinh doanh đạt giải nhất đến trang trại gà rừng

Năm 2009, thuyết phục hoàn toàn Ban giám khảo cuộc thi Ý tưởng Kinh doanh do Sở Lao động- thương binh-xã hội phối hợp cùng Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức, Võ Duy Nghĩa (SV lớp QK08, CĐ nghề Hoàng Diệu) đã giành được giải nhất chung cuộc. Ý tưởng của Nghĩa là gây giống, chăn nuôi động vật hoang dã để “làm giàu”, đồng thời, góp phần chống nguy cơ tuyệt chủng động vật hoang dã. Vật nuôi cụ thể trong ý tưởng kinh doanh của Nghĩa là gà rừng, một loài gà có tên trong danh sách đỏ, tồn tại ở vùng miền núi Tiên Phước (Quảng Nam), quê Nghĩa.

Nghĩa kể: “Hồi nhỏ, em rất mê gà rừng. Mỗi lần đi núi, em vẫn thấy gà trong rừng. Có con thích quá, em mang về nuôi. Nhưng rồi, gà rừng thưa dần. Một phần, người dân đốt rừng làm rẫy, làm mất môi trường sống của gà. Một phần, cánh thợ săn cứ lùng ráo riết. Vậy là em cứ ấp ủ ước mơ có một trang trại gà rừng, mười con sinh sôi trăm con, trăm con sinh sôi ngàn con, để gà không tuyệt chủng, lại có thể nuôi gà bán cho những người mê nuôi gà cảnh”.

Võ Duy Nghĩa, thứ 2, từ trái sang, tại lễ trao giải Ý tưởng kinh doanh 2009

Nhưng phải đến khi “rinh” giải nhất Ý tưởng kinh doanh 2009 dành cho sinh viên toàn thành phố Đà Năng, Nghĩa mới nghĩ đến chuyện hiện thực hóa ước mơ. Sinh viên không có tiền làm vốn, nhà lại ở huyện miền núi, chẳng khá giả chi, nhưng Nghĩa liều thuyết phục ba mẹ cầm nhà vay ngân hàng 100 triệu đồng cho Nghĩa mượn làm vốn. Nghĩa gom tiền kiếm được từ cửa hàng hoa sinh viên ngoài Đà Nẵng, rồi mượn thêm bạn bè, người quen, được 50 triệu nữa. Cầm 150 triệu trong tay, Nghĩa về quê dựng trại giữa rừng, với gần 100 con gà rừng.

Nghĩa không bán gà giống, chỉ bán gà con từ 40 ngày tuổi cho đến những con đã nuôi dưỡng trưởng thành. Và chủ yếu là gà lai tạo từ gà rừng với các loài gà khác theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài tự mày mò trên mạng, tìm hiểu thêm kiến thức sinh học để lai tạo giống cho ra đời F1 (lứa lai đầu tiên) tốt nhất, hễ nghe đâu có trang trại nuôi gà cảnh là Nghĩa tìm tới học hỏi kinh nghiệm. Mẹ làm bác sĩ thú y huyện là một điểm tựa đắc lực cho Nghĩa yên tâm khi vắng nhà đi học trong việc chăm sóc sức khỏe bầy gà.

Đến nay, sau chưa đầy 2 năm, qui mô trang trại của Nghĩa đã tăng gấp 5 lần, lên 500 con. Lấy lãi làm vốn tái đầu từ, trang trại của Nghĩa giờ đã tăng vốn đầu từ lên hơn 300 triệu đồng. Thêm một lần nữa, Nghĩa thuyết phục mọi người hiệu quả ý tưởng kinh doanh của mình.

Đã nhiều việc lại còn ưa làm “chuyện bao đồng”

Đang là sinh viên, phải luôn học tròn kiến thức ở trường, là ủy viên nòng cốt trong BCH Đoàn trường, luôn có mặt trong các phong trào tình nguyện, Nghĩa còn tranh thủ mở cả một cửa hàng hoa để kiếm tiền trang trải cho việc học, và đầu tư vốn thêm cho trại gà...
 
“Một ngày thường em không đi ngủ trước 11h đêm và hiếm khi dậy sau 5h sáng. Đêm nào trước khi đi ngủ cũng phải sắp xếp trước công việc ngày mai cho khỏi chồng chéo thời gian, và làm tròn từng việc”. Nghĩa giải thích vóc người nhỏ gầy của mình: “chắc là do em chạy suốt, mập không nổi”.

Nhiều việc, nhưng bà con khu phố Trung Nghĩa, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng), nơi Nghĩa tạm trú trọ học, đều biết “thằng Nghĩa hay phụ giúp bà con đuổi bắt cướp. Ở đây có nhiều khu nhà trọ sinh viên, công nhân, cửa nẻo không chắc chắn nên bọn trộm cướp vặt cứ “chăm” suốt””

Nhiều lần nhặt được ví tiền, Nghĩa cất công đến đồn công an trả lại. “Có khi đó là những ví tiền của bọn trộm vứt lại sau khi móc ruột, nhưng còn giấy tờ của người bị hại, em nhặt được đem tới báo, đài đăng giúp cho người bị mất giấy tờ biết mà tìm lại”


"Nổi" vì mê gà rừng, anh chàng "mập không nổi" này lại còn có tiếng hay lo "chuyện bao đồng"
 
Đang chạy ngoài đường, thấy tai nạn giao thông, nhiều người dừng lại xem, gây ách tắc giao thông, vậy là Nghĩa tình nguyện làm trật tự viên, hướng dẫn mọi người vượt qua đám đông ùn tắc, sau khi gọi báo cho lực lượng chức năng. Nghĩa kể: “Chuyện em bị nói là mắc chi lo “chuyện bao đồng” là chuyện thường.
 
Nhưng tự em biết việc mình làm là đúng với ý thức của một công dân bình thường. Nên nhiều khi “bao đồng” làm trật tự viên giao thông, em cũng bị nhiều người la “mi là cái chi mà biểu người ta chạy tới, chạy lui, lắm chuyện” nhưng em cũng chỉ cười trừ. Cái tính em rứa thôi em chịu”.

Nghĩa còn chia sẻ, vì muốn góp một phần nhỏ của mình để giảm bớt những “chuyện trái”, em còn làm cộng tác viên viết báo. Các bài em viết thường phản ánh các tệ nạn trong sinh viên, công nhân như cờ bạc, ghi đề, rượu chè..., đến cả chuyện một khúc sông trên đường từ quê em ra Đà Nẵng thường xuyên phố diễn nạn “cát tặc”... .“Tốt nghiệp CĐ xong, em sẽ thi liên thông lên Đại học, và theo chuyên ngành báo chí”, Nghĩa nói về dự định trong tương lai gần.

Khánh Hiền - Báo Dân Trí

 

NUÔI GÀ RỪNG - NGHỀ MỚI Ở TIÊN PHƯỚC, QUẢNG NAM