www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Viếng mộ cụ Huỳnh nhớ mùa xuân Độc Lập

Tết, nhiều người thường lên núi Thiên Ấn (TP. Quảng Ngãi) viếng mộ chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Tổng biên tập Báo Tiếng Dân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Người dân Việt Nam thường gọi Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng bằng cái tên thân mật là Cụ Huỳnh. Cụ là một con người hết lòng vì dân vì nước. Mùa xuân này, chợt nhớ đến cụ làm thơ, mừng xuân độc lập cách đây 73 năm. 

 

15-34-06_3_cu_huynh_v_bc_ho
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng thứ nhất bên phải) và Bác Hồ

 Mùa xuân 73 năm trước

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, quê ở huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam, năm 1947, cụ mất trong một căn nhà ở tả ngạn sông Phước Giang, huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi, là nơi đặt trụ sở Uỷ ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ. Mộ cụ được đặt trên đỉnh núi Thiên Ấn soi bóng xuống dòng sông Trà. Tết năm nào mộ cụ cũng rực rỡ những chậu hoa vạn thọ, hoa cúc, như lời thầm chúc của con cháu về tên tuổi mãi mãi lưu danh. Có năm số chậu hoa quanh mộ cụ lên đến 130 chậu vạn thọ, hoa nở vàng giữa những vòng khói hương không dứt.

Mùa xuân 2019, chợt nhớ đến mùa xuân năm 1946 - năm đầu tiên nước nhà giành lại độc lập, thoát khỏi ách nô lệ, gông cùm của thực dân Pháp, Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã viết câu đối chia vui cùng đất nước:

“Mẹ đất rước xuân về, gia đình chung cô bác anh em, nâng chén rượu mừng nhau, hai chục triệu người không thiếu bạn.

Cha trời cho sống mãi, họa kiếp trải binh đao nước lửa, co ngón tay đếm thử, bảy mươi mốt tuổi vẫn chưa già”.

Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1 tháng 10 năm 1876, quê ở xã Tiên Cảnh huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam. Huỳnh Thúc Kháng thi đỗ thủ khoa kỳ thi hương năm 1900 và được xưng tụng là một trong Thập Ngũ Phụng Tề Phi của đất Quảng Nam xưa.

15-34-06_1_cu_huynh_v_bo_tieng_dn
Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Tổng biên tập báo Tiếng Dân

Năm 1926, ông đắc cử dân biểu rồi giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Năm 1927, ông sáng lập tờ báo Tiếng Dân để tham gia tranh đấu cho nước nhà. Thực dân Pháp đã đau đầu vì tờ báo Tiếng Dân. Trên tờ báo, chỗ nào bị kiểm duyệt và tẩy xóa, ông cho để nguyên vùng trắng loang lổ. Người đọc tự hiểu đó là phần đã bị cắt bỏ và tự ghép nối theo kiểu suy luận vấn đề. Tờ báo Tiếng Dân đã có sự ảnh hưởng rất rộng lớn trong tầng lớp nhân dân suốt 16 năm. Báo Tiếng Dân đã bị thực dân Pháp đình bản vào năm 1943.  

Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông ra tham gia vào Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông được giao trọng trách, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, khi Bác Hồ sang Pháp 4 tháng để đàm phán, Cụ Huỳnh được giao trọng trách thay Bác điều hành việc nước và giữ chức quyền Chủ tịch nước. Trước lúc đi, Bác Hồ đã tâm sự với cụ Huỳnh: Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Ý nghĩa câu nói này là nguyên tắc phải giữ vững, nhất quán và triệt để; linh hoạt, uyển chuyển cho phù hợp với thực tế, thời cuộc.

Cuối năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng vào Quảng Ngãi giữ cương vị Đặc phái viên của Chính phủ tại Uỷ ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ, trụ sở đóng tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 21 tháng 4 năm 1947, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng lâm bệnh nặng và qua đời. Thỏa theo tâm nguyện của Cụ, nhân dân Quảng Ngãi đã an táng Cụ trên đỉnh núi Thiên Ấn. Nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi. Tương truyền, núi Thiên Ấn là ấn của trời đóng xuống cạnh dòng sông Trà.

15-34-06_2_nh_luu_niem_cu_huynh
Nhà Cụ Huỳnh từng làm việc tại thị trấn Chợ Chùa huyện Nghĩa Hành

Thăm mộ Cụ Huỳnh nhớ đến lá thư của Cụ đã viết gửi Bác Hồ trước khi lâm chung tại Quảng Ngãi: "Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả...”.

Tấm lòng tha thiết của cụ như một tấm gương sáng muôn đời cho hậu thế - hai lần đậu thủ khoa trong các kỳ thi hương và thi hội, nhưng vào cái thời đất nước bị dày xéo, dân tộc trong vòng nô lệ, Cụ quyết không làm quan để chạy theo danh lợi mà dành trọn đời cho việc tìm các sĩ phu để tìm đường cứu nước. Cụ đã kêu gọi: “Chủ nghĩa gì cũng chẳng nên trò, nếu còn là dân nô lệ. Toàn dân đoàn kết, đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Cụ Hồ thì con thuyền cách mạng Việt Nam ta nhất định đến bến vinh quang, nước ta sẽ hoàn toàn độc lập, tự do”.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng mất đã 72 năm, nhưng đọc lại những lời Cụ viết và để lại cho hậu thế thì vẫn thấy chứa nặng tấm lòng vì dân vì nước, là ánh sáng để mọi người soi rọi, có trách nhiệm với xã hội. Chính vì lẽ đó, ngày Cụ Huỳnh Thúc Kháng mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết và được khắc tại mộ của Cụ để lưu lại hậu thế: "Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.  

Tấm lòng bên mộ

Khi cụ Huỳnh mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ lòng thương tiếc đã làm bài thơ điếu bằng chữ Hán: “... Than ôi!/ Bể Đà Nẵng triều thảm/ Đèo Hải Vân mây sầu/Tháng Tư tin buồn đến - Huỳnh Bộ truởng đi đâu…!”.

Ngày xuân, nhiều người thường lặng lẽ lại lên núi Thiên Ấn để viếng mộ Cụ Huỳnh. Người dân đến đây đều ấn tượng về ông cụ có bộ râu trắng phơ, đốt từng que hương đưa cho mọi người.

Đó là ông Nguyễn Tạo (87 tuổi), từ năm 2006 ông đã tự nguyện lên trông coi mộ cho chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng.

Thường ngày, ông Tạo buộc chiếc võng nhỏ lên cây tre và nằm đung đưa, mắt dõi lên bầu trời, thỉnh thoảng vuốt chòm râu trắng.

Gặp khách viếng mộ, ông Tạo ân cần thắp hương, nở nụ cười chào thân thiện. Gặp các cháu học sinh lên viếng mộ, ông trở thành người tự nguyện thuyết trình, đồng thời căn dặn “các cháu phải cố gắng học tập giỏi, noi gương cụ Huỳnh hết lòng vì dân, vì nước”.

15-34-06_4_vieng_mo_cu
Nhân dân đến viếng mộ Cụ Huỳnh và được ông Tạo hướng dẫn thắp hương

Từ khoảng tháng 8/2016, người lên viếng mộ cụ Huỳnh không còn gặp ông Tạo. Tìm đến nhà ông, tôi ngạc nhiên vì ông không sống ở sát chân núi mà ở mãi tận thôn Thống Nhất, cách núi Thiên Ấn khoảng 4 km. Tại ngôi nhà này, mỗi ngày ông đạp xe tới núi Thiên Ấn rồi dắt bộ lên mộ Cụ Huỳnh. Khi đi, ông mang theo một đùm cơm, xôi, hoặc bánh mì để ăn bữa trưa. Chiều sẩm tối thì ông lại từ từ xuống núi và đạp xe trở về. Quãng đường hơn 8 km đó cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm trời.

Do sức khỏe yếu, ông Tạo không còn thường xuyên lên mộ Cụ Huỳnh. Ngồi trong căn nhà bên cạnh dòng sông Trà, giữa cơn gió đông lạnh, ông Tạo bảo rằng “Tết ông sẽ ráng đạp xe lên thắp hương và ở lại với Cụ Huỳnh, tết năm nay mộ Cụ Huỳnh chắc cũng nhiều hoa vạn thọ”.

Nhà lưu niệm của Cụ Huỳnh Thúc Kháng hiện nay đặt tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi. Trong ngôi nhà còn lưu giữ nhiều di vật về Cụ Huỳnh Thúc Kháng trong ngôi nhà tranh như chiếc áo dài màu đen treo trong chiếc tủ gỗ đã cũ, một đôi guốc mộc, một chiếc đèn dầu cầm tay. Đến nơi này càng cảm nhận được tính cách dung dị của một chí sĩ yêu nước. Nhiều đoàn tham quan đã đến đây và để lại bút tích, ca ngợi tấm lòng của Cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhắc lại câu nói mà Bác Hồ đã dặn Cụ trước khi sang Pháp.

                                                    Hà Anh - Báo Kiến Thức Gia Đình