www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Về miền trung du

Dòng sông, con đường làng, cánh đồng lúa hay hàng cau, ngõ chè tàu... hầu như miền quê nào cũng có. Nhưng trong tập tản văn “Hoa trung du” (NXB Đà Nẵng ấn hành tháng 5.2018) của tác giả - cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Diệu Hiền, những thứ ấy có nét riêng, dáng vẻ riêng, mang đặc trưng của vùng trung du Tiên Phước, không lẫn vào đâu được.

Dòng sông vẫn ân cần, vỗ về cảm xúc tuổi thơ của bao người; sông vẫn cứ miệt mài, mải miết trôi, nhưng “con sông thật mạnh mẽ, dám chảy ngược về phía tây với lô xô đá và những khúc quanh ngoằn ngoèo, những vực sâu đầy tôm cá”, “Còn phần tâm hồn phong kín của nó là những lớp trầm tích văn hóa, mà vẻ đẹp sâu thẳm nơi dòng sông trôi qua là bóng dáng những ngôi làng cổ” (Hành trình một dòng sông), thì chỉ có thể là sông Tiên. Sông Tiên bao đời nay đã lặng lẽ “chảy” vào lòng người theo cách riêng của mình. Còn đây là hoa trảu - mà tác giả ưu ái gọi là “hoa trung du”: hoa trảu vốn lạ lẫm với bao người nhưng với ai sinh ra ở miền trung du lắm dốc nhiều đồi lại trở nên quen thuộc. Loài hoa trảu bình dị đã “lặng lẽ góp thêm một vẻ đẹp dịu dàng, rất trung du” khiến tác giả “khắc khoải nhớ về miền ký ức trong trẻo” (Hoa trung du)...

Đó là ngõ đá xứ Tiên. Không vô tri, chẳng bất động, đá trở thành “đặc sản” của làng cổ Lộc Yên. “Những phiến đá phơi mình trên các triền đồi được người dân nơi đây chẻ ra, đem về chất, xếp rất khéo léo và kỳ công thành các ngõ đá đẹp mê hồn với bờ ngõ là hai hàng chè tàu. Năm tháng phủ lên ngõ đá lớp rêu xanh. Bước chân đến nơi này, du khách như  nghe lời  thời gian  thì thầm tự thuở nao vọng về” (Hồn của đá).

Tập sách “Hoa trung du”.
Tập sách “Hoa trung du”.

Đọc “Hoa trung du”, có thể dễ dàng nhận ra tác giả của nó là người tinh tế, nhạy cảm. Chỉ một câu bâng quơ hay hình ảnh mờ nhòe cũng đủ chạm vào ký ức, đánh thức kỷ niệm bởi nhiều thứ đã trở thành phần hồn sâu thẳm không biết tự lúc nào. “Hình như khi tuổi đời sắp mênh mông, người ta rất dễ xúc động khi bắt gặp một tín hiệu gợi nhắc thời xa lắc xa lơ” (Viên kẹo tuổi thơ). Như khi ai đó nhắc tới hàng chè tàu, khiến tác giả  nhớ đến nơi cất giữ những kỷ niệm thời thơ ấu. Không gian cổ tích của ngôi nhà xưa: “Êm êm tiếng mưa rơi trên mái. Kẽo kẹt tiếng võng trưa. Lao xao cỏ cây hoa lá. Giàn tóc tiên khoe những ngôi sao đỏ rực trước nhà. Vệt nắng chiều len vào khung cửa. Vách đất vừa khô với rải rác mạ non mọc tong teo nơi vết nứt (Ngôi nhà xưa) khiến tác giả không thôi nghĩ về những dấu yêu không thể xóa nhòa.

“Hoa trung du” chủ yếu viết về quê hương Tiên Phước và những kỷ niệm, ký ức về đất và người nơi đây - nơi tác giả sinh ra và lớn lên. Có lẽ vì thế nên cảm xúc chân thành và thật.

                                                       Châu Nữ - Báo Quảng Nam