www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Về Lộc Yên nghe thời gian thì thầm

Tôi vẫn thường có những chuyến công tác về miền quê xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) - quê hương cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng có lẽ, lần trở lại mới đây, cảm xúc của tôi về cái đẹp của những ngõ đá làng quê mới thật trọn vẹn. Tất cả bày ra trước mắt tôi, xâm chiếm tâm khảm tôi như giấc mơ về một nơi chốn thân thương đã hằn sâu trong ký ức...

Có những buổi chiều thật đẹp. Như buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đi qua những con đường quanh co men theo những vườn cây lá xanh ngắt một miền quê. Xã Tiên Cảnh có những xóm mạc đẹp nên thơ. Như làng Lộc Yên mà đã không biết bao lần bàn chân tôi chạm tới ngõ đá xanh rêu, hàng chè tàu mướt mắt... nhưng vẫn cứ ngỡ ngàng như lần đầu nhìn thấy mỗi khi trở lại. Có ai đó đã từng nói với tôi rằng, khi bước vào một ngôi nhà, chỉ cần nhìn cách bày biện các vật dụng và cách chủ nhân ứng xử với ngôi nhà thì có thể nhận xét một cách tương đối về tính cách cũng như tâm hồn của chủ nhân ngôi nhà đó. Ở làng Lộc Yên, mỗi ngôi nhà đều có một ngõ đá, một khu vườn rộng được chủ nhân khéo léo bài trí bởi bờ đá quanh co. Nhìn cái cách tỉa tót lá cành, bày biện cảnh trí khu vườn rồi con ngõ nhỏ của người Lộc Yên hay bất cứ làng xóm nào của Tiên Cảnh cũng đủ thấy tâm hồn người dân nơi đây.

Trưởng phòng VH-TT huyện Tiên Phước - Đặng Dung bảo tôi, ở nhiều thôn xóm Tiên Cảnh đang có phong trào “Ngõ sạch nhà đẹp”. Nhà nhà thi nhau bài trí ngõ đá, thiết kế khuôn viên vườn tược bằng bờ đá. Người dân rất quý trọng những viên đá được gom nhặt từ lòng suối hay lượm lặt ở bất cứ đâu. Có thể nói, đá đối với người dân nơi đây được xem như một thứ tài sản. Thứ tài sản ấy sẽ miên viễn một nét đẹp bình dị trong mắt người làng và du khách khi chúng được tề tựu ngay hàng cùng nhau bao bọc khuôn viên mỗi ngôi nhà.

Anh Đặng Dung trước công tác ở ngành giáo dục huyện, mấy năm nay chuyển về làm văn hóa. Làm công tác này, anh nắm khá kỹ những nét văn hóa làng đặc trưng của Tiên Phước nói chung và Tiên Cảnh nói riêng. Đã quá quen với cảnh và người Lộc Yên, nhưng anh bảo, cứ khoảng ba chiều lại giành một khoảng thời gian sau giờ làm việc thong dong đạp xe về ngôi làng này để được thả hồn với thiên nhiên quê kiểng. Lộc Yên từ lâu cứ như một thứ men mời gọi khó cưỡng. Cùng anh dạo qua những con đường có những ngõ nhỏ và bờ đá quanh co, anh Đặng Dung nói với tôi rất nhiều về đề án tôn tạo nhà cổ Lộc Yên và du lịch sinh thái kiểu homestay mà địa phương có ý định hướng đến. Trước mắt, đã có một con đường bê tông rộng nối tỉnh lộ ĐT616 bao bọc quanh Lộc Yên, ngang qua suối đá Giăng rồi bọc về trung tâm huyện theo con đường đang dần hoàn thiện chạy men sông Tiên. Theo anh Đặng Dung, bây giờ có thể làm du lịch sinh thái ngay được rồi mặc dù vẫn còn nhiều yếu tố phải hoàn thiện. Chẳng hạn, trước con ngõ của nhiều ngôi nhà ở Lộc Yên là một cái giếng nhỏ. Thành giếng đã được bê tông ống bi, nhưng sắp tới người dân sẽ bắt đầu dỡ bỏ để xây bằng thành đá. Rồi chuyện nhiều đoạn đường nối xóm này qua xóm khác đang rất gập ghềnh khó đi, cần phải chỉnh trang trở lại. Riêng những mảnh ruộng xen giữa xóm làng ở Lộc Yên có thể nói rất đẹp mà mộc mạc đến bình yên. Buổi chiều hè, trong những âm thanh của chim rừng, của nghé con gọi mẹ, của gà cục tác và của bầy trẻ nhỏ thả diều, đá bóng... cảm giác như nơi đây từng ở đâu đó trong trang tiểu thuyết về làng quê Việt mà nhà văn của “Dế mèn phiêu lưu ký”  đã miêu tả. Tôi khá ấn tượng với những cụ già Lộc Yên lặng lẽ bên bờ đá, thả ánh nhìn vào khoảng không nho nhỏ trước ngôi nhà mình mà lặng ngắm thời gian và quê xứ trôi qua những vệt nắng cuối ngày. Hình ảnh ấy lúc nào cũng như ngưng đọng trong tâm hồn bất cứ ai từng có những năm tháng sống cuộc đời đồng đất quê nhà.

Tiên Phước mùa này cây trái đã vào vụ. Những lòn bon, dâu đất, thanh trà, cam, quýt lúc lỉu trong những tán lá vườn đủ sức hút mắt khách lữ hành. Chỉ cần bạn dừng lại bên vệ đường nằm ngay sát bờ đá của khu vườn nhà ai đó là có thể đưa tay ve vuốt những quả thanh trà đang căng tràn nhựa sống chờ bàn tay người hái. Những thơm và mít, hai thức quả từ lâu đã quen thuộc với người dân xứ Quảng cũng bày ra trong mắt bạn những thơm tho ngọt ngào. Và rồi sau khi thỏa sức ngắm nhìn cảnh làng quê Lộc Yên dưới ánh hoàng hôn, bạn có thể men theo con đường chạy bên bờ sông Tiên, tìm một quán nhỏ ngồi ngắm nước chảy ngược dòng, ăn con ốc đá tươi ngon hay đĩa gỏi ong không chê vào đâu được... để thấm thía cái mộc mạc mà hữu tình của người Tiên Phước.

Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái đã từng để trái tim mình rơi rụng trong một chiều đặt chân qua những yên ả làng quê Tiên Phước trong “Tiên Phước xanh ngắt một miền quê” với những câu hát chan chứa yêu thương: “Biết là chiều nay trái tim tôi rơi rụng nơi này, khi tôi về quê hương em, đây miền quê tràn nụ biếc. Là nơi tóc em bềnh bồng thơm hoài hương bưởi hương ngâu. Nơi nụ cười của mẹ còn vương nét duyên trầu cau. Ơi! Thương quá là thương, quê hương em xanh ngát thanh bình. Chiều nay đưa tôi về sông Tiên, về Lò Thung, về đèo Liêu, Eo Gió. Về làng xưa Lộc Yên, nghe thời gian trăm năm thì thầm, trên từng bậc đá rêu phong. Và về đây, dưới mái nhà xưa, nghe hồn Mính Viên, thơm trong gió lành…”.

Có lẽ không chỉ nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái mà bất cứ ai đó khi đặt chân về làng quê Lộc Yên, Tiên Cảnh cũng sẽ để lòng mình thổn thức cùng thời gian trăm năm thì thầm trên từng bậc đá rêu phong… Và, hẹn một ngày quay lại để nhặt trái tim mình còn đâu đó nơi làng quê yên bình như một bức tranh này.

                                           Đặng Trương Khánh Đức - Báo Quảng Nam