www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Vượt khó...

Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn, biết chuyển đổi cây trồng hợp lý, sau bao năm làm kinh tế vườn đồi, cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Văn Hiền ở thôn Cẩm Lãnh, xã Tiên Cẩm (Tiên Phước) ngày càng khấm khá, ổn định.

Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Hiền đã đổ bao công sức vào khu vườn đồi này. Anh tâm sự rằng, năm 1994, khi lập gia đình ra sống riêng, khu vườn đồi xung quanh đây toàn là cây tạp, lau lách phủ kín, hai vợ chồng khai phá trồng các loại cây như, cây quế, thơm, chè, sắn... Hiệu quả kinh tế từ các loại cây trồng đem lại không cao, trong khi cây quế phải mất khá nhiều năm mới cho thu hoạch, còn cây chè, cây thơm, cây sắn… nguồn thu chẳng đáng là bao, khiến cuộc sống quanh năm túng thiếu, bế tắc.

Năm 2015, xã Tiên Cẩm có nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ về kỹ thuật giúp người dân phát triển chăn nuôi và trồng trọt. Anh Hiền nhận thấy đây là cơ hội để anh cải tạo khu vườn chuyển sang trồng cây ăn quả cho thu nhập cao hơn. Đặc biệt, khi được tiếp cận các mô hình làm vườn có hiệu quả, anh càng quyết tâm thực hiện ước mơ đời mình.

Mô hình kinh tế vườn cho hiệu quả kinh tế của gia đình anh Nguyễn Văn Hiền, thôn Cẩm Lãnh, xã Tiên Cẩm (Tiên Phước). ẢNH: N.HƯNG
Mô hình kinh tế vườn cho hiệu quả kinh tế của gia đình anh Nguyễn Văn Hiền, thôn Cẩm Lãnh, xã Tiên Cẩm (Tiên Phước). ẢNH: N.HƯNG

Anh Hiền quyết định bán 220 cây quế khoảng 20 năm tuổi để lấy đất trồng cây ăn quả. Với số tiền gần 140 triệu đồng có được từ bán quế, anh đầu tư cải tạo lại khu vườn gần 6.000m2 chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, thanh trà, măng cụt, sầu riêng và chuối lùn. Hiện, 80 cây bưởi da xanh, 50 cây thanh trà, 30 măng cụt, 10 cây sầu riêng được 3 năm tuổi đang lên xanh tốt. Riêng 1.000 gốc chuối lùn, trong đó hơn 1/2 đã cho quả, mỗi tháng đem lại nguồn thu khoảng 7 triệu đồng. Theo kinh nghiệm của anh Hiền, để các loại cây trồng lên xanh tốt, bên cạnh việc thường xuyên cắt tỉa những nhánh cây thừa để cây tập trung dinh dưỡng nhanh phát triển, cần bón phân đầy đủ, tưới nước vào mùa nắng hạn.

Nhờ tận dụng nguồn phân chuồng sẵn có, rơm rạ mục ngoài đồng bón cho các loại cây trồng nên cây cối vườn đồi của anh phát triển rất nhanh, mới 3 năm tuổi nhưng một số loại cây đã lên cao lút đầu người. “Để có được khu vườn xanh tốt như thế này, vợ chồng tôi bỏ công sức chăm sóc, vun trồng. Theo tôi, trồng cây ăn quả chi phí đầu tư không cao, thu hoạch sản phẩm mang tính ổn định lâu dài, tạo cảnh quan môi trường sinh thái sạch đẹp, tạo không gian yên bình nơi làng quê”.

Ngoài việc trồng cây ăn quả, vợ chồng anh Hiền đầu tư trồng hơn 4ha keo lai và chăn thả 4 con bò nái sinh sản, mỗi năm thu gần 50 triệu đồng. Đồng thời tận dụng nguồn nước suối dưới chân núi gia đình anh chăn thả 200 con vịt đẻ trứng. Thức ăn chủ yếu của chúng là lúa, bắp, cám và rau các loại nên đàn vịt đẻ trứng đều, bình quân mỗi ngày khoảng 150 quả trứng, với giá bán 3.500 đồng/quả, mỗi tháng trừ chi phí, anh kiếm được khoảng 6 triệu đồng. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Hiền còn rất tận tình chia sẻ kinh nghiệm với nhiều hộ nông dân khác.

Thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm từ kinh tế vườn kết hợp với chăn nuôi, anh Hiền là một trong những nông dân ở địa phương biết tính toán làm ăn mà trở nên khá giả. Bà Trần Thị Hoa - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tiên Cẩm, nhận xét: “Mô hình trồng cây ăn quả của anh Nguyễn Văn Hiền bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Đây là mô hình mà bà con nông dân ở địa phương cần học hỏi kinh nghiệm để làm giàu từ mảnh đất quê”.

                                                      Nguyễn Hưng - Báo Quảng Nam