www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Về miền “vương quả loòng boong”

  Những ngày đầu đông, vào xứ Tiên Phước, Quảng Nam tôi có dịp được tận hưởng hương vị ngọt ngào của trái loòng boong và lắng nghe câu hò tâm tình, ý nhị: “Trái loòng boong trong tròn ngoài méo/Trái thầu dầu trong héo ngoài tươi /Em thương anh ít nói, ít cười/Ôm duyên ngồi đợi chín mười con trăng”… 

 Truyền thuyết về cây trái loòng boong 

Theo truyền thuyết dân gian kể rằng, ông vua sáng nghiệp triều Nguyễn, đời vua Gia Long Nguyễn Ánh (có truyền thuyết cho rằng nhân vật ấy không phải là Nguyễn Ánh mà là chúa Nguyễn Phúc Thuần) lúc còn lận đận gầy dựng cơ nghiệp, trong một lần bị nhà Tây Sơn rượt đuổi phải bỏ chạy vào vùng rừng núi hoang dã phía tây thuộc huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Đang cơn đói khát, gặp rừng loòng boong, cả quân lẫn chúa đều hái lấy trái mà ăn, cắt được cơn đói khát. 

Khi dựng được cơ nghiệp, vua Gia Long đã không quên hương vị thơm ngọt của thứ trái cây cứu “chúa” trong lúc nguy nan, bèn "ban" cho trái loòng boong xứ Quảng Nam cái tên đẹp là Nam Trân, tức quả quý như ngọc ở phương Nam. 

Còn theo chính sử triều Nguyễn, Nam Trân được tiến vua để giỗ Tết ở Hưng miếu, và để làm đồ ngự dụng (nôm na là để vua ăn). Đến năm 1805, đích thân Gia Long hạ lệnh "Vệ hạt Quảng Nam thường năm đến kỳ tháng 9 dự tính việc hái trái, chia làm 2 kỳ, đúng ngày đến kinh nộp để dâng mừng giỗ ở Hưng miếu". Triều Minh Mạng, năm 1830, quy định khá rõ ràng là mỗi kỳ trái chín phải tiến cống 6 giỏ. 

Suốt triều Nguyễn, mỗi triều vua đều có chỉ dụ của đương kim Hoàng đế về lệ này. Triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ đã có quy chế riêng đối với các khu rừng loòng boong. Mỗi khu vực đều có viên quan trông coi và có quyền huy động dân đinh địa phương ngày đêm thay phiên nhau canh giữ. Đến mùa trái chín, viên quan chọn lựa các chùm trái chín ngọt thơm ngon và đẹp nhất tiến về kinh để nhà vua thưởng thức. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, nay là Quảng Nam, cây loòng boong tập trung nhiều tại thượng nguồn sông Vu Gia, một nhánh của sông Thu Bồn. 

Lại tiếp có tương truyền khác rằng: Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, chúa Định Vương bị tướng Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc đánh chiếm Phú Xuân (Huế) đã bỏ chạy vào đất Quảng Nam rồi đặt con là Hoàng Tôn Vương làm Thái tử, xưng là Đông Cung để trấn giữ đất Quảng Nam. Sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại phải lánh vào rừng, giữa lúc đói mệt thì gặp được rừng cây loòng boong, bèn hái lấy trái, dùng móng tay bấm thử trước khi ăn. Thấy trái thơm ngọt lạ lùng và nhờ đó đã cứu được cơn đói, Chúa bèn đặt tên cho trái là "nam trân". Mãi cho đến ngày nay, trái loòng boong vẫn còn mang dấu bấm móng tay rất rõ ràng... 

Ngược dòng lịch sử về một thời gian xa xăm hơn, thì nhà Nguyễn cũng chỉ có công phát hiện thứ trái cây này, bởi, người Chămpa cổ đã biết thưởng thức hương vị đậm đà của loòng boong, nghĩa là trước các ông vua Nguyễn hàng mấy thế kỷ. Theo thư tịch cổ, ở thế kỷ XIII, dưới triều các vua Chămpa, đẳng cấp quý tộc Brahman thường bắt cư dân vùng tây Đại Lộc, Quảng Nam (kéo dài lên đến huyện núi Nam Giang ngày nay) cống nộp loòng boong. 

Về miền “vương quả” 

 
  Ông Nguyễn Chước trong vườn boòng bong.

Nếu như vùng rừng núi Đại Lộc, Quảng Nam là nơi được phát hiện ra loài trái cây “vua biết mặt, chúa biết tên” ngày xưa, thì ngày nay vùng Tiên Phước, Quảng Nam lại là vùng sản xuất chuyên canh loài trái cây này. 

Ông Nguyễn Chước, thôn Hội An, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, đưa chúng tôi thăm vườn cây trái boòng boong. Ông Chước đã ngoài 50 tuổi, nhưng khẳng định khi từ nhỏ ông đã thấy có cây trái loòng boong trong vườn. Lập gia đình, ông được chia tài sản với... 1.000 gốc cây loòng boong. Thế nhưng, vườn loòng boong “cổ thụ” nhất và số lượng lên đến vài ngàn cây tại thôn Hội An là của gia đình ông Nguyễn Bút. Mỗi năm gia đình ông Chước thu hoạch từ 6- 7 tấn trái cây. Theo thời giá thị trường bán tại vườn thì thu nhập trên 15 triệu đồng. 

Loòng boong góp phần tạo nên không gian làng nhà vườn cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Nhiều nông dân miền núi Quảng Nam trở nên khá giả nhờ di thực loòng boong về vườn nhà. Người dân ở xã Tiên Châu cho biết, loòng boong ở Tiên Phước là do người dân đã di thực loài cây hoang dã này về trồng mà gốc gác đều từ vùng Đại Lộc vào. Căn nguyên là tại các xã Tiên Phước, Tiên Cảnh có rất nhiều chi tộc họ vốn có gốc gác ở vùng đất Đại Lộc, vì cuộc sống mưu sinh và cả chiến tranh loạn lạc nên di cư vào Tiên Phước. Đến vùng đất mới họ đem theo cây loòng boong vào trồng.
 
“Thân phận” nổi trôi 

Loòng boong xứ Quảng thấm đẫm những truyền thuyết và vinh dự làm loài cây trái một thuở “dâng Vua, tiến Chúa”. Song, loài lâm thổ đặc sản này cũng trải qua bao thăng trầm. 

Trước năm 1987, thời kinh tế bao cấp tập trung, trái loòng boong được đưa vào diện quản lý, khai thác và thu mua. Từ những tầng nấc trong phân phối hàng hóa, cách trở trong thông thương đã làm cho trái loofng boong “bầm dập”, ít đến người tiêu dùng. 

Khi đến thời đổi mới, các rừng loòng boong được thả cửa tựa như của “chim trời, cá nước” người dân tự do khai thác, thu lợi. Những cánh rừng loòng boong ở Đại Lộc đi dần vào kiệt quệ. Những vườn loòng boong theo kinh tế hộ gia đình qua quá trình di thực về vườn nhà, trở thành loại cây góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân miền núi, đem lại một nguồn thu nhập kinh tế đáng kể cho người nông dân. Tuy nhiên, người sành ăn vẫn luôn hoài nhớ đến hương vị những trái loòng boong hoang dã ngoài rừng. 

Mấy năm trở lại đây, Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam bắt tay vào thực hiện một chương trình khoa học ứng dụng công nghệ gene để bảo tồn và nhân giống loại "vương quả" này. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Thành ở Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước, xu hướng chính nông dân vẫn lựa chọn nguồn loòng boong giống cây trồng từ... Thái Lan(?!).

                                                              Triệu Nam Phương - Báo Đà Nẵng