www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Trót mang cái nghiệp ở đời

 Với một cô gái trẻ, việc học và theo bộ môn nghệ thuật truyền thống có phần khô khan như tuồng quả là điều không dễ. Ấy vậy mà chị Nguyễn Thị Bích Phượng (ảnh) gắn bó với tuồng hơn 20 năm qua. Hiện chị là diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

       Năm Phượng 13 tuổi, Đoàn tuồng về diễn tại quê chị - vùng đất Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) kết hợp tuyển diễn viên. Lúc ấy, cô bé 13 tuổi ngây ngô mon men ra thử giọng và lọt vào “mắt xanh” của các cô chú trong đoàn. Cái tuổi 13 còn quá non dại để Phượng quyết định nghề nghiệp cho cuộc đời mình. Thế mà không biết trời xui đất khiến thế nào chị lại theo đoàn để đến bây giờ trở thành một trong những “gương mặt vàng” của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

      13 tuổi, Phượng rời xa gia đình để bắt đầu cuộc sống tự lập nơi đất khách quê người. Từ đó đến nay là 21 năm nhưng chưa khi nào chị được ăn Tết cùng với gia đình, bởi Tết luôn là thời gian hoạt động nhiều nhất của đoàn. Hồi ấy, làng chị có tới 15 người được đoàn tuồng tuyển, đến bây giờ chỉ 3 người trụ lại.

      Ra Đà Nẵng, chị được đào tạo tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng. Từ năm 1997 đến nay, chị về công tác tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Dù thuộc lớp diễn viên khá trẻ của Nhà hát nhưng số lượng huy chương, giải thưởng chị mang về từ các cuộc thi toàn quốc và khu vực khiến ai cũng nể phục.

       Bạn bè mỗi lần thấy chị Phượng là trêu, mới thấy bóng dáng từ xa đã “Ứ... ừ... ư...” (nhại điệu tuồng). Chị bảo: “Tuồng đã thấm vào người mình rồi, giờ muốn bỏ cũng không bỏ được!”.

     Điều may mắn nhất của chị có lẽ là được học với những người thầy, người cô cực kỳ tâm huyết và yêu nghề. Một phần chính nhờ các thầy cô mà ngọn lửa yêu nghề chưa bao giờ tắt trong chị. Đến bây giờ, khi đã là bà mẹ của hai đứa con nhỏ, đến cả ru con hay ở nhà làm bất cứ việc gì chị cũng hát tuồng. Với chị, tuồng như máu thịt nuôi sống tâm hồn, không thể thiếu được.

      Suốt mấy chục năm theo nghề, có lúc chị cũng chạnh lòng cho cái nghề của mình giữa dòng chảy của cuộc sống đô thị xô bồ hiện nay. “Hồi trước, mỗi lần diễn tuồng, khán giả tới xem đông đen, ngày nào cũng đi diễn, sống với sân khấu nhiều hơn ở nhà. Còn bây giờ chuyện diễn viên nhiều hơn khán giả hay chỉ lèo tèo vài người xem là chuyện thường với anh chị em Nhà hát. “Tuồng rất kén khán giả, phải yêu và hiểu tuồng thì mới có thể xem tuồng. Nhưng nói gì thì nói, cứ khi nào được diễn tuồng thì mình thấy vui rồi, không cần nghĩ đến chuyện diễn xa gần gì cả”, chị Phượng bộc bạch.

 

                                                              Nguyễn Thị Bích Phượng

 

     Rồi chị kể cho tôi nghe, Tết vừa rồi Nhà hát ra Huế biểu diễn cho bà con xem. Người xem đông như đi trẩy hội, chị diễn một lèo suốt 3,5 tiếng đồng hồ mà thấy vẫn còn sung lắm, có thể diễn thêm mấy cũng được. Mấy anh chị em Nhà hát bảo nhau: “Ở Đà Nẵng mình mà có khán giả được như thế này thì thích biết mấy”.

      Khi được hỏi chế độ dành cho diễn viên như vậy có đủ sống không, chị Phượng chỉ cười trừ: “Biết mấy để gọi là đủ, mấy thì gọi là không”. Hiện tại, theo chế độ Nhà nước quy định, mỗi đêm diễn, diễn viên chính được 50.000 đồng, diễn viên phụ được 30.000 đồng. Cũng có lúc cuộc sống chị rơi vào ngặt nghèo nhưng rồi chị lại tìm về lời ca tiếng hát của tuồng để tìm niềm vui sống.     

     Với bề dày thành tích là vậy nhưng chị luôn tự nhận mình vẫn còn kém lắm. Chị Phượng nói: “Diễn nhiều là vậy nhưng thỉnh thoảng lên sân khấu mình vẫn còn run. Giọng một đường, nhạc một nẻo, cảm xúc lẫn lộn. Làm diễn viên, càng đứng trên sân khấu nhiều thì kinh nghiệm biểu diễn mới vững vàng được. Nhiều người học trong trường thì rất giỏi nhưng khi biểu diễn lại không được, không hay như lúc tập. Vì vậy, có cơ hội biểu diễn mình phải chộp lấy để rèn luyện kinh nghiệm cho bản thân”.

       Trong buổi trò chuyện, thỉnh thoảng chị Phượng than với tôi: “Diễn tuồng bây giờ khó lắm!”. Thế nhưng, hỏi chị có khi nào có ý định bỏ tuồng chưa, chị khẳng định: “Chưa bao giờ! Dù khổ có cực thì cũng là cái duyên cái nghiệp của cuộc đời mình rồi dứt ra sao đành. Tôi chỉ mong tình yêu với tuồng của mình ngày càng dạt dào để có thêm nhiều vai diễn hay, có nhiều tìm tòi, sáng tạo. Nghề nào cũng vậy, không đổ mồ hôi thì không thể thành công”.

Diễn viên Nguyễn Thị Bích Phượng

- Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 2003 tại Đà Nẵng.

- Giải Tài năng trẻ triển vọng cuộc thi Tài năng trẻ chuyên nghiệp toàn quốc năm 2003 ở Hà Nội.

- Huy chương Vàng Hội thi Tài năng trẻ chuyên nghiệp toàn quốc năm 2007 tại Nam Định.

- Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 2010 tại Đà Nẵng.

- Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2011 tại Quy Nhơn.

- Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu năm 2011 và nhiều thành tích khác.

                                                                                                                            

                                                                                       Bình An - Báo Đà Nẵng