www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Trường Tiểu học Tiên Cẩm với mô hình "Quản lý HS ở lại trường buổi trưa"

 Dạy học 2 buổi/ngày ở cấp Tiểu học đã được Bộ Giáo dục và đào tạo triển khai từ năm học 2000-2001, đây là chủ trương đúng đắn, đáp ứng sự phát triển của nền giáo dục nước nhà trong thời kỳ mới, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu về chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình và xã hội, đồng thời giải quyết vấn đề quá tải trong chương trình giảng dạy hiện nay.

               Nội dung dạy 2 buổi/ngày gồm toàn bộ nội dung của dạy học 1 buổi/ngày và tăng cường thêm một số nội dung khác như thực hành kiến thức đã học; phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh năng khiếu; dạy học các môn tự chọn; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; hình thành và tăng cường kỹ năng sống cho học sinh.
        Trong những năm qua, ngành giáo dục Tiên Phước đã từng bước tháo gỡ những khó khăn, tăng dần số trường, số lớp học 2 buổi/ngày. Năm học 2013-2014, ở cấp Tiểu học, toàn huyện có 15 trường Tiểu học và trường Tiểu học - Trung học cơ sở Trần Quốc Toản tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đạt tỉ lệ 100% số trường thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, trong 16 trường đó, chỉ có duy nhất trường Tiểu học Kim Đồng (Tiên Kỳ) là tổ chức được mô hình bán trú cho học sinh. Các trường còn lại do còn nhiều khó khăn nên chưa thể tổ chức được. Vì vậy, việc quản lý học sinh buổi trưa ở những trường này còn khá nhiều bất cập (do ở xa trường nên nhiều học sinh buổi trưa phải ở lại trường để tiếp tục học buổi chiều).

 


       Trước đây, theo dõi tại trường Tiểu học Tiên Cẩm, thấy rằng: học sinh ăn bữa trưa không đảm bảo vệ sinh; các em không có nơi nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe cho các tiết học buổi chiều; nhiều em đi lang thang ngoài đường rất dễ xảy ra tai nạn giao thông; đó là chưa kể đến những trò nghịch ngợm khác mà hậu quả thì khó lường. Tuy chưa xảy ra điều gì nhưng cứ tiếp diễn tình trạng như vậy thì chắc chắc phụ huynh sẽ không yên lòng.  

        Xuất phát từ thực tế, đầu năm học 2012 – 2013, cô giáo Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng trường Tiểu học Tiên Cẩm và đồng nghiệp đã áp dụng đề tài sáng kiến kinh nghiệm “Một số biện pháp nhằm quản lý tốt học sinh ở lại buổi trưa – lớp học 2 buổi/ngày”. Trước tiên, nhà trường tiến hành khảo sát thực tế các điều kiện cần thiết để tổ chức cho các em ở lại trưa tại trường như nơi ngủ, nghỉ, ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh; khảo sát số lượng học sinh ở xa phải ở lại trưa là bao nhiêu em…

      Sau khi khảo sát thực tế, nhà trường tiến hành xây dựng kế hoạch và bàn bạc với phụ huynh học sinh. Phụ huynh thống nhất nộp tiền đóng 8 cái sạp, mua chiếu để ở phòng đa năng cho các em nghỉ trưa tại đó. Các vật dụng khác như gối, chăn, khăn phụ huynh tự mua sắm mang đến và được nhà trường ghi tên cụ thể cho từng em. Bên cạnh đó, nhà trường cho tu sửa lại hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống quạt, nước sạch để đảm bảo cho các em sinh hoạt, nghỉ ngơi và vệ sinh trong buổi trưa. Về khẩu phần ăn, phụ huynh tự lo cho con em (có em đem theo từ sáng, có em đến giờ ăn thì phụ huynh mang tới). Nhà trường bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên trực để theo dõi và lo cho các em ăn uống, ngủ nghỉ theo quy định chung của nhà trường.

 

     

         Để thực hiện công việc này có hiệu quả, nhà trường có kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, nhân viên. Công việc chính là hướng dẫn, nhắc nhở các em ăn hết khẩu phần ăn của mình; hướng dẫn cho các em rửa tay, rửa mặt, hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn; hướng dẫn các em một số việc như: kê sạp ngủ, sắp gối ngủ, vệ sinh sau khi ngủ dậy… Sau khi ăn xong, nhà trường tổ chức cho các em đọc sách báo, xem chương trình dành cho thiếu nhi, chơi cờ vua, cờ tướng tại thư viện thân thiện của nhà trường (khoảng 20 phút), sau đó cho các em đi ngủ.
        Sau hơn một năm thử nghiệm mô hình này, trường Tiểu học Tiên Cẩm đã thu được những kết quả khả quan, được đồng nghiệp và đông đảo phụ huynh đồng tình ủng hộ. Kết quả cho thấy, các em duy trì tốt việc đi học cả ngày, không có học sinh ốm đau bỏ học hay đi học muộn. Phụ huynh đỡ vất vả hơn trong việc đưa đón con em. Việc ở lại trường buổi trưa đã tạo cho 40 học sinh ở xa có được thói quen ăn, ngủ, nghỉ ngơi, sinh hoạt đi vào nề nếp. Đồng thời, qua đó cũng đã hình thành cho các em những kỹ năng sống như: tự chăm sóc bản thân, tự ăn, ngủ, biết cách giữ gìn sức khỏe, biết vui chơi, giải trí an toàn và bổ ích… Có thời gian ngủ, nghỉ ngơi đảm bảo, do đó em nào cũng tăng cân, sức khỏe tốt.

 


       Năm học 2013 – 2014, trên cơ sở những kết quả đạt được của năm học trước, cùng với sự đồng lòng của tập thể nhà trường và sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo phụ huynh, trường Tiểu học Tiên Cẩm tiếp tục nhân rộng mô hình “Quản lý học sinh ở lại trưa” với số lượng học sinh đăng ký ở lại đông hơn, cơ sở vật chất được đầu tư nhiều hơn. Cũng xin nói thêm rằng, trường Tiểu học Tiên Cẩm là một trong hai trường của huyện Tiên Phước được chọn thí điểm chương trình dạy và học theo mô hình trường học Việt Nam kiểu mới (VNEN).

        Trong khi chờ đợi một giải pháp tốt hơn, “Quản lý học sinh ở lại trường buổi trưa” của trường Tiểu học Tiên Cẩm là một mô hình khá hiệu quả trong thời điểm hiện tại.  
     

                                               Đoàn Kim Lam - Trường TH Tiên Cẩm