www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Trường hát tuồng xưa ở vùng trung du Tiên Phước - Quảng Nam

Lời BBT: ngoài truyền thống lịch sử lâu đời, Tiên Phước còn là cái nôi của nền văn hóa nghệ thuật tuồng. Ban Biên Tập donghuongtienphuoc.com chúng tôi vừa nhận được một email bài viết về "Trường hát tuồng xưa ở vùng trung du Tiên Phước" của nhà báo Tôn Thất Hướng. Đây là một tư liệu rất quí và có ý nghĩa cho quê hương, bài viết này đã đạt giải thưởng của Hội Văn Nghệ Dân Gian. Nhà báo Tôn Thất Hướng nguyên quán tại xã Tiên Kỳ, hiện đang công tác tại Sở Văn Hóa - Thể Thao - Du Lịch Quảng Nam. Ban Biên Tập chúng tôi xin đăng bài viết này để quí đồng hương hiểu thêm về truyền thống nghệ thuật tuồng cũng như những đóng góp của các nghệ nhân ở Tiên Phước. (Những bài viết hay hoặc những tư liệu quí về quê hương Tiên Phước, mong quí đồng hương tiếp tục gửi về BBT chúng tôi theo địa chỉ email contact@donghuongtienphuoc.com, chúng tôi sẽ chọn lọc và lần lượt đăng lên cho độc giả đồng hương được đọc và chia sẻ).

        

        Lâu nay, khi đề cập đến tuồng Quảng Nam, người ta chỉ biết đến 2 vùng tuồng nổi tiếng là Đức Giáo ( Quế Sơn) và khánh Thọ (Phú Ninh). Tuy nhiên, có một vùng tuồng ở huyện Tiên Phước đã tồn tại 150 năm từ đời Minh Mạng, Thiệu Trị cho đến kháng chiến chống Pháp 1954 với những nét đặc thù riêng biệt so với các vùng khác đó là sự hình thành các trường hát tuồng nghệ thuật.

     Thế kỷ XIX, Tiên Phước thuộc huyện Hà Đông (sau nâng thành phủ Tam Kỳ). Là vùng trung chuyển giữa miền xuôi và miền ngược, nhiều người buôn bán giao lưu trao đổi hàng hóa lâm thổ sản nên nhu cầu thưởng thức nghệ thuật tuồng ở nơi này rất cao. Khoảng năm 1860, một số gánh hát từ Tam Kỳ, Điện Bàn kết hợp với một số nghệ nhân trong huyện hình thành gánh tuồng đầu tiên ở huyện, đồng thời các gánh hát ngoài huyện lên biểu diễn làng Bình An và vùng lân cận như Trung Sơn, Phú Mỹ thường ở lại lâu hơn trước vì người hâm mộ tuồng rất đông. Các gánh hát ở trọ nhà tư nhân, diễn lưu động phụ thuộc vào thời tiết. Tuy nhiên, người khai sinh vùng tuồng Tiên Phước là Nhưng Tựu, quê làng Phú Mỹ (nay thuộc xã Tiên Mỹ), sinh năm Minh Mạng nguyên niên (1820), từ nhỏ đã ham nghệ thuật. Vào đời Tự Đức, ông tiếp nhận gánh hát từ Huyện Hồ (tức Hồ Thiều) tri huyện Hà Đông (sau thời Nguyễn Hiển Dĩnh làm tri huyện lần thứ nhất). Huyện Hồ là người có uy tín trong giới nghệ sĩ tuồng, đã lập một gánh hát ở Khánh Thọ. Khi về làm tri phủ Hà Đông lần thứ hai, Nguyễn Hiển Dĩnh tiếp tục cho thu thập nhiều nghệ nhân giỏi tuồng, nghiên cứu diễn xuất đóng các vai mẫu và tập hát cho lính lệ ở huyện, vì vậy thời này trong nhân dân lưu truyền câu đối: “Nguyễn Dĩnh trùng lai thiên hữu nhãn. Hồ Thiều bất khứ địa vô mao” (Tạm dịch: Nguyễn Dĩnh trở lại đây trời có mắt. Hồ Thiều đi khỏi đây thì đất không còn cỏ)

          

                            Một gánh hát bội hồi xưa

Cùng thời với Nhưng Tựu (Tiên Phước) còn có nhiều nghệ nhân nổi tiếng như Nhưng Loan (Tài Đa nay thuộc xã Tiên Phong), Nhưng Đắc (tên thật là Đặng Đắc) còn gọi là Nhưng Liểu (Tích Phước nay thuộc xã Tiên Lộc), Cai Nghi - Cha Cửu Vị (Trung Sơn nay thuộc Tiên Cảnh)... trong đó có vài người đã đứng ra lập các gánh hát trong huyện dưới thời Tự Đức. Nhưng nổi bật nhất là gánh Nhưng Tựu và Nhưng Loan ở Tiên Phong. Nhưng Tựu làm bầu, Nhưng Loan làm thầy tuồng kiêm kép chính. Có lần gánh được vua Tự Đức mời ra kinh đô Huế để diễn tại Duyệt Thị Đường, Nhưng Tựu cáng đi trước, các con hát đi bộ theo sau; cũng lần ấy triều đình phong cho ông Tựu và ông Loan tước phẩm của nghệ thuật là “Nhưng” sau tước Chánh và Phó. Sau này, ông Tựu định tham gia vào hội đồng hào mục trong xã, nhưng có bọn cường hào ganh ghét phát đơn kiện cho rằng ông là “xướng ca vô loài” thì không thể giữ chức sắc, bực mình ông không tham gia nữa. Với sự đóng góp lớn lao cho nghệ thuật và tính cách sống giản dị, chân thật, người dân Phú Mỹ rất quý trọng hai ông, khi Nhưng Tựu mất, đám tang kéo dài 7 ngày liền mà vẫn rất đông người dân đến viếng.

                           Gánh hát bội đi biểu diễn ở miền quê

Tiếp nối thế hệ nghệ nhân tuồng đi trước, sau này cùng thời với Nguyễn Hiển Dĩnh (1853-1926), ở Tiên Phước tiếp tục xuất hiện những nghệ nhân tuồng như Nhưng Bích (Phú Mỹ), Nhưng Đa (Tích Phước), Cửu Vị (Trung Sơn). Cửu Vị quê ở Tam Kỳ, thuộc dòng tuồng Khánh Thọ, Tam Thái; sau khi gánh tuồng Khánh Thọ chia đôi, một nữa do Cửu Vị dẫn lên sống ở Tiên Phước. Nhưng Bích là cháu Nhưng Tựu, sau này lập gánh hát ở xứ Đồng Cát trong làng, tuy còn quy mô nhỏ, chủ yếu là để gánh hát tập dượt, đôi khi có biểu diễn. Năm 1920, dưới triều Khải Định, huyện Tiên Phước tách ra khỏi Hà Đông thì hoạt động tuồng nơi đây đã được định hình và sôi nổi hơn. Đặc biệt, Tiên Phước có 3 trường hát tuồng là Trường Tranh ở Tiên Kỳ, Trường Đồng Cát ở Tiên Mỹ và Trường Chú Bổn ở Tích Phước. Các trường hát ra đời đánh dấu sự phát triển của nghệ thuật tuồng Quảng Nam, từ các gánh hát diễn lưu động (tuồng sân) được nâng lên diễn cố định (tuồng rạp) với cách thức tổ chức quy mô hơn, doanh thu tài chính cao hơn, chế độ diễn viên từ thu nhập hợp đồng theo xuất diễn nay chuyển sang trả lương hàng tháng vì có bán vé.

Nếu gánh tuồng nào đến thuê rạp để diễn trong một thời gian thì tiền bán vé do gánh hát thu, trả tiền thuê rạp cho chủ trường hát. Năm 1925, ở Tiên Kỳ, một số gia đình khá giả có truyền thống và say mê hát tuồng đang chứa các gánh hát như ông Níu (tên thật là Nguyễn Văn Vĩnh, người làng Phú Mỹ), cùng với các ông Đội Nhất, ông Tuệ, ông Bảy Nhược đã bàn bạc và quyết định chung vốn thành lập một trường hát. Gia đình ông Níu vốn có truyền thống hát tuồng lâu đời, mọi người trong nhà đều mê hát. Ông là người chịu trách nhiệm chủ chính, gắn bó với trường hát này cho đến năm 1945 và còn là người viết kịch bản tuồng. Trường hát được xây dựng trên một khoảng đất rộng tương đối bằng phẳng giữa ngã ba chợ Tiên Kỳ. Cả ba mặt đều sát với trục đường. Cách cổng chính hơn trăm mét là cầu ngầm sông Tiên luôn tấp nập thuyền bè và người qua lại. Trường hát lợp mái tranh, vách thưng (nên còn gọi là Trường Tranh), hình dáng giống như một ngôi nhà tranh lớn, xung quanh có trang trí rực rỡ. Trong rạp có kệ ngồi đánh theo số thứ tự, hàng ghế sau cao hơn ghế trước, chứa được 300 đến 400 người. Sân khấu tương đối rộng, cao, có phông màn kéo, gần với sân khấu có kê mấy cái ghế dành riêng cho khách mời và người đánh trống chầu.

             

                                    Nghệ nhân tuồng biểu diễn

Ban đầu, các gánh hát ở Tam Kỳ, Điện Bàn, Hội An và kể cả tỉnh Bình Định lên thuê trường hát, các nghệ nhân như Phó Phẩm, ấm Diêu, ông Điền, cô Quế... lên biểu diễn, về sau một số người đã ở lại sinh sống cùng với một số nghệ nhân địa phương tham gia luôn trong trường hát. Trường Tranh có nhiều nghệ nhân xuất sắc như: Nhưng Bích, Nhưng Đa, Nhưng Thọ, ông Điền, ông Năm Thiều, ông Thỏa, ông Biền, cô Quế... Trong đó Nhưng Đa (con Nhưng Liểu) sắm vai kép rất hay, ông Điền sắm tuồng, còn cô Quế là đào chính. Cô Quế người Tam Kỳ là diễn viên nữ đầu tiên của trường hát, ban ngày trông xấu, mắt bị lé, nhưng khi hóa trang diễn trên sân khấu lại hết sức lộng lẫy, hát và diễn xuất rất hay. Trường Tranh thường diễn các vở tuồng cổ như Mạnh Lệ Quân, Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Ngũ Hổ... có vở tuồng như Tam Quốc biểu diễn kéo dài nhiều đêm liền, khán giả rất ưa thích. Ngoài các vở tuồng cổ, trường hát còn diễn một số vở tuồng cải biên hoặc sáng tác ngay trong vùng, đó là vở tuồng Chánh Tố. Vở tuồng này do ông Lê Phỉ, người An Sơn (nay thuộc Tiên Cảnh), là người thâm nho, am hiểu, say mê hát tuồng, sáng tác. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, chủ chính trường hát, là người góp ý và dàn dựng. Chánh Tố là một nhân vật có thật ở làng Tiên Giang, xã Thanh Bôi, huyện Tiên Phước. Câu chuyện có thật này đã lan ra khắp mấy vùng Tiên Mỹ, Tiên Kỳ, Tiên Cảnh vào năm 1935, sau đó được ông Lê Phỉ viết thành vở tuồng. Mãi đến năm 1941, khi Chánh Tố mất, mới đưa ra dàn dựng biểu diễn.

    

                       Nghệ nhân tuồng biểu diễn cho quan khách xem hồi xưa

Vở tuồng gần như giữ nguyên mọi sự việc, nhân danh, địa danh, tóm tắt như sau: Ở làng Đào An xảy ra một vụ mất trộm bò, tuần canh phát hiện ra đuổi theo nhưng kẻ trộm đã để bò lại và tẩu thoát. Tuần canh báo với lý trưởng Đào An, nghi ngờ kẻ trộm có thể trốn trong nhà Thợ Tạo nên lý trưởng sai lính lệ bao vây nhà Thợ Tạo và sai lính cấp báo với chánh tổng Tiên Giang. Được tin, Chánh Tố hết sức giận dữ, sai lính đưa trát đồi đóng gông cả làng từ dân đen cho đến lý trưởng, vì luôn để mất trộm mà không bắt được. Lý trưởng và cả làng Đào An hết sức phẫn nộ, liền phản ứng, trói tên đưa thư, vừa xuống cấp báo với chánh cựu là Chánh Sưu ở Long Sơn, nhờ ông làm quân sư để làng kiện Chánh Tố. Sau một thời gian kiện cáo om sòm, Chánh Tố phải làm ngơ không thực hiện được lệnh. Vở tuồng phản ảnh hết sức trung thực cuộc sống của nhân dân Tiên Phước, tố cáo bọn quan lại phong kiến cậy quyền, cậy thế ức hiếp dân lành. Tiếc rằng hiện nay vở tuồng bị thất lạc, các cụ cao tuổi chỉ nhớ một số đoạn.

Chánh Tố xưng danh:

Non ở chung tú khí

Dốc Miếu dục anh linh

Dậy oai phong cả tổng đều kinh

Tác nhan sắc cả làng thấy rúng

Tiên Giang tức chịu

Mỗ Hiệu xưng:

Lý Tố Thanh Bôi

Phước nhà anh nữa chục con trai

Quyền làm lớn bốn mươi hai xã

Lời lý trưởng khi nhận được trát của Chánh Tố:

Gia giang, gia giang

Sử gia giang, sử hữu khả bằng

Đa tùng dịch thề chi vô kỷ

Bớ Lâm, bớ Mãn

Con thượng dù ô

Thẳng tới Long Sơn

Tương tư nhạn trình qua Chánh cựu…

Khi diễn vở Chánh Tố, cả một vùng Tiên Phước như được khuấy động lên. Trường hát Tiên Kỳ diễn 3 đêm mà người xem lúc nào cũng đông chật cả trường. Đây là vở tuồng có số lượng người xem kỷ lục nhất ở trường hát này. Một sự kiện nổi bật là vào năm 1938, nhân dịp Lễ khánh niệm 2/5 âm lịch (ngày vua Gia Long lên ngôi), kết hợp với việc khánh thành trường tiểu học đầu tiên của huyện Tiên Phước, tri huyện Lâm Vũ cho đóng ghe dưới sông Tiên (gần cầu ngầm Tiên Kỳ hiện nay) mời nghệ sĩ Trường Tranh diễn tuồng. Các ghe được ghép với nhau thành sân khấu nổi, người đi xem đông nghịt hai bên bờ. Hôm ấy diễn vở Triệu Tử Long đoạt ấu chúa, ngoài ra còn có một số trích đoạn của các gánh tuồng khác. Ông Điền sắm vai Triệu Tử Long, cô Quế sắm vai chúa. Nhiều người còn nhớ lại rằng lúc ấy cô Quế trông rất đẹp, diễn xuất nhiệt tình và rất xuất sắc. Khi vở tuồng diễn đến cảnh đánh nhau thì trên bờ ngựa phi rầm rập, tung mù bụi cát, người hò la dữ dội như đang đánh nhau thật trên chiến trường.

                      

                                            Nghệ nhân tuồng nữ

Ngay tối hôm cô Quế bị bệnh nặng rồi mất, dân cả vùng Tiên Phước xót xa thương tiếc mãi. Cùng với đội ngũ các thầy tuồng và diễn viên đông đảo. Trường Tranh Tiên Kỳ còn có một đội nhạc tuy thô sơ nhưng rất tích cực, suốt 15 năm tồn tại, dàn nhạc có mấy nhạc công khá nổi tiếng như ông nhạc Ba (còn gọi là ông Lót, người Phú Mỹ) chuyên đánh trống, ông Bảy Hoàng chuyên thổi kèn. Đặc biệt có 3 nhạc công rất hợp nhau khi chơi nhạc là Bảy Phúc (trống), Tám Túc (đờn cò), Ba Hữu (kèn). Ông Bảy Phúc (tên thật là Bùi Phi Anh, người Tam Kỳ) và ông Tám Túc (tên thật là Bùi Túc) là hai anh em ruột, có thể đổi vị trí chơi nhạc khi cần thiết; còn ông Ba Hữu là con của một gia đình khá giả, vì quá say mê nên sau khi cha mẹ mất đã bán hết gia sản để theo nghề học kèn, ngoài việc chơi kèn trong trường hát ông còn đi thổi các đám ma, nghi lễ.

Trường Tranh Tiên Kỳ còn tổ chức một lớp đồng ấu do những nghệ nhân giỏi dạy, thường thường các nghệ nhân dạy cho bọn trẻ những vai trong từng vở tuồng. Họ dạy từng lời, điệu hát và tất cả các cử chỉ, hành động và các miếng tuồng. Diễn viên Trường Tranh khi ra sân khấu chỉ hóa trang bằng phấn và mực chứ không đeo mặt nạ. Quần áo và son phấn đều thuộc riêng mỗi người, trước khi diễn họ tự hóa trang và chọn trang phục thích hợp. Trường Tranh Tiên Kỳ tổ chức hát liên tục các tối. Vé bán có hai loại: vé hạng nhất 5 xu và vé hạng nhì 3 xu. Người xem đủ loại như quan chức, huyện, lý, người buôn bán trú chân..., nhưng nhiều nhất là dân hâm mộ ở xung quanh vùng, nhất là thời đó thanh niên rất mê hát. Với điều kiện thuận lợi đó, Trường Tranh Tiên Kỳ hoạt động liên tục, sôi nổi từ 1930 đến năm 1943 thì ngưng hoạt động do biến động xã hội, chiến tranh Nhật - Pháp nổ ra, người qua lại nơi đây ít hơn, thế hệ nghệ nhân danh tiếng mất lần, lớp đồng ấu không còn giữ được hưng thịnh như trước, chỉ còn một số ít nghệ nhân xoay chung quanh ông Nhưng Thọ (Tiên Cảnh).

Sau khi Trường Tranh Tiên Kỳ ra đời, thì tại làng Tích Phước (nay thuộc xã Tiên Lộc, cách huyện lỵ vài cây số) thành lập trường hát khá quy mô. Từ những năm 1930, Tích Phước là một nơi buôn bán lâm thổ sản và nghề thủ công kẹp quế Trà My mang về, vì vậy có một số cộng đồng người Hoa lên lập nghiệp buôn bán. Hơn nữa, Tích Phước vốn có truyền thống tuồng, các nghệ nhân như Nhưng Thảo, Nhưng Ất, Sáu Vú là những hạt nhân đã biểu diễn trước đó, đến năm 1935, Chú Bổn - một nguời Hoa lên lập nghiệp đứng ra thành lập trường hát vì thế người dân quen gọi là Trường Chú Bổn. Xung quanh việc Chú Bổn lập trường hát tuồng có rất nhiều giai thoại rất lãng mạn. Theo nhiều người ở Tích Phước thì Chú Bổn là thương nhân giàu có và đặc biệt rất ham mê tuồng. Nhiều lần lên Tiên Kỳ xem hát, Chú “đâm mê” cô đào Quế - đào chánh của gánh hát ông Níu. Sau vì quá si tình nên Chú quyết dựng ở Tích Phước một trường hát giống như Trường Tranh để mời cô Quế về diễn.

Chắc chắn là cô Quế không về ở hẳn nhưng thỉnh thoảng vì nể tình nên cũng đến diễn đôi lần. Đến khi cô Quế mất (1938), trường hát Chú Bổn ngừng diễn một thời gian cho đến năm 1941 thì mới khôi phục lại và hoạt động đến năm 1944 thì tan hẳn. Trường Chú Bổn là nơi có nhiều gánh hát về diễn nhất, cả gánh của cụ Nguyễn Hiển Dĩnh (hay học trò cụ ?), hoặc gánh ông Tùng, bà Liễu cũng đã từng về đây. Đến những năm 1960, ngay trên nền cũ của trường hát vẫn còn nhiều gánh về diễn. Là nơi vốn có truyền thống nghệ thuật tuồng, sau năm 1975, ở xã Tiên Lộc (Tích Phước) có ông Nguyễn Văn Lân thành lập đội tuồng đi diễn nhiều nơi từ Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Tiếc rằng đến năm 1987, do không có tiền nuôi dưỡng đội tuồng, ông Lân bán đi một chỉ vàng cũng chỉ đủ nuôi đội tuồng dăm ba tháng, sau đó ông bỏ lên Trà My đãi vàng với hy vọng kiếm được hai chỉ để về tiếp tục nuôi đội tuồng. Đãi vàng mấy tháng mà không đạt kết quả, ông Lân buồn chí và quá yêu nghệ tuồng nên đã về Tiên Lộc uống thuốc trừ sâu tự tử năm 1988, từ đó đội tuồng Tiên Lộc bị đứt gánh.

                         Nhóm hát bội biểu diễn  ở cung đình

Ngoài hai trường hát Tiên Kỳ và Tích Phước, ở Phú Mỹ Tây (nay thuộc xã Tiên Mỹ) còn có một trường hát nhỏ hơn, dân trong vùng gọi là Trường Đồng Cát vì nó được xây dựng trên một bãi cát tương đối rộng, thuộc vườn nhà ông Nhưng Bích là chủ trường hát này. Nhưng Bích là cháu gọi Nhưng Tựu bằng chú ruột, gia đình Nhưng Tựu thuộc hạng giàu có, mê hát đã từng nuôi gánh hát Huyện Hồ ở Tam Kỳ lên. Nhưng Bích là thế hệ kế cận đã tiếp thu gánh hát của Nhưng Tựu để dựng thành gánh riêng của mình hoạt động từ đầu thế kỷ XX đến những năm 1930. Nhưng Bích vốn hỏng một mắt, cằm không râu, giọng hát không được hay lắm nhưng rất ham tuồng và có tài tổ chức. Ông thường sắm vai tướng và diễn đạt nhất trong vai Lê Tử Trình (vở Sơn Hậu). Tuy gọi là Trường nhưng thực ra đó chỉ là bãi đất được rào sơ sài, sân khấu đắp bằng đất ở góc bãi, thỉnh thoảng Nhưng Bích tổ chức diễn một vài đêm. Khoảng năm 1936, Nhưng Bích qua đời để lại gánh cho ông Ngọ là con trai trưởng. Năm 1947, ông Ngọ mất để lại gánh hát cho Nhưng Thọ là con rể hoạt động một thời gian ngắn nhưng do chiến tranh cũng tan rã.

                  Nhóm hát bội sau giờ biểu diễn hồi xưa

Là vùng đất trung du bán sơn địa, Tiên Phước từ xa xưa đã có hoạt động tuồng nổi tiếng qua gần hai thế kỷ hoạt động. Tiên Phước là huyện duy nhất trước năm 1945 có trường hát, dựng vở diễn hiện đại mà các nơi khác trong tỉnh không làm được. Điều đó chứng tỏ rằng, Tiên Phước đã đóng góp không nhỏ trong lịch sử hình thành và phát triển nghệ thuật tuồng Quảng Nam. Với truyền thống đó, năm 1967 giữa cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, tại Tiên Lãnh, Đoàn tuồng giải phóng Quảng Nam được thành lập, là tiền thân của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng hiện nay. Tiếc rằng hiện nay do điều kiện khách quan, tuồng Tiên Phước đã biến mất, các nghệ nhân cao tuổi như bà Sáu Châu, Nguyễn Đình Lê, Nguyễn Tế, Võ Kỳ Tài, Ngô Thị Hương... lần lượt qua đời, tại địa phương không còn thế hệ tiếp nối truyền thống nghệ thuật quý báu mà cha ông xưa đã xây dựng với biết bao thăng trầm, gian nan, khốn khó. Ngày nay, nếu có dịp xin hãy làm một việc gì đó, dù nhỏ, để ghi nhớ truyền thống nghệ thuật tuồng cũng như những đóng góp của các nghệ nhân ở Tiên Phước, tôn vinh vùng đất và con người vùng quê trung du này, tuy có nghèo về vật chất nhưng rất giàu có về văn hóa tinh thần.

Tôn Thất Hướng