www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tinh túy sản vật quê hương

Sau khoảng thời gian vừa học vừa nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, Võ Duy Nghĩa (sinh năm 1989, thôn Tú An, xã Tiên Hà, Tiên Phước) quyết định đầu tư chế biến, đưa sản vật quê hương đến với người tiêu dùng. Sản phẩm tinh dầu các loại của Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước dù chưa chính thức khai trương nhưng đã đến được với thị trường, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Về quê lập nghiệp

Bôn ba cùng nhóm bạn làm du lịch qua nhiều miền đất nước rồi đến lúc cũng phải làm gì đó cho riêng mình, nghĩ như vậy nên Nghĩa bắt đầu về quê tìm hiểu vùng nguyên liệu để xây dựng Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước. “Nông dược xanh” được chế biến từ sản vật quê hương như quế, sả, bưởi, mần trầu, gừng, nghệ, và rất nhiều loại thảo mộc thiên nhiên có sẵn ở đồi núi vùng trung du Tiên Phước.

Nghĩa tâm sự: “Có cơ hội rong ruổi khắp nơi, đi đến đâu tôi cũng tìm đến những mô hình hay để học hỏi. Rất nhiều mô hình làm ăn, nhưng tôi chọn sản xuất tinh dầu từ các loại cây dược liệu, thảo mộc có sẵn ở quê vì nghĩ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông dược từ thiên nhiên, rõ nguồn gốc và chất lượng của người tiêu dùng ngày càng cao”.

Võ Duy Nghĩa đang kiểm tra lò nấu tinh dầu sả trước khi khởi động sản xuất. Ảnh: D.L
Võ Duy Nghĩa đang kiểm tra lò nấu tinh dầu sả trước khi khởi động sản xuất. Ảnh: D.L


Về quê, Nghĩa gặp những người có kinh nghiệm trồng các loại cây dược liệu, có diện tích trồng quế, sả, bưởi, gừng, nghệ lớn, rồi kêu gọi họ cùng thành lập Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước. Họ là thành viên hợp tác xã, và cũng là những đầu mối tập hợp, cung cấp nguyên liệu cho công đoạn sản xuất tinh dầu. Bởi tất cả thành viên đều có đất trồng các loại dược liệu quy mô lớn, đồng thời lo phần thu mua nguyên liệu từ những huyện lân cận.

Phần Nghĩa sẽ nghiên cứu cải tiến dây chuyền sản xuất tinh dầu và đặt hàng sản xuất theo một bản thiết kế riêng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong khâu cải tiến sản phẩm, kỹ thuật chiết xuất tinh dầu, pha chế, với máy móc trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, hiệu quả sản phẩm làm ra của hợp tác xã. Và những người bạn của Nghĩa ở mảng du lịch sẽ làm cầu nối đưa sản phẩm đến với du khách gần xa. Với cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm tới cùng về sản phẩm; với bao bì nhãn mác rõ ràng, cấp mã số, mã vạch tới từng lô sản phẩm, Nghĩa hy vọng sẽ tạo ra được những sản phẩm tinh dầu chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Dù chưa chính thức khai trương nhưng hơn 10 nghìn lít tinh dầu quế, bưởi, bồ kết, gừng, nghệ... của Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước đã được đưa ra thị trường. Khách hàng là những du khách đã mang sản phẩm tinh dầu Tiên Phước đến mọi miền đất nước, ra khỏi cả mảnh đất hình chữ S đến với bạn bè quốc tế.

Chỉ riêng từ cây quế, hợp tác xã đã sản xuất ra được 22 loại sản phẩm tinh dầu với nhiều công dụng khác nhau; hoặc sả, bưởi đã cho ra được các sản phẩm như tinh dầu xịt ô tô, xịt phòng trị côn trùng, dầu gội thảo mộc, tinh dầu xoa bóp trị nhức mỏi, loại nước uống thảo dược trị chứng béo phì... Chỉ mới ba tháng đưa vào sản xuất thử nghiệm, nhưng sản phẩm làm ra đạt chất lượng nên đến nay tinh dầu của Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước đã có những bước tiến ban đầu như mong muốn của chàng trai xứ Tiên ham học hỏi.

Vừa học vừa làm

Xuất thân từ một gia đình có ba mẹ là giáo viên, Nghĩa cho biết việc học chưa bao giờ dừng lại. Hết phổ thông, Nghĩa bước chân vào giảng đường đại học với ngành quản trị kinh doanh. Khi còn đang học đại học, Nghĩa nghiên cứu mô hình nuôi gà rừng và áp dụng thành công, rồi giao lại cho ba mẹ ở nhà tiếp tục phát triển đến nay. Học xong, Nghĩa tiếp tục học ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, rồi học lên thạc sĩ ngành này. Ba mẹ nói Nghĩa thôi đừng học nữa, về tiếp tục phát triển trang trại gà rừng ở nhà, nhưng Nghĩa chưa muốn dừng lại ở đó.

Nhận bằng thạc sĩ, Nghĩa tiếp tục làm nghiên cứu sinh ngành nhân học, năm 2019 sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ. Dường như vẫn chưa đủ, trong thời gian nghiên cứu sinh, Nghĩa lại tiếp tục thi... đại học ngành luật, đến giờ đã thành sinh viên năm thứ hai ngành luật tại Đà Nẵng. Nghĩa bộc bạch: “Cứ vừa học vừa làm vậy đó, từ khi rời nhà đi học đến giờ tôi chưa bao giờ ngừng học cả. Ngành gì mà tôi thấy bổ ích cho công việc của bản thân thì lại học. Nhiều lúc ba mẹ thấy học mãi cũng hối thúc quay về, hoặc đi làm công việc gì ổn định được rồi. Nhưng bản thân tôi cứ muốn học, nên vừa làm vừa học cũng không sao cả. Bây giờ làm mô hình tinh dầu này, tôi chỉ lo một số công đoạn cần thiết như công nghệ, đăng ký nhãn mác, thị trường, khi đi vào sản xuất ổn định sẽ bàn giao cho tất cả thành viên hợp tác xã cùng đảm nhận”.

Nhờ ham học cùng với đam mê khám phá những cái mới, dám thử thách bản thân, Nghĩa không ngần ngại thử mình ở lĩnh vực mới. Việc sản xuất tinh dầu với Nghĩa dường như chẳng liên quan gì đến những ngành mà Nghĩa đã và đang học, bởi đó là do Nghĩa học từ đời sống, từ thị trường. Nhưng như Nghĩa nói thì tất cả những ngành mà Nghĩa đã học đều có sự bổ trợ cho công việc này, nên ngành nào cũng có thế mạnh riêng và cần thiết trong một hệ thống sản xuất, tiêu thụ, tiếp cận thị trường.

Hệ thống máy móc sản xuất tinh dầu cũng do Nghĩa học hỏi trên cơ sở loại máy có sẵn, cải tiến mà thiết kế nên, rồi đặt hàng đơn vị sản xuất. Với loại máy cải tiến này thì tinh dầu đạt chất lượng hơn, đồng thời cùng một dây chuyền có thể sản xuất nhiều loại tinh dầu. Sắp tới, việc quan trọng mà Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước quan tâm chính là nguồn nguyên liệu ổn định lâu dài, có nguyên liệu tại chỗ sẽ giảm được giá thành, nâng tính cạnh tranh, đưa sản phẩm đến được với người tiêu dùng, giá cả “mềm” hơn mà lại đạt chất lượng.

Trong định hướng phát triển vùng dược liệu có sự hỗ trợ từ chính sách Nhà nước của huyện Tiên Phước và xã Tiên Hà sẽ tạo nên những vùng dược liệu dồi dào. Với những chính sách hỗ trợ, người dân sẽ chuyển đổi từ ruộng cạn kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu cho hiệu quả cao hơn. Nắm bắt được điều này, Nghĩa dự tính sẽ tạo nên một mối liên kết chặt chẽ với nông dân.

Và trong mối liên kết ấy sẽ không thiếu vai trò làm cầu nối rất quan trọng của chính quyền địa phương, định hướng sản xuất cho nông dân phù hợp. Hợp tác xã sẽ đảm bảo giám sát được chất lượng dược liệu nhập về sản xuất tinh dầu, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Một quy trình khép kín từ khâu trồng dược liệu đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ là một hướng đi mà chàng trai trẻ này hướng đến từ nửa cuối năm 2018 này.

                                                                  Lê Diễm - Báo Quảng Nam