www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Phước: Sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện

Xác định sản xuất nông, lâm nghiệp là thế mạnh để phát huy, thời gian qua, huyện Tiên Phước đã tập trung huy động có hiệu quả các nguồn lực, làm tốt việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất, tạo ra khối lượng hàng hóa và nâng cao hiệu quả sản xuất.

 Số liệu thống kê cho thấy, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp từ 459 tỷ đồng vào năm 2014 tăng lên 572 tỷ đồng vào năm 2017, tăng bình quân hằng năm 7,6%, vượt chỉ tiêu đề ra. Đến cuối năm 2017, diện tích các loại cây trồng chủ lực như tiêu, thanh trà, lòn bon, măng cụt, sầu riêng tăng lên. Đã hình thành vùng sản xuất cây ăn quả gồm thanh trà tại 3 xã vùng tây (Tiên Hiệp, Tiên Ngọc, Tiên Lãnh); vùng trồng tiêu, măng cụt, sầu riêng ở các xã vùng thấp (Tiên Mỹ, Tiên Thọ, Tiên Kỳ); vùng trồng lòn bon ở các xã vùng giữa (Tiên Cảnh, Tiên Châu, Tiên Mỹ). 

Đặc biệt, người dân Tiên Phước cũng đã bắt đầu xây dựng các mô hình làng vườn văn hóa, góp phần phát triển kinh tế và phát triển du lịch sinh thái. Toàn huyện hiện có 5.607ha vườn nhà và vườn đồi, người dân tập trung cải tạo vườn tạp, bố trí các loại cây trồng hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn 250 mô hình kinh tế vườn quy mô lớn và hàng trăm mô hình vườn - nhà đạt tiêu chí xanh sạch đẹp hiệu quả đã được xây dựng. Giá trị sản xuất từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại của huyện tăng từ 65 tỷ đồng (năm 2014) lên 214 tỷ đồng (năm 2017). Tỷ trọng ngành trồng trọt chiếm 41,98% trong sản xuất nông nghiệp.

Tiên Phước tổ chức phiên Chợ quê để các HTX nông nghiệp giới thiệu và bán sản phẩm đặc sản của huyện ra thị trường 

Huyện đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái, mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017-2025”, tổng vốn hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hơn 15 tỷ đồng.

Cùng với đó, huyện Tiên Phước cũng đã vào cuộc triển khai chương trình OCOP và đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản của huyện ra thị trường. Nhiều loại giống mới được đưa vào sản xuất, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao như thâm canh cây trồng, ứng dụng công nghệ vi sinh, bố trí thời vụ, quản lý dịch bệnh, canh tác nông, lâm kết hợp đem lại hiệu quả.

Qua phát triển kinh tế, đời sống người dân khá hơn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đến cuối năm 2017 là 9,23% (1.683 hộ nghèo, giảm 3,79% so với năm 2014), hộ cận nghèo còn 5,53% (1.008 hộ, giảm 10,11% so với năm 2014).

                                               Linh Chi - VP.UBND tỉnh Quảng Nam