www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Phước miền ký ức

Vùng đất Tiên Phước đã có dấu chân Đại Việt vào thế kỷ 15, như một số nghiên cứu về: bờ đá, ngõ đá, giếng đá…của làng cổ Lộc Yên, Tiên Phước. Khi đoàn quân chiếm đóng Đại Việt theo lệnh vua Lê Thánh Tôn vào trấn thủ Quảng Nam (từ phía Nam đèo Hải Vân đến núi đá bia- Phú Yên) - Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục.

Những binh sĩ Đại Việt sau những trận chiến còn sống sót trong đoàn quân chiếm đóng đã chọn nơi này làm quê hương, họ mang trên người trọng trách mở cõi, dù trong hồn họ còn in những tập tục, dấu tích văn hóa bản quán của đồng bằng Thanh Nghệ và Bắc bộ, nhưng khi đến nơi này những thứ đó cũng được cải hóa cho hòa điệu với thổ nhưỡng, khí hậu, con người của vùng đất mới, và còn để hóa giải sự đề kháng của người Chăm-Pa. Thích nghi với ma núi, mưa mùa, bão giông, ác thú… Mì Quảng, bánh ú, bánh tét, bánh in, bánh tráng, bánh thuẩn…là những vật phẩm được du nhập và cải biên cho hợp với vùng đất mới nhưng vẫn lưu dấu niềm cố thổ xa mờ.
Tiên Phước, cái vùng sơn cước ấy đã có mặt trong thi ca bình dân rất sớm: 

-“ Sông Tiên nước chảy ngược dòng
Ai mà đến đó lòng không muốn về”

Hoặc:

“ Ai về nhắn với nậu nguồn
 Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.”

Cái gì ở cái miền bán sơn địa đó, mà người của những miền châu thổ, xứ Hàn xứ Huế, lỡ mà đến đó “...lòng không muốn về”..? Ma núi níu chân, gió ngàn quyện bước, hay tình người nghĩa đất chặn bước đường về? Mà ai tới đây, cũng ở lại đây, ở cho đến khi bén rễ xanh cây không chịu về, kể cả những người Minh hương (Tàu) cũng gắn bó ở đó, họ đã góp phần xây dựng một thị tứ từ những ngày sơ khai. Hẳn là “Đất lành chim đậu” !...

Địa danh Tiên Phước, chỉ dấu trên bản đồ là một vùng bán sơn địa. Theo Đại Nam thực lục phủ biên đệ thất ký: tháng 11 năm Bính Thìn (1916) vua Khải Định bắt đầu đặt huyện Tiên Phước. Trích từ các tổng thượng du ở hai phủ Thăng Bình, Tam Kỳ đặt để riêng làm một huyện do địa thế phủ Tam Kỳ kéo dài không tiện cho việc quản lý nên phải làm như thế. Theo QSQ triều Nguyễn 1932-1939).

Theo Châu bản ngày 12 tháng 2 năm Khải Định thứ 2 (1917) có nội dung như sau: “ Bộ Công tâu: Nay nhận được tư văn của tổng đốc Quảng Nam là Từ Thiệp trình bày: Tỉnh đó dự trù các khoản xây dựng huyện nha Tiên Phước mới lập và trường huấn đạo, chi hết 2.200 đồng. Bộ thần xét thấy huyện đó buổi đầu xây dựng thật kiên cố tránh sau này tư xin tu bổ phiền phức thêm, mà dự trù ngân khố đó tưởng cũng không đủ, nên nghĩ tăng thêm 800 đồng nhập thêm vào tổng cộng thành 3.000 đồng và đã ghi vào ngân sách năm nay của tỉnh đó để chi làm và đã bàn bạc đồng ý. Lại nhận được tư văn nói của Công sứ tỉnh đó trình bày các điều. Bộ thần xét thấy các điều tư văn trình bày cũng là tùy theo số tiền dự trữ trong ngân sách để dự trù chi làm đã hợp lý. Còn như tỉnh đó (QN) xin trích lấy 2.000 công đóng góp công ích của dân có nên đồng ý hay không nên do công sứ tỉnh đó xét làm, và đã tư cho tòa công sứ duyệt y. Xin chuẩn cho thực hiện.

Châu phê: "CHUẨN CHO THỰC HIỆN.”

Nhưng phải kể đến gần đây, vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khi nhà thơ Phong Sơn (1) một viên chức từ kinh thành Huế vào làm Lục sự ở Tiên Phước có một bài thơ đăng trên báo Tiếng Dân, viết về Tiên Phước thì con dân Quảng Nam mới nhận ra một một vùng đất tươi nguyên, ngọt lành một miền đất xanh mơ…!

“Tôi đã đến chưa đi còn ở lại
Biết làm sao vơi hết những tâm tình
Kể làm sao hùng vỹ buổi bình minh
Rừng thêu nắng cây ngàn chim nhảy múa
Thưa nắng chiều hoang đường quanh lá úa
Nẽo trâu về màu áo vãi thâm nâu
Ôi, những hoàng hôn nhuộm tím u sầu!
……………………………………………..
Tôi tha thiết như chim rừng ngỡ lạ
Rằng nơi đây Tiên Phước có u tình
Sóng ngược dòng Tiên mắt biếc ai xinh
Cho ướt át tâm tư đường lên Phước Thạnh (Tiên Cảnh)
Nẽo dốc đường trơn quê người Cách mạng
Có mang về khí tiết núi sông xưa!” - Phong Sơn.
Chàng trai kinh thành Huế Phong Sơn hẳn đã đi khắp miền Tiên Phước, đã đến sông Tranh nhìn những sơn nữ giặt chiếu: 
“ Cô gái hiền giặt chiếu bến sông Tranh
Má cũng ươm duyên đi ở không đành” - PS.

Nhưng mà cái miền sông Tranh, chắc hai bên bờ sông nhiều cỏ tranh (cỏ gianh) và chắc con sông nguồn chảy xuống Tiên Phước ấy, hẳn cũng đẹp như “tranh”, bây giờ nghe đâu những đập thủy điện con cóc: sông Tranh 1, sông Tranh 2…ngăn từng khúc một, dòng chảy năm xưa đã chết, tìm đâu bóng sơn nữ giặt chiếu trên sông Tranh nữa. Còn chăng là nỗi thắc thỏm của cư dân hạ lưu mỗi mùa mưa lũ lo đập vỡ vì không tin vào độ vững chắc của những công trình này…! 

Nhà thơ đã đi ra Phước Mỹ, đi lên Phước Lộc, tới Lò Thung, xuống Phước Hòa, qua Phước Cẩm (Tiên Cẩm), thăm Lò Chén (Xưởng làm đồ gốm) của Phước Sơn (Tiên Sơn): 

“ Ai đó qua vùng Lò Chén Phước Sơn
Cô gái còn đây chăn chiếu cô đơn
Vẫn ôm mộng đợi trầu cau Phước Cẩm”-PS

Cái miền Phước Cẩm (Tiên Cẩm) đó một thời giàu sản vật, cau trầu, hồ tiêu, quế thanh (còn gọi là ngọc quế)… Đã hứa hẹn một cuộc sống thôn dã yên bình sung túc, con người hiền lành, lễ độ rất mực. Nhưng rồi chiến tranh về, chiến trận đến từng ngõ xóm, người chết, cây vườn hoang tàn những vườn cau tăm tắp cao lưng chừng trời, những dây trầu xanh ươm hứa hẹn mâm trầu cau ngày hội lễ, những môi trầu đỏ thắm bên răng đen. Tất cả đã bị chiến tranh cày ủi, cau quế tiêu chè ngã rạp, lòng người cũng nghiêng ngã một thời…Biết bây chừ những cô gái Phước Sơn có còn ươm mộng đợi trầu cau Phước Cẩm?! 

Không biết ở vào thế kỷ 15, người Đại Việt ở Tiên Phước ra sao, nết na thế nào, những chắc là bề ngoài họ cũng hầm hố lắm cho hợp với tác phong của những chiến binh. Nhưng chắc đêm về khi trời đất ngưng nghĩ tiếng rừng thở ra những hơi dài trầm thống… hẳn họ cũng chạnh nhớ làng xưa xa hút trên đồng bằng sông Hồng, hay miền Thanh- Nghệ. Những giãi yếm hoa dâu, đôi mắt biếc của người thôn nữ tiễn đưa họ ra đi ngày lộng biển năm nào!.
Những bát mì Quảng đơn sơ sau mùa gặt mới thuở ấy, được đơm đầy trong những chiếc bát gốm Đồng Dương (Thăng Bình) còn ám đầy dấu ấn của những bàn tay Chiêm nữ lành nghề. Và nay lò Chén – Phước Sơn của ông chủ có tên gọi tôn quí là Giáo Tuất không biết có còn, màu men, nước gốm hẳn cũng hòa điệu Chăm Pa.! Tiếc rằng người viết không có điều kiện để thưa hỏi cặn kẻ. 

Cây trồng, hoa trái được di thực, được phục hồi cho thành thục trên những sườn non, trong những mảnh vườn, ruộng bậc thang thấm đậm màu gian khó. Từng lớp người Chăm được đồng hóa, những Chiêm nữ cộng sinh cùng những chiến binh Đại Việt sản sinh ra những lớp người Việt mới tiếp bước tiền nhân, khai hoang, đào đá, bắc cầu, dẫn thủy nhập điền, xây dựng một vùng giang sơn treo bên hông dãi Trường Sơn hùng vỹ. 

Ngàn xanh, đá núi, khí thiêng, sông chảy ngược (chảy về hướng Tây). Những mạch nước được chắt ra từ núi nguồn tinh khiết, cũng là mạch nguồn linh khí đã tạo nên những thế hệ người Việt ưu tú, và phẩm vật quí giá thơm thảo bao đời ở đây.

Cái túi bên hông dãy Trường Sơn ấy cũng từng tăm tối vì chiến tranh giữa người Chăm và Đại Việt để dành cho giống nòi cuộc tồn sinh, những ngôi mã Nghĩa Trũng ở khắp các thôn xã như Mỹ Thượng (Tiên Mỹ), Bà Xù (Tiên Kỳ), Tiên Châu, Tiên Cẩm… bây giờ chắc đã “lạn” mất dấu vết, mà trước đây mỗi lễ hội Kỳ Yên hay tiết Thanh Minh dân làng đều dành ra một lễ cúng cho những người chết, cho những mồ chôn tập thể của người Chăm và người Việt. Một nghĩa cử với những mạng vong, song cũng để không còn ám ảnh: “Muôn Ma Hời quờ quạng dắc nhau đi - Chế Lan Viên”. Những dốc núi thâm u thường có một chỗ gọi là chùa Mụ Dạ- ở đó không có xây dựng chùa miếu gì hết, thường dân chúng chọn dưới bóng một cây rừng già thâm u, có một tảng đá bằng phẳng ai qua đó bẻ một nhành lá rừng thành tâm đặt lên tảng đá cúng cho thần núi, ma rừng… như một sự biết ơn thiên nhiên, sự khiêm nhượng trước tạo hóa.- Một tín ngưỡng dễ thương hàm chứa sự giáo dục về môi trường, một cách tương thông cùng thiên nhiên, mà tiền nhân đã truyền dạy. Không biết có còn..?! Và nữa, những bữa cơm trưa lên rừng hái củi hay cắt lá đốt tro về bón cho cây trồng, khi mở gói cơm bằng mo cau mang theo họ thường khấn “Cơm này lên núi lên non, Ai! Có sáng mắt sáng mũi cùng ăn!”… thật dễ thương, thật nhân văn. Không biết có còn?! 

“Địa linh sinh nhân kiệt”, tú khí đất trời đã sản sinh những hào kiệt, thời cận đại, vùng đất nhỏ nhắn đó đã từng in dấu chân của những chí sỹ phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh mà cụ Huỳnh Thúc Kháng (2) là một trong những thành viên xuất sắc . Câu thơ nổi tiếng của Cụ dùng cho việc giáo dục thanh niên thời ấy: 
“Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương túy mộng trung”
(Muôn dân chịu kiếp sống nô lệ dưới ách cường quyền, vậy mà sỹ tử vẫn mê say trong giấc mộng văn chương bát cổ). Nhưng câu nói nổi tiếng nhất của cụ được mọi người ca tụng là tuyên ngôn của tờ báo Tiếng Dân do Cụ chủ trương: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”. Thể hiện một khí độ kẻ sĩ: “ Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, và bây giờ còn mấy ai thực hiện việc: “cái quyền không nói những điều người ta buộc nói-HTK”.

Tiên Phước cũng là nơi luyện quân hưởng ứng phong trào Duy Tân: Khai dân trí- Chấn dân khí- Hậu dân sinh, của nhà yêu nước Lê Cơ (3) tại Phú Lâm, Tiên Sơn, TP . Và biết đâu những ngày bôn tẩu vì thua trận thủ lĩnh nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu (4)– Hường Hiệu , cũng đã có lần qua Tiên Phước trước khi nộp mình cho quân Pháp để cứu dân làng và mẹ già đang bị giặc bắt làm con tin.

Còn về phẩm vật, sản lượng thổ sản không lớn thành hàng hóa công nghiệp, nhưng đều khắp, trong những vườn hồ tiêu, chè, cau, quế…thỉnh thoảng ta bắt gặp một cây thanh trà, vài cây dâu đất ( dâu da), dăm cây lòn bon( Bòn bon)… trĩu cành nặng quả, người ở xa mới đến không khỏi ngỡ ngàng, có một người chánh gốc miệt vườn trái cây Nam bộ khi thưởng thức đã nói rằng cái ngọt của bòn bon, dâu da… của Tiên Phước là cái ngọt sắc thanh vị, ăn một lần nhớ mãi, nó khác cái ngọt của bòn bon Đại Lộc (Quảng Nam) hơi pha vị chua, và càng khác xa với cái ngọt nhạt lênh loang của bòn bon Cái Mơn- Tiền Giang, hay miệt Long Thành- Đồng Nai.

Còn nữa trái thanh trà trước kia ở vùng Phước Mỹ (Tiên Mỹ) cũng là một thổ sản quí, cho con người cái ngọt thanh sắc, mà ít nơi có được. Nghe nói bây giờ với bốn phương họp chợ, con người thực dụng hơn, đang chạy đuổi theo số lượng, biết có còn phẩm lượng như xưa!

Trong chập chùng vườn bậc thang, ẩn sau đám cây quế khẳng khiu mùi thơm ngọt, bên những cây chè già mà cành lá chi chít đan xéo vào nhau lá không đủ nhiều che hết cho cành, ta bắt gặp một cây “dâu đất” (dâu da). Và ôi! Ngợp, ngợp hồn, cơ man trái từ gốc lên đến ngọn, những quả dâu vàng chanh điểm một vệt hồng thắm màu sang cả (còn có loại màu xanh, đỏ), nếu để riêng ra một trái dâu nhìn với một tâm tư khác sẽ thấy đó như một quả đào trong mâm đào tiên của cổ tích được thu nhỏ. Và…đếm ư! Không được, trăm, ngàn, vạn, ức…bao nhiêu trái trên cái thân cây kheo khư đó, và đếm làm gì, đếm là sai, đếm làm chi, chẳng lẽ cuộc sống này cái gì cũng phải đong đếm ư! Và ai đó sẽ chợt nhớ mông lung về thi sỹ Bùi Giáng khi ông viết: 

“Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào.” -Chào nguyên xuân- BG.

Thật vậy! nói là sai và đếm càng sai, đếm làm gì..! Chỉ cần cầm một quả, mở bày lớp vỏ dày mịn ra nhìn vào những tép dâu trắng màu sữa, cơm dày mọng nước, hãy nhắm mắt lại, nghe những mạch nguồn ngàn vạn năm về tụ trong lớp nước tinh khiết, thanh thanh một vị ngọt dỗi hờn, đậm một hương thơm dịu của địa tầng, mạch đá chắt lọc thấm về. Và ta nhớ mãi, dù năm năm, mười năm, hay lâu hơn, khi đi đâu xa vắng, nhớ lại trái dâu miềm cố thổ, là nhớ đến cái phong nhiêu trong eo hẹp, nhớ cái vị ngọt trong cái chua thanh tân, và ai đó hẳn không thể quên, và tự gắn cho mình cái nhãn yêu quê hương, nhưng thực ra là yêu những cái cụ thể rất là trần ai bụi mù, để ta còn cảm thấy không bao giờ khôn lớn, dù đầu vài ba thứ tóc…

Những cây dâu đất như thế có tuổi thọ có khi bảy tám chục năm. Nó mọc lên bên góc vườn, không bón phân, không thuốc bảo vệ thực vật, đôi khi dưới gốc cây là đụn đá: đá xanh, đá trắng (thạch anh), đá bị phong hóa, vậy mà cây vẫn vươn lên, vẫn cho quả nhiều, quả ngọt, chắc hẳn bộ rễ của cây phải vươn xa, chui sâu vào lòng đất để hút mạch nước lành, và hút tú khí của trời để gom về vị hương, theo các bô lão thì những cây càng già càng ngọt thanh, sản lượng có kém nhưng phẩm lượng luôn vượt bậc…Trong cuộc chiến tranh ( 1954-1975) nhiều vườn cây tan hoang, chỉ còn lại rất ít, trong lứa người bỏ mạng vì chiến cuộc, cũng còn nhiều người trở về, những lớp người trồng lại cây xưa, cũng cho trái, sản lượng nhiều. Nhưng phẩm lượng biết có còn!?

Các thắng cảnh thiên nhiên: Bãi đá Lò Thung, thác nước Lồ Ồ, ngõ đá Lộc yên, nhà cổ ở Tiên Cảnh, hang dơi Tiên An, thác Lồ ồ Cẩm Lảnh, ổ dèo Tiên Châu, đập đá bàn Tiên Châu, Thác đèo Liêu… rồi chắc sẽ bị con quái vật thị trường du lịch quặp vào móng vuốt biết có còn chút thiên nhiên nhẹ nhõm tươi xanh của một nguyên bản thiên lương!

Đành rằng hạt lúa phải tróc vỏ để khai sinh một hạt mầm cho một thế hệ mới trưởng thành. Song cũng nghe nhoi nhói lòng khi con người càng ngày càng riết ráo thủ lợi cho mình, dần xa nguyên ủy, nguồn cuội, và đi về đâu cũng không ai biết trên con đường đi của thực dụng.!

Con người ở đó “có răng nói rứa”, thiệt thà làm vốn, họ ca bài chòi, thích hát bộ, những cụ già còn khoe những buổi kéo vãi, cấy lúa năm xưa với giọng hát “nhân ngãi” giao duyên… họ đầy mộng mơ, và trong họ lưu xuất những ý tưởng mới lạ có giá trị quốc gia. Ai cũng biết rằng năm 1995 khi Nguyễn Hoàng Huy một nông dân Tiên Kỳ đã có ý tưởng xúc tác để làm trầm hương nhân tạo từ cây Dó bầu, anh ta đã bỏ tiền của công sức mấy năm liền không mệt mõi, và anh đã được đền bù xứng đáng khi thành công mẻ trầm nhân tạo đầu tiên của Việt Nam, được báo Khoa học phổ thông thành phố Hồ Chí Minh tìm đến nơi điều tra và lấy tin. Anh bán được trầm, anh giàu có nhưng cái chính là đã mở ra một triển vọng mới, một nghề mới cho Tiên Phước cho Quảng Nam nói riêng và cho cả nước… Bây giờ những thế hệ đi sau của cả nước có thể có kỹ thuật tạo trầm hương nhân tạo tốt hơn sản lượng nhiều hơn, nhưng mấy ai biết rằng ý tưởng đó của một nông dân Tiên Phước.! Ý tưởng của Nguyễn Hoàng Huy đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, thiết thực xóa đói giảm nghèo không cần khẩu hiệu hoan hô. Có răng nói rứa! Không biết tính cách đó có còn…!

Tất cả sự vật luôn trong tiến trình vận động, cũng như tất cả các dòng sông đều chảy, Tiên Phước cũng chảy theo tình tự nhân loại, hãy luôn giữ được bản sắc của mình, đừng trở thành một phiên bản thực dụng, như bao vùng miền bạc trắng nỗi niềm của xứ Việt hôm nay. Xin mượn lời của diễn thuyết gia John Mason “Bạn được sinh ra như một nguyên bản, vậy đừng chết đi như một phiên bản” (You were born an original. Don’t die a copy). 

Mong là Tiên Phước sẽ không bao giờ như một bản copy, mà luôn là Tiên Phước thân yêu trong ký ức của những lớp người xa xứ !                                                                                                                                                                                Nguyễn Văn Biên, Bà Rịa - Vũng Tàu
------------------------------------------------------------------------------

(1)- Tác giả của các tác phẩm: -Hoa nắng. –Trắng canh tâm sự.- THƠ & THƯ PHÁP.
Các truyện dịch: Thay luật thượng đế.-Chuyến tàu nổi loạn.- 
Các tiểu thuyết dã sử: -Đường gươm diệt ác.- Lữa cháy thành Đại La ( đã chuyển thể thành phim). – Quái khách đất Sầm Châu.


(2)- Cụ sinh ngày 1 tháng 10 năm 1876, là người làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam. Ông cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp là những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân. Vì lý do đó, ông bị bắt trong năm 1908, rồi bị đày ở Côn Đảo suốt 13 năm, đến mãi năm 1919 mới được trả tự do.


(3)- Cụ Lê Cơ thường gọi là Xã Sáu, tên gọi mà nhân dân Phú Lâm cũng như các vùng lân cận đã nhắc đến với tất cả lòng kính yêu và ngưỡng mộ, ông sinh năm 1859 (có tài liệu cho rằng ông sinh năm 1870) trong một gia đình vọng tộc tại làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay là xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ ông là Lê Tuân tức ông Bá Tư, anh ruột bà Lê Thị Trung, mẹ của Phan Châu Trinh, thân mẫu là bà Nguyễn Thị, là ngoại thích của Thượng thư bộ Lại Nguyễn Thuật (thường gọi là cụ Thượng Hà Đình). Cụ đỗ Tam trường khoa Canh Tý 1900, có lẽ Lê Cơ cũng nhận thấy "Cái học khoa cử làm hại nước ta đã lâu, ngày nay đã thành đồ bỏ." (1) như Phan Châu Trinh, nên ông không tiếp tục theo đuổi con đường khoa cử, chỉ ở nhà tham gia vào những hoạt động yêu nước .


(4)- Cụ Nguyễn Duy Hiệu đã tổ chức đi đánh nhiều trận, gây cho đối phương nhiều thiệt hại, như trận tập kích đơn vị công binh Pháp đang mở con đường qua đèo Hải Vân(tiêu diệt trọn đội công tác này), trận Bãi Chài (phá đội ca nô ở vàm Vân Ly trên sông Thu Bồn), trận phục kích quân Pháp và quân triều đình ở Cẩm Muồng.Tháng 2 năm 1886, viên Khâm sứ Trung Kỳ là Hector đã điều động khoảng bốn trăm lính Pháp cùng khoảng hai trăm quân triều do Nguyễn Thân chỉ huy đã rầm rộ tiến vào căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc. Tại trận kịch chiến ở Gò May, nghĩa quân đại bại, bản doanh bị đốt cháy, san bằng. Thấy không thể cầm cự được nữa, Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến liền ra lệnh đánh vượt vòng vây chạy về một làng ở gần cửa biển An Hòa thuộc Tam Kỳ.

Tướng Nguyễn Thân liền xua quân theo càn quét rất ngặt. Lại thất trận ở căn cứ Phước Sơn (thuộc Tiên Phước), tuy Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến chạy thoát được nhưng thế và lực thật sự đã cùng. Không thể để nghĩa quân toàn ba tỉnh bị giết hại hết, nghe lời thủ lĩnh Hiệu, Phan Bá Phiến uống thuốc độc tự sát để tránh bị bắt, còn Cụ Hường Hiệu thì tự trói mình nạp mạng cho đối phương để nhận lãnh hết trách nhiệm về mình...Hôm đó là ngày 5 tháng 8 năm Bính Tuất (21 tháng 9 năm 1887).

Sau khi bị bắt Nguyễn Duy Hiệu liền bị giải về Huế, triều đình Đồng Khánh bèn dùng danh lợi để dụ hàng, nhưng không được ông nghe. Cuối cùng, Viện cơ mật của Nam triều đã kết án tử hình ông vào ngày rằm tháng 8 năm Bính Tuất (15 tháng 10 năm 1887) tại Huế, hưởng dương 40 tuổi. Phần mộ Nguyễn Duy Hiệu hiện ở tại xã Cẩm Hà, thị xã Hội An[4]