www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Phước hỗ trợ dạy nghề cho thanh thiếu niên khuyết tật

 Hai năm qua, Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại huyện Tiên Phước đã hỗ trợ cho thanh thiếu niên khuyết tật của huyện học nghề và có việc làm ổn định.Tại cửa hàng điện - điện tử Chánh (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước), Nguyễn Văn Quyên (SN 1988) đang chăm chú đến từng chi tiết rất nhỏ của một chiếc điện thoại.

            Anh làm việc tại cửa hàng đã gần 2 năm, lương mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng. Quyên là con của gia đình có hoàn cảnh khó khăn gồm 5 anh chị em, anh bị khuyết tật ở chân, đi lại khá vất vả. Quyên đã học xong lớp 12, nhưng do bị tật, lại thêm hoàn cảnh gia đình không cho phép nên đành gác lại ước mơ bước vào giảng đường đại học. Quyên kể: “Sau khi học xong lớp 12, em thích đi học tiếp lắm nhưng không có điều kiện, em có đi bán hàng thuê. Qua người quen, em biết đến chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh thiếu niên khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Tiên Phước tổ chức. Em đăng ký theo học nghề sửa chữa điện thoại, điện tử, được đi học hoàn toàn miễn phí, mỗi tháng còn được hỗ trợ thêm 350 nghìn đồng tiền ăn trưa. Sau 10 tháng theo học, em đã có thể làm được nghề”. 

 

Nguyễn Văn Quyên đang làm việc tại cửa hàng điện tử

 

         Quyên được nhận vào làm ở cửa hàng điện tử tại quê nhà nên yên tâm làm việc. Không dừng lại ở đó, cửa hàng còn cho anh đi học nâng cao trình độ thêm 6 tháng ở Đà Nẵng, bây giờ Quyên đã là thợ chính của cửa hàng. Anh tâm sự: “Với người khuyết tật như tôi, học nghề đã khó, có việc làm có thêm nguồn thu nhập phụ giúp cho gia đình lại càng khó hơn. Bây giờ, làm việc ở đây xem như đã tạm ổn định, dù vẫn còn nhiều khó khăn. Tôi chưa dám nghĩ đến việc gì xa vời của tương lai, nhưng điều chắc chắn phải làm được thêm một cái gì đó có ích hơn cho bản thân và gia đình, tôi không muốn trở thành gánh nặng của bất cứ ai”.

        Hồ Văn Mỹ (xã Tiên Châu) cũng là một thanh niên khuyết tật được học nghề từ chương trình của Tổ chức Tầm nhìn thế giới. Mỹ học nghề khám chữa bệnh bằng phương pháp Đông y vì từ nhỏ Mỹ mơ ước được làm thầy thuốc chữa bệnh cho mọi người. Tuy là một người khó khăn về nghe nói, nhưng Mỹ được thầy nhận xét là chịu khó, chăm chỉ và có khả năng tiếp thu nhanh trong quá trình học nghề. Mỹ vừa nói chuyện vừa phải dùng cử chỉ, điệu bộ để diễn tả thêm cho lời nói của mình vì Mỹ nói được nhưng rất khó, nghe được nhưng phải thật chú tâm.

 

                               Hồ Văn Mỹ rất vui vì có được việc làm yêu thích và có thu nhập ổn định

 

          Từng lời nói thoát ra khó nhọc, Mỹ vẫn nở nụ cười hiền với câu chuyện của mình: “Tôi học ở đây được thầy thương lắm, chỉ bảo tận tình. Vì đây là nghề cứu người, nghề khó nên phải học lâu, học mãi chứ không chỉ một khóa học 10 tháng. Tôi rất cảm ơn Tổ chức Tầm nhìn thế giới đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho những thanh niên khuyết tật như tôi có được nghề nghiệp ổn định, có được thu nhập. Tôi vừa học vừa làm như vậy được thầy trả mỗi tháng từ 1 - 1,5 triệu đồng. Tôi có mở thêm cửa hàng nhỏ ở Tiên Châu, làm được những việc đơn giản như châm cứu, bốc thuốc. Bệnh nào khó thì đến hỏi lại thầy hoặc kêu người bệnh đến chỗ thầy của tôi bắt bệnh chính xác và điều trị đúng cách”. Mỹ đang cố gắng học được nghề, sau đó sẽ đến trường lớp chính thống học khóa đào tạo chính thức để có được chứng chỉ hành nghề.

        Chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh thiếu niên khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Tiên Phước triển khai vào năm 2010. Sau 2 năm thực hiện, 17 thanh thiếu niên khuyết tật tại huyện đã được học các nghề như sửa chữa điện tử, may, điện cơ, Đông y, hớt tóc... Thanh niên được chọn nghề mình thích và đủ điều kiện sức khỏe để làm được nghề đã học. Thanh niên khuyết tật được học tại chính các cơ sở sản xuất, gia công nên sau khi học được nhận vào làm ngay tại cơ sở đã học hoặc có điều kiện thì tự mở cơ sở riêng cho mình. Được học nghề và có việc làm đã giúp người khuyết tật tự vươn lên, có thu nhập và điều quan trọng là họ đã hòa nhập được với cộng đồng, được cộng đồng vươn tay giúp đỡ để người khuyết tật xóa được những mặc cảm, tự tin hơn trong công việc và cuộc sống.

                                                        Hoàng Ngân - Báo Quảng Nam