www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Phước 4 năm thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới

Nông nghiệp, Nông dân và Phát triển nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm trong sự phát triển của đất nước và Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết 26 gắn với nhiệm vụ trọng tâm về phát triển nông nghiệp, nông đân, nông thôn đi liền với việc xây dựng hoàn thành 19 tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.

        Xây dựng Nông thôn mới là  chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng nhằm xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

 Nhận thức sâu sắc ý nghĩa đó ngay từ những ngày đầu triển khai, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. UBND huyện đã thành lập, củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo và Tổ điều phối Chương trình đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Cùng với chỉ đạo toàn diện, chọn 3 xã Tiên Phong, Tiên Cảnh, Tiên Sơn đề nghị tỉnh đưa vào danh sách 50 xã điểm của tỉnh để xây dựng hoàn thành 19 tiêu chí trong năm 2015.  

 Phát động xây dựng xã Văn hóa - Nông thôn mới ở Tiên Mỹ 

 

Huyện đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền dưới nhiều hình thức để nâng cao nhận thức và kiến thức của nhân dân về Chương trình mục tiêu Quốc gia  xây dựng Nông thôn mới như: Phát động phong trào thi đua “Tiên Phước chung sức xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2015; lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”;  xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về Nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện, tỉnh; thông tin.

 

Tuyên truyền  qua pa nô, áp pích, biển báo, tờ rơi, thông qua các cuộc họp, hội nghị ở cơ sở, thôn, xóm…đã từng bước tạo sự đồng thuận trong nhân dân về xây dựng Nông thôn mới ở từng địa phương, cơ sở và bước đầu xây dựng được một số mô hình, phong trào xây dựng NTM như: mô hình “Dân vận khéo” ở xã Tiên Sơn, phong trào làm đường giao thông nông thôn ở các xã, thị trấn; phong trào phát triển kinh tế hợp tác xã.

Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Tiên Phước từng bước được bê tông hóa đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân

 

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, huyện đã tập trung cho công tác xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các Đề án, Chương trình, Nghị quyết như: Đề án hỗ trợ phát triển cây Tiêu Tiên Phước giai đoạn 2014-2018;  Nghị quyết 18 của HĐND huyện về hỗ trợ phát triển Kinh tế vườn, kinh tế trang trại; Nghị quyết 19 của HĐND huyện về hỗ trợ phát triển chăn nuôi…, thực hiện hỗ trợ chỉnh trang vườn xanh – sạch – đẹp – hiệu quả; Chú trọng việc dạy nghề cho lao động nông thôn; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị.

 Sau 04 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia  xây dựng Nông thôn mới, đến nay đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhân  dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong việc thực hiện Chương trình,  tự giác tham gia Chương trình bằng nhiều công việc cụ thể. Cuộc sống vật chất, tinh thần của đa số nhân dân  nông thôn được nâng cao. Thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình vườn điểm, cánh đồng kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương nội đồng.

Mạng lưới đường giao thông nông thôn phục vụ phát triển  sản xuất, kêu gọi, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại các cụm công nghiệp, nhằm giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn huyện theo hướng tích cực. Các hình thức tổ chức sản xuất và liên kết sản xuất có sự chuyển biến, nhiều THT, HTX được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của cấp trên, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư,  tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia như: Chương trình đào tạo nghề lao động nông thôn; Chương trình kiên cố hóa kênh mương thủy lợi; Chương trình  nước sạch vệ sinh môi trường; Chương trình 135… để triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn các xã.

Mặc dù nguồn lực đầu tư có hạn, nguồn ngân sách địa phương còn khó khăn, nhưng với sự quyết tâm nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, nhân dân trong huyện đã triển khai  Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đạt kết quả quan trọng. Bốn năm qua tỉnh, trung ương đã đầu tư 23,948 tỷ đồng, nguồn lực nhân dân đóng góp khoảng 18,5 tỷ đồng. Về cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, đã xây dựng được 26 công trình, với tổng kinh phí đầu tư 44.235 triệu đồng. Đến nay 3 xã Tiên Sơn, Tiên Cảnh, Tiên Phong đạt từ 13 - 15 tiêu chí; xã Tiên Hiệp đạt 8 tiêu chí, 3 xã (Tiên An, Tiên Lộc, Tiên Thọ)  đạt 7 tiêu chí, các xã còn lại đạt 4-6 tiêu chí. Phấn đấu đến cuối năm 2015 có 3 xã: Tiên Phong, Tiên Sơn, Tiên Cảnh đạt chuẩn Nông thôn mới.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới còn bộc lộ những tồn tại và hạn chế. Công tác tuyên truyền ở cơ sở, các hoạt động hưởng ứng phong trào “Tiên Phước chung sức xây dựng Nông thôn mới” chưa đồng đều, thường xuyên, liên tục mới chỉ tập trung ở các xã điểm; phát triển sản xuất tuy đã xuất hiện được khá nhiều mô hình, điển hình tốt nhưng còn mang tính chất nhỏ lẻ; ngân sách của huyện hạn hẹp nên đến nay còn nhiều xã chưa đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông, thuỷ lợi, trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hoá.

          Mục tiêu đến năm 2015, trên địa bàn huyện có 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 11 xã còn lại đạt bình quân 6 tiêu chí/xã; đến năm 2020 có 7-8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, các xã còn lại đạt được ít nhất 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về Nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ nhân dân trong huyện, tập trung thực hiện tiếp những một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

- Một là: Tăng cường vai trò của  các cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình  xây dựng Nông thôn mới, nhất là người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp trên; nâng cao  hơn nữa vai trò, trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo ở các cấp trong việc tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện các nội dung của Chương trình liên quan đến lĩnh vực quản lý và phụ trách.

- Hai là: Tiếp tục tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu được mình là chủ thể trong xây dựng Nông thôn mới, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể ở mỗi địa phương; Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành và thực hành cho cán bộ làm công tác xây dựng Nông thôn mới các cấp, gắn cuộc vận động ‘‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư’’ với phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới.

- Ba là: Tranh thủ các nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, tỉnh trên cơ sở huy động tối đa nguồn lực của địa phương (huyện, xã và nhân dân); xây dựng cơ chế lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các Chương trình, dự án khác trên địa bàn và các nguồn huy động hợp pháp khác để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm làm chuyển biến mạnh mẽ về hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã, ưu tiên xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh như giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, chú trọng 7 xã phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới đến năm 2020.

- Bốn là: Chỉ đạo các địa phương công khai, xây dựng Quy chế quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch đảm bảo quy định, phù hợp tình hình thực tế địa phương.  Trong tổ chức thực hiện phải lấy dân làm gốc, phải tạo được sự đồng thuần trong nhân dân, phải công khai dân chủ, chú trọng lấy ý kiến nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết và sức mạnh của tập thể, của nhân dân.

       - Năm là: đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn trong đó chú trọng chất lượng dạy nghề và công tác hướng nghiệp cho người dân nông thôn, nâng chất lượng nguồn nhân lực; gắn công tác đào tạo nghề với các đề án tạo việc làm, đề án giảm nghèo. Tập trung phát triển sản xuất, nâng cao mức thu nhập cho dân cư nông thôn và tăng tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, dân trí của người dân vùng nông thôn.

       Với những kết quả  04 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới là rất quan trọng, trong những năm tới, huyện Tiên Phước sẽ tiếp tục phát huy những thành quả, khắc phục những tồn tại, hạn chế; chỉ đạo tích cực, quyết liệt hơn nữa, góp phần đắc lực vào thực hiện thành công sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông thôn.

                                  Lê Trí Hiệu - PCT UBND huyện Tiên Phước