www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Thu nhập khá nhờ cau được giá

Năm nay, tuy cau mất mùa nhưng giá cả lại tăng cao nên mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân Tiên Phước.

Mua bán cau tươi

Các xã Tiên Mỹ, Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Hiệp… là những địa phương có diện tích cau lớn nhất huyện Tiên Phước, thương lái tìm đến tận các thôn xóm để thu mua. Gia đình chị Võ Thị Xinh ở thôn 4, xã Tiên Hiệp, trồng khoảng hơn 350 gốc cau, từ đầu vụ đến nay đã thu hái bán hơn 25 triệu đồng.

Chị Xinh phấn khởi cho biết: “Năm nay, cau tươi được giá thương lái đến vườn thu mua luôn cả cau non nhưng gia đình không bán vì sợ ảnh hưởng đến mùa sau và bị sụt giảm ký. Tuy vụ này, cau ra trái chỉ bằng 1/3 so với vụ trước, nhưng nhờ giá cau ở mức cao 24 - 30 nghìn đồng/kg nên số tiền thu về cũng khá. Từ nay đến cuối vụ nếu giá cau giữ ở mức như hiện tại, gia đình sẽ có thêm khoảng 10 triệu đồng nữa”.

Được biết, giá cau tươi năm nay cao gấp 3 lần so với những năm trước đây. Cau quả loại tốt (không già cũng không non) có giá 30 nghìn đồng/kg, còn cau non giá bán giá thấp hơn vài nghìn đồng. Giá cau tươi khá cao nên ngay từ đầu vụ thương lái đã vào tận vườn nhà để thu mua, nhiều thương lái đặt tiền cọc trước cho chủ vườn, đợi khi cau đến độ sẽ mua, có trường hợp đặt mua luôn cả cau non… Tuy vậy, không như mọi năm, người dân năm nay không bán cau non mà canh giữ đến kỳ thu hoạch mới hái bán được giá hơn.

Cơ sở chế biến cau của hai anh em Lê Bình Ninh, Lê Minh Thẩm được đầu tư với quy mô gần 10 tỷ đồng. Ảnh: N.H
Cơ sở chế biến cau của hai anh em Lê Bình Ninh, Lê Minh Thẩm được đầu tư với quy mô gần 10 tỷ đồng. Ảnh: N.H


Gia đình ông Phùng Văn Xuân ở thôn 9, xã Tiên Lãnh thu nhập khấm khá nhờ bán cau tươi. Ông Xuân hào hứng chia sẻ: “Khu vườn tôi có diện tích gần 1ha, mấy năm trước quả cau rớt giá liên tục, nhiều người khuyên tôi phá bỏ cau trồng cây khác cho hiệu quả, nhưng tôi vẫn giữ lại. Nhờ thế, năm nay tôi trúng lớn, từ đầu vụ đến giờ gia đình hái bán khoảng 3 tấn, được hơn 80 triệu đồng. Hiện trong vườn nhà tôi còn khoảng hơn 1 tấn, với mức giá này cuối vụ sẽ thu thêm khoảng 30 triệu đồng nữa”. Xã Tiên Lãnh là địa phương trồng cau với quy mô lớn nhất huyện. Cây cau gắn bó với người dân từ bao đời nay, trải qua bom đạn chiến tranh cây cau vẫn vươn lên xanh tốt. Lớp cau già chết đi lớp cau non mọc lên, cứ như vậy cây cau gần như phủ kín vườn đồi Tiên Lãnh.

Theo ông Võ Hồng Nhiệm - Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh, xã có gần 1.400 hộ dân thì có hơn 1.000 hộ trồng cau. Hộ trồng ít độ vài chục cây, còn hộ trồng nhiều, cả trăm, cả ngàn cây. Mấy năm trước, giá cau khoảng 10 - 12 nghìn đồng/kg, người dân đã thu về khoảng 7 - 8 tỷ đồng. Năm nay, giá cau tăng vọt, người dân trong xã bán được vài chục tỷ đồng là cái chắc. “Giá cau lên xuống thất thường nên địa phương không khuyến khích nông dân trồng mới hay phá bỏ cây cau. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hướng dẫn bà con nên tận dụng các diện tích đất gò đồi, bờ vườn, bờ rào, đất kém hiệu quả để trồng cau, vừa tạo cảnh quan sinh thái làng quê, vừa tăng thêm nguồn thu nhập” - ông Nhiệm chia sẻ.

Chế biến xuất khẩu

Trước đây, cau tươi được thương lái thu gom chuyển xuống Tam Kỳ, Quảng Ngãi sấy khô rồi xuất ra thị trường các tỉnh phía Bắc để bán sang Trung Quốc.  Mấy năm gần đây, thương lái thu mua và chế biến cau ngay tại huyện Tiên Phước. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 13 cơ sở chế biến cau, trong đó một số cơ sở chế biến cau được đầu tư với quy mô lớn, mỗi ngày tiêu thụ vài chục tấn cau tươi. Điển hình như cơ sở chế biến cau của anh em ông Lê Bình Ninh, Lê Minh Thẩm tại thôn 7b, xã Tiên Cảnh. Với diện tích gần 1.000m2, hai anh em ông đầu tư xây nhà xưởng, mua máy móc hiện đại trị giá gần 10 tỷ đồng để chế biến cau.

Ông Lê Bình Ninh cho biết, hệ thống máy móc trong xưởng hiện đại, sấy nhanh hơn so với lò sấy thường, 3 ngày cho ra một mẻ, trong khi các lò cau bình thường phải mất đến 5 ngày, chất lượng cao hơn, lại ít tốn công lao động so với lò sấy cau truyền thống. Tuy cơ sở chế biến chỉ mới đưa vào hoạt động 1/3 tổ hợp máy nhưng trung bình mỗi ngày cơ sở tiêu thụ 20 tấn cau tươi, chế biến ra 5 tấn cau khô.

“Trước đây, tôi thu mua cau tươi chế biến sấy khô, đóng gói chuyển bán cho chủ buôn ở các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh rồi mở dần ra khu vực phía Bắc. Từ năm 2010 đến nay, tôi chuyển hướng xuất bán sang Trung Quốc, bên đó, người ta rất cần cau để chế biến kẹo cau nên giá cả cao hơn so với thị trường trong nước. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng sản phẩm kẹo cau được chế biến từ quả cau Tiên Phước. Đây là một lợi thế cho cho người trồng cau và các cơ sở chế biến cau như chúng tôi” - ông Lê Bình Ninh cho biết.

Nhờ tìm được thị trường bên Trung Quốc nên giá thu mua cau tươi của cơ sở anh Ninh luôn cao hơn mặt bằng chung 1.000 đồng/kg. Tuy cơ sở chỉ mới hoạt động nhưng đã tạo việc làm cho hơn 20 lao động với mức lương 4 - 6 triệu đồng/người.

Anh Đinh Xuân Quý, người dân tộc thiểu số ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, làm công ở cơ sở chế biến cau của  anh em ông Lê Bình Ninh, Lê Minh Thẩm, cho biết: “Ở quê mùa này cũng không có công việc chi làm, mình xuống dưới này làm việc. Mình thấy công việc sấy cau cũng đơn giản, không quá vất vả. Mỗi tháng chủ cơ sở trả cho 6 triệu đồng và bao luôn ăn ở. Với số tiền đó, mình gửi về cho gia đình trang trải chi tiêu”. Một số thương lái ở ngoài Bắc cũng vào Tiên Phước thuê đất mở cơ sở chế biến, mỗi ngày tiêu thụ hàng chục tấn cau tươi. Với nhiều cơ sở hoạt động tạo tính cạnh tranh cao, nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá cau lên cao tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân. Diện tích cau trên địa bàn huyện khá lớn, tùy theo giá thị trường dao động, mỗi năm nông dân thu về khoảng 80 - 100 tỷ đồng. Đó là khoản tiền không nhỏ đối với bà con nông dân.

                                                         Nguyễn Hưng - Báo Quảng Nam