www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Thăng trầm với trầm hương

Sinh ra trong gia đình 3 đời hành nghề thuốc Bắc, với sự am tường về trầm hương, khi đất nước đổi mới, ông Nguyễn Ngọc Huyên (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước, Quảng Nam) đã chọn ngã rẽ, từ bỏ làm cán bộ, công chức để theo nghiệp trầm hương với biết bao thăng trầm.

“Ngậm ngải tìm trầm”

Ngay từ nhỏ, ông Huyên đã được biết, trầm hương là một loại “thần dược”, chuyên dùng trị bá bệnh: Phong hàn, huyết áp, tim mạch… Ngoài việc có giá trị lớn về mặt tâm linh, trầm hương còn là một trong những thành tố quan trọng trong mỹ phẩm, chất đinh hương giữ mùi hương thơm rất đặc biệt.

 

thang tram voi tram huong
Những tác phẩm trầm hương độc đáo

Những năm Thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đang là cán bộ nhà nước, do

gia đình khó khăn, ông Huyên đã chọn ngã rẽ làm nghề tìm trầm. Tuy lúc

bấy giờ, nghề trầm hương đang ưa chuộng nhưng những cánh rừng do

chiến tranh trước  đây tàn phá, nhiều người khai thác, phá rừng… nên để

tìm được trầm hương ở trong cây dó là cực kỳ khó.

“Ngậm ngải tìm trầm”, ông cùng nhóm “dân điệu” vất vả đi từ cánh rừng này

đến vùng núi thẳm kia, nhưng để tìm ra được một cây dó thì còn yếu tố may rủi.

Nhiều đêm ở khu rừng thiêng nước độc, thú dữ, côn trùng tấn công, nếu ai

thiếu bản lĩnh thì khó lòng bám trụ.

Mà không hẳn, cây dó nào cũng có trầm nên bằng kinh nghiệm thực tế  

vốn  ham học hỏi, ông Huyên cùng các đồng sự của mình thỉnh thoảng  vẫn

gặp may. Lâu dần, ông Huyên trở thành “tay” săn trầm

có tiếng tăm tại Quảng Nam và nhiều nơi trong, ngoài nước.

thang tram voi tram huong
Ông Huyên bên tác phẩm Đức Phật Thích Ca tạc từ trầm

Ông Huyên chia sẻ, bí quyết để tìm được cây dó có trầm không chỉ là sự bền bỉ, “ăn dầm, nằm dề” mà ở kinh nghiệm nhận biết. Việc nhận biết trầm không có sách vở nào bày dạy, mà dựa trên kinh nghiệm. Ông Huyên bật mí, trầm có 7 loại để phân biệt như nhìn màu sắc, hình dáng, nếm vị, cân trọng lượng, thử nước bằng kinh nghiệm của mỗi người (hiện nay có máy đo vi tính để nhận biết); trong đó, loại 1 (dếch) và loại 2 chìm trong nước, độ 3-7 là nổi. Trầm có chất lượng ở khu vực Duyên hải miền Trung, từ Nha Trang đến các tỉnh Tây Nguyên nằm trên dãy Trường Sơn.

Cây dó bị chiến tranh tàn phá, thiên tai gây gãy đổ, con người chặt phá, côn trùng bọ gậy đục khoét… đã tiết ra chất dầu nuôi lành vết thương - chính là trầm hương.

Sau khi phát hiện cây dó có trầm, người khai thác làm các thủ tục theo quy định mới được khai thác. Sau khi bán sản phẩm, kèm theo hồ sơ pháp lý đầy đủ như một sản phẩm đầy đủ chứng từ hợp lệ.

Thời vàng son…

Ông Huyên nhớ lại, sau khi mở cửa, trầm hương được “cởi trói” nên giá trị ngày càng tăng cao. Đặc biệt, những năm 2005 - 2012, trong những lần cùng một số thành viên được cơ quan chức năng dẫn đi tham dự các hội chợ quốc tế tại Trung Quốc, ông nhận thấy, nhiều thương gia nước bạn rất thích trầm hương Việt Nam. Trầm hương ngày càng có giá trị, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc.

Ông Huyên là một trong số những người hiếm hoi sưu tầm cây trầm có giá trị kỷ lục. Những năm 2000, ông “trúng trầm” một cây cao 35m, đường kính 1,5m, với 20 công nhân khai thác; sau khi lấy thành phẩm khoảng 100 kg trầm các loại 4-5, đến nay, vẫn còn sản phẩm cây này.

Trong quá trình tìm kiếm trầm, ông Huyên gặp nhiều cây có giá trị rất lớn. Năm 2009, phát hiện một cây dó có trầm ở thôn 4 xã Tiên Cảnh, Tiên Phước. Sau khi hoàn thiện các thủ tục, thuê công nhân đào lên và 5 nghệ nhân làm ròng rã 3 tháng trời tạc tượng Đức Phật Thích Ca, với giá trị 1,5 tỷ đồng thời bấy giờ. Năm 2008, trúng được cây tóc trầm hương cao 4m, đường kính 1m, sau đó, xuất bán cho một ông chủ ở Hàng Châu (Trung Quốc) giá 1,1 tỷ đồng. Năm 2012, ông Huyên cũng phát hiện và bán một gốc trầm cao 4m trị giá 900 triệu đồng…

Đến nay, ông Huyên không thể nhớ hết mình đã phát hiện, khai thác và xuất bán bao nhiêu cây trầm quý, nhưng ông tự tin rằng, hiện nay hiếm ai còn lưu trữ những cây, tác phẩm trầm có giá trị như của mình. Trầm hương có thiên hướng tâm linh nên ông Huyên chế tác nhiều tác phẩm hết sức độc đáo, như các bức tượng: Phúc Lộc Thọ, Đạt Ma, Đức Phật Thích Ca...

Theo nghiệp trầm, ông Huyên nhận được nhiều giải thưởng thủ công mỹ nghệ. Trong đó, có tác phẩm từ gốc trầm tự nhiên tạc nên các danh lam thắng cảnh về Quảng Nam - Đà Nẵng, như: Chùa Cầu, Tháp Mỹ Sơn, Ngũ Hành Sơn, bãi biển Cửa Đại hay tác phẩm gốc trầm tự nhiên đạt Giải C cuộc thi Hàng Công nghiệp nông thôn Duyên hải miền Trung- Tây Nguyên…

… Đến những nốt trầm

Hiện nay, những cây dó cổ thụ khoảng 150 - 200 năm hầu như không còn, để kiếm được gốc trầm tự nhiên loại lớn như “mò kim đáy biển”.

Về sau này, do trầm hương ngày càng khan hiếm, hơn nữa, việc trồng cây dó tạo trầm không bảo đảm chất lượng, nhiều người còn làm trầm giả và chính sách ngày càng khắt khe nên trầm hương Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng trầm lắng, xuống dốc. “Giá trị trầm những năm gần đây thấp hơn trước, tuy giá trị đồng tiền ngày càng giảm, điều này khiến giới tìm trầm cũng chìm theo” - ông Huyên trầm lắng.

Để vực dậy thị trường trầm hương, ông Huyên đề xuất: Nhà nước cần có những chính sách, cơ chế phù hợp. Bên cạnh đó, giới khoa học cần nghiên cứu chất xúc tác đưa vào cây dó để tạo ra sản phẩm trầm hương có chất lượng. Điều quan trọng, giới buôn bán trầm cần thực tâm, trong sáng, tạo niềm tin cho khách hàng trên thế giới… mới có thể vực dậy thị trường trầm hương đang trầm lắng hiện nay.

Hiện nay, du khách Trung Quốc và Hàn Quốc tham quan du lịch ở miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng đông đảo, đây là thị trường đầy tiềm năng đối với trầm hương. Nếu có cơ chế quản lý phù hợp, giới buôn bán trầm đồng tâm hợp lực, hy vọng trầm hương sẽ thăng hoa trong thời gian tới.

                                                Xuân Hoài - Báo Công Thương