www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Thế mạnh của vùng quê Tiên Phước

 Tiên Phước có tiềm năng thế mạnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV, KTTT). Những năm qua, việc khai thác tiềm năng thế mạnh này đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.Tiên Phước xác định hướng đi của địa phương là phát triển KTV, KTTT. Theo đó, những năm qua, UBND huyện đã ban hành một số cơ chế hỗ trợ cụ thể đối với các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn như: cây tiêu, thanh trà, măng cụt, heo nái hướng nạc, phối tinh nhân tạo cải tạo đàn bò...; chú trọng khuyến khích người dân mở mới vườn nhà, vườn rừng, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đem lại hiệu quả thiết thực.

 Trong 5 năm (2007-2012) nông dân toàn huyện đã cải tạo, nâng cấp trên 940ha vườn nhà, đạt 125% kế hoạch, nâng diện tích vườn phát huy hiệu quả lên 2.250ha, đạt 66% diện tích vườn hiện có. Qua cải tạo, nông dân đã đưa vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như thanh trà, măng cụt, lòn bon, tiêu, chuối, tre điền trúc... Ông Đinh Thương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Giá trị thu nhập bình quân của vườn Tiên Phước hiện nay khoảng 30 triệu đồng/ha/năm. Một số mô hình vườn trồng lòn bon xen với măng cụt, thanh trà, chuối lùn và kết hợp chăn nuôi... có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/ha”.

 

Cây chuối đem lại thu nhập cao cho nông dân Tiên Phước.

KTV, KTTT phát huy hiệu quả đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống nhân dân. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm trên 9% so với năm 2011. Đây là cơ sở quan trọng để Tiên Phước tiếp tục hướng dẫn, vận động nhân dân đầu tư, phát triển, đưa KTV, KTTT thành ngành sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho hộ nông dân, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.Anh Huỳnh Hữu Phước ở thôn 4 xã Tiên Cẩm, người đang sở hữu hơn 400 bụi tre điền trúc, trong đó có gần 100 bụi đã cho thu hoạch và 1ha sả với nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, cho biết: “Qua làm vườn, trồng nhiều loại cây khác nhau, tôi nhận thấy tre điền trúc và cây sả là hai loại cây tương đối dễ trồng mà lại cho thu nhập khá cao nên tôi quyết định nhân rộng hai loại cây này. Đồng thời, tôi cũng tạo điều kiện giúp đỡ các hộ xung quanh làm theo để tạo nguồn hàng hóa lớn, mua bán trao đổi thuận tiện hơn”. Đối với vườn đồi, vườn rừng, nhân dân đã đầu tư mở mới, nâng cấp gần 1.000ha, đạt 109% kế hoạch. Các loại cây được đưa vào trồng chủ yếu là keo, dó bầu, quế, cau, cây lấy gỗ như sến, xà cừ, sao đen… Trong đó, keo là loại cây chiếm ưu thế. Trong năm 2011 toàn huyện đã thu hoạch trên 126 ngàn tấn gỗ keo với giá trị gần 90 tỷ đồng.

Đề án “Phát triển KTV, KTTT giai đoạn 2012 - 2016” của huyện xác định rõ: KTV, KTTT chiếm giữ vị trí quan trọng trong phát triển nông lâm nghiệp của huyện. Với  phương châm “nhân dân làm là chính, Nhà nước tạo môi trường, cơ chế để hỗ trợ động viên đối với một số cây trồng chính”, huyện khuyến khích nhân dân phát triển KTV - KTTT theo hướng vườn đa canh, đa cây nhưng có sự tập trung một số cây chủ lực; có đầu tư thâm canh để đạt hiệu quả cao. Theo ông Đinh Thương, huyện đã xây dựng cơ chế hỗ trợ cho từng loại cây trồng, từng năm cụ thể với tổng kinh phí hỗ trợ trong 5 năm (2012 - 2016) khoảng trên 10 tỷ đồng; đồng thời định hướng một số vùng trồng tập trung cây lòn bon tại Tiên Châu, Tiên Mỹ, Tiên Cảnh; cây thanh trà tại Tiên Hiệp, Tiên Ngọc, Tiên Lãnh; cây tiêu tại Tiên Mỹ, Tiên Phong, Tiên Thọ... để khuyến khích nhân dân đầu tư, phát triển”.

Theo đề án “Phát triển KTV, KTTT giai đoạn 2012 - 2016” của huyện Tiên Phước, phấn đấu đến năm 2016 giá trị thu nhập bình quân từ kinh tế vườn đạt 60  triệu đồng/ha/năm; giá trị thu nhập đóng góp của các sản phẩm từ KTV, KTTT so với tổng giá trị thu nhập nông nghiệp đạt trên 30%; hình thành các khu vực sản xuất hàng hóa lớn tập trung; xây dựng 125 vườn nhà đạt chuẩn vườn nông thôn mới (khoảng 25ha); xây dựng mỗi năm ít nhất 1 trang trại đạt tiêu chí mới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của huyện là cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nhất là hệ thống thủy lợi manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ phục vụ cho việc bảo quản, chế biến nông sản hầu như chưa có, do đó đầu ra sản phẩm còn bấp bênh. Để khắc phục hạn chế đó, huyện Tiên Phước rất cần sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn tạo “cú hích” mạnh mẽ hơn nữa để KTV, KTTT của huyện tiếp tục phát triển.

Phạm Hoàng - Báo Quảng Nam