www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tự bảo vệ mình

Để bảo vệ đường sá do huyện và xã quản lý, Tiên Phước từ lâu đã phân cấp trách nhiệm rất rõ ràng cho cơ sở và nhân dân triển khai thực hiện. Riêng với các tuyến đường huyện (ĐH), địa phương còn lắp đặt các biển chỉ dẫn tại điểm giao nhau giữa ĐH với giao thông nông thôn (GTNT), hay giữa các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ giao nhau ĐH, GTNT.

     Nội dung chỉ rõ địa điểm mà người và phương tiện đang lưu thông cần nắm bắt là loại đường gì, xây dựng năm nào, chiều dài và bề rộng ra sao và tải trọng khai thác tối đa bao nhiêu tấn. Theo ông Dương Văn Thủ - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Tiên Phước, cách làm như trên không những tạo mỹ quan cho con đường mà còn là cơ sở để người dân và chính quyền địa phương có thể xử lý được tình trạng xe tải nặng cố tình đi vào.

       “Có biển chỉ dẫn như biển báo, anh nào vi phạm sẽ bị phạt ngay chứ không có chuyện ú ớ phân bua rằng do tôi không biết đường đó cho phép tải trọng xe bao nhiêu tấn lưu thông qua” - ông Thủ lý giải.

 

Biển chỉ dẫn ở điểm giao nhau giữa quốc lộ 40B (ĐT616 cũ) với đường GTNT tại Tiên Phước.Ảnh: S.C
Biển chỉ dẫn ở điểm giao nhau giữa quốc lộ 40B (ĐT616 cũ) với đường GTNT tại Tiên Phước.

 

      Cũng bàn chuyện tự bảo vệ “mạch máu”, ông Lê Tấn Ngọc - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đại Lộc cho hay, địa phương đã triển khai làm gác chắn nhằm hạn chế tải trọng phương tiện đi vào các tuyến ĐH mà địa phương quản lý. Ông Ngọc kể rằng, trước đây có một bài báo đã phản ánh với nội dung bày tỏ sự không đồng tình về cách làm của Đại Lộc khi triển khai đến 3 gác chắn trên tổng chiều dài 15km (các tuyến ĐH5, ĐH6, ĐH7, ĐH11 ở vùng B). Huyện chẳng hề dao động vì mình đâu có làm gì sai? Địa phương nào có cấm xe chạy, nhưng bắt buộc anh phải chở hàng hóa đúng tải trọng cho phép của tuyến đường. Ông Ngọc bày tỏ: “Nếu chúng tôi buông lỏng quản lý, tải trọng cho phép có 10 tấn mà xe chở keo nguyên liệu nặng tới 20 - 30 tấn đi qua thì đường nào chịu thấu. Đường sá hư hỏng, hàng trăm tỷ đồng mà huyện và người dân bỏ ra đầu tư xem như bỏ đi. Đặc biệt, chúng tôi đã không làm tròn trách nhiệm trước nhân dân và hổ thẹn với chính mình”.

     Qua 2 câu chuyện kể trên, Sáu Còi cảm thấy ấm lòng khi còn đó nhiều địa phương đã luôn trăn trở tìm ra cách làm hay, thiết thực nhằm siết chặt quản lý hạ tầng giao thông trên địa bàn. Có thể nói, tự bảo vệ đường sá của địa phương mình trước là bước đi hợp lý và hợp lòng dân.

                                                      Sáu Còi - Báo Quảng Nam