www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Từ mô hình "Làng Duy Tân" Phú Lâm, nghĩ đến việc xây dựng NTM

Lê Cơ là người đầu tiên thực hành cải lương hương chánh với mô hình thực nghiệm tại “ Làng Duy Tân” Phú Lâm (nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) làm cho phong trào Duy Tân đã biến thành hiện thực đầu tiên tại một làng. Lê Cơ đã xây dựng được mô hình mới về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa theo tiêu chí “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

      Ngày nay, Quảng Nam cùng với cả nước đang tiến hành xây dựng nông thôn mới (NTM). Chúng ta có thể nghiên cứu cách làm của Lê Cơ trong việc xây dựng “Làng Duy Tân” Phú Lâm xưa để có thể vận dụng vào điều kiện thực tế hiện nay, nhất là vấn đề phát huy dân chủ, làm cho người dân làm chủ thực sự trong việc xây dựng làng kiểu mới cũng như thực hiện có hiệu quả các chính sách NTM của Đảng, Nhà nước.

Từ mô hình “Làng Duy Tân”…

Theo ông Lê Nguyên Đại, cháu nội của chí sĩ Lê Cơ: Vào năm 1903, Lê Cơ bị tri phủ Thăng Bình ép buộc ra làm lý trưởng làng Phú Lâm, vì làng Phú Lâm suốt 3 năm trước đó không cử được lý trưởng. Trước tình thế đó, Lê Cơ đành phải chấp nhận, nhưng với một suy nghĩ tích cực rằng: “Túng bất năng hành ư thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương” - Nghĩa là  “Dẫu không thể làm được cho cả thiên hạ, thì cũng thử nghiệm cho một làng” [1]. Nội dung thử nghiệm mà Lê Cơ đề cập đã được Huỳnh Thúc Kháng giới thiệu trong bài “Lịch sử của một người lý trưởng thực hành công việc cải lương và mấy lời thân oan” của cụ Huỳnh Thúc Kháng đăng trên báo Tiếng Dânnăm 1932,có thể tóm lượt như sau:

Điều đầu tiên, Lê Cơ làm ở làng Phú Lâm là “Chấn dân khí”. Ông quyết làm mọi cách để trừ cho được cái tệ hào cường, nhũng lạm và hiếp dân đã tổn tại trong làng từ bao đời nay, làm cho nhân dân khổ cực, và ông đã bắt đầu cải cách từ việc xâu thuế cho đến tế tự, lập cuộc bảo hiểm canh phòng để phòng trộm cướp, đem lại quyền lợi cho nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng và làm theo chủ trương của ông. Ngược lại bọn cường hào thì bất bình vì mất quyền lợi và giảm uy tín trong nhân dân... Để chấn dân khí, ông và các đồng chí đã thường xuyên tổ chức diễn thuyết cho nhân dân để truyền bá tư tưởng canh tân, phát huy dân chủ, dân quyền, đấu tranh chống lại các hủ tục, dẹp bỏ nạn cờ bạc, tình trạng bạo lực gia đình, tiếp thu văn minh của nhân loại như mặc âu phục, cắt tóc ngắn…

Thứ hai, việc khai dân trí là vấn đề mang tính chiến lược là vấn đề cốt lõi để thực hiện cải cách. Để làm được việc đó vào ngày 25/2/1904, Lê Cơ đã có đơn gửi tri phủ Thăng Bình cho lập học đường, thương điếm với nội dung như sau: “Từ trước đến nay, dân làng chúng tôi dốt nát, có mấy người học chữ nho song chưa thông kinh sử, vả lại sự học hành không hợp với khia hóa văn minh của Chính phủ bảo hộ, vì thế dân muốn học chữ quốc ngữ mưu cầu hấp thụ văn minh, lại không có trường mà học… Vậy xin quan lớn cho mở trường học quốc ngữ.. Đội ơn lắm lắm… ” [2].

Với lời lẽ khôn khéo như vậy, quan Tri phủ không lý do gì mà không cho mở trường. Lê Cơ đã nhanh chóng vận động nhân dân trong làng góp công, góp của dựng trường học tại làng Phú Lâm và đến ngày 30 tháng 4 năm 1904 đã khai giảng lớp học đầu tiên dành chohọc sinh nam giới học ban ngày, còn ban đêm là lớp cho người lớn. Sau đó, tiếp tục vận động nhân dân lập thêm lớp học riêng dành cho nữ giới.Và về sau lập thêm 4 lớp học nữa đặt ở các khu trong làng để học sinh dễ đi lại. Vào thời đó, dân làng Phú Lâm có khoảng 1.200 người, trong đó số người từ 14 tuổi trở lên khoảng 850 người thì đã có 650 người đọc thông, viết thạo chữ Quốc ngữ [3].

Thứ ba, Lê Cơ là người đầu tiên thí điểm xây dựng quan hệ sản xuất mới, làm ăn tập thể với các hình thức Hợp thương, Nông đoàn, Hợp xã để phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề “Hậu dân sinh” cho nông dân nghèo, cùng đinh.[4]Trong lá đơn gửi Tri phủ Thăng Bình xin mở trường học nói trên, Lê Cơ đã kết hợp xin mở thương điếm, ông đã viết: “Dân xã chúng tôi ở hẻo lánh xa xôi, đi hàng ngày đường mới đến chợ Vạn để mua mắm muối, dầu vải, lúc trở về thường bị bọn trộm cướp đón đường lấy sạch chẳng còn thứ gì…dân chúng tôi mong quan lớn lượng xét cho lập một tiệm buôn công cộng nho nhỏ để tiện đường mua bán ”. Trên cơ sở đó, ông về mở thương điếm và lập ra Thương hội để thực hiện việc mua bán không những trong làng Phú Lâm, mà còn đặt mối quan hệ buôn bán với các địa phương khác nữa. Về sản xuất nông nghiệp, Lê Cơ tổ chức các Nông đoàn để khai hoang và tổ chức trồng cây ngắn và dài ngày, đồng thời vận động nhân dân tự nguyện góp ruộng đất, phương tiện sản xuất để thành lập các Hợp xã. “ Theo báo cáo của Mặt trận Việt Minh xã Tiên Sơn ngày 06/10/1950 nhân dịp Đại hội thống nhất Việt Minh-Liên Việt, tính đến đầu năm 1908, nhân dân Phú Lâm đã vỡ được gần 40 mẫu Trung bộ và 20 mẫu thổ canh sẵn có của tư nhân tự hiến, lập ra 6 Nông đoàn trồng cây lưu niên xen cây ăn quả; tập trung gần 70 mẫu ruộng liền bờ, liền thửa, thành lập 5 Hợp xã ở 5 phái ”.[5]

Không những tổ chức sản xuất nông nghiệp, Lê  Cơ đã tổ chức cho một số người dân trong xã đi học để về phát triển một số nghề như nghề rèn, nghề mộc, nghề làm chén sành…

Theo ông Lê Nguyên Đại, từ mô hình thí nghiệm ở Phú Lâm, “ làng Duy Tân” đã phát triển rộng lên 30 xã, thôn trong vùng.

Về mô hình thực nghiệm của Lê Cơ ở làng Phú Lâm,Huỳnh Thúc Kháng đã đánh giá : “Ở trong một cái làng rừng che núi cách, giao thông trở ngại, thuở nay tịch mịch quê mùa, bỗng thành một nơi khai thông vui vẻ, không những dân làng và lân cận tinh phục, mà những người xa, nhất là người đã nếm mùi Âu hóa đi ngang qua tỉnh Quảng Nam, cũng gắng lên Phú Lâm đặng xem công việc sắp đặt của một ông lý. Công việc ông lý nào có hèn đâu[6].

…Đến việc nghĩ về xây dựng nông thôn mới hiện nay ở Quảng Nam.

Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa (CNH), các nước đều quan tâm đến phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Ở Nhật Bản có mô hình “Mỗi làng một sản phẩm”. Từ  thập niên 70 của thế kỷ trước, ở tỉnh Oita (miền tây nam Nhật Bản) đã hình thành và phát triển phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, với mục tiêu phát triển vùng nông thôn của khu vực này một cách tương xứng với sự phát triển chung của cả nước Nhật Bản. Trải qua gần 30 năm hình thành và phát triển, Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” ở đây đã thu được nhiều thắng lợi rực rỡ. Chỉ tính riêng trong 20 năm kể từ năm 1979-1999, phong trào “Mỗi làng, một sản phẩm” của đất nước mặt trời mọc đã tạo ra được 329 sản phẩm bình dị và đơn giản như nấm, cam, cá khô, chè, măng tre... được sản xuất với chất lượng và giá bán rất cao.Sự thành công của phong trào “ Mỗi làng, một sản phẩm” đã lôi cuốn không chỉ các địa phương trên đất nước Nhật Bản mà còn rất nhiều khu vực, đáng chú ý là các quốc gia ở châu Á và châu Phi tìm hiểu và áp dụng. Một số quốc gia trong khu vực Ðông-Nam Á như Thái-Lan, Phi-lip-pin... tận dụng được nguồn lực địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn các làng nghề truyền thống, đã thu được những thành công nhất định trong phát triển nông thôn của đất nước mình nhờ áp dụng kinh nghiệm của phong trào này của Nhật Bản.[7]

Ở Đài Loan, việc xây dựng NTM cũng là do Nhà nước hỗ trợ cộng đồng phát triển, nhưng cách làm của họ khác của Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là để chăm sóc nông dân, ngư dân ở các làng nông nghiệp và nuôi cá trên khắp Đài Loan tạo ra các ngôi làng Hy vọng với ba tiêu chí: Sức sống, nhằm thu hút thanh niên từ thành phố về nông thôn, bằng môi trường sống tốt; Sức khỏe nhằm tạo một nền nông nghiệp sinh thái, an toàn, phát thải thấp tốt cho sức khỏe của mọi người và Hạnh phúc nhằm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần của các cộng đồng”. Như vậy họ lấy làng làm đơn vị cơ sở để xây dựng NTM[8].

Về phương thức thực hiện, họ tập trung vào điều quan trọng nhất trong việc tái thiết nông thôn là con người, cho rằng chỉ có thông qua sự gia tăng tự nhận thức của người dân, sau đó mới có thể thay đổi được  chính bản thân gia đình và quê hương họ.

Về mặt chính sách, Chính phủ Đài Loan xét duyệt các dự án và cấp tiền trợ cấp. Nhà nước còn hỗ trợ thông qua các chính sách thu hút khách du lịch, khuyến khích cán bộ nhà nước về tham gia chia sẻ mua bán sản phẩm nông nghiệp sinh thái với cộng đồng với hình thức là học tập về môi trường.Như vậy nhà nước đóng vai trò quan trọng trong tạo môi trường thuận lợi để nông dân tiếp cận thị trường. Thu nhập của nông dân trong các dự án này giai đoạn đầu rất thấp, tuy nhiên họ vẫn kiên trì làm và đến nay thì thu nhập khá cao, sản phẩm nông nghiệp sinh thái không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ở nước ta, phong trào xây dựng NTM được Ban Chấp Trung ương chủ trương thực hiện  tại Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 05 tháng 8 năm 2008 (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa X). Để triển khai thực hiện, Trung ương đã chọn 11 xã trong cả nước để xây dựng thí điểm, rút kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng. Xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam được chọn là một trong 11 xã điểm để tiến hành xây dựng NTM[9].Để lãnh đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM, ngày 16/4/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg và ngày 20/2/2013 ban hành Quyết định số 342/QĐ-TTg đề ra Bộ Tiêu chí xây dựng NTM gồm 19 chỉ tiêu với 5 nhóm làm căn cứ pháp lý để xét 1 xã có đạt được mục tiêu NTM hay không [10].

Ngày 01 tháng 9 năm 2009, tỉnh Quảng Nam chính thức tổ chức Lễ phát động xây dựng NTM. Đến ngày 01 tháng 9 năm 2011, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “ Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCHTW Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới” đãđề ra mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chí NTM.

Sau 05 năm thực hiện, số xã cơ bản đạt chuẩn về các tiêu chí nông thôn mới được tăng lên đáng kể, đạt vượt mục tiêu Nghị quyết 05-NQ/TU đề ra (20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015). Bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn (204 xã) là 11,43 tiêu chí/xã (cả nước bình quân đạt 12,9 tiêu chí/xã), tăng 8,82 tiêu chí/xã so với năm 2010. Trong đó, nhóm 1 (đạt 19 tiêu chí): có 53 xã chiếm tỷ lệ 25,98%, cả nước đạt bình quân 17,04% số xã; nhóm 2 (từ 15 - 18 tiêu chí): 09 xã (4,41%); nhóm 3 (từ 10 - 14 tiêu chí): 45 xã (22,06%); nhóm 4 (từ 05 - 09 tiêu chí): 89 xã (43,63%); nhóm 5 (dưới 05 tiêu chí): 08 xã (3,92%). Huyện Phú Ninh được công nhận là huyện NTM và thị xã Điện Bàn được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2015. Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã có hơn 30% số xã đạt chuẩn NTM.

Nhìn chung, với sự nỗ lực cao và tập trung chỉ đạo quyết liệt, tỉnh đã thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, tỉ lệ các xã đạt chuẩn NTM, cũng như kết quả thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM còn chênh lệch giữa các vùng. Bình quân tỉ lệ xã đạt chuẩn ở khu vực đồng bằng là 19,6%, trong khi miền núi chỉ đạt 6,3% (6 huyện miền núi cao chỉ đạt 1,9%), có 4 huyện miền núi chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Nông Sơn). Bình quân số tiêu chí đạt được ở các xã đồng bằng là 14,06 tiêu chí/xã, bình quân số tiêu chí của các xã miền núi chỉ đạt 8,48 tiêu chí (6 huyện miền núi cao đạt bình quân 7,64 tiêu chí/xã)[11].

Thực tế ở nhiều địa phương trong cả nước và tại tỉnh Quảng Nam có 2 vấn đề đang đặt ra: Một là nợ đọng trong xây dựng cơ bản và khó khăn trong việc giữ vững các tiêu chí NTM mà các xã đã đạt được.

Báo Quảng Nam ngày 08/02/2017 đã thông tin rằng, tổng số nợ đọng đối với các xã sau khi hoàn thành chương trình khá cao. Báo cáo từ UBND tỉnh cho biết, tính đến ngày 31.11.2016, tổng số nợ đọng xây dựng NTM là 165,795 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh nợ 2,998 tỷ đồng, cấp huyện nợ 67,333 tỷ đồng, cấp xã nợ 95,463 tỷ đồng. Số nợ công trình đã quyết toán là 83,534 tỷ đồng, nợ công trình chưa quyết toán là 82,260 tỷ đồng. Nhiều địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản khá lớn nhưng chưa xác định được nguồn thanh toán là huyện Phú Ninh (36,479 tỷ đồng), huyện Đại Lộc (33,205 tỷ đồng), huyện Tây Giang (24,791 tỷ đồng), TP.Tam Kỳ (11,975 tỷ đồng), huyện Thăng Bình (10,930 tỷ đồng). Trong khi chưa trả xong nợ đọng xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 thì trong năm 2016, một số xã hoàn thành chương trình đã không giữ vững được các tiêu chí đạt được. Theo báo cáo từ UBND tỉnh, có đến 14 xã để “rớt” tiêu chí. Trong đó, huyện Hiệp Đức có 3 xã, huyện Phú Ninh: 3 xã, huyện Thăng Bình: 4 xã, thị xã Điện Bàn: 1 xã, huyện Núi Thành: 1 xã, TP.Tam Kỳ: 2 xã[12].

Từ việc nghiên cứu mô hình “Làng Duy Tân” của chí sĩ Lê Cơ đã xây dựng 113 năm trước, các mô hình NTM ở một số nước trong khu vực và tình hình thực hiện xây dựng NTM ở nước ta nói chung, Quảng Nam nói riêng, cần đúc kết một số kinh nghiệm để suy ngẫm tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng NTM trong thời gian đến. Xin có một số suy ngẫm sau đây:

Thứ nhất,  việc “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phong trào Duy Tân đến nay vẫn còn giá trị vừa là mục tiêu, vừa là bộ tiêu chí giản đơn, nhưng rất cơ bản và là tiêu chí mở, nên các ngành, các cấp cần nghiên cứu và vận dụng thích hợp vào điều kiện thực tế ở mỗi địa phương ở một tầm cao mới, trong điều kiện nước ta chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.Hiện nay, việc thực hiện 19 tiêu chí như đã đề cập trên đây mang tính chất “tiêu chí đóng”, theo quy định từ Trung ương, mặt khác, tiêu chí “chấn dân khí” chưa được coi trọng.

Thứ hai, tôn trọng và phát huy dân chủ là điều kiện cần thiết để xây dựng NTM. Thời Lê Cơ thực hiện cải lương ở làng Phú Lâm hoàn toàn là do nhân dân thực hiện, lý trưởng Lê Cơ là người lãnh đạo, tổ chức thực hiện bằng các nguồn lực và tự nguyện đóng góp của nhân dân. Hiện nay xây dựng NTM chưa hẵn là của nhân dân và do nhân dân mà phần lớn là từ nguồn lực của Nhà nước và do Nhà nước làm. Vì vậy, nợ tồn đọng về xây dựng NTM là tiền ngân sách là chính, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, nợ chưa trả xong thì đã “rớt” tiêu chí, vì những cái đó chưa phải là của dân, do dân làm ra. Nếu dân tự làm ra thì chính họ là chủ thể, họ phải bảo vệ và phát triển lên, bắt đầu là từ quy hoạch phát triển của các thôn, xã.

Thứ ba, xây dựng NTM phải đi vào thực chất, khắc phục bệnh thành tích, hình thức. Chính vì bệnh thành tích, muốn nhanh chóng được công nhận là xã NTM, nên chính quyền xã đã vay vốn của doanh nghiệp để xây dựng các công trình công cộng ở cơ sở, nên nợ đọng khó trả được. Nhiều công trình xây dựng cho có, còn việc phát huy tác dụng thì không được bao nhiêu. Băng rôn, khẩu hiệu về NTM treo đầy đường, còn việc ý thức của mỗi người dân là khâu quan trọng, nhưng ít được chú ý.

Thứ tư, việc xây dựng NTM thực chất là giải quyết các mục tiêu về “ nông nghiệp, nông dân và nông thôn” theo Nghị quyết Trung ường 7, khóa X đã đề ra:Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong đó, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn được xác định làmột nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Vì vậy, cần có những giải phápđồng bộ để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn là điều kiện tiên quyết để xây dựng, phát triển NTM. Chú trọng xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế trang trại, nông nghiệp công nghệ cao, tạo sự gắn kết giữa KH&CN, Doanh nghiệp với nông dân, phát triển công nghiệp chế biến gắn với yêu cầu của thị trường nông, lâm, hải sản.

Thứ năm, quan tâm hơn nữa đến phát triển KT-XH miền núi. Quảng Nam có 9 huyện miền núi,gồm: Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Nông Sơn, Phước Sơn và Tiên Phước với tổng diện tích tự nhiên là 783.191 ha, chiếm 74 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh, dân số trung bình khoảng 300.511 người, chiếm khoảng 20,3% tổng dân số toàn tỉnh (2015); trong đó, có khoảng trên 127.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số.Như chúng ta đều thấy, vùng miền núi có nhiều lợi thế, nhất là tài nguyên thiên nhiên, đầu tư cho miền núi ngày càng tăng, nhưng chưa có chuyển biến đột phá về phát triển, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao .[13]

Trước hết, cần có những giải pháp để khắc phục những yếu kém mà Tỉnh ủy đã chỉ ra : Nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp về thực hiện chính sách dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế - xã hội miền núi chưa được đầy đủ; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận cán bộ và nhân dân. Chất lượng nguồn nhân lực còn yếu, đa số đội ngũ cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu...[14]. Đồng thời, khắc phục 2 nguyên nhân căn bản đã kìm hãm sự phát triển đột phá ở miền núi. Đó là nội lực của cộng đồng  các dân tộc chưa được chuyển biến một cách chủ động và tích cực, nhất là chuyển biến về nhận thức, trình độ dân trí chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đổi mới tư duy, đổi mới cách làm ăn cũng như phong tục, tập quán chưa thực sự có kết quả. Mặt khác, hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính, nhất là quản lý tài nguyên còn thấp, có nơi không có tác dụng.Trong chiến tranh, rừng tự nhiên của Quảng Nam đã bị tàn phá khoảng 200.000 ha. Từ sau ngày giải phóng đến nay, rừng bị khai thác có kế hoạch cũng như bị “lâm tặc” chắc cũng gấp mấy lần số đó. Thâm chí có cán bộ quản lý tài nguyên rừng tiếp tay cho “ lâm tặc”! Bên cạnh đó, tình trạng khai thác vàng trái phép hầu như chưa được ngăn chặn, thâm chí đầu tư nước ngoài vào khai thác vàng gốc ở Phước Sơn, Bồng Miêu lại nợ thuế tài nguyên, còn thuế xuất khẩu vàng lại được hưởng thuế suất 0% ! Mất tài nguyên của Quảng Nam là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu.


[1] “ Lê Cơ qua nhận thức của hậu duệ” bài viết của Lê Nguyên Đại in trong sách “ Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX” của PGS.TS Ngô Văn Minh, Nxb. Đà Nẵng-2012,tr.258.

[2] PGS.TS Ngô Văn Minh, Sách đã dẫn, tr. 87,88.

[3] Nguyễn Phước Tương, “ Lê Cơ – nhà hoạt động Duy Tân xuất sắc”, bài in trong sách “ Xứ Quảng vùng đất và còn người”, Nxb. Hồng Đức-2012, tr.535.

[4] Đây cũng là hình thức  mà ở miền Bắc từ sau năm 1954 và ở miền Nam từ sau năm 1975, Nhà nước đã vận động nông dân vàocác Tổ hợp tác, Hợp tác xã và được gọi là cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn.

[5] PGS.TS Ngô Văn Minh, Sđd, tr. 112.

[6] Nguyễn Phước Tương, “ Xứ Quảng, Vùng đất và con người”, Nxb. Hồng Đức, tr.537,538 ( trích lại bài bsoc của cụ Huỳnh đăng trên báo Tiếng Dân số 513, ngày 17/8/1932)

[7] Hiệp Đức, “ Xây dựng nông thôn mới từ phong trào "Mỗi làng một sản phẩm"”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 12/01/2011.

[8]Đào Thế Anh,“ Kinh nghiệm Đài Loan: Xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái ”.  Báo Tia Sáng, Bộ Khoa học và Công nghệ (11/01/2016)

[9]Gồm: Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), Tân Thịnh (Lạng Giang - Bắc Giang), Hải Đường (Hải Hậu - Nam Định), Gia Phổ (Hương Khê - Hà Tĩnh), Tam Phước (Phú Ninh - Quảng Nam), Tân Hội (Đức Trọng - Lâm Đồng), Tân Lập (Đồng Phú - Bình Phước), Định Hòa (Gò Quao - Kiên Giang), Mỹ Long Nam (Cầu Ngang - Trà Vinh), Tân Thông Hội (Củ Chi – TPHCM) và Thụy Hương (Chương Mỹ - Hà Nội).

[10] Gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch (1 tiêu chí); Hạ tầng KT-XH ( 8 tiêu chí); Kinh tế và tổ chức sản xuất (4 tiêu chí); KT-XH và Môi trường ( 4 tiêu chí); Hệ thống chính trị ( 2 tiêu chí).

[11] Theo Báo cáo số 26/BC-UBND, ngày 21/3/2016 của UBND tỉnh về 5 năm thực hiện NQ 05 của Tỉnh ủy khóa XX về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

[12]Xuân Trường, “Chương trình MTQG xây dựng NTM: Chưa trả xong nợ đã "rớt" tiêu chí”, Báo Quảng Nam, ngày 8.2.2017,tr.9.

[13]Tỷ lệ hộ nghèo huyện Đông Giang năm 2011: 52,52%, năm 2015: 28,74%;  Tây Giang năm 2011: 64,56%, năm 2015: 39,14%; huyện Nam Giang năm 2011: 69,13%, năm 2015: 51,28%; huyện Phước Sơn năm 2011: 64,41%, năm 2015: 42,97%; huyện Nam Trà My năm 2011: 80,45%, năm 2015: 56,50%, huyện Bắc Trà My năm 2011: 61,23%, năm 2015: 43,13%, huyện Hiệp Đức năm 2011: 43,79%, năm 2015: 18,96%, huyện Tiên Phước năm 2011: 30,70%, năm 2015: 10,23%, huyện Nông Sơn năm 2011: 58,05%, năm 2015: 39,57%

[14] Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 17/8/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển KT-XH miền núi….

Ts Ngô Văn Hùng - Nguyên Trưởng Ban Tuyên Giáo QN