www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Từ căn nhà lưu niệm

 Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng (thôn 1, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) không chỉ là di tích cấp quốc gia, đây cũng là một “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ tìm về nhận diện truyền thống, tiếp nối chí hướng cha ông.

 

 Địa chỉ văn hóa

 

Theo sử cũ ghi lại, ngôi nhà do thân sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng xây dựng từ năm 1869. Công trình được thi công bởi đôi bàn tay khéo léo của những người thợ mộc Văn Hà. Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, chính không gian sống này là nơi lý tưởng để trau dồi kinh sử, hun đúc tinh thần hiếu học, ý chí vượt khó để cụ trở thành vị tiến sĩ Hán học nổi tiếng và là đại diện xuất sắc trong các nhân sĩ kiệt hiệt hết lòng vì nước, thương dân của vùng đất Hà Đông xưa.

“Vì trí tuệ, lòng yêu nước, công lao của cụ Huỳnh đã được ghi nhận. Không chỉ thế hệ hôm nay mà nhiều đời sau nữa sẽ biết nhiều hơn đến cụ Huỳnh Thúc Kháng”
(Ông Huỳnh Toản, cháu của cụ Huỳnh Thúc Kháng, người từng sống cùng cụ 10 năm tại Huế)

 

Hiện ngôi nhà này lưu giữ khá nhiều hiện vật cụ Huỳnh để lại. Từ những bức ảnh lúc cụ hoạt động phong trào Duy tân đến lúc trở thành một yếu nhân trong Nhà nước Cách mạng Việt Nam. Những tờ báo Tiếng Dân thời cụ làm chủ bút, bộ áo dài khăn đóng, đôi guốc lúc cụ vào Quảng Ngãi và nhiều hiện vật khác được Phòng Văn hóa thông tin huyện Tiên Phước sưu tầm khắp nơi đưa về lưu giữ tại đây. Sinh thời, cụ Huỳnh lấy tên hiệu Mính Viên (vườn chè). Nhà lưu niệm hiện nay vẫn có hàng chè bao bọc xung quanh, như nhắc nhớ người đời về tấm lòng thanh sạch và dân dã của cụ.

 

                                         Học sinh tham quan Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng

 

Cùng cả lớp tham quan Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng, em Huỳnh Thị Hân - học sinh lớp 5A trường Tiểu học Tiên Cảnh 1 chia sẻ: “Được sinh ra trên quê hương cụ Huỳnh là điều tự hào đối với em và các bạn. Ở trường, em vẫn thường được thầy cô kể cho nghe những câu chuyện về cụ Huỳnh trong các tiết ngoại khóa. Từ đó chúng em hiểu hơn về cuộc đời và những cống hiến to lớn của cụ đối với quê hương, đất nước. Chúng em càng hiểu rằng, mình phải cố gắng học tập nhiều hơn để xứng đáng là con cháu của cụ Huỳnh”. Thầy Nguyễn Huy Ân - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tiên Cảnh 1 cho biết thêm: “Ngoài các tiết ngoại khóa, mỗi tháng nhà trường cử 2 lớp đến Nhà lưu niệm quét dọn, cũng là để các cháu có dịp tìm hiểu nhiều hơn về cuộc đời cũng như sự nghiệp của cụ Huỳnh”.

 

Cần tu bổ thích hợp

 

Năm 1990, Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Trước đó, con cháu cụ Huỳnh đã 3 lần tu sửa ngôi nhà. Sau khi được công nhận, Sở VH-TT&DL tiếp tục trùng tu những hạng mục như thay mái ngói, cải tạo nhà thờ, kè đá, sân gạch, vườn cây… Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Tiên Phước, qua quá trình trùng tu, hiện trạng di tích đã có nhiều thay đổi, nhiều hạng mục có giá trị về kiểu thức, kiến trúc đặc trưng đã không giữ được nguyên gốc. Bể cạn gốc - một hiện vật của di tích gắn với nhiều giai thoại, câu chuyện lịch sử về cuộc đời cụ - được thay bằng bể cạn mới. Nền đất nện - sân đất là một nét văn hóa đặc trưng của vùng trung du Tiên Phước đồng thời phản ánh cốt cách giản dị của cụ Huỳnh Thúc Kháng - đã thay thế bằng sân gạch… Hiện nay, việc hương khói và coi sóc, bảo vệ Nhà lưu niệm được Phòng Văn hóa thông tin huyện giao cho ông Huỳnh Thoàn, bà con trong họ của cụ Huỳnh.

 

Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng là công trình kiến trúc truyền thống, trong đó quan trọng nhất là bộ khung sườn được làm bằng gỗ mít. Do đó việc bảo tồn di tích cần có các giải pháp bảo quản, tu bổ thích hợp. Sở VH-TT&DL đã có phương án trùng tu giai đoạn 2 Nhà lưu niệm, tuy nhiên, do nhiều vướng mắc trong công tác giải tỏa mặt bằng nên đến nay, việc trùng tu vẫn chưa được triển khai mạnh.

.

Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng tọa lạc trong khu vườn rộng có diện tích gần 4.000m2. Nhà gồm 3 gian, 2 chái; khung sườn đều làm bằng gỗ mít. Tổng thể kiến trúc bên trong mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn với các trính lượn cong, trên trính có các trỏng quả kê trên con đội chạm hình đầu lân. Một căn bếp được xây dựng kề với nhà trên và được nối bởi một cửa bên hông. Bên trái và bên phải nhà được ngăn nhô ra phía trước. Bên phải là phòng ăn chung cả gia đình. Phía trái có ngăn phòng lồi là nơi cụ Huỳnh Thúc Kháng làm việc. Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, quanh bàn thờ có chạm khắc hoa văn cách điệu hình con dơi ngậm chuỗi vòng và một đôi rồng bằng gỗ mít. Chính giữa bàn thờ đặt mục chủ (đề tên các ông bà, thân nhân của cụ Huỳnh đã qua đời). Phía trước là mục thấp hơn, hiện thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Ngoài Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh còn một địa chỉ rất đáng ghi nhận và đóng vai trò khá lớn trong cuộc đời và sự nghiệp cụ Huỳnh, đó là Tòa soạn báo Tiếng Dân, tại 193 đường Huỳnh Thúc Kháng, TP.Huế. Chính từ đây, một tờ báo tiêu biểu cho cả xứ Trung Kỳ với một người Quảng Nam làm chủ bút, đã cất lên những tiếng nói khẳng khái đại diện cho quyền lợi của nhân dân, đúng như tên gọi của tờ báo. Mới đây, Sở VH-TT&DL Quảng Nam đã có buổi làm việc với các sở, ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế để khảo sát, lập hồ sơ di tích đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận Tòa soạn báo Tiếng Dân là di tích lịch sử cấp quốc gia. (L.Q)

 

 

                                               Song Anh - Báo Quảng Nam