www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tổ dân vận thôn với phong trào xây dựng nông thôn mới

Xác định công tác dân vận là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành tốt phong trào xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã chú trọng công tác tuyên truyền. Điển hình nhất phải kể đến những mô hình dân vận thôn.

Tiên Phước là một trong những địa phương đi đầu về công tác dân vận. Trong đó, tiêu biểu là tổ Dân vận thôn 2, xã Tiên Sơn đã được chọn làm điểm mô hình “Dân Vận khéo” về xây dựng thôn văn hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới.

Chi bộ thôn 2 đã lãnh đạo Tổ Dân vận thôn, Ban công tác mặt trận, các chi tổ hội tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước các cấp và của địa phương về xây dựng thôn văn hóa điểm gắn với xây dựng Nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trong thôn với nhiều hình thức (như trong sinh hoạt thôn, tổ, hội và qua hệ thống truyền thanh của thôn) để nhân dân nhận thức rõ cơ chế chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt tổ Dân vận thôn đã phân tích làm rõ vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua sinh hoạt định kỳ hàng tháng của tổ, các thành viên được phân công phụ trách báo cáo lại kết quả đạt được để có kế hoạch, biện pháp, giải pháp thực hiện tiếp theo. Nhờ đó, nhiều các phong trào, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn ở khu dân cư” do Ủy ban Mặt trận phát động; phong trào “5 không 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới do Hội Phụ nữ phát động; phong trào thi đua“nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” do Hội Nông dân phát động,…đi vào chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực.

Qua hai năm thực hiện mô hình, đến nay đã có những bước chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thôn không ngừng được nâng lên trong thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đóng góp các khoản Nghĩa vụ công dân hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trước 30/9 theo quy ước của thôn văn hóa; huy động nhân dân tham gia hội họp, sinh hoạt ở khu dân cư đạt từ 90-95% . Tình trạng thiếu trách nhiệm trong hội họp không còn xảy ra. Việc ứng dụng Khoa học kỹ thuật, sử dụng cây, con giống trong chăn, trồng đã trở thành công việc thường xuyên, quen thuộc với người dân. Từ đó năng suất, chất lượng cây trồng, con vật nuôi luôn được nâng lên. Nhiều mô hình chăn nuôi heo, bò từ 10-15 con/hộ được nhân rộng. Kinh tế vườn, kinh tế trang trại được người dân tích cực đầu tư, mở rộng, đã tạo nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư mở dịch vụ xe tải, xe múc, mộc dân dụng, chế biến thức ăn gia súc,… đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm như hộ Đoàn Liễu Thạch, Đoàn Tân Liễu, Nguyễn Sơn, Nguyễn Đình Nhật…; tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi ốm đau hoạn nạn luôn được phát huy.

Tình hình ANCT-TTATXH luôn được giữ vững, không có tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng, không có bạo hành gia đình, không có tình trạng vi phạm các tệ nạn xã hội, xây dựng khu dân cư bình yên. Sau khi triển khai Thông tư 23 của Bộ Công an về “Quy định xây dựng khu dân cư, gia đình an toàn về an ninh, trật tự an toàn xã hội” đã có 100% hộ gia đình đăng ký và thực hiện nghiêm túc.

Thực hiện gia đình văn hóa, xây dựng Nông thôn mới được sự đồng tình hưởng ứng tích cực của mọi người dân, đến nay 100% hộ gia đình có bàn thờ Tổ quốc, ảnh Bác, khẩu hiệu tư gia, các công trình vệ sinh, hố xử lý rác thải sinh hoạt gia đình, xây dựng vườn nhà xanh, sạch, đẹp tạo ra môi trường trong sạch, thông thoáng. Nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư xây dựng khang trang, có tường rào, cổng ngõ, cây xanh,  mua sắm đầy đủ thiết bị âm thanh, bàn ghế, tủ sách đáp ứng được điều kiện sinh hoạt của nhân dân; sân ngõ cũng được bê tông hóa; sân bóng chuyền, bóng đá cũng được xây dựng tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… trong đó nhờ làm tốt công tác “Dân vận khéo” nên có sự đóng góp không nhỏ tiền, công của nhân dân trong thôn.

Phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn, mở đường lâm sinh phục vụ đi lại, giao lưu hàng hóa được nhân dân hưởng ứng tích cực, sẵn sàng hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng mặt đường 6,5m. Nhiều hộ dân tự nguyện hiến từ 1.500-2.000m2   đất để  làm đường GTNT, đồng thời sẵn sàng đóng tiền thuê cơ giới làm mặt bằng. Kết quả năm 2012-2013 đã mở mới 4km mặt đường rộng 6,5m. Đóng công, tiền để đổ bê tông được 1.444m và mở mới được 5 tuyến lâm sinh chiều dài 9,8 km, trị giá hơn 1,8 tỷ đồng. Trong đó nhân dân hiến đất, tài sản trên đất, tiền san ủi trị giá 765 triệu. Đến nay hệ thống giao thông nông thôn được đổ bê tông là 2.144m. Hằng năm, mỗi hộ gia đình tự nguyện đóng góp 30.000 đồng/hộ/năm để thôn điều tiết lao động phát dọn vệ sinh thông thoáng, sạch, đẹp.

Có được những kết quả đó nhờ Đảng ủy xã, Chi bộ thôn đã xây dựng Nghị quyết, chương trình, kế hoạch sát đúng, hợp lòng dân; Tổ Dân vận, Ban vận động xây dựng nông thôn mới ở thôn tâm huyết với công việc, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng và gương mẫu, tiên phong thực hiện; Tổ dân vận thôn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân; xác định rõ vai trò người dân là chủ thể để người dân tự nguyện tham gia phát triển kinh tế, XĐGN,  tạo việc làm, bảo vệ môi trường, đóng góp tiền, của, công sức để xây dựng kết cấu hạ tầng; Mọi chủ trương, chính sách, các khoản huy động đóng góp của người dân được công khai hóa tại các cuộc họp nhân dân để người dân giám sát, thực hiện.

Những kết quả đạt được từ mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng thôn văn hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới ở thôn 2 Tiên Sơn chưa nhiều nhưng cũng thể hiện sự chủ động, tích cực của Chi bộ, Tổ Dân vận, Ban vận động thôn để góp phần xây dựng xã đạt tiêu chí nông thôn mới. 

                                        Lưu Thị Bích Ngọc- Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam