www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tận tụy đến hơi thở cuối

 “Thân thế và sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng” là chủ đề hội thảo khoa học sẽ tổ chức vào ngày 20.4 tới, nhân 65 năm ngày mất của cụ Huỳnh (21.4.1947 – 21.4.2012) nhằm khẳng định và góp phần làm sáng tỏ công lao to lớn của cụ; qua đó phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học ở xứ Quảng… Hiện công tác sưu tầm hiện vật, tài liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cụ Huỳnh, xuất bản kỷ yếu, tư liệu và phim… đang thực hiện khẩn trương cùng với những bản tham luận đăng ký tại hội thảo.  Dịp này, Báo Quảng Nam góp thêm góc nhìn về thân thế, sự nghiệp của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hội Liên Việt, người sáng lập tờ báo Tiếng Dân…

 Huỳnh Thúc Kháng là một đại khoa, vừa đỗ Hương nguyên (đỗ đầu khoa Canh Tý - 1900) lại là Hội nguyên (đỗ đầu khoa thi Hội năm Tân Sửu 1904) rồi đỗ tiếp Tam giáp đồng tiến sĩ khoa thi Đình cũng trong năm ấy. Lẽ ra, theo thói thường Huỳnh Thúc Kháng sẽ thăng tiến trên quan lộ, nhưng đã xác định “việc làm quan chẳng phải là điều mong muốn” nên ông lấy cớ bị bệnh ở nhà “làm người dân biết chữ trong làng” như thân sinh của mình ngày trước. Nhưng, “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, huống gì với một người thuộc hàng tiên giác, làm sao ông có thể ngồi yên như một điếu ông vui thú điền viên. 

Vào một ngày tháng 12.1904, Huỳnh Thúc Kháng tiếp Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu tại nhà mình ở làng Thạnh Bình (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) để bàn việc nước. Sau cuộc gặp tâm giao đó, Phan Bội Châu vượt biển sang Nhật phát động phong trào Đông du; Huỳnh Thúc Kháng cùng Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp cũng làm một chuyến Nam du mang “trống tân học, mõ dân quyền” vào các tỉnh Nam Trung Bộ phát động phong trào Duy tân, kêu gọi sĩ tử “Đừng cam chịu tiếng ươn hèn/ Hơi tàn còn thở chớ quên phục thù!”. Sau chuyến đi này trở về, ông cùng các thân hào bằng hữu mở trường dạy học theo lối mới, lập hội nông, trồng quế, chung vốn mở thương cuộc ở Hội An và nhận lãnh trách nhiệm phụ trách công cuộc cải cách tại các phủ, huyện phía nam của Quảng Nam. Kể từ sau khi Trần Quý Cáp chuyển vào làm Giáo thọ ở Khánh Hòa, phụ trách công cuộc Duy tân ở Quảng Nam chỉ còn mình ông lo liệu. Vì những hoạt động này, ông bị thực dân Pháp, nhân đàn áp phong trào xin sưu khất thuế năm 1908, bắt giam tại nhà lao Hội An rồi đày ra Côn Đảo. Nhưng cái địa ngục trần gian đó không thể nào làm nhụt chí nhà chí sĩ, ông xem đấy là “trường học thiên nhiên” chỉ làm cho “Tính gừng quế càng già càng mãnh liệt”, và khẳng quyết: “Dẫu đến lúc núi sụp, biển lồi, trời nghiêng đất ngả/ Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn”. 

Huỳnh Thúc Kháng là một con người “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Trên bia mộ cụ Huỳnh ở Quảng Ngãi có ghi dòng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, uy vũ không làm sờn gan”. Ông không hề nhụt chí trong cảnh lao tù, ông cũng khước từ không chịu nhận chức vụ quan trọng ở Viện Viễn Đông bác cổ do viên Toàn quyền Pasquier đưa ra khi đã mãn hạn tù về lại đất liền. Ông chỉ đem sở học và tấm lòng ái quốc của mình ra hoạt động với mong muốn “vớt chìm chữa cháy” trong tình cảnh đất nước còn đang phải chịu cảnh áp bức của cường quyền. Với suy nghĩ như vậy, ông đưa đơn ứng cử vào Viện Nhân dân đại biểu Trung Kỳ, nghĩ rằng có thể lấy đó làm một cơ hội để “tự mở một con đường đặng tiếp xúc gần gũi với quốc dân”, nhân đó đưa những điều thực trạng của đất nước vào giữa chốn nghị trường để may ra “có bổ cứu cho nhân dân được phần nào chăng”. 

Nhưng rồi chỉ sau mấy cuộc họp đầu tiên với những cuộc tranh luận nảy lửa với viên Khâm sứ Trung Kỳ D’Elloy, tiếp đến với viên Khâm sứ Jabouille, Huỳnh Thúc Kháng nhận thấy không thể nào làm trọn được nghĩa vụ dân biểu trong “cái tuồng Nhân dân đại biểu dở mùa” chỉ là “trò bánh vẽ phỉnh trẻ con” ấy của chính quyền thực dân. Ông dứt khoát đưa đơn từ chức rồi chuyên tâm vào việc ra tờ báo Tiếng Dân - tờ báo đầu tiên của xứ Trung Kỳ với chủ đích “cốt giữ gìn cái đạo đức sẵn có của ông bà mà dung hợp với học thuyết tư tưởng mới”, cùng nuôi đám lửa nhiệt thành của các nhà ái quốc. Tiếng Dân luôn đăng những bài phản đối cường quyền che đậy công lý, nhất là cái khổ ở chốn hương quê, như “Chú lính đánh ngang quá”, “Cái khổ trong cái khổ”, “Tuần tổng bóp dân”, “Mọi điều oan khổ quan trên có thấu cho chăng?”..., và những bài báo đòi tự do ngôn luận “Ôi ngôn luận tự do! Đến bao giờ ngôn luận tự do mới thực là xuất hiện!”. Trung thành với nguyên tắc đã định ngay từ số báo đầu tiên, rằng “Nếu không nói được điều muốn nói thì ít ra cũng giữ lấy cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”, Huỳnh Thúc Kháng không chịu theo cái gậy chỉ huy của Sở Toàn quyền Pháp, như không cho đăng bài cổ động thanh niên vào cuộc “rước đuốc thể thao” do Ducoroy phát động, không hưởng ứng ý đồ “tán dương văn chương Truyện Kiều” của Chánh mật thám Trung Kỳ Sogny. Ông cũng kiên quyết không cho đăng những tin quảng cáo lừa mỵ người dân.

Đã trải nghiệm nhiều trong vòng cương tỏa của chính quyền thực dân Pháp nên khi phát xít Nhật vào Đông Dương, Huỳnh Thúc Kháng không chịu nhận “đứng mũi chịu sào” theo thư gửi ủy thác của Kỳ Ngoại hầu Cường Để, cũng không chịu tham gia chính phủ mới do Bảo Đại lập nên sau sự biến ngày 9.3.1945. Thế nhưng, khi Cách mạng Tháng Tám thành công thì ông  thật sự vui mừng bởi nghĩ rằng đời mình được thấy ngày đất nước độc lập, chế độ dân chủ được xây dựng, thế là mãn nguyện. Rồi không quản tuổi đã 70, ông vẫn nhận lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia vào Chính phủ Liên hiệp kháng chiến của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong những ngày đầu của nhà nước non trẻ lại trong tình thế như “ngàn cân treo sợi tóc”, Huỳnh Thúc Kháng đã có những đóng góp tích cực. Với vai trò Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông giải quyết nhiều vấn đề nội trị quan yếu như giữ gìn trật tự kỷ cương của xã hội mới, tham gia vào những phiên họp quan trọng của Hội đồng Chính phủ, tham gia Ủy ban Nghiên cứu đặc biệt những vấn đề sẽ đàm phán ở Hội nghị Fontainebleau. Ông còn thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh giải quyết những công việc hằng ngày của Chính phủ trong thời gian Người sang Pháp, trong đó có việc xử lý cương quyết đối với bọn Quốc Dân Đảng khi chúng gây ra vụ thảm sát ở phố Ôn Như Hầu. Và với tư cách Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Huỳnh Thúc Kháng còn có những đóng góp quan trọng trong việc đoàn kết mọi tầng lớp, cá nhân yêu nước còn đứng ngoài Mặt trận Việt Minh. Cho đến 2 ngày trước khi tạ thế, ông vẫn còn gửi 3 bức điện văn chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh “sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang hạnh phúc”, khuyên anh em binh sĩ “hăng hái hơn nữa, nhất định không để cho dân tộc ta bị tròng vào ách thực dân một lần nữa”, cùng kêu gọi các đảng phái, tôn giáo “hãy thực hiện ngay đại đoàn kết chung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh” - người mà ông xem là vị anh hùng xuất chúng, vị anh hùng của dân tộc.

Huỳnh Thúc Kháng đã sống một cuộc đời như trong điếu văn đọc trước linh cữu ông, ông Phạm Văn Đồng đại diện cho Chính phủ kháng chiến ở miền Nam Trung Bộ khẳng định là “đầy đủ, vẹn toàn, tốt đẹp” và nêu tấm gương hy sinh tận tụy “coi nước coi dân cao hơn tất cả, quên hẳn gia đình, không biết cá nhân”. Một cuộc đời như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong thư gửi toàn thể quốc dân sau ngày ông tạ thế (cũng được khắc vào bia mộ): “Cả đời cụ không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”. 

Thái độ thời chiến

“Thái độ và việc làm đáng học tập hơn hết là thái độ và việc làm của cụ trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng” – nhà văn, nhà báo Thiếu Sơn (tác giả cuốn Phê bình và cảo luận) đã kết thúc Bài học Huỳnh Thúc Kháng bằng một câu như thế. Những “bài học” này (Bài học Hồ Chí Minh, Bài học Phan Tây Hồ, Bài học Huỳnh Thúc Kháng, Bài học Nguyễn Văn Tố, Bài học Tản Đà, Bài học Phan Khôi…) được Thiếu Sơn viết rải rác trong giai đoạn 1956-1972 và đăng trong cuốn Những văn nhân chính khách một thời (NXB Công an nhân dân, 2006).

Tác giả Thiếu Sơn, người chào đời năm 1908 khi Huỳnh Thúc Kháng đã thành danh, bị Pháp bắt giam rồi đày đi Côn Đảo suốt 13 năm sau mới trở lại đất liền, nhưng vẫn kịp theo dõi hành tung bậc trưởng thượng và dành nhiều tình cảm, kính trọng lẫn khâm phục. Đối với cụ Huỳnh, trước hết nhà văn Thiếu Sơn có dịp gần gũi trên chặng đường viết văn, viết báo...  Ông viết: “Phần riêng tôi, tôi được hân hạnh cụ chiếu cố nhiều lần khi giới thiệu sách của tôi lên báo “Tiếng Dân” và khi cụ tiếp tôi ở tòa báo. Hồi đó cụ đã trên 60, đầu bạc trắng, hớt tóc ngắn người nhỏ con nhưng quắc thước và tinh anh khác thường. Tôi mới độ trên 20 tuổi, đầu óc còn nặng nề về những ảnh hưởng của “Nam Phong” và những loại sách báo khách quan tư sản, tôi gặp cụ như gặp một con người tiêu biểu cho dân tộc”.

Trong ký ức Thiếu Sơn, cụ Huỳnh “nghiêm khắc với nhiều người, gắt gao với những hạng tịch đàm vong tổ và nhứt định không thèm tiếp những hạng người đó”, nhưng lại niềm nở tiếp lớp trẻ như ông, thậm chí ân cần dạy bảo những lời hơn thiệt, và khiến ông thấy rằng phải học tập rất nhiều ở những người như cụ.

Vậy cụ Huỳnh có những gì đáng học tập?

Đó là con người  có đầy đủ khả năng tư cách và đức độ để làm lãnh tụ ngang hàng với những cụ Sào Nam, Tây Hồ nhưng lại không bao giờ tranh giành địa vị và ảnh hưởng, lại vui lòng làm một cán bộ cơ sở, giữ một địa vị tầm thường để phục vụ hai nhà lãnh tụ nói trên, coi như những tượng trưng của dân tộc… như Thiếu Sơn nhận xét. Xem ra tính cách quyết liệt của cụ Huỳnh khi giải quyết quốc sự năm 1946 (khi Hồ Chủ tịch sang Pháp) có vẻ không “tương hợp” với bản tính của cụ như nhà văn Thiếu Sơn bình phẩm: “Cụ Tây Hồ (tức Phan Châu Trinh – NV) thì nóng nảy bồn chồn thường có những lời gắt gỏng mà người ta có thể cho là khinh bạc. Nhưng cụ Huỳnh không bao giờ để mình cao hơn người, không tự tôn và cũng không tự ti, không từ chối những việc làm rất tầm thường nhưng xét ra có ích cho mình và cho người”.

Có thể thấy, dù là bậc đại khoa nhưng rất mềm mỏng, khiêm tốn, để rồi theo thời gian trở nên cương nghị, cống hiến, thậm chí xả thân cho nghiệp lớn. Từ một góc nhìn hẹp, đúng như nhà văn Thiếu Sơn nhận xét, thời chiến đã làm cho thái độ cụ Huỳnh sáng rõ hơn và đáng học tập nhất.(HỨA XUYÊN HUỲNH)

Ngô Văn Minh