www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Sau những cánh cửa khép

Những ngả đường mươn mướt màu xanh, hai bên là bờ đá rêu phong đẹp như miền cổ tích. Nhưng Tiên Cảnh, cái tên đầy thơ mộng của vùng đất này, từ lâu đã không còn hiền hòa như… cảnh tiên. Tiếng thở dài loang ra, mất hút trong sự lặng im đáng sợ của bao căn nhà, bao ngõ xóm, trong niềm ám ảnh mà ai cũng có thể gọi thẳng tên: ma túy.

 

Các đối tượng nghiện ma túy uống methadone mở tại địa phương này.Ảnh: CÔNG VINH
Các đối tượng nghiện ma túy uống methadone mở tại địa phương này.Ảnh: CÔNG VINH

Tan giấc mơ vàng

Những lời kể đứt gãy, chen giữa tiếng thở dài và rất nhiều khoảng lặng. Căn nhà cũ khuất sau ngõ đá, lại là chứng nhân cho biết bao dông bão quét qua cuộc đời bà T. (thôn 3, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), sau vết trượt dài của con trai bà. Nơi đó, V. con trai bà, như bao thanh niên ở làng, đã bước đi, ngược núi lên những bãi vàng ở Phước Sơn. Bước đi với mơ ước đổi đời, nhưng không ngờ lại là khởi đầu cho quá nhiều cay đắng. Bà kể, T. đi mãi, vài ba tháng mới trở về, chưa được dăm ba ngày lại ngược núi, bỏ lại vợ, hai đứa con và bà trong căn nhà nhỏ. “Lúc đầu nó làm có tiền lắm, rồi lấy vợ, sinh con. Nhưng mỗi lần trở về, lại thấy nó khác đi. Năm 2008 thì vợ nó biết nó nghiện. Tôi nhiều lần khuyên nhủ, nó hứa sẽ bỏ, rồi lại đi biền biệt. Một đêm, nó về. Nó khóc với tôi, nói rằng mẹ ơi con có tội với mẹ. Con bây giờ như người đã chết rồi. Con nhiễm HIV rồi…” – bà nói, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt già nua, dù đã rất cố gắng để không bật ra thành tiếng. Nghiện nặng, nên V. theo bạn bè ở bãi vàng ra Nghệ An mua ma túy, rồi “dính” án. Ở trong trại, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, V. được đưa về. Anh trở về 3 ngày thì vợ bỏ đi, để lại 2 đứa con nhỏ cho bà nuôi. Chỉ có mảnh vườn trồng mấy gốc tiêu và thửa ruộng. Tuổi già chẳng thể nghỉ ngơi, một mình bà quần quật nuôi mấy đứa cháu và con trai. Căn nhà nhỏ, không còn mấy khi được nghe tiếng cười…

Đó chỉ là một mảnh ghép trong vô vàn câu chuyện buồn ở xứ này. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng mẫu số chung, là bắt đầu từ hành trình tìm kiếm “giấc mơ vàng” của bao thanh niên quê núi. Thất học, không có việc làm, họ bước đi theo những người trước lên bãi vàng. Và trở về, lại một mẫu số chung khác, là nghiện. Ông Lê Trường Hiền, Chủ tịch xã Tiên Cảnh nói với chúng tôi, rằng nguồn cơn của ma túy là các bãi vàng kia, nơi từng một thời gợi lên khát khao đổi đời của bao phận người. Trở về, chỉ có “vàng” trên da thịt, trên đôi mắt sâu hoắm của những người trai trẻ. Chưa đầy 10 năm, như một cơn lốc, ma túy tràn khắp từng ngõ, từng thôn, giờ Tiên Cảnh thôn nào cũng có hơn mười người nghiện. Con số thống kê người nghiện có hồ sơ quản lý là 175 người, nhưng thực tế còn lớn hơn. “Năm 2015, ma túy bắt đầu rộ lên, khi cơ quan chức năng tấn công ồ ạt vào các bãi vàng, buộc những thanh niên làm việc ở đó phải dạt về địa phương. Người nghiện trẻ nhất chỉ mới đôi mươi, còn già nhất là… 50 tuổi. Nghiện từ bãi vàng nghiện về” - ông Hiền nói.

Có gia đình, 3 con trai và 2 con dâu đều dính vào ma túy, vào tù ra khám, lại tiếp tục sử dụng và buôn bán thứ chết người này. Con trai đi làm về nghiện, cha cũng nghiện theo con, rồi mẹ, vì khó khăn, vì cám dỗ của đồng tiền từ ma túy mà tham gia mua bán, rồi vào tù. Những câu chuyện thực, con người thực, ngay chính trên mảnh đất từng rất yên ả ở xứ Tiên này. Tiên Cảnh là địa phương có hẳn điểm cai nghiện ma túy bằng methadone cho người nghiện, sau TP.Tam Kỳ. Nhưng rồi suốt một thời gian dài, vẫn hiếm trường hợp cai nghiện thành công. Có người sáng uống methadone, chiều vẫn sử dụng ma túy. Như một vết dầu loang, “cơn lốc trắng” cứ lan dần vào từng căn nhà, để lại hoang tàn và những nỗi buồn không bao giờ dứt…

Chưa vơi ám ảnh

Xóm làng không bình yên. Như một hệ quả tất yếu, bóng đen ma túy trở thành nỗi lo thường trực của bao người dân quê. Tiên Cảnh giờ xao xác với nạn trộm cắp vặt, những người làng luôn dành ánh mắt e dè cho bao khuôn mặt lạ. Ông Trần Văn Hữu, cựu binh, giờ là Bí thư chi bộ thôn 5 xã Tiên Cảnh khá gay gắt khi kể với chúng tôi về những nỗi lo của người dân khi sống chung cùng các đối tượng nghiện. Thôn 5 có đến hơn 2 nghìn hộ dân với 12 nghìn nhân khẩu, gần bằng một xã ở vùng khác, và có tới 27 đối tượng nghiện. Ông Hữu nêu một “bài toán”, rằng thu ngân sách ở thôn này một năm chỉ chừng 10 triệu đồng, nhưng số tiền mà con nghiện trong thôn chi dùng để mua ma túy đã xấp xỉ 2,9 tỷ đồng, với mức “tối thiểu” cho mỗi con nghiện là 300 nghìn đồng/ngày. Vậy là trộm cắp. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, thôn 5 đã xảy ra hai vụ mất trộm xe máy, hàng chục vụ mất trộm vặt.

“Trộm vào nhà dân bắt gà, mà mỗi lần ra tay là bắt nguyên một đàn vài chục con. Có gia đình chỉ có một người già, sống bằng tiền trợ cấp, nhà nuôi vài con gà làm “của để dành” nhưng cũng bị trộm. Trộm cả vào ban ngày, nhà của trưởng thôn, công an viên trộm cũng không chừa. Đêm đến, đối tượng nghiện tụ tập ở ngã ba, ngã tư, chỉ bất đắc dĩ người dân mới dám ra khỏi nhà. Kiến nghị rất nhiều, nhưng nạn nghiện không giảm, ngay cả chính tôi cũng rất bức xúc. Nhiều người dân mất lòng tin vào công an, vào chính quyền, khi con nghiện cứ nhởn nhơ, chờ người dân sơ hở là vào trộm cắp” - ông Hữu nói.

Phía sau khung cảnh bình yên này, là những nỗi lo thường trực của người dân Tiên Cảnh. Ảnh: HÀ NGUYỄN
Phía sau khung cảnh bình yên này, là những nỗi lo thường trực của người dân Tiên Cảnh. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Một cán bộ công an xã Tiên Cảnh nói, giờ chỉ có thể giữ số người nghiện “không tăng”, chứ khó có thể giảm, khi thực tế việc cai nghiện ở cả cộng đồng và cai nghiện bắt buộc chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tiên Cảnh cũng là nơi đối tượng khác tập trung về để sử dụng ma túy, rồi trộm cắp. “Gần như 99% số đối tượng cai nghiện đều tái nghiện khi về địa phương. Người nghiện đã đông, cộng thêm đối tượng nghiện ở các vùng khác tìm về để cùng sử dụng ma túy phát sinh nguy cơ trộm cắp và mất an ninh trật tự. Như một quy luật, các đối tượng nghiện ở địa phương thì đi nơi khác trộm cắp, và ngược lại” - vị này nói.

Chúng tôi đi qua bao ngõ đá rêu xanh, những mái nhà nhỏ giữa khoảng vườn mướt mát, chỉ bắt gặp cánh cửa khép lạnh lùng. Nhiều người dân bày tỏ lo sợ, lẫn bức xúc, khi ra khỏi ngõ là gặp người nghiện. Những nỗi lo cứ thường trực, mất trộm cả ngày lẫn đêm. Thậm chí, có người dân còn nêu thẳng tên của một đối tượng mà họ nghi ngờ là “đại lý” ma túy, nơi các con nghiện vẫn lảng vảng mỗi ngày. Chính quyền xã ở đâu? Công an ở đâu? Những câu hỏi mà họ đã và vẫn hỏi, sau khi tự khép cánh cửa nhà mình, để tránh những rình mò của con nghiện mà họ cho là thủ phạm của các vụ trộm cắp, và để chính mình không phải nhìn thấy nỗi ám ảnh ma túy hiện hữu ngay trước mặt mình.

Ông Hữu nói luôn, rằng sự vào cuộc của chính quyền và công an là chưa quyết liệt, những chỉ đạo dường như mới nằm đâu đó trên văn bản, trong kế hoạch, thiếu sự đôn đốc thường xuyên. Cai nghiện bắt buộc vẫn đang rất tốn kém nhưng không thấy hiệu quả. Và sau tất cả, là nỗi hoang mang bao trùm nơi này, không chỉ riêng thôn 5 nơi ông sống, mà ở cả Tiên Cảnh, ở vùng đất vốn là miền quê thanh bình trong ký ức của ông và bao người khác. Đã có trường hợp đối tượng nghiện sẵn sàng chống trả để tháo chạy khi bị người dân bắt quả tang trộm cắp. Đã có người bị cướp, bị con nghiện tấn công khi đang trên đường đi chợ. Đến bao giờ, Tiên Cảnh mới thực sự được như tên gọi, người dân có thể yên tâm nuôi một đàn gà, khi cái bóng nặng nề, xám xịt của “cơn lốc trắng” vẫn hiển hiện ngay từng ngõ, từng nhà?

Những cánh cửa vẫn khép. Người dân không chờ câu trả lời. Họ cần chính quyền hành động. Họ cần, và họ đang chờ.

                            Thành Công - Phan Vinh, Báo Quảng Nam