www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Quê hương cụ Lê Cơ hôm nay

Sáng nay, 26.10.2018, huyện Tiên Phước tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm ngày mất chí sĩ Lê Cơ (1870 - 1918). Ông là nhà thực hành xuất sắc chủ trương canh tân của cụ Phan Châu Trinh, mở Trường Tân học Phú Lâm (Tiên Sơn) để dạy chữ Quốc ngữ, dạy võ, lập các hội làm vườn, buôn bán…

Chí sĩ Lê Cơ sinh năm 1870 tại làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương (Tiên Phước), trước thuộc phủ Thăng Bình sau thuộc phủ Tam Kỳ, Quảng Nam. Năm 1903, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khởi xướng cuộc vận động Duy tân; lúc này tại làng Phú Lâm, Lê Cơ nhận chức lý trưởng. Ông suy nghĩ “Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương” (Nếu không làm được việc lớn cho thiên hạ thì cũng làm những việc đúng trong một làng).

Với suy nghĩ đó, ngày mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn (25.1.1904), Lê Cơ  - Lý trưởng làng Phú Lâm, đệ đơn lên phủ Thăng Bình xin mở tiệm buôn tạp hóa và trường dạy chữ Quốc ngữ. Mục đích của cụ Lê Cơ là mở trường để mở mang trí tuệ cho người dân trong vùng, đồng thời diễn thuyết giáo dục lòng yêu nước cho quần chúng nhân dân. Đánh giá về Lê Cơ - cụ Huỳnh Thúc Kháng cho rằng “khí phách và đảm lực của ông không kém Phan Châu Trinh chút nào”.

Diện mạo xã Tiên Sơn có nhiều khởi sắc.
Diện mạo xã Tiên Sơn có nhiều khởi sắc.

Đất học Tiên Sơn

Phát huy truyền thống yêu nước, hiếu học do cụ Lê Cơ bồi đắp, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Tiên Sơn tập trung phát triển kinh tế - xã hội; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; công tác khuyến học - khuyến tài được chú trọng nhân rộng, đảm bảo nhu cầu học tập, vui chơi cho con em xã nhà. Hàng năm, Hội Khuyến học xã vận động trên 250 triệu đồng, khen thưởng cho hơn 300 học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập. Riêng đối với Trường THCS Lê Cơ, năm 2015, huyện Tiên Phước đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng ngay trên nền móng của Trường Tân học Phú Lâm ngày xưa ở thôn 5, đây là điểm trung tâm của xã thuận lợi cho việc đi lại học tập của con em. Trường THCS Lê Cơ được đầu tư xây dựng khang trang với 20 phòng học và khu hiệu bộ.

Những năm qua, nhà trường luôn hoàn thành tốt công tác dạy và học, được huyện đánh giá là một trong những cánh chim đầu đàn của nền giáo dục huyện nhà. Hằng năm có gần 55% học sinh có học lực khá giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 100%. Năm 2015, trường đạt chuẩn quốc gia lần 1 và đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 vào năm 2016. Cô giáo Đỗ Thị Thu Hòe - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Cơ, cho biết: “Trường vinh dự mang tên nhà chí sĩ Lê Cơ nên nhà trường luôn phát huy và giữ vững truyền thống “dạy tốt - học tốt”, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng dạy và học. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh có học lực khá giỏi, học sinh đạt thành tích cao tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, năm sau luôn cao hơn năm trước”.

Chung tay xây dựng quê hương

Quỹ học bổng Lê Cơ do ông Lê Nguyên Đại (cháu nội nhà chí sĩ Lê Cơ) phối hợp cùng Hội Khuyến học xã Tiên Sơn thành lập vào năm 2017. Qua gần 2 năm hoạt động, quỹ đã vận động được nguồn kinh phí gần 200 triệu đồng, tổ chức khen thưởng cho 11 học sinh, sinh viên (có giá trị 2 triệu đồng/suất, 3 triệu đồng/suất) có thành tích học tập xuất sắc, đã và đang là học sinh của Trường THCS Lê Cơ. Ngày 26.10 tới, Quỹ học bổng Lê Cơ tiếp tục trao học bổng cho gần 15 học sinh, sinh viên.

Năm 2015, xã Tiên Sơn về đích Nông thôn mới (NTM). Phát huy lợi thế đó, Đảng bộ, chính quyền xã Tiên Sơn tiếp tục nỗ lực duy trì và nâng chất các tiêu chí theo hướng bền vững. Sau 3 năm thực hiện, nhờ sự đồng thuận của người dân, diện mạo NTM ở xã Tiên Sơn ngày càng khởi sắc. Đến nay, các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã cơ bản được cứng hóa; có hơn 10km đường liên xã, đường xã đến huyện được nhựa hóa, hơn 10km trục đường thôn, liên thôn được bê tông hóa và hơn 6km đường ngõ xóm được người dân xây dựng, sửa sang sạch sẽ, khang trang. Riêng 2 năm 2017 - 2018, Tiên Sơn đầu tư làm mới gần 3km đường bê tông nông thôn, nâng cấp lại sân thể thao - văn hóa xã, trồng cây xanh với kinh phí 2,5 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng tuyến đường từ tỉnh lộ ĐT614 đi Gò Vàng (Tiên Sơn) - Tiên Hà với kinh phí hơn 300 tỷ đồng.

Hệ thống điện lưới quốc gia trên địa bàn xã được xây dựng đảm bảo, có gần 100% hộ dân sử dụng điện an toàn. Khoảng 85% diện tích đất nông nghiệp đảm bảo chủ động tưới và tiêu nước. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,1%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 31 triệu đồng/năm. Ông Lê Văn Phúc, người dân thôn 5 phấn khởi nói: “Từ khi đạt chuẩn NTM đến nay diện mạo làng quê khởi sắc hơn nhiều, đường bê tông thông thoáng, y tế, trường học được đầu tư xây mới khang trang; người dân tập trung phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại cho hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao hơn trước”. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,1%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 31 triệu đồng/ năm.“

Chính quyền xã luôn xác định, xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục chứ không phải công nhận xong là kết thúc. Vì vậy, sau khi được công nhận NTM, xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao các tiêu chí. Ngoài tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, xã cũng tập trung hỗ trợ nguồn vốn, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống” - ông Đoàn Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn, cho hay.

                                   Nguyễn Hưng - Thái Bình, Báo Quảng Nam