www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Quả ngọt thanh trà

Miền trung du Tiên Phước có khá nhiều loại trái cây đặc sản được người tiêu dùng ưu chuộng, đó là lòn bon Tiên Châu, dâu đất Tiên Thọ hay thanh trà Tiên Hiệp… Mỗi loại trái cây ở vùng quê “hoa trảu trắng” này đều mang hương vị riêng. Và thanh trà ở Tiên Hiệp từ lâu được biết đến với hương vị thanh ngọt đặc trưng, để lại dư vị khó quên mỗi lần thưởng thức…

Từ cây thanh trà đầu tiên…

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Bá Anh (thôn 3, xã Tiên Hiệp) tại hội chợ hàng nông sản xã Tiên Hiệp được tổ chức vào đầu tháng 8 năm nay. Trong câu chuyện về cây thanh trà đang là loại cây chủ lực cho thu nhập cao của nông dân Tiên Hiệp, ông Anh kể về nguồn gốc của những cây thanh trà đầu tiên có mặt trên vùng đất trung du này.

Ông Anh kể, ông nội của ông tên là Nguyễn Hóa, cháu gọi cụ Huỳnh Thúc Kháng bằng cậu ruột. Một lần ra Huế thăm cậu của mình, ông Hóa được cụ Huỳnh dẫn đi thăm thú, thưởng thức loại trái cây đặc sản thanh trà ở một làng ngoại thành cố đô và bảo mang một ít hạt về gieo. Nghe lời cậu, ông Nguyễn Hóa mang hạt thanh trà xứ Huế về gieo tại vườn nhà mình. Kết quả, có 4 cây thanh trà mọc lên trong rất nhiều hạt được ươm xuống đất.

Quả thanh trà Tiên Hiệp đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Anh: L.N
Quả thanh trà Tiên Hiệp đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Anh: L.N


Ông Hóa mang cho ông Huỳnh Của (ở thôn Trà Khân, Tiên Hiệp) 2 cây, phần ông giữ lại 2 cây. Hai cây thanh trà đầu tiên được trồng trên đất Trà Khân ấy đã lần lượt được chiết nhánh nhân ra hàng trăm gốc thanh trà, để rồi một ngày khi thanh trà ra hoa kết quả, đã lập tức nổi tiếng với hương vị thanh ngọt rất riêng, không khác mấy thanh trà xứ Huế.

Ông Nguyễn Bá Anh cho biết, cây thanh trà lâu năm nhất trên đất Tiên Hiệp mới chết cách đây 3 năm. Điều lạ là sau này thanh trà được nhân giống rộng khắp làng quê Tiên Phước, nhưng không nơi đâu có vị ngon ngọt thanh khiết như thanh trà Trà Khân. Phải chăng, vùng đất này có chất dinh dưỡng phù hợp với thanh trà hay vì người dân Tiên Hiệp có bí kíp trồng, chăm bón riêng của mình mà tạo nên chất lượng thanh trà danh tiếng khắp nơi như vậy.

Không ai giải nghĩa được điều này, nhưng có một điều chắc chắn rằng, quả thanh trà Trà Khân có hình dáng đẹp, nhiều người bảo, vẻ đẹp của thanh trà nơi đây trông như giọt nước. Khi chín có màu vàng, quả to chừng một ký, quả nhỏ bảy, tám lạng, có vị ngọt thanh, ráo, tép màu trắng ngà, có thể để lâu hơn một tháng mà chất lượng không hề suy giảm…

Và vùng chuyên canh

Ông Nguyễn Văn Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hiệp đưa chúng tôi đi thăm những vườn thanh trà được trồng lâu năm ở vùng đất này đúng vào mùa bói quả. Những quả thanh trà vàng ươm, đung đưa như những giọt nước trên cành xanh um lá, gợi lên ý nghĩ về một cuộc sống đủ đầy của người dân quê cần mẫn mưu sinh trên mảnh đất quê hương mình.

Theo ông Anh, Tiên Hiệp đang dần hình thành vùng chuyên canh cây thanh trà tổng diện tích trồng hơn 80ha với 15.000 cây thanh trà, mỗi năm thu về khoảng 2 tỷ đồng. Người dân Tiên Hiệp hưởng ứng Nghị quyết 18 của HĐND huyện về chính sách hỗ trợ cây trồng, con vật nuôi, tập trung phát triển mô hình trồng trọt chuyên canh thanh trà, đem lại hiệu quả kinh tế vườn khá cao. “Phần lớn các chủ vườn ở đây đều trồng thanh trà xung quanh nhà, vừa tạo khung cảnh đẹp lại vừa cho thu nhập” - ông Nguyễn Văn Anh cho biết.

Ông Phạm Văn Khuê (ở thôn 3, Tiên Hiệp) kể, gia đình ông bắt đầu trồng thanh trà cách đây 20 năm. Ông bảo thanh trà dễ trồng, khoảng cách mỗi cây từ 7 đến 8m để đảm bảo cho tán lá phát triển, rễ hoạt động tốt… “Tuổi già như vợ chồng tôi bây giờ thu nhập chính nhờ cây thanh trà trong vườn. Mấy năm trở lại đây, xã phát động toàn dân xây dựng nông thôn mới, khuyến khích người dân tập trung tận dụng ưu thế đất vườn, trồng chuyên cây thanh trà để đem lại thu nhập”- ông Khuê nói.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng (ở thôn 2, Tiên Hiệp) thì không giấu được niềm vui khi khoe với chúng tôi, gia đình bà đất ít, chỉ trồng được 10 gốc thanh trà, nhưng nhờ chăm sóc tốt, mỗi năm đến vụ, thu nhập cũng được 20 triệu đồng. Bà Hồng nói, để trái thanh trà Tiên Hiệp ngon, sạch và đẹp, người dân nơi đây đã bao trái hoặc dùng nước vôi 1% phun trực tiếp từ 10 đến 15 ngày một lần để phòng sâu bệnh, tránh dùng thuốc bảo vệ thực vật...

Cứ đến mỗi vụ mùa, thương lái đến Tiên Hiệp thu mua thanh trà để cung cấp đi khắp nơi. Thanh trà vùng đất này còn được bày bán dọc dài theo con đường Tiên Phước - Trà My, tạo nên một bức tranh sơn cước sinh động giàu sức sống, thu hút ánh nhìn lữ khách ngang qua. Thanh trà Tiên Hiệp có thể ăn tươi, chế biến thành nhiều món ăn xứ Quảng như gỏi thanh trà trộn thịt, trộn tôm, trộn mực, trộn ong non, nhộng tằm... vừa ngon vừa bổ. Thanh trà Tiên Hiệp đang là cây chủ lực đem lại thu nhập khá cho nhiều gia đình và tạo thêm một nét sinh động cho nhiều mảnh vườn mát lành xứ Tiên...

                                                          Đặng Trương - Báo Quảng Nam