www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Phiên tòa rút kinh nghiệm với vụ án “Gây rối TTCC” tại cầu Sông Tiên.

Tiếp tục thực hiện Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30/3/2017 của Tòa án nhân dân tối cao và Quy chế phối hợp số 01/QCPH-VKS-TA ngày 09/4/2018 của Liên ngành Viện kiểm sát nhân dân – Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam; nhằm nâng cao kỹ năng, chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên và kỹ năng xét xử, chất lượng điều hành phiên tòa của Thẩm phán theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Trong các ngày 21, 22/3/2019 và ngày 11/4/2019, Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án hình sự đối với bị cáo Đoàn Ngọc H và đồng phạm, bị truy tố về tội“Gây rối trật tự công cộng” theo điểm a, b khoản 2 Điều 245 của Bộ luật Hình sự năm 1999Riêng bị cáo Đoàn Ngọc H còn bị truy tố về tội“Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Đây là vụ án có tính chất phức tạp, rất được dư luận quan tâm theo dõi, có nhiều bị cáo và người tham gia tố tụng khác được triệu tập đến phiên tòa.

Do vậy, công tác chuẩn bị cho việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm được hai đơn vị phối hợp thực hiện khá chu đáo. Lực lượng Cảnh sát bảo vệ phiên tòa được huy động với số lượng lớn nhằm đảm bảo phiên tòa được diễn ra nghiêm túc, trật tự và an toàn. Ngoài thành phần tham gia theo quy định, phiên tòa còn có các cơ quan báo chí đến dự và đưa tin nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Quang cảnh phiên tòa

Theo nội dung cáo trạng và diễn biến phiên tòa, thể hiện: Tối ngày 08/11/2017, nhóm của Đoàn Ngọc H gồm có: Đoàn Ngọc H, Phạm Xuân T, Nguyễn Như N, Huỳnh Tấn V, Đoàn Phạm Quốc B và nhóm của Hồ Anh L gồm: Hồ Anh L, Hồ Anh L1, Hồ Văn D và Bình B, H (chưa xác định được lai lịch cụ thể) hẹn nhau đến cầu Sông Tiên (thuộc khối phố Bình Phước, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) để giải quyết mâu thuẫn trước đó. Nhóm của Đoàn Ngọc H chuẩn bị công cụ gồm: mã tấu, súng tự chế, dao chuối và nhóm của Hồ Anh L chuẩn bị công cụ gồm: súng tự chế, mã tấu, dao chuối, mìn tự chế. Khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày, các đối tượng trên mang theo vũ khí, hung khí đã chuẩn bị sẵn cùng nhau lên cầu Sông Tiên để giải quyết mâu thuẫn. Khi gặp nhau, hai bên sử dụng hung khí, vũ khí đánh nhau loạn xạ trên cầu Sông Tiên.

Hồ Anh L1 và Hồ Văn D dùng hai quả mìn tự chế đốt và ném về phía nhóm của Đoàn Ngọc H gây tiếng nổ lớn và vang xa hơn 01 km. Còn Đoàn Ngọc H dùng súng tự chế bắn vào chân của Hồ Anh L1 gây thương tích 03% và dùng kiếm chém trúng cổ tay của Hồ Anh L1 gây thương tích 04%; Hồ Anh L cũng dùng súng tự chế bắn về phía nhóm của Đoàn Ngọc H nhưng không gây thương tích cho ai. Sau khi đánh nhau trên cầu Sông Tiên, nhóm của Đoàn Ngọc H đuổi đánh nhóm của Hồ Anh L chạy về hướng Trung tâm Hội nghị huyện Tiên Phước. Sự việc diễn ra gây náo loạn tại khu dân cư, làm mất an ninh trật tự và gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân. Tại phiên tòa, các bị cáo Đoàn Ngọc H, Phạm Xuân T, Nguyễn Như N, Huỳnh Tấn V, Đoàn Phạm Quốc B đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Riêng các bị cáo Hồ Anh L, Hồ Anh L1, Hồ Văn D và người bào chữa cho các bị cáo cho rằng hành vi của các bị cáo là phòng vệ chính đáng nên không phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” như Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Phước truy tố. Sau khi cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của các bị cáo, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo: Đoàn Ngọc H 48 tháng tù về các tội “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng”; Phạm Xuân T 36 tháng tù, Nguyễn Như N 36 tháng tù, Huỳnh Tấn V 18 tháng tù, Đoàn Phạm Quốc B 18 tháng tù, Hồ Anh L 42 tháng tù, Hồ Anh L1 36 tháng tù và Hồ Văn D 27 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, hai đơn vị Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Phước đã tổ chức phiên họp để rút kinh nghiệm xét xử với sự tham dự của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa, các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án và Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên của Viện kiểm sát.

Quang cảnh cuộc họp rút kinh nghiệm

Phiên họp rút kinh nghiệm đã đánh giá được những ưu điểm và chỉ ra một số tồn tại, thiếu sót của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa, thành viên Hội đồng xét xử cũng như Thư ký phiên tòa và rút ra được những bài học quý báu trong công tác xét xử.

Tất cả các thành phần tham dự cuộc họp đều có nhận xét, đánh giá chung đây là phiên tòa rút kinh nghiệm có sự chuẩn bị tốt, đã dự liệu và xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; các tài liệu, chứng cứ và tình tiết của vụ án được Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.

                                    Ngô Tấn Nhựt - Thư Ký TAND huyện Tiên Phước