www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Phạm Bằng nhà chí sỹ yêu nước trên quê hương Tiên Phước

Phạm Bằng sinh năm 1911, tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng (nay là thôn 2, Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam) là người con duy nhất của ông Phạm Đán và bà Nguyễn Thị Quyền. Gia đình làm nghề nông. Từ nhỏ Phạm Bằng đã nổi tiếng thông minh, nhưng do chính sách ngu dân của thực dân Pháp nên trên địa bàn Tiên Phước không có trường cấp I nên ông phải lặn lội xuống Tam Kỳ để học tại trường Tiểu học Pháp - Việt.

    Trong những năm 1936 - 1939, phong trào đọc sách báo công khai luận bàn tư tưởng tự do tiến bộ diễn ra ở khắp nơi trên địa bàn Tiên Phước trong tầng lớp trí thức từ Cây Cốc, Tích Phước, Tài Đa, Cẩm Y, An Tráng, Thạnh Bình,…Lúc này, Trường Tiểu học Pháp - Việt là một trong những cơ sở có truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng của phủ Tam Kỳ, học sinh của trường từng vận động tranh cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ khóa 3, chống dự án tăng thuế của khâm sứ Trung kỳ. 

Do học tập trong môi trường có truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng nên Phạm Bằng sớm tiếp thu tư tưởng cách mạng, bản thân cũng thường xuyên đọc các sách báo tiến bộ, trong đó có báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng. Ở đây, Phạm Bằng cũng đã có nhiều người bạn có tư tưởng cấp tiến. 

Học xong tiểu học, Phạm Bằng trở về quê dạy học tại trường sơ cấp, tổng Tiên Giang Thượng nên nhân dân quen gọi là giáo Bằng. Là thầy giáo nên Phạm Bằng có điều kiện tiếp xúc với nhiều giáo viên, học sinh, thanh niên tiến bộ. Đồng thời, hình ảnh của giáo Bằng đương thời không phải là khăn đóng áo dài đen mà là đầu tóc cắt ngắn, âu phục trông thật gần gũi, thân quen, cởi mở. Ông đã bồi dưỡng cho người học: lòng yêu nước, ý thức dân tộc. Trong đó, có nhiều người về sau hoạt động cách mạng có nhiều đóng góp cho Đảng và cho dân tộc.

Do cần cù làm ăn nên gia đình Phạm Bằng thuộc vào loại khá trong vùng. Nhà có máy dệt và 1 lò ươm tơ, thường xuyên giao dịch, buôn bán với nhiều người ở các địa phương khác. Đây chính là điều kiện để giáo Bằng có thể quy tụ lực lượng một cách thuận lợi và hợp pháp, cơ  sở dệt chính là vỏ bọc tránh sự xoi mói của mật thám Pháp. Trong nhà bao giờ cũng có 30 - 40 người làm công, vừa tham gia ươm tơ, dệt lụa, đi buôn gỗ, đánh tranh lợp nhà, đào giếng cho dân,…Phạm Bằng đã tuyên truyền, giác ngộ lòng yêu nước cho nhiều người làm công trong nhà, trong đó có người về sau xây dựng trở thành cơ sở cách mạng. Gần cuối năm 1939, thấy Phạm Bằng có tư tưởng tiến bộ, đồng chí Khưu Thúc Cự được Tỉnh ủy phân công hoạt động ở Tiên Phước đến bắt mối liên lạc với Phạm Bằng. Giữa lúc đó, thì nhiều tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn tỉnh bị địch đánh phá bể vỡ, đồng chí Khưu Thúc Cự cũng bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An.

Đầu năm 1940, phong trào cách mạng ở tỉnh Quảng Nam phục hồi. Nhiều cơ sở cũ được móc nối trở lại. Tháng 3-1940, Tỉnh ủy Quảng Nam được lập lại. Sau hội nghị tại chùa Hang (nay thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành), tháng 10-1940, đã quyết định chọn Tiên Phước làm chiến khu, dự kiến khi có chỉ thị sẽ đánh chiếm đồn Trà My.

Đầu năm 1941, đồng chí Nguyễn Sắc Kim, Tỉnh ủy viên được Tỉnh ủy phân công lên hoạt động ở Tiên Phước. Theo giới thiệu của đồng chí Khưu Thúc Cự, cơ sở đầu tiên mà đồng chí Nguyễn Sắc Kim bắt mối liên lạc là đồng chí Phạm Bằng. Để thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy tại hội nghị chùa Hang, yêu cầu lúc này là cần xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng ở Tiên Phước để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Do đó, từ cơ sở của Phạm Bằng, đồng chí Nguyễn Sắc Kim thành lập chi bộ Thạnh Bình gồm các đồng chí: Phạm Bằng, Đào Trợ, Lê Quyên, Huỳnh Hóa do Phạm Bằng làm bí thư. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương- tiền thân của Đảng bộ huyện Tiên Phước.

Đầu năm 1943 để gây quỹ chi dùng cho Đảng, Tỉnh ủy phát hành vé số cứu quốc bí mật. Tháng 4-1943, địch phát hiện việc này và từ đó lần ra các cơ sở của Đảng, tiến hành đánh phá phong trào cách mạng trên diện rộng. Địch phát hiện ra manh mối cơ sở đầu não của Đảng nên tập trung truy lùng ráo riết các đồng chí Tỉnh ủy viên. Đồng chí Nguyễn Sắc Kim phải chuyển đổi vùng hoạt động và địa bàn Tiên Phước phải chuyển giao lại cho đồng chí Phan Thị Nễ phụ trách.

Thông qua chi bộ Thạnh Bình, đồng chí Phan Thị Nễ phát triển thêm nhiều tổ quần chúng cứu quốc lập thêm các tổ cứu tế, mở lớp huấn luyện về Đảng cho đảng viên, tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1943. Riêng ở làng Thạnh Bình đồng chí Phan Thị Nễ xây dựng thêm tổ quần chúng gồm 6 người.

Chi bộ Thạnh Bình và các tổ quần chúng ở Thạnh Bình hoạt động mạnh và nhiều người biết đến, do đó mật thám Pháp tìm cách lùng sục dò la.

Sau lễ kỷ niệm Quốc tế lao động ngày 1-5-1943 ở làng Thạnh Bình, quần chúng bàn tán xôn xao nên bọn mật thám biết được cán bộ tỉnh thường lui tới hoạt động. Chúng gọi một thành viên trong tổ quần chúng ở Thạnh Bình xuống huyện lỵ tra hỏi. Lúc đầu cơ sở quần chúng này không khai, nhưng sau khi bị tra tấn, dụ dỗ đã khai các đồng chí Phan Thị Nễ, Võ Toàn, Nguyễn Sắc Kim thường lui tới nhà Phạm Bằng.

Tối ngày 25-5-1943, các đồng chí Võ Toàn, Nguyễn Sắc Kim, Phan Thị Nễ vừa rời khỏi nhà đồng chí Phạm Bằng thì mật thám Pháp ập đến bắt đồng chí Phạm Bằng cùng nhiều người khác tra khảo, đánh đập. Biết rằng bọn mật thám đã biết các đồng chí Võ Toàn, Phan Thị Nễ, Nguyễn Sắc Kim vừa rời khỏi nhà mình sẽ sang nhà đồng chí Lê Quyên họp trù bị chứ không sang nhà Đào Trợ, đồng chí Phạm Bằng đã nói 3 đồng chí ở nhà Đào Trợ nhằm đánh lạc hướng địch, không ngờ, 3 đồng chí không ở lại nhà Lê Quyên mà sang nhà Đào Trợ chờ đồng chí Nguyễn Hàng đến sẽ chính thức họp. Cuộc họp đang tiến hành thì 1 giờ khuya, mật thám Pháp ập đến vây nhà Đào Trợ. Các đồng chí dự họp phát hiện và nhanh chóng chạy thoát, bọn mật thám bắt được chủ nhà là Đào Trợ và ngày hôm sau bắt được đồng chí Phan Thị Nễ và Nguyễn Hàng. Đồng chí Phạm Bằng chúng đưa về huyện lỵ tra khảo nhưng không khai thác được gì nên hôm sau chúng chuyển về nhà lao Hội An giam giữ và kết án 1 năm tù giam.

Cuối năm 1944 mãn hạn tù, đồng chí trở về địa phương tiếp tục hoạt động. Lúc này phong trào cách mạng ở tỉnh Quảng Nam có bước phục hồi đáng kể. Đồng chí Nguyễn Tiến Chế, Tỉnh ủy viên được phân công chịu trách nhiệm xây dựng phong trào cách mạng các huyện phía Nam, đồng chí đã lên Tiên Phước và bắt liên lạc với đồng chí Phạm Bằng.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, số cán bộ, đảng viên bị địch bắt giam trong các nhà tù lần lượt ra tù ngày một nhiều và được phân công về những địa phương còn thiếu cán bộ. Tỉnh ủy phân công đồng chí Huỳnh Đắc Hương, Tỉnh ủy viên phụ trách phong trào cách mạng của huyện Tiên Phước. Đồng chí Phạm Bằng, Nguyễn Huyên và cơ sở cũ của ta được đồng chí Huỳnh Đắc Hương nhanh chóng bắt mối liên lạc. Hòa cùng với phong trào cách mạng tỉnh Quảng Nam, ban vận động khởi nghĩa huyện Tiên Phước được thành lập gồm 4 đồng chí do đồng chí Huỳnh Đắc Hương làm trưởng ban. Đồng chí Phạm Bằng được cử vào ban vận động khởi nghĩa đồng thời được cử vào ban cứu quốc của huyện cùng với đồng chí Phạm Toàn được phân công phụ trách tổng Tiên Giang Thượng.

Đến tháng 8-1945, tình hình ngày càng khẩn trương. Tại Thạnh Bình dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phạm Bằng và Phạm Toàn đã vận động được 10 thanh niên tự võ trang luyện tập quân sự. Đồng chí Trần Thị Nguyên (bà giáo Khắc), Phó ban vận động phụ nữ cứu quốc tỉnh được phân công lên Tiên Phước, lúc này cũng đến Thạnh Bình vận động nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa.

Đêm ngày 18-8-1945, sau khi nhận lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, nhân dân làng Thạnh Bình nói riêng và nhân dân huyện Tiên Phước nói chung với sự hỗ trợ của đoàn xe lực lượng võ trang tỉnh do đồng chí Võ Toàn, Phan Thị Nễ chỉ huy đã tiến hành khởi nghĩa thắng lợi. Liền trong đêm đó đồng chí Phạm Bằng và đồng chí Huỳnh Đắc Hương đứng ra tiếp quản chính quyền huyện lỵ. Hai ngày sau, UBND cách mạng lâm thời huyện Tiên Phước được thành lập. Phạm Bằng được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời huyện.

Ngày 06-1-1946, ngày tổng tuyển cử đầu tiên của cả nước. Đồng chí Phạm Bằng cùng 14 vị đại biểu của tỉnh Quảng Nam và là một trong 2 vị đại biểu của huyện Tiên Phước được UBMT Việt Minh tỉnh Quảng Nam tín nhiệm giới thiệu ra ứng cử và trúng cử với số phiếu rất cao. Đồng chí là một trong những đại biểu quốc hội đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.

Đầu năm 1947, do bị địch đánh đập, tra tấn dã man trước đây nên vết thương cũ tái phát và do làm việc nhiều, sức khỏe ngày một giảm sút, đồng chí Phạm Bằng được nghỉ công tác về nhà chữa bệnh. Theo sự phân công của Đảng, đồng chí Trần Thị Thanh Thảo (quê Hải Phòng) là cán bộ phụ nữ đã đến chăm sóc, lo cơm cháo, thuốc men hằng ngày cho đồng chí.

Kể cả từ sau ngày giải phóng đến nay, mặc dầu đồng chí Phạm Bằng đã qua đời, nhưng đồng chí Thảo vẫn thường xuyên về thăm viếng, quý mến con cháu trong gia đình Phạm Bằng, thể hiện tình đồng chí, đồng đội gắn bó thâm sâu.

Cuối năm 1946 đầu năm 1947, trong chuyến kinh lý tại miền Trung, khi về lại quê hương Tiên Phước và nghe tin đồng chí Phạm Bằng bị bệnh, Huỳnh Thúc Kháng có đến thăm viếng, động viên. Tuy nhiên do bị bệnh nặng đồng chí từ trần ngày 23-10-1947. Trước khi nhắm mắt đồng chí Phạm Bằng nói với bạn bè, đồng chí đang ở bên cạnh mình: “thực dân Pháp hút máu dân tộc Việt Nam, máu của tôi cũng đổ vì chúng”.

Về người bạn đời của Phạm Bằng, đồng chí Huỳnh Thị Châu, cháu gọi Huỳnh Thúc kháng bằng chú cũng đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng cùng chồng. Bà thường xuyên đi mua kén tằm để làm liên lạc, do đó, bà bị thực dân Pháp bắt cầm tù 1 năm tại nhà lao Hội An, sau khi ra tù năm 1944, bà từ trần, để lại hai con nhỏ trong khi đồng chí Phạm Bằng đang bị giam trong nhà lao Hội An.

Đồng chí Phạm Bằng đã về cõi vĩnh hằng, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng vẫn nguyên giá trị và lan tỏa đến cho thế hệ sau học tập, noi gương. Những người con Tiên Phước càng tự hào hơn về vùng đất Thạnh Bình một trong những chiếc nôi của văn hóa, chiếc nôi của phong trào yêu nước, phong trào cách mạng trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nơi đã sản sinh ra chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, nhà yêu nước Lê Vĩnh Khanh, Lê Vĩnh Huy và nơi đây là một trong những chiếc nôi của phong trào Duy tân trong những năm 1906 - 1908. Tiếp bước cha anh phát huy truyền thống yêu nước, Phạm Bằng và những người con ưu tú của quê hương đã sớm tiếp thu tư tưởng cách mạng và xây dựng chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương - tiền thân của Đảng bộ huyện Tiên Phước. Có thể nói đây là mốc son lịch sử chói lọi của huyện nhà mà làng Thạnh Bình là hình mẫu để từ đó các địa phương khác có điều kiện tiếp thu và phát triển nhân rộng phong trào. Cũng từ chi bộ Đảng này đã rèn luyện tinh thần thép cho nhiều người đảng viên Cộng sản, như đồng chí Đào Em - trong lao I của nhà lao Côn Đảo, đồng chí thà chết chứ không ly khai Đảng !

Những công lao, đóng góp của đồng chí Phạm Bằng với quê hương, với cách mạng là tài sản vô giá cần được trân trọng gìn giữ và phát huy.

              Đoàn Văn Lương - Ban TG HU Tiên Phước