www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Phác thảo dang dở

 Chủ trương xây dựng nông thôn mới đang hứa hẹn làm bừng dậy nét tươi sáng của phần lớn không gian sinh tồn truyền thống của người Việt. Thật thú vị, trong một chuyến trở lại ngày xưa, nhà báo Nguyễn Minh Sơn thấy ở phong trào Duy Tân một phác thảo nông thôn mới còn dang dở.


       Trung du Tiên Phước ở Quảng Nam là xứ của vườn cau, chè, quế và hồ tiêu. Vườn ẩn trong núi, bên những thung nhỏ, quanh co bờ ruộng bậc thang. Vùng đất đó sinh ra những con người chí lớn, ghi danh cho những trang huyết hùng sử một thời. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… và đặc biệt là người anh hùng thảo dã Lê Cơ.

          Mô hình Duy Tân lý tưởng

       Khi Phan Châu Trinh giương ngọn cờ dân quyền với khẩu hiệu “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” khắp nơi thì Lê Cơ chỉ quanh quẩn ở xứ vườn chè. Làng Phú Lâm nằm ở chốn đèo heo gió hút huyện Lễ Dương phủ Thăng Bình, nay thuộc xã Tiên Sơn huyện Tiên Phước. Thân mẫu của cụ Phan là bà Lê Thị Trung, em ruột của cụ Lê Tuân thân sinh chí sĩ Lê Cơ. Thuở nhỏ, Lê Cơ cùng Phan Châu Trinh theo học với ông Huấn đạo Lộc Sơn. Người anh em cô cậu ruột của cụ Phan học hết trường ba, tương đương việc rớt tú tài, ông về lại làng. Thuở ấy, theo tài liệu của báo Tiếng Dân, Phú Lâm là làng ngoại thích một vị quan lớn, hào cường nổi lên khiến làng ba năm không cử được lý trưởng.

        Tri phủ Thăng Bình ép ông Lê Cơ đảm nhận chức lý trưởng. Năm 1903 ông Lê Cơ nhận chức với niềm tin “Ta không làm nổi việc lớn cho thiên hạ thì ta cũng có thể thí nghiệm ở một làng” (Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương). Nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân ví nếu như Phan Châu Trinh là bộ não thì Lê Cơ là cánh tay. Cánh tay ấy không thẹn với bộ não kia, nhiều khi cánh tay nặng thực tế còn muốn lôi bộ não nặng trí thức đi xa hơn nữa. Giấc mộng Duy Tân của Phan Châu Trinh đã được cụ thể hoá qua Lê Cơ.

         Lên làm lý trưởng, nắm được lòng dân, Lê Cơ bắt đầu thực hiện lý tưởng của mình. Ông ra sức trừ cường hào, nhũng nhiễu. “Cải cách từ việc sưu thuế cho đến tế tự, canh phòng, trăm điều chấn chỉnh, bọn cường hào không thế thực thi thủ đoạn ích kỷ như trước mà dân chúng trong làng đều tâm phục cả” (Tiếng Dân số 513 ngày 17.8.1932). Cũng trong bài báo Tiếng Dân đã trích, cụ Huỳnh Thúc Kháng viết tiếp: “Trong lúc bấy giờ (1905 – 1906) nhà nước có lệnh lập xã học, dạy quốc ngữ, chữ Tây trong tỉnh lại có phong trào cổ động công thương các nghề.

        Ông là anh em con nhà cô cậu với cụ Phan Châu Trinh, nên biết việc cải cách là cần, bắt đầu thực hành trong làng, lập trường học, rước thầy dạy quốc ngữ (lúc ấy trong nhà quê nhiều nơi không biết chữ quốc ngữ là gì, nhiều vị lão thành ra sức phản đối) cho trẻ con trong làng học, ít lâu lại thêm một trường nữ học nữa (nữ học ở trong Quảng Nam, về mấy phủ huyện trong, trường Phú Lâm là đầu tiên). Đồng thời, trong làng chung lại mở vườn trồng quế, lập cuộc buôn, dựng lò rèn (rèn đồ nông khí), lập cuộc bảo hiểm, canh phòng kẻ trộm cướp. Ở trong một cái làng rừng che núi cách giao thông trở ngại, thuở nay, tịch mịch quê mùa bỗng thành một nơi khai thông vui vẻ, không những dân làng và lân cận tin phục, mà người xa, nhất là người đã nếm mùi Âu hoá đi ngang qua tỉnh Quảng Nam, cũng gắng lên đến làng Phú Lâm đặng xem công việc sắp đặt của một ông lý. Công việc ông lý nào có hèn đâu!”

         Nhất định chưa cũ 

 
Phú Lâm nổi tiếng với vườn cau và vườn quế.

            Cách đây bốn thập kỷ, khi viết cuốn khảo cứu Phong trào Duy Tân, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân tỏ ra dè dặt vì sợ độc giả mất hứng thú khi trích dẫn bài báo về những hoạt động của chí sĩ Lê Cơ đăng trên tờ Tiếng Dân xưa cũ. Vì thế ông đã khơi gợi độc giả thử tưởng tượng lùi về quá khứ ở thời điểm lịch sử đó làng Phú Lâm do ông xã Sáu Lê Cơ cải cách có hình vóc như thế nào. Tôi cũng đã thử mường tượng và so sánh với những làng xã ngày nay. Rõ ràng Phú Lâm, làng điển hình Duy Tân trên toàn quốc được tổ chức một cách bài bản với lề lối sinh hoạt tiến bộ. Dưới bàn tay sắp đặt của ông xã Sáu Lê Cơ, Phú Lâm mở thương cuộc mọi người chung vốn buôn bán giấy bút, mắm muối cho dân làng; mở lò rèn làm nông cụ cho nông dân; mở cuộc bảo hiểm canh phòng kẻ gian trộm quế, nông sản; vận động lập vườn, chia vườn của nhà giàu cho những người dân nghèo không có đất sản xuất… Đặc biệt ấn tượng nhất vẫn là phương thức giáo dục tiến bộ ở trường tân học Phú Lâm. Trường tân học Phú Lâm xây dựng tại phía đông của làng, khai giảng vào ngày rằm tháng ba năm Giáp Thìn (1904).

        Ban đầu trường tân học Phú Lâm chỉ có lớp nam sinh sau có thêm lớp nữ sinh đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Học sinh không phân biệt tuổi tác. Tổng cộng lúc cao điểm có tới 150 học sinh theo lối “thả học, thả canh” phù hợp với mùa vụ nghề nông. “Giáo trình” dạy học và phương thức cũng thay đổi uyển chuyển. Học sinh được học các sách về khoa học như Bác vật chí của Phạm Phú Thứ, địa lý kinh tế như Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, văn học dân gian và thơ ca của những nhà hoạt động Duy Tân và toán học cộng trừ nhân chia… Khác hẳn giáo dục khoa bảng thời điểm đó, và cả ngày nay, trường tân học Phú Lâm mục đích khai trí nên học sinh chỉ học để biết và vận dụng nghề nghiệp chứ không tổ chức thi cử. Đặc biệt tiến bộ nhất phương pháp giáo dục hướng nghiệp bằng những giờ học cách chế biến những nông cụ và vật dụng bình thường sau đó được đem về nhà dùng. Ngoài ra, nhà trường còn dạy môn thể dục theo kiểu tổ chức đội hình chiến đấu khiến công sứ Pháp Charles nghi hoặc cho mở đường từ Việt An lên Phú Lâm xuống Tam Kỳ; lập hẳn một cái đồn bên cạnh trường để giám sát.

           Tiếng tăm ông xã Sáu Lê Cơ từ làng Phú Lâm vang ra toàn quốc, đưa phong trào Duy Tân lên một thời điểm sôi động chưa từng có. Lê Cơ tự do thực hiện ý chí mình trước sự ngán ngại của tri phủ, tổng đốc bởi con người chính trực này đã từng thẳng thừng chống tham nhũng trong bộ máy cấp trên qua những hành động cụ thể; từng gặp mặt công sứ Charles và vị công sứ này có phần nể trọng. Nhưng rồi cuối cùng, người anh hùng lỡ vận này cũng bị bắt vào năm 1908 như những nhà Duy Tân khác trong phong trào xin xâu ở Trung kỳ. Cơ đồ sự nghiệp của ông tại làng Phú Lâm sụp đổ tan tành sau ba năm ông ngồi tù ra. Năm 1916 ông lại tham gia khởi nghĩa Duy Tân, bị bắt và đày đi Lao Bảo. Khi thấy một người bạn tù bị kiết lị ngồi lâu trong đám cỏ bị lính Pháp coi ngục đánh, Lê Cơ khí phách ngút trời dùng rựa xông tới xô xát với lính Pháp và bị bắn chết.

Vĩ thanh 

 
Trường tân học Phú Lâm chỉ là bãi đất trống với tấm bảng di tích loè nhoè chữ.

             Hơn 100 năm sau đại cuộc của người anh hùng thảo dã Lê Cơ tôi tới làng Phú Lâm. Trường Tân học ngày xưa chẳng còn dấu tích gì ngoài bãi đất hoang. Thương cuộc bây giờ chỉ còn lại địa danh Gò Chợ. Buổi trưa, những người buôn bán lẻ trên cái chợ di động sau xe máy từ Việt An lên rảo quanh làng. Một trường tiểu học tình nghĩa do người cháu nội đích tôn của ông vận động mang tên Lê Cơ được dựng lên cách đó không xa. Vườn tiêu vườn quế vẫn lên xanh nhưng ai biết miền sơn cước này đã trải qua thương điền tang hải ?

          Anh Hồ Viết Ký, nguyên chủ tịch xã Tiên Sơn dẫn tôi đi một vòng quanh làng. Tôi hỏi anh là người từng nắm chức vụ tương đương với cụ Lê Cơ ngày xưa ở đây cảm giác thế nào? Như người sợ phạm huý, anh vội vàng xua xua tay. Tôi thích nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân về hai chữ Duy Tân đối với ngày nay. Ông nói Duy Tân ngày nay chưa hẳn mới nhưng nhất định chưa cũ… Thầy Xuân đã mất cách đây bốn năm rồi, nghĩ lại điều đó lòng cảm thấy bâng khuâng. Ở Phú Lâm buổi chiều lạnh và mưa, tôi tự hỏi trước tiền nhân bao giờ trở lại ngày xưa?

NGUYỄN MINH SƠN - bÁO Sgtt