www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Những sự ra đi cho mùa xuân thắm mãi

 Cách đây 88 năm, mùa xuân năm 1926, ngày 24-3, Phan Châu Trinh - một chiến sĩ yêu nước vĩ đại, người được Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Hồ Chủ tịch) tôn vinh là Nam quốc dân quyền tiên tổ chức (người khởi xướng dân chủ, dân quyền ở nước Nam) - qua đời. Lễ tang ông đã trở thành một cuộc biểu dương ý chí đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc cực kỳ to lớn.

 Nhà cầm quyền đã thấy trước cái chết của ông có thể sẽ là cơ hội để nhân dân dấy lên một cao trào chống thực dân, nên đã có đủ biện pháp kiềm chế kiểm soát, nhưng tất cả đều vô hiệu.

Một ban trị sự lo việc lễ tang được thành lập gồm đại diện các nhân sĩ trí thức, các nhà doanh nghiệp, điền chủ, các nhà bảo trợ, đề ra những công việc như một quốc tang:

Các trường học, các chợ, các cơ sở công nghiệp thực hiện bãi thị, bãi khóa, bãi công, ngày 4-4-1926 - ngày đưa tang.

Các tỉnh cử người về Sài Gòn dự điếu tang.

Các nơi (về không kịp) thì tổ chức lễ truy điệu như kiểu người Hoa truy điệu Tôn Văn.

Họ chuẩn bị một quan tài kẽm, việc nhập quan có sự kiểm tra của một bác sĩ Pháp và được phép quàn đến ngày 4-4.

Họ đã chuẩn bị băng tang cho mọi người đến viếng và đưa tang, đồng thời hướng dẫn để mọi người tự chuẩn bị băng tang.

Họ đã thống nhất bài vị đặt ở nhà riêng và những nơi tổ chức truy điệu Phan có dòng chữ: Việt Nam chính trị cách mạng gia Phan Châu Trinh tiên sinh chi vị.

 

                                    Lễ tang cụ Phan Châu Trinh năm 1926 tại Sài Gòn

 

Hầu như mọi người dân, mọi tổ chức ở Sài Gòn đều đến viếng và đưa tiễn Phan Châu Trinh. Từ những công chức cao cấp, những nhà trí thức hàng đầu, các doanh nhân và điền chủ nổi tiếng và đông đảo lao động thợ thuyền, các cơ sở bưu điện, hỏa xa, các nhà in, các công xưởng, có cả những người thuộc lớp dưới đáy xã hội... đều tham dự lễ tang (báo cáo của Sở mật thám Pháp ghi rõ đoàn không có băng và biểu ngữ số 13 là các chủ chứa và các cô điếm Sài Gòn). Lượng người tiễn đưa Phan Châu Trinh không có con số chính thức, có nguồn tin nói là hơn 100 ngàn người, bằng khoảng 1/3 số dân Sài Gòn lúc ấy.

Điều quan trọng lễ tang Phan Châu Trinh không chỉ là cuộc biểu dương ý chí lực lượng cực kỳ to lớn, mà còn là một cuộc thức tỉnh sâu sắc. Hầu hết các chiến sĩ cộng sản lớp đầu tiên khi ấy ở lứa tuổi thanh-thiếu niên đều tham gia lễ tang và từ đó dấn thân.

 

       Hàng ngàn người dân Sài Gòn mặc tang phục tham dự đưa tiễn đám tang cụ Phan Châu Trinh

 

Đồng chí Nguyễn Văn Linh lúc này 11 tuổi có lẽ là một trong những người trẻ nhất tham gia hoạt động truy điệu Phan Châu Trinh ở Hải Phòng. Đồng chí Võ Chí Công 13 tuổi theo cha ra Tam Kỳ nghe Đốc học Trần Cảnh báo cáo về lễ tang Phan Châu Trinh ở Sài Gòn. Đồng chí Trường Chinh dự lễ truy điệu ở Nam Định. Đồng chí Hà Huy Tập túc trực bên bàn thờ Phan tại Nha Trang. Giáo sư Trần Văn Giàu, đồng chí Nguyễn Văn Tạo và nhiều bạn khác đang học Trường Chasse Loup Laubat xô cổng trường ra tham dự lễ tang.

Đồng chí Phạm Văn Đồng nhớ lại và kể: “Sự qua đời và lễ tang Phan Châu Trinh là một sự bùng nổ của tinh thần yêu nước Việt Nam, làm xoay chuyển cuộc đời của nhiều người và đưa họ vào lực lượng yêu nước và cách mạng. Bản thân tôi đang học trường Bưởi, tôi tham gia lễ truy điệu, để tang và bãi khóa. Bị đuổi học, tôi đã tham gia hoạt động cách mạng. Mấy năm sau, tôi được sang Quảng Châu gặp Bác Hồ. Nếu không có lễ tang cụ Phan thì cuộc đời tôi sẽ khác”. Đúng như một bức liễn của thợ thuyền Nam Định Truy điệu Tây Hồ nhật, thức tỉnh quốc dân hồn.

 

 

Học giả Hoàng Xuân Hãn nhận xét lễ tang của cụ Phan là một big bang của tinh thần yêu nước Việt Nam. Đồng chí Phạm Văn Đồng nhất trí với nhận xét này.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nhớ chuyện xưa, xin có đôi điều bày tỏ.

Lễ truy điệu tướng Giáp là một quốc tang với tất cả những hình thức trọng thể nhất của Nhà nước, nhưng có những chuyện không ngờ đó là lễ tang của lòng dân vô cùng sâu sắc, phong phú, nồng ấm, không hề có dấu ấn của những quy định hướng dẫn. Hàng triệu người thương tiếc tướng Giáp theo tiếng gọi của trái tim mình.

Nhiều bạn trẻ và các bậc trung niên từ những nơi rất xa về Hà Nội viếng tướng Giáp. Có người nói rằng: “Cha tôi, lính Điện Biên của tướng Giáp, khi còn sống ông luôn dặn con cháu nếu cha chết, khi tướng Giáp mất thế nào các con cũng phải thay cha về Hà Nội tiễn đưa ông”.

Lâu nay khi bàn về quan hệ máu thịt với dân, chúng ta thường nói theo chiều của dân, vì dân, do dân, dân là những người đẩy thuyền, cũng là những người lật thuyền. Trong những ngày tang lễ này có một câu ca dao được nhắc đi nhắc lại:

Thương dân dân lập đền thờ
Hại dân dân đái ngập mồ
thối xương

Nhân dân luôn rạch ròi, sòng phẳng như vậy.

Lật thuyền là sự chấm dứt đắng cay, đái ngập mồ thối xương là nỗi nhục truyền kiếp.

Lòng dân với tướng Giáp có thể làm nhiều người tự vấn, và hiển nhiên là nếu có sự tự vấn nghiêm chỉnh thì cũng là điều tốt cho người đó và cho cả chúng ta.

 

                                       Dòng người vào viếng nhang và đưa tiễn tướng Giáp

 

Nhìn những gương mặt nam thanh nữ tú đi trong đau đớn, lặng lẽ suy tư, ai cũng như già dặn hơn, nghiêm trang hơn, rất nhiều người, trong đó có các bậc trưởng thượng, mừng vui yên lòng. Những gì là biểu hiện của một lớp trẻ bất cần đời, vô cảm, phai nhạt lý tưởng như đã biến mất. Những giá trị đẹp của con người, của lớp trẻ Việt Nam còn đó và nổi lên.

Với những bạn trẻ ấy ai chẳng cảm thấy không nên nói nhiều, không cần dạy bảo “hãy nén đau thương”, “hãy biến đau thương”.

Thế hệ tiền bối trong vụ big bang bùng nổ lòng yêu nước năm 1926 có Nguyễn Ái Quốc đã về Quảng Châu, đã có Đường Cách mạng, đã tổ chức đưa nhiều thanh niên, học sinh yêu nước đến phố Văn minh để Người trực tiếp huấn luyện, đào tạo trở thành những hạt giống đỏ của cách mạng Việt Nam.

Với thế hệ trẻ hôm nay, chúng ta phải làm gì và họ thật sự cần gì?

Mang trong mình tinh huyết của dân tộc, trong thời đại Internet, ở một nước có tốc độ phát triển Internet cao, họ hẳn là có đủ hiểu biết, tâm huyết, bản lĩnh. Chắc chắn là họ hơn, nếu không nói là hơn hẳn thế hệ trẻ của thập niên 20 thế kỷ trước.

Họ hiểu rõ sứ mệnh của mình trong thời đại ngày nay.

 

                                  

Ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cụ Hồ đã nói với học sinh thế hệ cha ông họ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ phần lớn ở công học tập của các em”.

Người làm nên Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã nhiều lần nói với thế hệ trẻ: Thế hệ cha ông đã rửa được nỗi nhục mất nước, nỗi nhục làm nô lệ, thế hệ trẻ phải rửa được nỗi nhục đói nghèo, lạc hậu... Phải có nhiều Điện Biên Phủ trên các lĩnh vực, các mặt trận khác.

 

 

      Hình ảnh hàng vạn người dân thủ đô Hà Nội đổ ra đường tiễn đưa tướng Giáp năm 2013

 

Đòi hỏi đó, sự giao phó đó đặt ra cho nhiều thế hệ người Việt và bây giờ ở trên vai họ. Sống trong thời đại hội nhập, họ thấy tất cả sự nghiệt ngã của cuộc cạnh tranh này. Khoảng cách giữa nước Việt với nhiều nước trong khu vực ngày càng giãn ra và chuyện sánh vai với Malaysia, Thái Lan chứ chưa nói đến với các cường quốc năm châu e là sẽ bất khả thi.

 

                                          Dòng người bất tận tiễn biệt tướng Giáp

 

Trong dòng người bất tận, đi về đường Hoàng Diệu, đường Trần Thánh Tông, đứng ven đường Hà Nội-Nội Bài, Đồng Hới-Vũng Chùa, tôi xúc động lặng người nhìn những bà cụ mắt nhòa lệ, tay lần tràng hạt, những cựu chiến binh nhưng gương mặt như càng dày dạn trận mạc hơn với nỗi đau này. Nhưng tôi chú ý hơn hết và bị thu hút hơn hết bởi những gương mặt trẻ trung, sáng ngời ngời đáng yêu vô cùng. Họ đâu có mặt nám đen, mắt ngơ ngác, đi đứng lom rom. Họ đâu có hát “Mùa thu nào ngày 23 ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”. Họ cũng không có tâm thế “phơi phới xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” nhưng tôi nghĩ chính họ là những người cùng với đất nước này đi về phía trước giải những bài toán lớn của đất nước, tương lai.

 

                                                      Tướng Giáp mãi mãi trong lòng dân

 

Họ không cần ai chăn dắt bày bảo, cầm tay chỉ việc. Họ cần sự tin cậy giao phó. Họ cần sự tôn trọng, cần một môi trường để tự do tự chủ, tự lo toan gánh vác.

Mùa xuân đang về. Tuổi trẻ là mùa xuân. Họ làm nên mùa xuân.

Tôi tin ở họ. Không thể khác được.

Mà không tin ở họ thì biết tin ai lúc này!

                                                                                    Nguyễn Đình An - Báo Đà Nẵng

Nhớ cụ Phan Châu Trinh và 10 điều bi ai của dân tộc Việt Nam

Chương trình vĩ đại bị dở dang của Phan Châu Trinh

Phan Châu Trinh và sự thức tỉnh dân tộc thế kỷ XX

BBT donghuongtienphuoc.com viếng mộ cụ Phan đầu xuân

Video: phóng sự người cháu gái cụ Phan

Chuyện người vợ và con của cụ Phan Châu Trinh

Chuyện con gái cụ Phan Châu Trinh

Mãi mãi ngàn năm Người bên cạnh Bác Hồ