www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nhờ thầy con đã không bỏ học

 "Mỗi khi con vắng học không phép thì ngay bữa sau thầy tìm tới nhà, động viên, phân tích điều hay lẽ phải cho con biết sự cần thiết của học vấn để thoát khỏi cái đói, cái nghèo của quê mình", thầy giáo Lê Thạch Thi kể về thầy giáo cũ.  

Sáng nay trời bắt đầu trở lạnh, những cơn mưa đầu mùa cứ rây rắc, dai dẳng mãi không ngớt, gió thì thào trong lá, khẽ khàng hôn lên má, lên tóc em. Tiết trời đã se se lạnh đủ làm cho tâm hồn ta thổn thức, hoài niệm về một thời đã xa, thời áo trắng khi một mùa hiến chương nữa lại về, ngày Nhà giáo Việt Nam đang cận kề.

Vậy đã là trung tuần tháng 11 rồi. Mới đó mà đã mấy năm tôi xa quê, tôi xa mảnh đất từng nuôi mình khôn lớn từng ngày, xa những kỷ niệm tôi đã gói ghém thời học sinh, xa cả người người cha thứ hai của cuộc đời tôi - người thầy hồi cấp 2 của tôi. Giờ đây tôi đã lớn, đã bước đi trên đôi chân của mình, cuộc đời dẫu có bôn ba, hối hả, tôi vẫn nhớ về thầy. Sao giờ phút này đây tôi nhớ thầy nhiều lắm, nhớ cả những kỷ niệm, ánh mắt, giọng nói, lời dạy, những bài học sâu sắc của thầy. Sau quãng thời gian xa thầy, giờ đây tôi đã lớn, mỗi khi nhớ về thầy, tôi vẫn muốn mình là con của thầy như ngày xưa mà thôi.

Thầy có còn nhớ mặt, nhớ tên con không vì quá thực rất lâu, lâu lắm rồi thầy ạ. Với con vì cuộc sống mưu sinh, vì hoàn cảnh, điều kiện đôi lúc nó cứ cuốn phăng đi tất cả, cuốn đi những kỷ niệm, bạn bè hay những người xưa cũ, nhưng với con ký ức về thầy sẽ mãi mang theo, công ơn của thầy con mãi khắc ghi. Thầy có còn nhớ không, có được đọc những dòng tâm sự này của con hay không nữa, nhưng kỷ niệm này, câu chuyện này thì con không thể nào quên thầy ạ.

Năm đó quê mình còn vất vả, nghèo lắm phải không thầy? Nhà con đông anh em nên khó khăn, xong buổi học ở trường con phải tất tả theo bố mẹ đi làm, rồi đi lấy củi, đi chăn trâu, đi bắt tôm, bắt tép về cho mẹ nấu canh, nấu kho thêm vào bữa cơm của gia đình… Nhà con là thế, bố mẹ quá vất vả vì tụi con, con thương bố mẹ rồi bỏ bê việc học, định ở nhà để kiếm tiền, đỡ đần giúp thêm bố mẹ. Nhưng mỗi khi con vắng học không phép, không có lý do thì ngay bữa sau thầy đã tìm tới nhà, thầy đến bên con, động viên, an ủi, phân tích điều hay lẽ phải cho con biết sự cần thiết của học vấn để thoát khỏi cái đói, cái nghèo của quê mình.

Thầy thường động viên: “Con hãy cố lên, vượt qua tất cả để mà bước tiếp con nhé”. Câu nói ấy làm con nhớ mãi thầy ạ. Con cảm ơn thầy nhé, cảm ơn thầy nhiều lắm, không có thầy thì con không có như ngày hôm nay. Dẫu rằng con đang gian nan, vất vả lắm, mọi thử thách đang chờ con ở phía trước nhưng con hứa sẽ không quên và luôn nghe theo lời dạy của thầy để vượt qua tất cả. Con vẫn nhớ như in năm đó, nhà thầy cũng không khá giả hơn nhà con là mấy và cũng có thể nói thậm chí là nghèo. Con không biết thầy đi dạy mỗi tháng lương bao nhiêu tiền nhưng gia đình thầy lúc nào cũng vui vầy, hòa thuận, mấy con của thầy rất ngoan, học giỏi. Con khâm phục điều đó bởi vì thầy đơn giản không chỉ là người thầy mà còn là người cha mẫu mực, hết lòng yêu thương con cái nữa.

Thầy ạ! Năm đó vào thời gian cũng như năm nay, gần ngày 20/11 thì có một cơn bão ập tới, làng trên xóm dưới quê mình đều bị ảnh hưởng của bão, nhà thì tốc mái, xiêu vẹo, cây cối ngả và mọi thứ đều ngổn ngang. Sau cơn bão là ngày 20/11 nên chúng con đến thăm thầy. Tới nơi thì nhà thầy cũng bị tốc mái, nhìn lên mái thấy thầy cùng với mấy người hàng xóm đang sửa lại mái nhà. Mấy đứa bạn con thì ngơ ngác, sửng sốt vì cứ nghĩ rằng nhà thầy chắc khá giả lắm.

Thầy vui tính, leo thang xuống đon đả mời tụi con vào nhà rồi thầy trò hàn huyên tâm sự. Thầy tiếp chúng con bao nhiêu là chuyện, nói bao nhiêu là điều, rồi thầy hỏi han, tâm sự với từng đứa một. Đi thăm thầy mà tụi con quên tặng quà, khi ra về đi được nửa đường mới sực nhớ và cùng nhau vào nhà thầy lần nữa. Và điều đó chỉ có ở tụi con thôi phải không thầy, chúng con biết với thầy chúng con chăm ngoan, trưởng thành là món quà, tặng phẩm lớn nhất đối với thầy mà thôi.

Với con những câu chuyện như thế này, những kỷ niệm về thầy sẽ theo con cùng năm tháng và chắc không thể có lần thứ hai nữa phải không thầy. Và hơn thế nữa, không ít lần con đã làm cho thầy buồn lòng, thầy tức giận nhưng chưa lần nào thầy nặng lời để gắt gỏng hay trách mắng con. Những lúc như thế thầy lại điềm đạm, chỉ bảo, nhắc nhở, động viên con biết cách đối nhân xử thế hay phải cố gắng học hành để sau này lập nghiệp, giúp đỡ bố mẹ, gia đình.

Bây giờ con đã lớn, con càng hiểu và thấm thía hơn những lời dạy của thầy. Lại một mùa tri ân nữa về, con chạnh lòng khi nhớ đến ngày 20/11, nhớ lại những kỷ niệm và những gì của thời xưa cũ ấy. Đã từ rất xa xưa cha ông ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, con đang ở một nơi rất xa thầy và cũng đã mấy mùa tri ân nữa con không được về thăm thầy, thi thoảng đó là lời hỏi thăm, một vài tin nhắn qua điện thoại, thầy đừng buồn nhé. Nhờ có diễn đàn, qua bài viết này con không biết thầy có đọc được hay không, nhưng với con bằng tất cả tấm lòng, sự chân thành và tri ân sâu sắc con gửi đến thầy sự biết ơn và kính trọng nhất.

Bây giờ, mai sau và mai sau bao lâu đi nữa thì con cũng không bao giờ quên được thầy. Công lao, sự dạy dỗ của thầy con sẽ mãi khắc ghi và như ca từ bài hát “Người thầy”, mỗi khi được nghe con lại bồi hồi xúc động nhớ về thầy biết chừng nào:

“Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi
Có hay bao mùa lá rơi
Thầy vẫn đến như muôn ngàn tia nắng
Sáng soi bước em trong cuộc đời”.

Và cuối cùng không có gì hơn, con kính chúc thầy luôn luôn mạnh khỏe và thành công hơn nữa trên con đường, sự nghiệp trồng người của mình.

Kính chào thầy.

Con của thầy.
Lê Thạch Thi
Trường THPT Phan Châu Trinh, Tiên Phước, Quảng Nam
 

                                                                    Theo VnExpress