www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nghiên cứu giải pháp cải thiện chất lượng và năng suất cây lòn bon

Ngày 23.7.2019, Sở KH&CN tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu các giải pháp cải thiện chất lượng và nâng cao năng suất lòn bon của tỉnh Quảng Nam”, do TS. Vũ Mạnh Quyết - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa chủ nhiệm, triển khai chủ yếu tại 3 huyện Tiên Phước, Đông Giang và Nam Giang.

Giai đoạn 2014 - 2018, ban chủ nhiệm đề tài đã đánh giá hiện trạng sản xuất cây lòn bon của 3 huyện Tiên Phước, Đông Giang và Nam Giang; tiến hành khoanh vẽ bản đồ hiện trạng vùng trồng lòn bon của tỉnh; nghiên cứu đặc điểm canh tác cây lòn bon, đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong sản xuất; đánh giá yếu tố đặc thù về chất lượng đất và lòn bon (thực trạng về chất lượng đất trồng, thực trạng về chất lượng trái, mối quan hệ giữa đất và năng suất, hình thái và chất lượng lòn bon).

Qua đó, ban chủ nhiệm cũng xây dựng được công thức phân bón phù hợp với cây; xây dựng mô hình trình diễn và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng trái; xây dựng mô hình trồng thí nghiệm áp dụng một số biện pháp kỹ thuật cho cây lòn bon tại xã Tiên Châu, Tiên Cảnh (Tiên Phước) trên diện tích 3ha với nhiều mô hình, công thức đối chứng khác nhau. Đề tài cũng đã xây dựng bản đồ hiện trạng vùng trồng lòn bon sử dụng công nghệ GIS. Ban chủ nhiệm đề tài cũng đã tuyển chọn được 5 cây đầu dòng với các tiêu chuẩn cây đạt 10-30 năm tuổi, sinh trưởng khỏe, tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao, năng suất quả tầm 200kg/cây, thân dạng tháp, dù…) nhằm bảo tồn nguồn gen, phục vụ nhân giống, đề nghị Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan công nhận danh sách 5 cây đầu dòng.

Theo TS. Vũ Mạnh Quyết, cây lòn bon được trồng trên vườn đồi, trong vườn nhà dân huyện Tiên Phước với phạm vi hơn 500ha và phân bố ở diện tích hàng trăm héc ta dưới tán rừng của huyện Đông Giang và Nam Giang. Do tập quán trồng ít có sự thâm canh, đầu tư chăm sóc hợp lý của người dân tại các huyện trên nên phần lớn diện tích trồng đã thoái hóa, giảm chất lượng, trái có vị chua.

“Đến nay, chúng tôi đã xây dựng được mô hình thâm canh lòn bon 10 - 20 năm tuổi (mật độ trồng 200 cây/ha) với tổng diện tích 3ha, trồng thâm canh có áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, phẩm chất trái như tưới nước, tỉa cành, bón phân vi sinh và tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh cho người dân vùng dự án nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, cải thiện chất lượng quả, giúp người dân nâng cao thu nhập từ loài cây đặc hữu này” - TS. Quyết nói.

                                          Hoàng Liên - Báo Quảng Nam