www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nghịch lý giá thịt heo

 Giá heo hơi rẻ trong khi chi phí đầu vào cũng như giá thành phẩm lại khá cao khiến người chăn nuôi bị thiệt và thua lỗ, kéo theo tổng đàn heo tại nhiều địa phương giảm. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng chẳng lợi gì vì giá heo thịt vẫn cao.

 Người chăn nuôi lỗ

      Còn nhớ, khoảng 5 năm trở về trước, từ nông thôn đến miền núi, các vùng phụ cận của thành phố, rất nhiều gia đình xây chuồng chăn nuôi heo. Thế nhưng hiện nay, không ít hộ chăn nuôi bỏ chuồng trống vì lỗ. Tại xã Tiên An, huyện Tiên Phước, số hộ chăn nuôi heo đã bắt đầu giảm dần. Trong chuồng nhà chị Ngô Thị Phước (thôn 6, xã Tiên An) hiện có 5 con heo choai. Một năm trở lại đây, giá heo hơi giảm mạnh, có lúc chỉ 35.000 đồng/kg nên chị Phước rất ít mua bột chuyên dụng mà tận dụng cám gạo cũng như rau, chuối trong vườn làm thức ăn chính. 

 

Trong khi người chăn nuôi chịu lỗ thì giá thịt heo lại rất cao khi đến tay người tiêu dùng.
Trong khi người chăn nuôi chịu lỗ thì giá thịt heo lại rất cao khi đến tay người tiêu dùng.

 

      Tương tự, thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ số hộ còn nuôi heo cũng dần đếm trên đầu ngón tay. Trong chuồng nhà ông Nguyễn Thanh Tùng hiện có 7 con heo có thể xuất chuồng vào tháng tới và gầy bầy mới để kịp bán phục vụ tết. Anh Tùng tính toán: “Mỗi ngày mất hết 15.000 đồng mua xác đậu nành và 10.000 đồng tiền hèm rượu, 5.000 đồng rau cỏ, thỉnh thoảng mới thêm tí bột chuyên dành cho heo. Với giá heo hơi dao động ở mức 40.000 đồng như hiện nay thì không lời không lỗ. Nhưng nếu giá tụt giảm giống cách đây vài tháng thì lỗ là cái chắc, chưa nói nếu rủi ro dịch bệnh. Vì thế, xóm này còn rất ít người nuôi heo”. Thực tế, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã không cầm cự nổi tình trạng giá heo thấp kéo dài thời gian qua. Trung bình, người chăn nuôi phải mất 4 tháng để nuôi heo con đến khi xuất bán, để đạt 90kg phải tốn 220 - 250kg cám. Nếu giá heo hơi xuống dưới mức 40.000 đồng/kg thì người nuôi lỗ.


        Hiện nay, một số công ty thức ăn gia súc phối hợp với người chăn nuôi đầu tư ở giai đoạn cuối nhằm phát triển doanh số bán hàng, đồng thời hỗ trợ người chăn nuôi. Bà Bùi Thị Xuân Minh - chủ cửa hàng thức ăn Minh Sơn (101 Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ) cho biết, bà cũng đầu tư thức ăn giai đoạn cuối cho vài hộ chăn nuôi heo nhưng không mấy khả quan. Doanh số bán hàng của cửa hàng luôn sụt giảm theo từng năm dù giá thức ăn cho heo thời gian gần đây như Vina, bột con cò… đã chựng lại, không tăng. Giá thức ăn không bị chi phí khâu trung gian ảnh hưởng do các cửa hàng được công ty thức ăn chăn nuôi hỗ trợ trực tiếp, không phải qua nhiều đại lý cấp 1, cấp 2. Bà Nguyễn Thị Mai, bán thức ăn chăn nuôi tại chợ thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước) cho biết, chỉ cần mua từ 5 - 6 tấn thức ăn là công ty chở đến tận cửa hàng, không phải qua trung gian. Do vậy, giá thức ăn cho heo đến tay người chăn nuôi ở Tam Kỳ hay Tiên Phước, Núi Thành đều gần như bằng nhau, nếu có chênh lệch cũng rất ít.

        Người tiêu dùng thiệt

       Có thể thấy, dù người chăn nuôi phải chịu lỗ nặng nhưng người tiêu dùng cũng không được hưởng giá thịt heo rẻ. Giá heo thịt cao hơn gấp đôi giá heo hơi còn có thể chấp nhận. Nhưng thực tế giá thịt heo tại các chợ và siêu thị luôn ở mức cao gấp 3 lần so với mức giá được nông dân bán ra, chênh lệch từ 75.000 - 90.000 đồng/kg tùy loại thịt. Theo một chủ lò mổ tư nhân tại Quế Sơn, thịt heo móc hàm được bán với giá chên lệch từ 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại. Các loại chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển cũng như giết mổ đều được tính vào số tiền bán  phụ phẩm của heo khi mổ xong. Từ lò mổ, thịt được đưa về các chợ để phân phối tới các tiểu thương. Qua các tầng nấc trung gian, giá thịt heo lại được đẩy lên cao gấp rưỡi ban đầu, thậm chí còn lên gần gấp đôi.

         Chính vì mất gần gấp đôi số tiền vào những khoản trung gian từ mua theo giá heo hơi qua bán giá heo thịt nên người nông dân không mặn mà với chăn nuôi. Ông Đinh Thương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tiên Phước cho hay: “Những năm gần đây, tổng đàn heo trên địa bàn huyện năm sau giảm hơn năm trước. Năm 2013, nghị quyết Huyện ủy  Tiên Phước đề ra là phát triển đàn heo được 52.000 con nhưng đến nay chỉ được 42.000 con”. Trên địa bàn huyện Tiên Phước hiện nay, chỉ có Hợp tác xã Tiên Sơn nuôi được 200 con, một trang trại chăn nuôi cũng ở xã Tiên Sơn nuôi 70 con, còn lại là gia trại chăn nuôi từ 10 - 50 con. Báo cáo từ Phòng Nông nghiệp huyện Núi Thành, tình hình chăn nuôi cũng không khả quan mấy. Theo ông Trần Văn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, số hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ đã giảm mức đáng kể. Điều này cũng có cái lợi là góp phần chăn nuôi tập trung, dần hạn chế ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Tuy nhiên, nếu tình hình giá heo hơi không tăng trở lại, dịch bệnh thường xuyên hoành hành, không có chính sách hỗ trợ chăn nuôi heo thì trong những năm tiếp theo, tổng đàn của các địa phương sẽ còn tiếp tục sụt giảm. Do vậy, thị trường thịt heo càng bấp bênh.

                                                                          Chiêu Thục Anh - Báo Quảng Nam