www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ngày xuân và rượu quê nhà

Miền trung du Tiên Phước trong những ngày vui xuân, bên cạnh những món ăn bình dị mà hấp dẫn như nem chua lá liễu, chuối chần, còn có những loại rượu đậm đà hương vị được bà con tự tay ngâm ủ, chưng cất như: rượu lòn bon, dâu đất, đinh lăng, chuối hột, nấm lim, rượu ong.

Sắp đến Tết, nhà nào cũng chuẩn bị vài hũ rượu để dành cho dịp sum vầy bên gia đình hay để dành đãi khách. Những hũ rượu chân quê, mỗi loại mang một hương vị khác nhau đem đến cho người thưởng thức cảm giác lâng lâng, nồng ấm lại có tác dụng bồi bổ sức khỏe trong mùa xuân ấm áp, yêu thương.

Rượu lòn bon, dâu đất

Thiên nhiên thật ưu đãi cho miền quê, trong những khu vườn xanh tươi trồng được trái cây ngon như: lòn bon, dâu đất, chuối…  Mùa lòn bon, dâu đất từ tháng chín kéo dài qua tháng mười đến tháng mười một, chỉ cách một khoảng thời gian ngắn là đến Tết, nên cũng vừa kịp ủ men làm rượu cho ngày xuân. Cách làm cũng khá đơn giản: lòn bon hay dâu đất chín lột vỏ cho vào 1/3 hũ (thẩu) rắc một lớp đường phèn nghiền nhỏ lên trên mặt, theo tỷ lệ 1kg đường/3 kg trái, tiếp tục thực hiện tiếp lớp thứ hai nhưng phải để lại một khoảng trống phía trên hũ, đậy nắp kín rồi để vào nơi thoáng mát.

Chừng hơn một tháng lòn bon (dâu đất) cùng với đường phèn đã lên men thành rượu, đem lọc lấy nước cốt cho ra hai loại rượu ngon đặc biệt vị chua chua, ngòn ngọt, đằm dịu pha chút cay nồng; đó là hũ rượu  dành cho chị em. Đối với cánh mày râu khi ủ rượu thì cho thêm vào một ít men, trộn đều trước khi đậy nắp, rượu sẽ nặng hơn một chút.  Ngày xuân vui vẻ, chị em nhâm nhi vài ly rượu nguyên chất cho má đỏ, môi hồng chia vui cùng cánh mày râu mà chẳng nóng ruột nóng gan như những loại rượu cồn pha cùng hương liệu. Những gia đình bận bịu không tự làm rượu có thể mua sản phẩm rượu lòn bon được chưng cất, đóng chai bán trên thị trường của hợp tác xã Nhật Linh, thôn 7a, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước cũng rất thơm ngon.

 

                    Các sản phẩm rượu lòn bon của HTX Nhật Linh. Ảnh: K.Mỹ

Rượu đinh lăng, chuối hột

Những cây đinh lăng trồng trong vườn đồi đã được mấy chục năm tuổi. Cây đã gắn bó với đời sống của các thành viên trong gia đình. Ngày em bé chào đời, bà ngoại hái lá đinh lăng phơi khô độn gối thật thơm tho, lá đinh lăng non trộn gỏi cá, gỏi thịt gà càng thêm khoái khẩu trong bữa tiệc vui bên gia đình và người thân. Giờ đây củ đinh lăng già, đã tích tụ hương vị đất trời được cha đào về rửa sạch, ngâm cùng rượu gạo quê nhà. Hình thù lạ mắt, bộ rễ ngoằn nghoèo, củ đinh lăng lâu năm ngâm trong hũ thủy tinh với màu rượu vàng sóng sánh là hình ảnh đẹp làm cho căn phòng tiếp khách ngày xuân thêm trang trọng. Ngày trước, danh y Hải Thượng Lãn Ông dùng cây đinh lăng làm vị thuốc chữa bệnh đã ví đinh lăng là “nhân sâm của người nghèo”. Đinh lăng phòng và điều trị các chứng bệnh suy nhược thần kinh, đau lưng, mỏi gối, giảm trí nhớ… Sau những ngày cuối năm với nhiều tất bật, lo toan, ngày đầu xuân nhâm nhi cùng người thân vài ly rượu đinh lăng cảm thấy sức khỏe hồi phục, tinh thần hưng phấn.

 

                                             Rượu đinh lăng

Cùng với rượu đinh lăng, rượu chuối hột cũng là loại rượu được nhiều gia đình tự làm. Chuối hột chín xắt lát, sấy khô đem ngâm cùng rượu gạo uống trong ngày xuân cũng rất ngon. Rượu chuối hột còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, trị đau lưng mệt mỏi…

Rượu nấm lim xanh, rượu ong

Vùng núi rừng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Hiệp, Tiên Châu… mọc rất nhiều cây lim xanh. Nơi gốc lim chết thường sinh loại nấm rất quý giá mà bà con bản địa thường gọi là nấm lim xanh. Nấm lim ngâm rượu có màu cánh dán rất đẹp. Chỉ cần 2-3 lạng nấm lim có thể ngâm được hủ rượu ngon 5-6 lít. Khi ngâm rượu dùng kéo cắt bỏ phần gốc rễ của nấm, rồi rửa nấm thật sạch, để ráo nước. Rượu nấm lim phải ngâm trước Tết vài tháng mới ngon, trước khi dùng pha thêm vài muỗng mật ong tùy thích. Rượu nấm lim có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng, ăn ngon, ngủ tốt, tăng cường trí nhớ. Ngày xuân nhấm nháp ly rượu nấm lim thanh khiết cho cảm giác vui vẻ, an khang.  

 

Các sản phẩm rượu ở xứ Tiên
Vào mùa lấy mật ong rừng, bà con xứ Tiên thường tách riêng những tầng nhộng ong trong tổ ong lấy được để dành ngâm rượu. Ong mật dùng chính những tầng mật để nuôi ấu trùng ong. Nếu tầng mật cho mật ong rừng bổ dưỡng thì tầng nhộng ong có chứa mật lại càng bổ dưỡng hơn. Rượu ong là món quà quý dành cho người già trong ngày xuân. Ngâm được loại rượu này, con cái thường để dành mời cha mẹ, ông bà trong ngày Tết.

Văn hóa ẩm thực của người xứ Tiên đã phong phú về phần “thực”, phần “ẩm” cũng chẳng hề thua kém. Đi qua những miền quê tươi đẹp trong mùa xuân qua ngõ đá, vườn cau… ghé thăm người thân, bạn bè, hàn huyên tâm sự, thưởng thức ly rượu quê hương nghĩa tình, người sống tại quê nhà càng thấy yêu quê, người về thăm quê sau tháng, năm xa cách sẽ nhớ thương hoài hương men nồng ấm lạ thường.

                                 Trần Hữu Phước - Tạp Chí Văn Hóa Quảng Nam