www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ngân hàng đồng hành với người nghèo ở Tiên Phước

 Gần 10 năm qua Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tiên Phước luôn nỗ lực triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi giúp hàng ngàn lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

           “Bà đỡ” của người nghèo

        Từ chỗ ban đầu mới thành lập toàn đơn vị chỉ có 3 cán bộ mới được tuyển dụng, trụ sở làm việc phải thuê nhà dân, phương tiện thiếu thốn, đến nay, NHCSXH huyện đã có cơ sở vật chất ổn định. Về đội ngũ cán bộ đã có 12 người đều đã qua đào tạo cơ bản, 1 cán bộ có trình độ thạc sỹ. Cơ quan có chi bộ độc lập với 8 đảng viên thực hiện việc lãnh đạo nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Hiện toàn huyện có 265 tổ tiết kiệm và vay vốn, bố trí đều khắp ở các thôn, khối phố trên địa bàn, 15 điểm giao dịch xã, thị trấn hoạt động cố định hàng tháng tạo điều kiện cho người nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận nhanh với vốn tín dụng và tiết giảm các chi phí đi lại.

         Ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: “Với quyết tâm xây dựng NHCSXH thân thiện, tạo kênh tín dụng ưu đãi thông suốt phục vụ nhân dân, được sự ủng hộ, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng thời có sự phối hợp nhịp nhàng với các tổ chức đoàn thể, đến nay công tác ủy thác vốn vay qua các tổ chức hội đoàn thể của chúng tôi đã có sự chuyển biến rõ nét. Vốn tín dụng được tổ chức giải ngân trực tiếp đến người vay, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai”.

 

Cán bộ NHCSXH giải ngân trực tiếp cho các hộ nghèo vay vốn tại các điểm giao dịch xã, thị trấn. 

 

          Với nỗ lực đó, dù chương trình tín dụng lại tăng từ 2 chương trình năm 2003 lên 10 chương trình hiện nay nhưng NHCSXH huyện vẫn thực hiện công việc trôi chảy. Tổng doanh số cho vay qua 10 năm đạt 320 tỷ đồng, bình quân mỗi năm cho vay trên 30 tỷ đồng với hàng ngàn lượt hộ vay. Hệ số sử dụng vốn hằng năm đạt 98% trở lên. Tổng dư nợ cho vay đến cuối năm 2012 đạt 245,6 tỷ đồng, tăng gần 13 lần so với năm 2003. Riêng chương trình cho vay hộ nghèo chiếm trên 25% tổng dư nợ của ngân hàng với 4.650 hộ nghèo được vay. Dư nợ cho vay bình quân đạt 14,2 triệu đồng/hộ, tăng gấp 5 lần so với thời điểm mới thành lập. Từ chương trình cho vay này đã có 4.500 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

          Điển hình như hộ bà Huỳnh Thị Long ở thôn 7A, xã Tiên Cảnh thuộc diện hộ nghèo được vay 10 triệu đồng năm 2009 để chăn nuôi heo và buôn bán nhỏ. Đến nay, gia đình bà đã thoát được nghèo, tạo điều kiện cho con ăn học đầy đủ và xây dựng nhà cửa kiên cố. Bà Huỳnh Thị Long tâm sự: “Hồi đó gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nên rất khó vay được vốn từ các ngân hàng. May mà có NHCSXH không đòi hỏi tài sản thế chấp, lãi suất lại thấp, thủ tục đơn giản nên tôi mới có cơ hội vay vốn để làm ăn, thoát nghèo được”.

            Hỗ trợ phát triển toàn diện

          Không chỉ đồng hành với người nghèo, chương trình cho vay học sinh sinh viên của NHCSXH cũng đạt nhiều kết quả. Đến nay NH đã giải quyết cho vay gần 4.300 trường hợp với dư nợ gần 70 tỷ đồng, giúp nhiều gia đình khó khăn có thêm điều kiện cho con em ăn học. Hộ ông Phan Kim Hoàng ở thôn 4, xã Tiên Phong gặp hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bản thân ông mắc bệnh hiểm nghèo, 3 người con lại đang học đại học tại TP.Hồ Chí Minh. Không đành để các con phải nghỉ học giữa chừng, ông tìm đến NHCSXH và được vay với số dư nợ đến nay gần 80 triệu đồng. Hay như hộ ông Phạm Hồng Minh ở thôn 2, xã Tiên Cảnh, gia đình thuộc hộ cận nghèo, có 4 người con đều chăm ngoan, học giỏi. Và NHCSXH lại trở thành “bà đỡ” để các con ông được tiếp tục đến với giảng đường đại học. Ông Minh tâm sự: “Mặc dầu vợ chồng tôi rất quyết tâm cho các con ăn học nhưng nếu không có chương trình cho vay của NHCSXH chắc cũng đành phải chịu vì chi phí học tập khá tốn kém mà điều kiện gia đình lại quá khó khăn”.

             Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng khác cũng được NHCSXH huyện chú trọng thực hiện đạt kết quả. Đặc biệt là chương trình cho vay dự án phát triển ngành lâm nghiệp (WB3) đã giải quyết cho vay hơn 2.200 hộ. Các hộ vay đã trồng được hơn 4.700 ha keo, tạo công ăn việc làm và thu nhập đáng kể cho hàng ngàn lao động địa phương. Những kết quả này đã khẳng định sự nỗ lực của NHCSXH huyện trong việc kịp thời, nhanh chóng đưa đồng vốn chính sách đến với người dân, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác khắc phục khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

          Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH huyện nhận định sự ra đời của NHCSXH thật sự phù hợp nguyện vọng của nhân dân, là công cụ hữu hiệu của cấp uỷ Đảng, chính quyền nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Mỗi năm có hàng trăm ha vườn nhà, vườn rừng được cải tạo, hơn 1.500 ha rừng được trồng mới; nhiều mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại, chăn nuôi đã hình thành và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, các loại cây trồng vốn trở thành thương hiệu của Tiên Phước như lòn bon, tiêu... đã được đầu tư hợp lý để phát triển mang lại hiệu quả cao. Các chương trình cho vay cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 8.400 lao động trong 10 năm qua, đưa tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 5%, riêng hai năm 2011, 2012 giảm hơn 8% ”.

                                               Phạm Hoàng - Báo Quảng Nam