www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Người đi tìm hồn cốt văn hóa Tiên Phước qua câu hát dân gian

Tôi được biết anh Võ Khoa Châu trước năm 1975, hồi tôi còn đi học phổ thông, còn anh Khoa Châu là anh ruột của anh Võ Văn Kiêm bạn học cùng lớp với tôi, nên tôi cũng biết một tí phần đời của anh, cái thời mà mẹ cha anh chạy giặc gánh gồng các con từ quê gốc Duy Xuyên vào Thăng Bình rồi lên lập nghiệp ở Thạnh Bình nay là Tiên Cảnh, Tiên Phước. Sau đó, nhà anh chuyển xuống ở thôn Tiên Bình, Tiên Kỳ, cha mẹ buôn bán may vá nuôi dạy các con ăn học trưởng thành.

Xin phép có đôi lời nhắc lại điều này để hiểu thêm rằng ở đời ai cũng có một tuổi thơ ! Dù có thế nào đi nữa thì tuổi thơ vẫn là chốn bình yên nhất của cuộc đời. Ai có đi đâu, về đâu, tuổi thơ vẫn là những ký ức đẹp, bỡi những tháng ngày ngọt ngào ấm áp bên gia đình và bà con làng xóm, rồi lớn lên, xa hơn là quê hương, là đất nước.

Anh Võ Khoa Châu cũng vậy ! Anh rời tuổi thơ ở Tiên Phước để vào Vạn Ninh, Khánh Hòa sinh sống. Là người có duyên với văn nghiệp nhưng lại có nợ với quê nhà. Món nợ ấy đau đáu muốn anh phải tìm cách Trao gửi lại quê hương ! Phải chăng đó là căn duyên cho sự ra đời tập sách Tiên Phước trong câu hát dân gian của anh hôm nay.

Hôm sáng ngày 16.4.2018 vừa rồi, anh gửi cho tôi giấy mời dự gặp mặt và có nhã ý muốn tôi chia sẻ vài lời trong buổi giới thiệu tập sách này, vì tôi là bạn đồng nghiệp của em anh và cũng là người có chút ít ái mộ về văn chương.

Tôi rất mừng vì có trước cuốn sách Tiên Phước qua câu hát dân gian NXB ĐN - 2018 mà anh đã tặng. Sách có độ dày 171 trang. Nội dung được chia thành 3 chương giới thiệu tổng quan về lịch sử quá trình hình thành huyện Tiên Phước, việc ăn uống, chuyện học hành, nhà ở, y phục, nghề trồng tiêu, chè, mít bòn bon, những câu chuyện, ca dao, hò vè mà quần chúng nhân dân đã sáng tạo ra trong quá trình lao động đấu tranh, sinh tồn, phát triển.

Đọc lướt qua mục lục cuốn sách thấy khá đầy đủ, nên tôi đùa với anh : Có khi anh trở thành một trong những nhà Tiên Phước học rồi đấy ! Nghe vậy, anh cười !

Tôi nói tiếp: Tại sao người khác lại không viết về Tiên Phước mà là anh ? Hay là anh viết để trả cái món nợ ân tình về tuổi thơ, về quê hương của mình. Nó luôn trăn trở se sắt theo anh suốt cuộc đời. Đòi hỏi anh phải tìm tòi nghiên cứu, dẫu biết rằng nghiên cứu văn học dân gian lúc này không phải dễ, của riêng Tiên Phước lại càng khó hơn.

Biết khó nhưng anh vẫn cứ tìm, vẫn phải cần cù chịu khó nghiên cứu tích cóp một cách tỉ mẫn nhiều thứ ...nhiều chuyện để có được tác phẩm như cha ông ta ngày xưa đi khai hoang vở hóa tìm ra vùng đất mới. Cố nhiên, khai hoang thì khó có điều kiện thâm canh để có được những cây ngon, quả ngọt.

Tôi thực sự xúc động, mang sách về nhà đọc một mạch. Trước hết, tôi thầm cám ơn anh ! Vì "Anh là người đi tìm cái hồn cốt của văn hóa Tiên Phước qua câu hát dân gian " góp phần giáo dục thế hệ trẻ nghe, hiểu và thẩm thấu được tiếng tơ đàn muôn điệu của tâm hồn quần chúng nhân dân Tiên Phước trong lao động đấu tranh và phát triển. Nó càng có ý nghĩa hơn khi vấn đề văn hóa dân tộc dù hiện nay được nhà nước ta chủ trương "Coi văn hóa là nền tảng, phải tập trung hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức và giá trị con người Việt Nam "...Nhưng trước những biến đổi chóng mặt của cơ chế thị trường và sự hội nhập sâu rộng của đất nước trong thời kỳ 4.0, vấn đề văn hóa văn học, nhất là văn học dân gian ở một vùng quê như Tiên Phước nhiều khi dễ bị khuất lấp, mai một. Trong bối cảnh đó sự ra đời của cuốn sách " Tiên Phước qua câu hát dân gian " là tác phẩm thứ hai sau cuốn sách "Văn học dân gian Tiên Phước" của tác giả - chủ biên nhà nghiên cứu Văn học dân gian Nguyễn Văn Bổn xuất bản trước đây. Thật là có ý nghĩa, đáng quý và đáng trân trọng !

 

 

Chúng ta biết rằng văn học dân gian là hệ thống các giá trị về tinh thần và vật chất được con người sáng tạo, tích lũy và truyền miệng trong quá trình hoạt động tương tác giữa con người với con người, với tự nhiên và xã hội.

Anh Võ Khoa Châu là người đi tìm cái hệ thống giá trị tinh thần ấy, được tỏa ra trong cuộc sống bình dị mà chân chất, tinh tế mà mộc mạc nhưng cũng thấm đẩm mồ hôi nước mắt của người dân Tiên Phước. Nó được thể hiện trong tác phẩm qua một số nội dung sau:

1. Tác giả đã lật lại sử liệu xa xưa về miền đất và con người Tiên Phước từ năm 1460 thời vua Lê Thánh Tông đến thời cận và hiện đại. Dù chỉ mang tính khái quát nhưng đây là cơ sở hình thành của lịch sử văn học nói chung văn học dân gian địa phương nói riêng, tác động sâu sắc đến việc hình thành những phẩm cách của con người Tiên Phước.

2. Tác giả đã nghiên cứu và hệ thống các nội dung về phong tục tập quán ở Tiên Phước, cội nguồn hình thành những câu hát dân gian. Đó là những câu ca dao, hò vè, đối đáp, những kinh nghiệm của những" Lão nông tri điền ", những việc phái việc làng, những lễ hội cúng đuổi chuột, hội vây cọp, cúng ma...tạo nên nguồn cảm hứng cho văn học dân gian và văn học viết sau này.

3. Tác giả đã cung cấp cho độc giả vốn hiểu biết xưa nay về những chuyện ăn ở, giỗ kỵ như bếp ăn, nấu ăn, nơi ăn. Thức uống như nước chè xanh, chè đen, chè xào, nhà tranh ngõ đá cũng như sự khổ luyện về học hành trên đất học Huỳnh Thúc Kháng.

4. Tác giả đã tổng kết những kinh nghiệm truyền thống về nuôi trồng chăm sóc chế biến sử dụng những loại cây con đặc sản ở vùng quê Tiên Phước như mít, tiêu, chè, quế, bòn bon, cá sốc, cá niêng, cá rói v.v..Đọc những nội dung này tưởng như đây là cẩm nang chăn nuôi trồng trọt của chuyên ngành nông nghiệp. Nhưng không ! Bằng ngôn ngữ mộc mạc chân chất gần gủi, tác giả đã khéo léo gửi gắm tâm tư tình cảm, những kinh nghiệm sống của mình qua những câu chuyện kể, ca dao...đã làm cho tác phẩm thêm phần thú vị phong phú hấp dẫn.

5. Cuối sách là phụ lục gồm những câu ca dao tục ngữ câu đố về dụng cụ nhà nông và những câu chuyện.... Có thể xem đây là những tư liệu quý cần thiết cho công tác nghiên cứu sau này.

Qua 5 nội dung tóm tắt được trình bày ở trên, cho thấy "Tiên Phước qua câu hát dân gian " là bức tranh sống động, đa màu, là tiếng lòng tha thiết, tạo nên cái hồn cốt văn hóa của cộng đồng các thế hệ dân cư qua bao đời, hun đúc thành giá trị truyền thống về tư tưởng, phẩm chất, tính cách riêng của con người Tiên Phước trong cái chung của đất và người Quảng Nam.

Bên cạnh những giá trị về nội dung tư tưởng như đã trình bày, trong cuốn "Tiên Phước qua câu hát dân gian" vẫn còn đôi chỗ gợn lên đáng để suy ngẫm. Cụ thể:

Thứ nhất, chúng ta biết văn học có các chức năng nhận thức, thẩm mỹ, giáo dục và giao tiếp. Một tác phẩm có tính thẩm mỹ tốt thì càng dễ nhận thức và đạt hiệu quả giáo dục cao. Muốn đảm bảo tính thẩm mỹ đòi hỏi tác giả phải " Gạn đục khơi trong ". Trong tác phẩm Tiên Phước qua câu hát dân gian có nội dung những người tiền hiền đến khai khẩn vùng đất Tiên Phước là " ...những tội phạm...thân thích theo cha mẹ vào vùng đất này. Con cháu nghĩ gì khi ông cha ta là tội phạm !? "( dòng 11 trang 9 từ trên xuống ) hoặc khi đánh giá về tính cách của người dân Tiên Phước có trích ý "Tiểu nhân khí khái mà hay kiện tụng", tác giả giải thích: "tiểu nhân trong câu nói này để chỉ cho lớp nông dân". Đời nào thì nông dân vẫn là lực lượng tạo ra giá trị tinh thần và vật chất cho xã hội. Nông dân vốn đã nghèo khó bị áp bức, lại mang danh là kẻ tiểu nhân thì thật là tội nghiệp ! Ở trang 24 dòng 1 từ dưới lên có đoạn đánh giá con người Tiên Phước như: "Nhìn chung cách ăn nói thô lỗ cục cằn của người dân Tiên Phước " Những vấn đề như vậy, nếu có, cũng chỉ là hiện tượng. Mà hiện tượng thì không nên đưa vào tác phẩm nhằm đạt được sự đồng thuận cao về nhận thức.

Thứ hai, một số nội dung trong tác phẩm chưa đậm nét về yếu tố nghệ thuật. Cái đẹp bao giờ cũng thẩm thấu nhanh nhất. Người Tiên Phước biết gửi gắm những tình cảm, những kinh nghiệm sống vào sự vật. Chẳng hạn nói đến đặc sản Tiên Phước là nói đến cá sốc, cá rói, cá niêng, bòn bon, tiêu, quế..Thật là thú vị khi nghe 2 câu ca dao của người Tiên Phước nói về cách chế biến đặc sản quê hương:

"Sốc chiên, niêng nướng, rói rang.
Bòn bon trắng vỏ tiêu vàng quế thơm"

Rõ ràng cái tinh tế độc đáo về nghệ thuật ẩm thực được nâng lên thành hình tượng nghệ thuật trong văn học dân gian Tiên Phước là ở chỗ đó !

Cuối cùng xin phép được mượn câu nói của Maxim Gorky để thay cho lời kết của mình về cuốn sách "Tiên Phước qua tiếng hát dân gian" của anh Võ Khoa Châu. Maxim Gorky đã từng nói " Tôi khuyên các bạn nên đọc truyện cổ tích, thơ ngụ ngôn, các tuyển tập ca dao. Hãy đi sâu vào vẽ đẹp quyến rũ của ngôn ngữ bình dân trong các bài ca truyện cổ, bạn sẽ thấy ở đó sự phong phú của các hình tượng, sự giản dị của sức mạnh làm say đắm lòng người. Hãy đi sâu vào sáng tác của nhân dân, nó trong lành như nguồn nước ngọt ngào".

Lần nữa xin cám ơn tác giả Võ Khoa Châu đã giúp ta tìm về một phần hồn cốt văn hóa Tiên Phước qua câu hát dân gian để thấy được cái quyến rũ của ngôn ngữ, cái phong phú mà giản dị của cuộc sống, cái ngọt ngào mà say đắm của tâm hồn con người Tiên Phước trong thơ văn và cuộc đời. 

                                        An Tây, Tháng 04/2018  -  Nguyễn Khánh