www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Người cựu chiến binh Mỹ và hành trình ngược về quá khứ Tiên Phước

Khi chiến tranh đã lùi vào quá khứ, khi những đau thương chết chóc trên khu vực Núi Vú xưa đã được bao phủ một màu xanh sự sống, tình cờ phía Công ty Du lịch Ngọc Linh do chị Nguyễn Hải Ngọc làm giám đốc nhận được một lời đề nghị đặc biệt của một nhóm người Mỹ, trong đó có nhiều người từng tham chiến tại Việt Nam, họ muốn được thăm lại chiến trường xưa trên cao điểm 504 thuộc địa bàn huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam để trao lại kỷ vật chiến tranh.

 Chiến thắng oai hùng

Trận đánh trên cao điểm 504 (Núi Vú, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) diễn ra rạng sáng 15-6-1966. Sau loạt đạn đầu tiên, đã có 6 lính thủy đánh bộ Mỹ chết và bị thương. Đến 8h sáng ta tiếp tục bắn rơi 1 trực thăng từ Chu Lai lên chi viện. Sau khi đẩy lui quân địch và làm chủ trận địa, bộ đội ta được lệnh rút quân.

Đại tá Hoàng Minh Tiến, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây (cũ) - một người lính từng tham gia trận đánh Núi Vú kể lại: "Bắt đầu từ mùa xuân năm 1966, những người lính Sư đoàn 2 chúng tôi đến từ những vùng Đồng bằng Bắc bộ mà nhiều nhất là tỉnh Hà Tây cũ được lệnh lên đường hành quân vào chiến trường quân khu 5. Ba tháng hành quân vất vả, đến tháng 4-1966 chúng tôi có mặt tại chiến trường Quảng Nam. Sau một tháng nghiên cứu đánh địch cùng bộ đội địa phương, chúng tôi được lệnh hành quân xuống vùng ven biển. Đúng lúc này Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Chu Lai". Rạng sáng 14-6, một trung đội biệt kích Mỹ được yểm trợ tối đa bằng không quân đã tập kích xuống cao điểm Núi Vú. Xác định quyết tâm ra quân là chiến thắng, Đại đội 3, Tiểu đoàn 7 (Tiểu đoàn Bình Minh), Sư đoàn 2, quân khu 5 do chính trị viên Trịnh Văn Hân (hoặc Hàn) chỉ huy đã bí mật bao vây tập kích Núi Vú. "Trận đánh đầu tiên của những người lính Sư đoàn 2 từ miền Bắc mới vào đã diễn ra trên một địa hình trống trải toàn cỏ tranh, mà địch lại từ trên cao kết hợp cùng sự yểm trợ tối đa của 5 máy bay C130 vừa thả pháo sáng vừa bắn đạn 30 ly bắn xối xả vào đội hình quân ta. Nhưng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ làm chủ cao điểm và được lệnh rút trước khi máy bay địch quay lại dội bom" - Đại tá Hoàng Minh Tiến nhớ lại.

                  

                           Đường về thăm lại chiến trường xưa

 

45 năm sau. Năm 2011. Đúng vào thời điểm xảy ra trận đánh (ngày 15-6), ông Raymond Stanley Hildreth (SN 1947) một cựu binh Mỹ từng tham gia vào trận đánh Núi Vú khi trở lại chiến trường xưa đã phải thốt lên: "Thật đáng khâm phục, đáng khâm phục các bạn Việt Nam! Sau từng đấy năm tháng day dứt mong được trở lại chiến trường xưa, giờ được đứng giữa mảnh đất cũ đã hồi sinh bằng màu xanh cây trái, tôi đã từng khâm phục tinh thần quả cảm, anh dũng bao nhiêu giờ càng khâm phục sức sống mãnh liệt trong công cuộc tái thiết đất nước Việt Nam của các bạn bấy nhiêu".

Hành trình ngược về quá khứ

Chị Nguyễn Hải Ngọc, Giám đốc Công ty Du lịch Ngọc Linh cho biết, để có được chuyến đi cảm động và giàu ý nghĩa này, những người trong đoàn đã phải vất vả hơn 10 tháng trời để chuẩn bị. Ban đầu là tìm về cao điểm 504. Sau một thời gian dài ít được nhắc tới, địa danh này dường như mờ mịt trong tất cả các bản đồ chuyên ngành quân sự lẫn sử liệu. Nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của người cha là ông Nguyễn Tiến Hải, cựu chiến binh đoàn pháo binh Biên Hòa, chị Ngọc cũng đã biết cách lần hồi tìm về được Sư đoàn 2, quân khu 5. Lật giở những trang truyền thống của đơn vị, chị đã xác định chính xác cao điểm 504 chính là địa danh Núi Vú, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Sau nhiều lần một mình lặn lội tìm đến địa danh trên, khu vực Núi Vú còn hoang vu khi chưa hề có tên trong bản đồ du lịch, chị Ngọc bằng kinh nghiệm từng tổ chức hàng chục chuyến đi trở lại chiến trường xưa cho các đồng đội của cha mình đã có sáng kiến lên một kế hoạch du lịch khá táo bạo. Theo chị Ngọc: "Nguyện vọng của những người bạn Mỹ, mong muốn về thăm lại chiến trường cũ để trao trả hàng chục bức ảnh bộ đội ta hy sinh đã thôi thúc tôi phải có trách nhiệm làm tròn bổn phận của thế hệ trẻ hôm nay như một cầu nối cho những tấm lòng nhân ái tìm đến nhau". Thế rồi công sức hàng tháng trời lên kế hoạch chuẩn bị cho hành trình tìm về quá khứ đã được đền đáp, qua hàng chục đầu mối liên lạc, chị Ngọc đã tìm được Đại tá Hoàng Minh Tiến - nhân chứng sống của trận đánh Núi Vú tham gia chuyến đi đầy ý nghĩa theo nguyện vọng những người cựu binh Mỹ.

 

         

                                 Đỉnh Núi Vú vẫn ngút ngàn cỏ lau

 

Ý nguyện của chuyến đi, nghĩa cử của những người bạn đến từ nửa vòng Trái đất cũng đã được UBND tỉnh Quảng Nam ủng hộ và tạo mọi điều kiện. Để tạo mọi thuận lợi cho đoàn cựu binh Mỹ quay trở về chiến trường xưa với một sứ mạng nhân văn, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Văn bản số 2005 /UBND-ĐN ngày 10-6-2011 về việc cho phép tổ chức gặp mặt cựu chiến binh Việt Nam và Hoa Kỳ và các hoạt động thăm lại chiến trường xưa. Không những vậy, mục đích gặp mặt các cựu chiến binh tham gia trận đánh tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam để hoàn trả một số di vật cá nhân của các liệt sỹ tham gia trận đánh trên gồm bằng khen, ảnh, thư... đã được UBND tỉnh Quảng Nam khéo léo chuyển thành cuộc giao lưu trọn nghĩa vẹn tình giữa các bạn Mỹ và ta. Trong cuộc giao lưu thấm đậm tình hữu nghị, nhiều thế hệ người Mỹ trong đó có anh bạn trẻ Maxwell Thomas Harris (SN 1990) con trai của một người lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam đã bày tỏ sự khâm phục và tình cảm chân thành của những người Mỹ hôm nay hướng đến Việt Nam.

Chuyện về 39 bức ảnh

Đi bộ suốt 6 giờ đồng hồ (từ 9h sáng đến 15h chiều 15-6) quanh co qua các ngọn đồi huyện Tiên Phước để lên được đỉnh Núi Vú, những người lính Mỹ từng tham chiến tại nơi đây càng thêm ngưỡng mộ sức sống của dân tộc Việt Nam. Đại tá Hoàng Minh Tiến nhớ lại, từ lúc mới gặp gỡ những cựu binh Mỹ, bao ký ức chiến tranh ùa về, tôi đã hỏi: Các ông giờ quay lại Việt Nam thấy đất nước chúng tôi thế nào? Họ đã thẳng thắn trả lời: Người dân Việt Nam luôn nhìn chúng tôi cởi mở và lúc nào cũng thường trực nụ cười thân thiện trên môi. Rồi ông Raymond Stanley Hildreth nói tiếp: Kết thúc trận đánh Núi Vú, chúng tôi thu dọn chiến trường được 39 liệt sỹ, chủ yếu họ hy sinh vì bom và súng 30 ly bắn từ máy bay trên đường rút khỏi cao điểm.

 

         Những tấm di ảnh của các liệt sĩ trong trận đánh ác liệt năm 1966

 

Chúng tôi cũng trở lại căn cứ Chu Lai và cá nhân tôi đã giữ lại 39 bức ảnh cùng nhiều kỷ vật của các liệt sỹ từ lúc đó đến nay. Khi hai nước chúng ta bình thường hóa quan hệ trở lại, tôi đã khao khát quay trở về Việt Nam để trao trả những kỷ vật thiêng liêng này cho thân nhân của họ. Kết thúc cuộc chiến, tôi đã nghe nhiều về nhật ký Đặng Thùy Trâm, thật khâm phục tinh thần anh dũng của các bạn. Giờ được góp một chút để hàn gắn vết thương chiến tranh, tôi và những người bạn như trút được gánh nặng và nỗi day dứt tủi hổ của thời trai trẻ đã gây đau thương cho một đất nước tươi đẹp, một dân tộc yêu chuộng hòa bình... Ông Raymond Stanley Hildreth tâm sự, hằng ngày ngắm nhìn 39 bức ảnh những người con đất Việt đã ngã xuống cho quê hương, trái tim ông càng thấy thôi thúc phải sớm trở về Việt Nam khi thời gian, gánh nặng về tuổi tác không chờ đợi ai.

Hiện tại, sau khi cùng đồng đội nghiên cứu kỹ 39 bức ảnh do những người bạn Mỹ trao trả, Đại tá Hoàng Minh Tiến và những đồng đội cũng chỉ nhận ra một số đồng đội cũ. Một ban liên lạc những người lính Đại đội 3, Tiểu đoàn Bình Minh, Sư đoàn 2, quân khu 5 được gấp rút thành lập với ý nghĩa sẽ mang đến tận tay thân nhân gia đình 39 liệt sỹ những kỷ vật sau bao năm tháng ngóng trông.

 

                

    Ông Raymond Stanley Hildreth trao di vật chiến tranh cho Đại tá Hoàng Minh Tiến

 

Đại tá Hoàng Minh Tiến kể: Sau khi nhận được 39 di ảnh của đồng đội, tôi đã tìm được ông Nguyễn Văn Tôn ở Nhà máy Pin Văn Điển và ông Vinh - nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội cối 82 của Trung đoàn để thành lập một ban liên lạc. Qua câu chuyện của ông Tôn, tôi mới được biết, ngay sau khi trận đánh kết thúc, chính trị viên Trịnh Văn Hân (hoặc Hàn) đã hy sinh. Còn Trung đội trưởng Vượng quê ở Thái Bình giờ ở đâu và như thế nào anh em cũng không nắm rõ. Với mong muốn Báo Hànộimới sẽ là nhịp cầu nối để thân nhân các liệt sỹ tìm đến ban liên lạc, Đại tá Hoàng Minh Tiến cung cấp thêm, ông Raymond Stanley Hildreth đã hứa, sau khi về nước sẽ gửi sang cho chúng tôi cuốn nhật ký ghi chép tỉ mỉ về trận đánh Núi Vú với mong muốn để thân nhân 39 liệt sỹ trong bức ảnh mau chóng tìm được và đưa các anh trở về quê hương.

 Theo Ngân Hạ - Báo Hà Nội Mới