www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nền học trường tân học Phú Lâm xưa ở đâu?

Sớm nhận thấy giá trị lịch sử của trường tân học Phú Lâm, năm 2005 UBND tỉnh đã có quyết định công nhận di tích nền trường Phú Lâm, và sau đó ngành bảo tàng tỉnh xây dựng bia di tích tại khu vực thôn 3 xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước.

Tuy nhiên, theo PGS-TS.Ngô Văn Minh, bia di tích lại được dựng vào vị trí trường Cây Bàng chứ không phải trên nền cũ của trường tân học Phú Lâm. Tòa soạn giới thiệu cùng bạn đọc cách lý giải của ông Ngô Văn Minh.

Mô hình giáo dục Duy tân

Trong phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX, vấn đề được quan tâm hơn cả và đã thu được nhiều kết quả là mở trường dạy theo lối mới (trường tân học). Người đầu tiên đứng ra thực hiện chủ thuyết Duy tân tại một làng, cũng là người đầu tiên đứng ra lập trường tân học ngay tại quê nhà Phú Lâm, là chí sĩ Lê Cơ. Việc mở trường này được khởi đầu từ lá đơn của ông đề ngày mùng mười tháng giêng năm Thành Thái thứ 16 (25.2.1904) gửi đến Tri phủ Thăng Bình xin được lập học đường, thương điếm. Lá đơn này được phê chuẩn và lớp học đầu tiên được khai giảng vào ngày rằm tháng giêng năm Giáp Thìn (30.4.1904).

Tác giả và ông Lê Nguyên Đại bên tượng chí sĩ Lê Cơ tại trường THCS Lê Cơ.
Tác giả và ông Lê Nguyên Đại bên tượng chí sĩ Lê Cơ tại trường THCS Lê Cơ.

Trong hội thảo khoa học 100 năm trường tân học Phú Lâm và nhà thực hành Duy tân xuất sắc Lê Cơ, các ý kiến đều khẳng định Phú Lâm là ngôi trường gắn liền với phong trào Duy tân diễn ra trong cả nước đầu thế kỷ XX (xác nhận thời gian sớm nhất là năm 1904, chậm nhất là vào năm 1905, sớm hơn trường Dục Thanh ở Phan Thiết và trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội). Về triết lý giáo dục, phương châm dạy - học và nội dung giảng dạy, trường Phú Lâm đưa ra mục tiêu mở mang dân trí, không phải để thi cử... Phú Lâm cũng là trường sớm đưa chữ quốc ngữ vào chương trình học tập; đưa ra nguyên lý thực nghiệp. Đây là ngôi trường đầu tiên ở Bắc và Trung kỳ có nữ sinh, thể hiện nét đặc sắc của tư tưởng Duy tân ở Quảng Nam. Mặc dù chỉ tồn tại đến năm 1908 (nhân đàn áp phong trào chống thuế, thực dân đã triệt hạ ngôi trường này), nhưng giá trị lịch sử của nó vẫn sống động như một mô hình tiên tiến về giáo dục thời Duy tân, mở rộng ra với cải cách trong đời sống làng xã của Phú Lâm.

Địa điểm trường Phú Lâm xưa

Tôi là người địa phương, vốn theo đuổi đề tài về chí sĩ Lê Cơ từ năm 1985 nên đã được nghe những vị cao niên, trong đó có 3 người từng theo học trường tân học Phú Lâm cung cấp thông tin; được đọc những ghi chép của ông Phan Sẻ ghi lại lời kể của ông Lê Văn Đào (cháu chí sĩ Lê Cơ) vào năm 1948, thể hiện trong tập bản thảo đánh máy “Phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân huyện Tiên Phước” của ông Trần Ngọc Chương. Tôi cũng đã phỏng vấn một số người sinh vào thập niên 1920, 1940 nên có được những hiểu biết về ngôi trường Phú Lâm xưa và các trường học về sau của xã Tiên Sơn. Vì vậy, tôi cho rằng trường Cây Bàng không phải là trường tân học Phú Lâm thời phong trào Duy tân.

Bà Đặng Thị Khâm, 95 tuổi và ông Lê Xuân Vĩnh, 80 tuổi (cháu nội chí sĩ Lê Xuân Lượng, người cùng tham gia công cuộc Duy tân ở Phú Lâm với chí sĩ Lê Cơ), là những người từng theo học trường Cây Bàng (gọi tên trường như vậy vì trước sân trường có hai cây bàng) cho biết, ngôi trường này được dựng lên vào những năm cuối thập niên 1920. Đến sau năm 1945 có bỏ đi một thời gian. Về sau chính quyền xã cho dựng lại trên nền trường cũ Cây Bàng một trường tiểu học mới, có 2 phòng học lợp tranh cho hai lớp Nhì (lớp 4 ngày nay) và Ba. Ông Lê Nguyên Đại (cháu nội chí sĩ Lê Cơ) nhớ lại, nhân trận lụt vào năm 1957, người dân vớt  được một cây chò lớn, hội đồng xã quyết định xây dựng một ngôi trường mới lợp ngói 3 gian dạy cả 3 lớp Nhất, Nhì, Ba, đặt tại địa điểm mới, bây giờ là nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Sơn, khai giảng vào năm học 1958-1959. Cho đến năm 1988,  hai trụ cổng xi măng khá lớn của ngôi trường này vẫn còn.

Trường tân học thời Duy tân ở đâu?

Trước khi có trường tân học thì tại Phú Lâm chưa hề có trường. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, ông Lê Tuân, cha chí sĩ Lê Cơ có mời ông Huấn đạo Lộc Sơn Lê Công Thúy về dạy tại nhà cho các con, cháu của mình. Chí sĩ Phan Châu Trinh cũng có thời gian theo học tại đây.

Đến khi đứng ra thực hiện công cuộc Duy tân, cụ Lê Cơ cho đặt tạm lớp học chữ quốc ngữ tại nhà ông Trùm Kiều (nay là vườn của ông Năm Vinh, cạnh nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Sơn). Sau đó, cụ vận động dân làng xây dựng trường học khang trang cạnh chùa Phật giáo của làng (địa điểm ngôi chùa này ở gần nhà thờ tộc Đặng tại thôn 5 hiện nay, chếch về phía trước khoảng 100m có giếng Chùa, nay vẫn còn), và cũng cho dựng nhà Hội hương của làng gần đó. Khi học trò theo học đông, nhà trường mở thêm lớp học trong chùa. Trong bản thẩm vấn Lê Cơ năm 1908, Tòa Nam án tỉnh Quảng Nam có ghi: “Y (tức Lê Cơ) diễn thuyết mỗi tháng một lần vào ngày rằm trong nhà Hội hương. Y đã biến ngôi chùa làng thành trường học. Y đã dùng ruộng trước đây dùng cho Tam bửu (tức ruộng của nhà chùa) để chi tiêu cho trường học” (tài liệu do bà Lê Thị Kinh sưu tầm tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp). Nhân đàn áp phong trào chống thuế năm 1908, sĩ quan Pháp và lính khố xanh biến trường tân học Phú Lâm thành chuồng ngựa và chỗ ở cho vợ lính, bàn ghế của trường bị chẻ làm củi, giáo viên của trường bị bắt còng tay giải ra nhà lao Hội An.

Những năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) xã lại cho lập trên nền cũ một ngôi trường mới, và do vẫn còn cây thông như một “chứng nhân” nên người dân gọi là trường Cây Thông (chính thời Duy tân, thầy dạy cho học trò tập đánh thành dưới hình thức thể thao phóng dây lên cành cây thông này, rồi đu người vượt qua vật cản). Trong năm học 2014 - 2015 trường Trung học cơ sở Lê Cơ được đầu tư kinh phí để xây mới thay cho ngôi trường cũ (tại thôn 3), chính quyền địa phương quyết định chuyển đến địa điểm mới ở thôn 5, và thật ngẫu nhiên lại đúng vào vị trí khuôn viên của trường tân học Phú Lâm nổi tiếng một thời.

Với lai lịch ngôi trường tân học Phú Lâm như trên, tôi đề nghị Bảo tàng tỉnh cần chuyển tấm bia di tích nền trường này về đặt ngay phía trước cổng trường trung học cơ sở Lê Cơ hiện nay. Và trong khi chưa có chủ trương chung của huyện Tiên Phước về việc lấy lại tên làng cũ thay cho tên thôn đánh số, tôi cũng đề nghị chính quyền xã Tiên Sơn cho đặt tên trường mẫu giáo ở đối diện là trường mẫu giáo Phú Lâm để bảo lưu tên làng cũ. Như vậy, sẽ không những cho người của địa phương mà cả những người từ nơi xa đến có thể biết được, đấy là nơi lưu lại các dấu tích cũng như tiếp nối sự nghiệp giáo dục của phong trào Duy tân xưa ngay tại chiếc nôi của nó là làng Duy tân điển hình gắn liền với sự nghiệp của chí sĩ Lê Cơ.

                                              PGS-TS Ngô Văn Minh, Báo Quảng Nam