www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Mong được đến giảng đường

Năm học mới đã đến gần, bạn bè đang vui với niềm vui cánh cửa giảng đường rộng mở phía trước. Nhưng với bạn trẻ mà chúng tôi nói đến ở đây đang tâm trạng rối bời bởi gia cảnh quá khốn khó. Họ như những cánh chim non lạc cha, mất mẹ. Và đường đến trường lắm nỗi gập ghềnh.

Đậu đại học, các em vui mừng chưa được bao lâu thì lại canh cánh với khoản tiền nhập học và những tháng ngày xa quê để bám víu nơi phố thị theo đuổi con chữ.

Em Võ Công Tình (thôn Tú An, xã Tiên Hà, Tiên Phước) chỉ mồ côi cha. Nhưng người mẹ là bà Võ Thị Quý thì bị khuyết tật não, khả năng lao động bị hạn chế nên những năm qua, hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Căn nhà được dựng lên từ mảnh đất trong vườn của người cậu cũng bằng nguồn hỗ trợ quỹ xây nhà đại đoàn kết. Trong nhà, không có gì đáng giá.

Bà Quý ở nhà thỉnh thoảng vẫn đi làm thuê cho người ta, mỗi ngày khoảng 100 nghìn đồng nhưng không thường xuyên vì sức khỏe bà có hạn. Ngoài ra, bà còn được nhận mức hỗ trợ dành cho người khuyết tật hơn 200 nghìn đồng mỗi tháng. Tuy vậy, số tiền này vẫn không đủ trang trải bữa ăn hằng ngày của 2 mẹ con chứ chưa tính tiền học phí của Tình.

Ngoài giờ học, Tình thường xuyên về nhà phụ giúp mẹ. Ảnh: PHAN VINH
Ngoài giờ học, Tình thường xuyên về nhà phụ giúp mẹ. Ảnh: PHAN VINH

Chính vì vậy mà Tình ngoài giờ học thường tranh thủ về nhà phụ mẹ và đi làm thêm. Nhất là vào những dịp nghỉ hè, nghỉ tết, em ra TP.Đà Nẵng tìm việc làm thêm để vào năm học có tiền trang trải.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, xét điểm khối A00 em được 22,5 điểm, đậu ngành Cơ - điện tử Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Hiện em làm thêm cho một nhà hàng ở TP.Đà Nẵng, nhưng em tính toán rằng dù có làm đến khi nhập học thì cũng chỉ được trả lương hơn 2 triệu đồng, không đủ đóng học phí nhập học.

Thầy giáo Lưu Hoài Nam - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Tiên Phước), nơi Tình theo học những năm qua, chia sẻ: “Em Tình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, vì nhà khá xa trường nên thường xin ở nhờ nhà người quen tại thị trấn Tiên Kỳ để đi học, rảnh buổi nào là em về nhà phụ mẹ già bị tật. Khó vậy nhưng em rất cố gắng vươn lên trong học tập. Nhiều khó khăn nữa đang chờ em, tôi hy vọng sẽ có cá nhân, đơn vị nào đó giúp đỡ em trong chặng đường sắp tới. Vì hoàn cảnh và khả năng của em rất xứng đáng”.

                                                         Phan Vinh - Báo Quảng Nam

Phóng sự em Võ Công Tình nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" của Báo Tuổi Trẻ