www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Một người trở về đúng ngày giỗ mình

 Miệng cười, nhưng mắt vẫn còn ngấn nước, bà Thanh (khối phố 2B, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) kể: “Đầu năm 1969, chiến tranh đang ác liệt, cả làng đều thiếu đói, ba mẹ tôi bỏ em Lê Thọ vào thúng gánh lên huyện miền núi Tiên Phước gửi một gia đình người quen để tránh bom đạn. Thế nhưng trong một trận càn quét, em tôi bị quân Mỹ bắt đi".

 Chỉ vì nhớ nhầm họ

Cũng trong năm 1969, sau khi cha mẹ chết do bom đạn của chiến tranh, an táng cho cha mẹ xong bà Thanh trở lại Tiên Phước báo tin cho em Thọ biết nhưng không ngờ thất lạc từ đó. "Sau đó, tôi đã nhiều lần đi tìm em mà không có chút tăm tích. Những năm sau đó, bom đạn càng ác liệt trên đất Quảng Nam nên tôi cứ nghĩ em trai mình đã chết. Ơn trời hôm nay, em tôi tìm được về đây, cảm ơn trời phật", bà Thanh nghẹn ngào nói. 

Ngồi bên chị gái mình, ông Lê Thọ kể về sự lưu lạc hơn 40 năm của mình: "Trận càn đó, Mỹ bốc tôi và nhiều người lên trực thăng đưa đi Trà My, hòng cách ly dân với cách mạng". Được thả vào một ngày đông lạnh lẽo, ông Thọ leo lên một chiếc xe rồi trôi dạt vào tận tỉnh Đồng Tháp. Từ đó ông sống lang thang, khi đi xin ăn, khi đi làm thuê, cuộc sống hết sức lận đận. Rồi ông được một người đàn ông tên gọi Chín Râu dẫn về nuôi, giúp sinh cơ, lập nghiệp được và lấy vợ lần lượt sinh được bốn người con.

40 năm lưu lạc, ông Thọ vẫn nhớ rằng mình có người cha tên Hạp, chị gái tên Thanh và láng máng rằng mình ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Năm 2006. ông đã cất công về Tiên Phước tìm lại gia đình song vì nhớ nhầm cha mình là Nguyễn Hạp (thực tế là Lê Hạp) nên không có kết quả.

Người có công lớn giúp ông Lê Thọ tìm lại gốc tích là ông Phan Văn Trị quê ở xã Quế Cường, huyện Quế Sơn. Vui lây với gia đình ông Thọ, ông Trị kể: “Tôi vào Đồng Tháp làm ăn rồi quen hắn, nghe hắn kể cuộc đời long đong lưu lạc mà phát thương".

Quyết tâm giúp bạn tìm lại gia đình, ông Trị đã "kéo" ông Thọ về Quảng Nam, đèo xe máy đi khắp Tiên Phước, Phước Sơn… để hỏi han. Song chỉ vì việc nhầm họ của ông Thọ khiến cuộc tìm kiếm khó khăn. May mắn sau đó, một người quen của ông Trị là ông Lê Minh Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân thị trấn Khâm Đức tìm lại kho lưu trữ đã phát hiện có gia đình ông Lê Hạp, con gái Lê Thị Thanh…. Để rồi cuộc trùng phùng diễn ra đúng ngày bà Thanh làm giỗ.

Một người con gái của bà Thanh kể: “Khi thấy cậu Thọ cùng hai người khách (ông Trị và Tiến) đến, cả nhà không nhận ra ngay. Nhưng khi nghe giới thiệu, cả nhà òa khóc. Lúc đó nhìn lại mới thấy khuôn mặt của mẹ tôi, dì tôi có nhiều nét giống cậu Thọ như đúc".

Ngồi bên em trai mình sau hơn 40 năm xa cách, bà Thanh ôm đầu em, nhìn lên bàn thờ cha mẹ, vẫn còn nghẹn ngào: “Từ nay, gia đình mình không làm làm đám giỗ em trai nữa đâu nghe”.

Người lưu lạc siêng năng

Tại nhà anh Thọ ấp 2, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, chị Trần Thị Lê, vợ anh cũng vui mừng không kém khi biết chồng mình khi tìm lại được gia đình. Chị kể, anh chị cưới nhau từ năm 1988. Hồi đó, anh Thọ làm nghề thợ mộc, khi về ở nhà thuê gần nhà chị, thấy anh hiền, nhờ mai mối, chị ưng anh luôn. Người đứng ra cưới hỏi chính là ông Chín Râu (tên thật là Bùi Lưu). Ông Chín Râu cũng chính là người dẫn anh Thọ từ Quảng Nam vào đây sinh sống. Ở với nhau hơn 20 năm, anh chị có 4 mặt con. Đứa lớn nhất năm nay đã 20 tuổi, hai đứa kế đứa học lớp 12, đứa lớp 10, còn đứa út đang học lớp 6. Chị Lê nói: “Từ ngày lập gia đình, anh Thọ cũng mong tìm lại gia đình. Ảnh thường ước: Nếu trúng số tui sẽ về quê liền”.

Theo ông Huỳnh Tấn Hoàng, 59 tuổi, cũng là một cư dân gốc Quảng Nam vào đây lập nghiệp, anh Thọ là người rất siêng năng, chịu khó, thương yêu vợ con, sống chuẩn mực và chan hòa với bà con lối xóm. Xong chuyện đồng áng là anh về lo phụ vợ mua bán sạp gạo ở chợ, con cái đều được đi học đàng hoàng.

Theo chỉ dẫn của chị Lê, chúng tôi tìm đến nhà ông Chín Râu, được ông cho biết: Ông nhận anh Thọ làm con nuôi từ sau giải phóng, lúc đó anh Thọ khoảng 16-17 tuổi. Đến năm 1980, ông vào Hồng Ngự lập nghiệp và dẫn anh Thọ theo luôn. Những ngày đầu khó khăn, anh Thọ phụ ông làm thuê đủ nghề để kiếm sống, nào là khuân đồ, chạy xe đạp ôm…. Sau đó, ông cho anh học nghề thợ mộc. Đang trò chuyện với ông Chín Râu thì anh Thọ gọi điện từ Quảng Nam vào thông báo đang gia đình của chị và em thắp nhang trước mộ mẹ, ông Chín Râu rưng rưng nước mắt cho niềm vui của đứa con nuôi mình.

                                                                   Theo Báo Đất Việt