www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Mẹ Bùi Thị Nhạn, người mẹ anh hùng

 Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước của nhân dân ta, đã có biết bao người liệt sỹ yêu nước đã hy sinh, tiếp nối sự truyền thống của các thế hệ cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, để xây nên giang sơn gấm vóc hôm nay.

            Hồ Chủ Tịch đã nói: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ chuyển lại cho chúng ta”.

          Trong lịch sử Đảng bộ huyện Tiên Phước: ngày 16 tháng 6 năm 1946, Đảng bộ huyện Tiên Phước được thành lập. Kể từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, quân và dân Tiên Phước đã đứng lên đấu tranh giành độc lập. Và cũng từ ấy, ngọn lửa cách mạng đã bùng cháy ở khắp nơi. Trong số đó không thể không nhắc đến Tiên Cẩm. Tiên Cẩm là một trong ba xã của vùng chiến khu Sơn – Cẩm – Hà, nơi có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên trung, bất khuất, “một tấc không đi, một ly không rời”, nơi được mệnh danh là “miền đất lửa”.

          Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng Tiên Phước (10/3/1975 – 10/3/2014), xin được giới thiệu với tất cả lòng kính yêu và sự khâm phục về một con người mà tên tuổi đã đi vào huyền thoại quê hương. Đó là… Mẹ Bùi Thị Nhạn.

          Mẹ Bùi Thị Nhạn tên thật là Bùi Thị Nhí, sinh năm 1925 trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Tư, xã Phước Cẩm (nay là thôn Cẩm Phô, xã Tiên Cẩm). Mẹ có chồng và sinh được năm người con (một trai, bốn gái). Từ cảnh lầm than cơ cực, từ cảnh nước mất nhà tan, Mẹ đã sớm giác ngộ Cách mạng. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, trong không khí cả miền Nam sục sôi phong trào chống Mỹ cứu nước, Mẹ cùng đồng bào Tiên Cẩm nhiều lần đi đấu tranh chính trị….. Trong số những lần ấy, có một lần … Vâng, một lần mà tên tuổi của Mẹ đã đi vào sử sách và trở thành niềm tự hào đối với mỗi người con Tiên Phước hôm nay và mãi mãi mai sau!

          Vào 4 giờ sáng ngày 1, tháng Giêng, năm Mậu Thân – 1968, hòa với khí thế nổi dậy và tiến công như vũ bão của cả miền Nam, Mẹ dẫn đầu đoàn quân mang theo gậy gộc, giáo mác tấn công vào ấp chiến lược Phước Hòa (nay là xã Tiên Châu). Trong đoàn có cả người con trai  của Mẹ là anh Huỳnh Em – khi ấy 19 tuổi. Đoàn quân đang hừng hực khí thế tiến công thì bỗng …tim Mẹ quặn đau khi nghe tin dữ… con của Mẹ đã hy sinh. Mẹ vô cùng đau xót, nhưng càng đau xót bao nhiêu, Mẹ càng căm thù đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bấy nhiêu. Mẹ gạt nước mắt và nói: “…Không! Con tôi chết có Đảng và nhân dân lo. Còn tôi, nhiệm vụ chưa hoàn thành, tôi phải đi!”  Mẹ cầm cờ hô vang: “Đả đảo đế quốc Mỹ ! Đả đảo đế quốc Mỹ !” và động viên đồng bào tiếp tục tấn công vào ấp chiến lược. Mẹ đạp cửa xông vào ấp chiến lược làm cho quân địch bạt vía kinh hồn. Không bạt vía kinh hồn sao được, bởi bọn chúng được trang bị nào là đạn dược, súng ống, nào là lớp lớp hàng rào thép gai, còn Mẹ … chỉ là gậy tầm vông, chỉ là giáo mác nhưng Mẹ có  lòng căm thù giặc, lòng yêu nước nồng nàn, dám đứng lên vì chính nghĩa.

Trước họng súng của kẻ thù, Mẹ đã anh dũng hy sinh tại ấp chiến lược Phước Hòa vào sáng ngày 1, tháng Giêng, năm Mậu Thân – 1968.

Mẹ Bùi Thị Nhạn và người con trai duy nhất của Mẹ là anh Huỳnh Em đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương, đã để lại cho lớp lớp thế hệ mai sau một tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất, một tinh thần “Tiên Phước anh hùng”. Mẹ được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu “Liệt sĩ – Mẹ Việt Nam anh hùng” vào tháng 4, năm 1999.

Sau 39 năm, Tiên Phước hôm nay đã thay da đổi thịt – bao công trình mới đã và đang mọc lên từ những hố bom năm xưa, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, khắp nơi nơi một màu xanh trãi rộng… Để có được thành quả ấy, Mẹ Nhạn và lớp lớp thế hệ cha anh đã ngã xuống và nằm lại trên mảnh đất thân yêu. Thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, mỗi chúng ta hôm nay không được phép lãng quên quá khứ; hơn thế nữa, chúng ta cần phải ra sức thi đua lao động, học tập để xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của Mẹ Nhạn và các thế hệ cha anh.

                                                   Phước Tiên xã Tiên Cẩm