www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Tháng 3, đi dọc đường từ Tam Kỳ lên Tiên Phước theo tỉnh lộ ĐT 616, nhiều người thích thú vì hai bên đường bày bán các loại trái cây đặc sản như bòn bon, vú sữa, chuối, đu đủ,... nhưng ngạc nhiên nhất là sự xuất hiện của măng cụt, thứ đặc sản khi nhắc đến tên thôi là nghĩ đến Nam Bộ. Nhưng hỏi ra thì mới biết măng cụt này từ chính hiệu Tiên Phước, Quảng Nam.

 

Hồ chứa nước Hố Quờn đang gấp rút hoàn thành, phát triển du lịch địa phương.

Thầy giáo thích làm vườn

Tôi được chị bán hàng vui vẻ chào mời: “Anh may mắn lắm mới mua được vì măng cụt vừa hái ra là hết ngay, mùa này chính vụ nên chất lượng khỏi chê, thương lái mua sỉ vào tận vườn hái chứ ít có bán lẻ ra thị trường”.  Ngoài Làng trái cây Đại Bình, H. Nông Sơn đã nổi tiếng thì ở Tiên Kỳ, Tiên Phước này chỉ có một nhà trồng măng cụt. Theo lời dẫn, tôi tìm đến nhà anh Thái Nguyên Khoa (53 tuổi), thôn Phái Đông, chủ của hơn 1 ha Măng cụt. Khác với suy nghĩ của tôi, anh không giống một nông dân mà ra dáng thư sinh với nụ cười hiền hậu. Hỏi mới biết nghề chính của anh là giáo viên.

Anh Khoa đi dạy học ở quê từ năm 1987 sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng. Thời đó, lương giáo viên ba cọc ba đồng không đủ nuôi gia đình, ngoài giờ đứng lớp, Khoa còn tranh thủ chăm sóc, hái chè ở vườn sau nhà. Sau thấy khó với cây chè, anh bàn với vợ chuyển sang trồng quế, giá trị kinh tế khá hơn, chăm bón không cần kỳ công nên có thể vừa dạy vừa làm lúc rảnh rỗi. Nhưng 10 năm sau, lúc thu hoạch cũng là thời điểm giá quế tuột dốc, công sức cùng bao kỳ vọng gần như đổ sông, đổ bể. “Thấy cây quế không thể giúp gia đình vươn lên, tôi quyết tâm làm lại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Rút kinh nghiệm từ bài học trước, tôi tìm tòi giống cây hợp với thổ nhưỡng, ít người trồng và xen canh nhiều loại khác nhau”, anh Khoa kể lại.

Năm 2003, anh quyết định phá một nửa diện tích quế để trồng sầu riêng. Đặc biệt trong vườn nhà có một cây măng cụt “cụ” của ông bà để lại nên anh ươm giống trồng. Dần dà anh phá bỏ luôn quế để trồng măng cụt phủ kín diện tích. Sau 5 năm vườn cây bắt đầu cho thu hoạch đến nay. Là giáo viên dạy Toán trường THCS nhưng anh Khoa không thích dạy thêm mà tranh thủ thời gian làm vườn, tự nghiên cứu, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động rải dài đến tận từng cây. Hằng năm, vườn cây xanh tốt cho gia đình anh “trái ngọt” hàng trăm triệu đồng, riêng măng cụt mỗi vụ thu được hơn 100 triệu đồng...  Trong vườn có một cây thanh trà ra trái sum sê, có vụ anh thu hoạch kỷ lục hơn 7 triệu đồng.

Anh Khoa hái hoa sầu riêng

Sẽ đón khách du lịch trong nay mai

Nằm trong vùng lõi Đề án 548 về “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025” của H. Tiên Phước được UBND tỉnh Quảng Nam cho triển khai thực hiện nên nhà anh Khoa thuộc diện được hưởng lợi, mở ra một trang mới cho kinh tế gia đình. Nắm bắt thời cơ, sẵn lại mê làm vườn và muốn có thời gian nhiều hơn chăm bón những đứa “con cưng” nên anh Khoa xin nghỉ hưu sớm. Trong thời gian chờ đợi, anh vẫn cần mẫn làm việc, cải tạo vườn tược. Anh cho biết, có sự đầu tư của chính quyền, có đơn vị đứng ra tổ chức tour, thu hút khách nên bà con cũng yên tâm làm. Năm ngoái anh và một số người được một công ty đài thọ đi tham quan học tập kinh nghiệm ở các tỉnh phía Bắc. “Có mô hình phục vụ khách tham quan vườn, ăn ở tại nhà rất dân dã, ai cũng thích thú. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn, giờ chỉ muốn các hạng mục của đề án hoàn thành nhanh để bà con cùng làm du lịch”, anh Khoa hào hứng kể.

 

Video vườn cây trái Nam Bộ của anh Khoa

Được biết, Đề án 548 sẽ kết nối các điểm du lịch như nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng, làng cổ Lộc Yên, danh thắng Lò Thung, thác Ồ Ồ, cầu treo Sông Tiên... Cùng với hồ chứa nước Hố Quờn trước nhà đang được cải tạo lại và con đường bê-tông bằng phẳng, rộng rãi đang khẩn trương xây dựng nối từ đường lộ vào tận nơi thì nhà anh Khoa cũng đang rục rịch có những đổi thay theo. Trong năm nay, anh sẽ làm lại nhà mới, to hơn, khang trang hơn để đón khách đến nghỉ chân. Nhiều nhánh cây thanh trà ngon nhất cũng được lựa chọn chiết ra, chờ ngày xuống hố, lấp xanh khoảng đất còn trống, sẵn sàng cho kế hoạch làm giàu từ du lịch.

Ngoài niềm hạnh phúc là nhìn cây xanh tốt, trái ngọt lành trên mảnh đất cha ông để lại thì niềm vui khác của người thầy giáo mê làm vườn này chính là những lần bà con ở khắp nơi đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt. Cứ mỗi lần như thế anh lại nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm tích lũy được. “Bà con cũng mang đặc sản của địa phương đến tặng. Không bao nhiêu nhưng thể hiện cái tình quê, tấm lòng của người nông dân chân chất, thật thà nên quý mến nhau lắm. Mong bà con mình cùng nhau giúp đỡ, kinh tế khá hơn, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình”, người thầy giáo mê làm vườn chia sẻ. 

                                                  Mai Vinh - Báo CA Đà Nẵng