www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ký ức chiến khu Tiên Sơn

 Lần theo nhiều câu chuyện kể, ký ức hào hùng của những chứng nhân lịch sử, chúng tôi về Tiên Sơn - khu căn cứ của Tỉnh ủy Quảng Nam thời kỳ kháng chiến. Lắng nghe những câu chuyện về Đảng, về dân - mối quan hệ như cá với nước, như thuyền với sóng trước bão dông của thời cuộc. Để rồi những câu chuyện kể này như đặt một viên gạch trong cuộc bảo tồn, trùng tu lại khu căn cứ cách mạng Tiên Sơn mà chính quyền Quảng Nam đang thực hiện.

              Sự lựa chọn lịch sử

        “Phải từ mạch nguồn của đất ấy để thấy rằng lịch sử đã chọn Tiên Sơn, Đảng và cách mạng chọn Tiên Sơn là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn” - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Hoàng Minh Thắng nói.

          Đã hơn tuổi 80, lưng còng, chân yếu phải tập tễnh bằng gậy nhưng ông Trần Thận - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam vẫn muốn về chiến khu cũ Tiên Phước. Ông nói từng lời cặn kẽ và mỗi lời như có chất lửa nồng ấm khi căn dặn chúng tôi: “Phải tìm hiểu thật kỹ, từ gốc gác, căn nguyên, vì căn cứ địa cách mạng là trung tâm đầu não, là chiến lược khi làm cách mạng của Đảng và nhân dân. Đó không chỉ là sự lựa chọn khách quan mà còn là điều kiện nhằm đảm bảo cho sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với phong trào cách mạng ở địa phương. Phải hiểu thật kỹ vấn đề như vậy”...

 

               Giếng nước sinh hoạt của cơ quan đầu não Tỉnh ủy sử dụng ở căn cứ Tiên Sơn.

 

           Mạch nguồn của đất

        Ông Trần Thận quả quyết: “Lấy Tiên Sơn, Tiên Phước làm nơi đứng chân lãnh đạo phong trào cách mạng là sự lựa chọn của lịch sử, của lòng dân”. Xã Tiên Sơn nằm ở vị trí tiếp giáp với các huyện Tam Kỳ (cũ), Thăng Bình và Hiệp Đức. Đây là vị trí có thể bao quát vùng đồng bằng phía đông nên có vị trí đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược quân sự. Mặt khác, Tiên Sơn có địa hình, địa thế vô cùng thuận lợi, một bên là núi Dương Bồ hiểm trở, lại cách tuyến đường giao thông từ Eo Gió không xa, từ đây xuống đồng bằng như Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành đều rất thuận lợi.

Ông Lưu Văn Chính - nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước tóm lược: “Những quyết sách đúng đắn của Đảng thời bấy giờ có thể vắn tắt trong các ý chính: Căn cứ địa là chỗ đứng chỉ đạo rất quan trọng của Đảng, là nơi làm bàn đạp cho bộ đội phát triển chiến dịch. Hai là mở tuyến hành lang mới nối căn cứ miền núi với đồng bằng, huy động được nhiều sức người sức của phục vụ chiến đấu. Căn cứ như một tiền đồn chống địch ở phía trước để bảo vệ hậu cứ cách mạng phía sau. Cuối cùng, trung tâm đầu não của Đảng bộ thời kỳ bấy giờ như một khâu đột phá cho phong trào cách mạng Tiên Phước nói riêng và Quảng Nam nói chung, góp phần ý nghĩa quan trọng cùng với khu 5 và miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ngụy”.

            Đại tá Trần Kim Anh (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Nam) nói: “Không ở chiến khu, nhưng về mặt chiến lược quân sự tôi nắm rất chắc địa bàn Tiên Sơn tuyệt đối thuận lợi cho những cánh quân của ta trong các trận chiến. Khi bị địch càn quét đánh phá, các cơ quan đầu não của Đảng có thể công thủ vẹn toàn. Và với lực lượng chiến đấu trực tiếp, căn cứ còn là chỗ dựa rất vững vàng khi có sự tiếp trợ của người dân trong vùng”.

            Phải lùi về thời điểm chia tách tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà cuối năm 1962 để thấy sự lựa chọn vùng đất làm căn cứ là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng thời kỳ bấy giờ. Chiến dịch vượt sông Tiên làm nên thắng lợi của Đảng và nhân dân 3 xã Sơn - Cẩm - Hà làm bàn đạp tiến công giải phóng một khu vực rộng lớn phía tây Thăng Bình, bắc Tam Kỳ và đông Tiên Phước đưa tới quyết định chuyển căn cứ về đóng tại Tiên Sơn. Sự lựa chọn lần thứ nhất gắn với sự ra đời Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thổi bùng ngọn lửa đồng khởi khắp miền Nam, gắn với phong trào đấu tranh theo phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công” ở Quảng Nam được đẩy mạnh. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Hoàng Minh Thắng nhắc nhớ: “Thực hiện nghị quyết đại hội động viên toàn dân nỗ lực liên tục tấn công, Tỉnh ủy lúc bấy giờ mở chiến dịch Đông Xuân 1965 lấy tên “Chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi” đồng loạt nổi dậy giải phóng một vùng liên hoàn từ Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước, Tam Kỳ gồm 54 xã, 66 thôn và 300 nghìn dân”. Lần thứ hai lịch sử lại lựa chọn Tiên Sơn làm căn cứ từ năm 1973 - 1975 dẫn đến thắng lợi cuối cùng. Ngay tại Đại hội Đảng bộ Quảng Nam lần thứ IX, đại hội cuối cùng trong chống Mỹ, Đảng đã đề ra phương hướng nhiệm vụ mới cho giai đoạn bước ngoặt của sự nghiệp giải phóng hoàn toàn quê hương.

 

           Quyết sách then chốt

         “Nói đúng hơn, lịch sử đã lựa chọn nơi này làm trung tâm não bộ cho cuộc kháng chiến của Đảng và nhân dân, bởi có rất nhiều quyết sách then chốt kết hợp cả 3 yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa” - ông Trần Thận cho hay. Sơn - Cẩm - Hà nói riêng và huyện Tiên Phước nói chung là mảnh đất có truyền thống, là căn cứ địa quan trọng của Nghĩa hội, nơi khởi điểm phong trào Duy tân mà đỉnh cao là “Điển hình Duy tân” làng Phú Lâm do chí sĩ Lê Cơ lãnh đạo. Chiến dịch giải phóng Sơn - Cẩm - Hà (ngày 25.9.1962) và cuộc chiến đấu chống chiến dịch Bình Châu, Dân Chiến của địch những năm 1963 - 1964 đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ căn cứ địa của cách mạng, để từ đó tiến công xuống giải phóng đồng bằng các huyện Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn và giải phóng hoàn toàn quê hương vào mùa xuân năm 1975.

 

                                          Dấu tích đoạn hầm của Lò chén Phú Lâm cũ.

 

           Đặc biệt trong lần lựa chọn lần thứ hai, Tỉnh ủy và tất cả cơ quan của tỉnh trở về đóng quân trên khắp địa bàn 3 xã Sơn - Cẩm - Hà tham gia phát động vận động quần chúng xây dựng địa phương, chống địch càn quét lấn chiếm vùng giải phóng, đẩy mạnh sản xuất và chuẩn bị các điều kiện cho chiến dịch đến. Thời gian này, Đảng tổ chức nhiều hội nghị quan trọng và đưa ra nhiều quyết định lớn như: Đưa lực lượng xuống trụ lại vùng đông; chỉ đạo chuẩn bị kế hoạch giải phóng Tiên Phước - Phước Lâm; “hạ lệnh” nổ súng giải phóng cùng thời điểm với chiến dịch Buôn Ma Thuột, mở đường cho bộ đội đưa tiểu đoàn xuống vùng đông giải phóng Đà Nẵng sớm hơn.

        Để làm nên khu căn cứ địa cách mạng vững chắc, những chứng nhân hôm nay đều khẳng định: “Trung tâm não bộ của Đảng lúc bấy giờ nằm ở lòng dân”. Không có nhân dân bảo bọc, không có Lò chén Phú Lâm lo phần kinh tế, không có xóm ông Huệ, nhà ông Nghiêm che giấu thì chưa chắc gì đại nghĩa toàn dân thắng lợi dễ dàng.

 

           Trong lòng dân

         Sau khi các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc được giải phóng, các cơ quan Tỉnh ủy và Tỉnh đội Quảng Nam chuyển về ở trong nhà dân. “Lần đầu tiên, sau 10 năm Tỉnh ủy phải đóng cơ quan ở vùng núi hiểm trở, nay ra sống với nhân dân, sự phấn khởi, vui mừng của bộ đội, cán bộ không thể diễn tả hết. Tuy quận lỵ Tiên Phước và một số đồn bót, cứ điểm của ngụy ở cách đó không xa nhưng sự bảo mật luôn tuyệt đối bởi bà con ở nơi này hết lòng bảo vệ cách mạng” - ông Hoàng Minh Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam chia sẻ. Nhân dân đã âm thầm, bền bỉ như những thanh thép đã được tôi luyện để làm nên một thế trận vô cùng tuyệt vời, bao bọc lấy khu căn cứ địa cách mạng.

 

  Vị trí hầm trú ẩn của Bí thư Tỉnh ủy đương thời Vũ Trọng Hoàng (Bốn Hương) tại vườn nhà ông Mịch

 

            Nhắc lại chuyện xưa, bác Phạm Thưởng - nguyên Chủ tịch xã Phước Sơn (Tiên Sơn cũ) kể: Chúng tôi đã được che giấu trong khu vườn bí mật của xóm ông Huệ, ông Mịch. Đó là những nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng an toàn nhất. Căn nhà của ông Mịch - nơi Bí thư Tỉnh ủy đương thời Vũ Trọng Hoàng (Bốn Hương) chọn làm việc đã hơn 40 lần bị bắn phá, đốt cháy. Mỗi lần bị đốt, ông Mịch lại dựng lên vững chãi như một sự thách thức. Hay căn nhà của bà Võ Thị Bút (còn gọi là bà Chấu) được xem là trạm giao liên an toàn của cách mạng. Cán bộ đi công tác giữa các thôn đều tạt vào nhà bà nắm tình hình. Có lần để bảo vệ cán bộ cách mạng dưới hầm trú trong nhà, với sức vóc nhỏ bé bà Bút đã lăn đá, dùng gậy đánh chết một tên lính Mỹ khi tay này đòi xuống hầm kiểm tra. Chuyện bà Bút sức nữ nhi đánh chết lính Mỹ trở thành giai thoại đến nay vẫn còn lưu truyền tại địa phương. Sau này bà Bút bị địch bắt tra tấn, đánh chết trên mảnh đất Tiên Sơn kiên trung, ngoan cường.

“Tại nơi Tỉnh ủy, Tỉnh đội Quảng Nam đóng quân, đặt cơ quan làm việc, chúng tôi được các gia đình che chở, chia sẻ từng củ sắn, bát canh rau rừng, trái chuối, trái thơm. Mặc dù bà con còn thiếu thốn nhưng vẫn vui vẻ đồng cam cộng khổ với cách mạng. Sống những nơi đó mà không sợ bị lộ bí mật, không bị một ai bắn tin, khai báo với địch, cơ quan vẫn an toàn, an tâm làm việc. Một nhân dân như vậy thật đáng kính trọng và biết ơn!”.
(Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam - Hoàng Minh Thắng)

            Trở lại Tiên Sơn bây giờ, chúng tôi vẫn còn được nghe người dân nói về Lò chén Phú Lâm, vùng kinh tế hậu phương của cách mạng thời ấy. Vẫn còn được nhân dân chỉ tận nơi hầm trú ẩn, bàn làm việc của cán bộ cấp cao. Bác Võ Lục (78 tuổi) ở thôn 4 còn khoe về những sản phẩm của Lò chén Phú Lâm mà ông lưu giữ. Bên những khuôn đúc chén cũ, chúng tôi nghe ông Phạm Tý (84 tuổi, thôn 1), bộc bạch: “Thời điểm đó, tình hình chiến tranh rất khốc liệt, cuộc sống khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng những người ở lại luôn dặn lòng, cán bộ cách mạng còn trụ bám hoạt động thì mình còn sống được, phải cùng sống, cùng chiến đấu để giành giữ từng bờ xôi ruộng mật, từng tấc đất của cha ông”.

          Mỗi người dân là một chiến sĩ

        Câu chuyện sống giữa lòng dân tiếp tục được kể lại bởi Đại tá Trần Kim Anh - nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Nam: “Địa thế tốt nhất là lòng dân! Tôi tuổi đã cao, ký ức có điều nhớ điều quên, nhưng những ngày tháng vận động người dân ở chiến khu Tiên Sơn thì tôi chưa bao giờ quên. Ngày ấy chỉ huy bộ đội trực tiếp chiến đấu, ban ngày vận động nhân dân, ban đêm dẫn quân đi đánh, chúng tôi đã nhận rất nhiều sự hỗ trợ của người dân mới “né” được những đòn hiểm của địch”.

 

Ngày trước, căn nhà này của ông Mịch hơn 40 lần bị địch đốt phá.

 

        Không chỉ là chỗ dựa cho cách mạng, mỗi người dân ở Tiên Sơn cũng chính là một chiến sĩ. Mỗi lần trở lại chiến khu cũ, ông Lưu Văn Chính thường nhắc một câu: “Nếu không có nhân dân, tôi đã chết lâu rồi”. Ông kể chuyện cụ Nguyễn Xin để bảo vệ lá cờ Đảng không rơi vào tay giặc trong xuân Mậu Thân 1968, trước khi trút hơi thở cuối cùng đã hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Hay chuyện người dân bị địch “xúc” năm lần, bảy lượt nhưng vẫn tìm đường về với cách mạng như các bà Võ Thị Lại, Đặng Thị Mai, Nguyễn Thị Điền, Nguyễn Thị Biên. Rồi chuyện chị Nguyễn Thị Hợi đã gửi 4 con nhỏ cho đoàn thể chăm sóc, một mình vào sâu trong lòng địch đến tận Tam Kỳ, Thăng Bình... móc nối cơ sở, nắm bắt tình hình địch cung cấp cho tổ chức và vận động thanh niên về vùng giải phóng... Những ân tình đó, như nét son không thể nào phai khi gợi nhớ về chiến khu Tiên Sơn.

         Ông Lê Hải Lý - nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Nam tâm sự: “Trong năm tháng cách mạng gian khổ, người dân Tiên Sơn đã gánh chịu quá nhiều hy sinh, lịch sử sẽ luôn khắc ghi và trân trọng”. Còn ông Bùi Hồng Việt - nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy nhắn nhủ: “Quan tâm chăm lo đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc đó là trách nhiệm và cũng là cách để phát huy các giá trị truyền thống cách mạng đặt ra cho các thế hệ lãnh đạo kế cận hôm nay”.

 

Ký ức không quên

 

Ông Lưu Văn Chính - nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước cho hay, ông vẫn luôn tự tay chuẩn bị những phần quà để mỗi năm lại về Tiên Sơn thăm hỏi các gia đình có công, che giấu cách mạng năm xưa. Và ông cũng muốn được tự tay thắp nén hương cho những người đã từng nuôi giấu mình. Có những ký ức thật oai hùng, cũng có những ký ức thật lãng mạn, mà với ông đó đã là một phần máu thịt của đời mình. Sự đùm bọc, cưu mang và cả những hy sinh lớn lao của mỗi người dân, từng gia đình bám trụ, kề vai sát cánh với cách mạng đã trở thành ký ức hằn sâu trong tiềm thức mà mỗi khi nhắc đến là nước mắt ông lại rưng rưng.

Khi ấy Tiên Sơn là địa bàn chiến lược trọng yếu nên hứng chịu rất nhiều sự đánh phá khốc liệt của kẻ thù. Xóm làng bị đánh phá xơ xác, tiêu điều có lúc chỉ còn 12 gia đình bám trụ. Họ sống rải rác khắp địa bàn xã, trú ẩn trong các ghềnh đá cạnh suối, dưới các hầm đất ở bụi tre và ngày đêm âm thầm làm nhiệm vụ tiếp tế, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng. “Một hôm, mới 5 giờ sáng địch đã đổ quân đi càn. Quá bất ngờ, ba cán bộ cách mạng không kịp lẩn thoát đành trốn trong hầm trú ẩn của nhà dân. Địch lùng sục khắp nơi và ngồi ngay trên miệng hầm, tập trung dân lại tra hỏi nhưng chẳng ai hé nửa lời. Chúng tôi còn đang lo nghĩ, suy tính thì người dân tổ chức nấu khoai môn mời bọn địch ăn làm chúng mất tập trung, giãn dần quân ra khỏi khu vực hầm trú, không mảy may nghi ngờ. Đến 12 giờ trưa, địch rút hết, chúng tôi an toàn” - ông Chính kể.

 

           Gạn lọc và bảo tồn

       Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành VH-TT&DL phối hợp với UBND huyện Tiên Phước tổ chức khảo sát, xác định tọa độ, lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích với diện tích gần 82.000m2, tại xã Tiên Sơn. Đồng thời, tổ chức làm việc với các nhân chứng lịch sử để thu thập thêm tư liệu, hình ảnh liên quan đến khu căn cứ, trên cơ sở đó lập hồ sơ khoa học trình Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích quốc gia.

          Trong cuộc hạnh ngộ của những người chiến sĩ cách mạng tóc đã bạc trắng, mỗi câu chuyện đều ấm hơi thở tình người. Các ông Trần Thận, Hoàng Minh Thắng, Trần Kim Anh... ai cũng đã hơn 80 tuổi, đi lại khó khăn nhưng vẫn cố gắng về Tiên Phước, để được kể câu chuyện từ trái tim họ về tình đất, tình người ở xứ sở này. Những câu chuyện về Đảng với dân như cá với nước, như thuyền với sóng trước những bão giông của đất nước, của quê hương. Mong ước của tất cả các bậc lão thành là địa danh này được trùng tu, bảo tồn và trở thành địa chỉ đỏ trong tương lai, trở thành “người” kể chuyện cho các thế hệ mai sau, khi họ - những nhân chứng sống không còn nữa. Phục dựng để những người trẻ tìm về, tận mắt chứng kiến nơi cha ông từng làm việc và chiến đấu nên “cần thiết phải làm và làm nhanh, đúng với những gì nơi này đã có”. Ông Nguyễn Thành - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng nói: “Tôi rất đồng tình và hoan nghênh chủ trương khôi phục, xây dựng và phát huy giá trị căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam trong thời kỳ chống Mỹ, và lấy thôn 3 xã Tiên Sơn ngày nay làm nơi đại diện. Cần phải tri ân mảnh đất anh hùng”.

            Bài học viết tiếp...

“Căn cứ địa cuối cùng của Tỉnh ủy Quảng Nam cho đến ngày toàn thắng được lịch sử lựa chọn đến hai lần như một sự tất yếu thì hôm nay, việc phục dựng và bảo tồn địa danh lịch sử ấy cần có những khẳng định chắc chắn từ quá khứ và cả tương lai để gạn lọc và lựa chọn. Bảo tồn và khai thác có hiệu quả hệ thống di tích này là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, các cấp ngành và của từng người dân. Biết phát huy giá trị lịch sử là lâu dài nên rất cần những đề xuất, sự chung tay và nhất là ý kiến của các bậc lão thành cách mạng”. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả)

              Để chuẩn bị cho công tác quy hoạch và phát huy giá trị lịch sử di tích căn cứ cuối cùng của Tỉnh ủy Quảng Nam, Sở VH-TT&DL đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát thực địa để xác định các điểm di tích tiêu biểu. “Qua ý kiến của các nhân chứng lịch sử, ngoài việc thu thập tư liệu, hình ảnh liên quan để làm cơ sở xây dựng báo các khoa học trình Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích quốc gia, chúng tôi còn mong muốn ghi chép thật kỹ những câu chuyện kể liên quan đến căn cứ này. Vì trong hoạch định phát triển du lịch, phát triển văn hóa, những câu chuyện lịch sử rất thật chính là sức hút cho giới trẻ hiểu và tìm hiểu lịch sử quê hương” - ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết.

 

                   Tọa đàm bảo tồn và phát huy giá trị di tích căn cứ tỉnh ủy Quảng Nam tại Tiên Sơn

 

           Một lợi thế khác, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với một hệ sinh thái đa dạng và phong phú của dãy núi Dương Bồ sát căn cứ Tiên Sơn, có thể quy hoạch vùng thành khu di tích - lịch sử - văn hóa - sinh thái hấp dẫn, kết nối với mạng lưới các điểm du lịch liên huyện Tiên Phước - Hiệp Đức. Trước mắt, chính quyền huyện Tiên Phước đã khảo sát, khoanh vùng bảo vệ di tích, cơ bản vẫn còn những dấu tích quan trọng và đang được gìn giữ cẩn thận. Tuy nhiên việc xác định vị trí cụ thể các điểm di tích tại khu căn cứ còn chưa rõ ràng; một số hạng mục, chi tiết của di tích đang trong tình trạng bị bồi lấp, xóa vết, cần được tôn tạo, phục dựng kịp thời. “Chúng tôi kỳ vọng vào công cuộc khôi phục và bảo tồn giá trị di tích khu căn cứ Tỉnh ủy ngay tại địa phương. Đây cũng là cơ hội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân địa phương” - ông Hường Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước chia sẻ.

             Cùng với Khu di tích lịch sử cách mạng Trung Trung Bộ ở Nước Oa (huyện Bắc Trà My), Nước Là (huyện Nam Trà My), Phước Trà (huyện Hiệp Đức), căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà (tại 2 huyện Duy Xuyên và Quế Sơn); khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam sau khi được phục dựng tại huyện Tiên Phước sẽ kết nối thành một hệ thống các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam và cả khu vực miền Trung. Chưa bàn đến việc phát triển du lịch theo một hệ thống liên hoàn như kỳ vọng, chuyện phục dựng lại một di tích lịch sử mang tầm chiến lược của cả một giai đoạn cách mạng là việc cần làm ngay trong kế hoạch định hướng phát triển văn hóa, lịch sử của Quảng Nam. Và cũng rất cần thiết để nhắc lại câu nói của ông Hoàng Minh Thắng: “Ngày xưa, Đảng được nhân dân nuôi nấng, chở che thì giờ đây, Đảng và chính quyền cần quan tâm chăm lo, giúp đỡ một phần bằng tinh thần lẫn vật chất để đền ơn, đáp nghĩa với với những người con kiên trung với Đảng”.

                                        Anh Trâm, Nguyên Đoan - Báo Quảng Nam