www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ký ức của một người lính

Dưới tán rừng thốt nốt (NXB Đà Nẵng, tháng 12.2017) của nhà văn Nguyễn Tam Mỹ thực chất là một cuốn tự truyện của một người lính tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Campuchia cuối những năm 70 đầu những năm 80 thế kỷ trước. Tác giả là người trong cuộc, người xuyên suốt dẫn dắt câu chuyện từ khi mở đầu đến những trang kết thúc.

“Tôi trở thành chùmniêngca (chuyên gia) giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng ở các sóc phum là do tự học hỏi, nói thành thạo cả tiếng Kh’mer lẫn tiếng Lào” - từ dòng mở đầu rất tự nhiên, rồi hơn 200 trang sách Dưới tán rừng thốt nốt cuốn hút độc giả đi theo một câu chuyện dài của ký ức đầy tính nhân văn, thấm đẫm tình người không biên giới, sắc tộc, cùng tình yêu quê hương đất nước và tình đồng đội thiêng liêng của những người lính. Câu chuyện bắt đầu từ những ngày mới nhập ngũ, người lính tình nguyện rất trẻ tên Phiên được phân công làm chumniêngca tại phum X’re Kaxan, gặp gỡ và trở nên thân thiết với cô gái Kh’mer xinh đẹp sôi nổi Sôkhây, được Sôkhây giúp học ngôn ngữ của đồng bào Kh’mer, Lào.

Những tháng ngày này, Phiên được Sôkhây, me Pâu và bà con phum X’re Kaxan bảo bọc, yêu thương như người thân và Phiên cũng hết lòng quý mến gắn bó với họ. Rồi Phiên được điều chuyển sang Đảo Quỳ - Kos SầmPia, cùng Lân làm chumniêngca, giúp bà con nơi đây thay đổi cách sống, cách sinh hoạt sau thảm họa diệt chủng kinh hoàng. Phiên cùng với chỉ huy và anh em trong đơn vị điều tra, theo sát và lập kế hoạch để tiêu diệt “thằng 801” - tàn quân Ponpot. Cuối mùa khô, tình hình tiến triển thuận lợi, kontop Việt Nam đã mở trận đánh mùa khô, tiến thẳng vào căn cứ 2480, tiêu diệt đầu não của căn cứ này. Chiến thắng trong trận đánh mùa khô giúp Phiên được cấp trên đề bạt tham gia vào hàng ngũ sĩ quan, nhưng Phiên từ chối vì muốn được về quê nhà, vào trường đại học. Cuốn sách khép lại bằng hình ảnh Phiên xuất ngũ trở về quê hương, mang theo trong lòng những kỷ niệm khó phai với chiến trường K., với anh em, với bà con và với chính mối tình đầu không biên giới đầy ngọt ngào và đau buồn của tuổi trẻ.

Tán rừng thốt nốt ở Campuchia. Ảnh: Internet
Tán rừng thốt nốt ở Campuchia. Ảnh: Internet

 

Là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh, nhưng Dưới tán rừng thốt nốt rất ít tiếng súng, hầu như vắng bóng những trận đánh đẫm máu tàn khốc ngoại trừ những cuộc phục kích, đụng độ gây ra mất mát đau đớn lẽ ra có thể tránh được. Giữa những câu chuyện chân thực nối kết tình người là những ký ức về tình người, ký ức của tình yêu, sự hy sinh cao cả và nét đẹp nhân văn không biên giới của tình yêu con người. Đấy là tình yêu của những người lính tình nguyện trên đất bạn, ban ngày phải đối mặt với bao khó khăn, nguy hiểm nơi chiến trường, đêm đến lại không nén được nước mắt khi nỗi nhớ nhà ùa về bám riết lấy tâm trí; không thể ngủ được vì thương quay quắt mẹ già đơn côi thiếu túng, anh em vất vả nghèo khó nơi quê nhà đang thời bao cấp; xót lòng đọc đi đọc lại từng con chữ bị nhòe do nước mắt mẹ già rơi; những khi nhìn manh áo rách mới vá lại nhớ mẹ nơi quê nhà… Đấy là khi trong bom đạn, mất mát đau thương, tâm hồn người lính vẫn trào lên những rung cảm thi sĩ...

Tập sách Dưới tán rừng thốt nốt.
Tập sách Dưới tán rừng thốt nốt.

Điều chính yếu đã làm nên linh hồn cho Dưới tán rừng thốt nốt là tình yêu con người không chỉ gói gọn trong tình cảm gia đình, đất nước quê hương mà lớn lao hơn, là tình yêu của những người khác ngôn ngữ, khác dòng máu, khác dân tộc dành cho nhau; là tình yêu anh lính trẻ dành cho nhân dân và tình yêu được nhận lại từ nhân dân đất nước Chùa Tháp. Vì tình yêu ấy, người lính tình nguyện Việt Nam lại một lần nữa nhủ lòng phải chắc tay súng hơn, để tô lại sắc xanh cho bầu trời hòa bình ở quê hương thứ hai của mình. Và, không thể quên là tình yêu rất tự nhiên và rất đẹp nảy nở khi nhân vật Phiên đứng giữa hai mối tình e ấp với hai cô gái người Kh’mer, không thể đơm hoa bởi những quy định dành cho người lính đi làm nhiệm vụ quốc tế. Tình yêu ấy càng đẹp hơn, ý nghĩa hơn và đáng trân quý hơn khi nó nảy sinh và tồn tại ở chính nơi tội ác vừa lên ngôi.

Người đọc có thể nhận thấy tác giả Nguyễn Tam Mỹ đã dành khá nhiều trang viết để kể về những kỷ niệm đời lính, về những người bạn đã trở thành một phần máu thịt của nhau. Đời người lính là những khi ốm đau nhận được những lời động viên tuy “khô cứng” nhưng thật thà cùng với những hành động nhỏ nhưng đầy cảm động. Đời lính còn là những giọt nước mắt, là niềm tiếc thương cho người hy sinh thân mình để đồng đội được sống… Và, không chỉ dừng lại ở câu chuyện ký ức chiến tranh, Dưới tán rừng thốt nốt còn vẽ nên một bức tranh thời cuộc thế giới toàn cảnh với lời nhắn gửi mang tính cảnh báo sâu sắc: Chiến trường K. được tạo nên bởi sự xúi giục của “người bạn lớn” phương Bắc! Và, hình ảnh vị sư già trở về từ cái chết, điềm tĩnh bên ngôi chùa đổ nát với câu nói: “Không ai hiểu người Kh’mer bằng người Kh’mer” cứ lặp đi lặp lại không phải là vô tình!

Cuốn tiểu thuyết này sẽ góp phần để có thể nhìn nhận, khẳng định thêm lần nữa, vào lúc cần thiết nhất, về những gì tuổi trẻ Việt Nam, người lính tình nguyện Việt Nam đã hy sinh cho đất nước và nhân dân Chùa Tháp, khi họ chịu thảm họa diệt chủng kinh hoàng cuối thế kỷ trước, điều có thể nhiều người nhiều nơi hiện nay đã hiểu sai hoặc cố tình quên lãng!

                                               Nguyễn Kim Huy - Báo Quảng Nam