www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Khôi phục và phát triển giống tiêu Tiên Phước

Hạt tiêu Tiên Phước (Quảng Nam) được mọi người biết đến với vị cay có mùi thơm rất đặc trưng, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2009 đang có nguy cơ bị mất giống.

UBND huyện Tiên Phước xây dựng "Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển cây tiêu Tiên Phước giai đoạn 2014 - 2018", với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng. Sau khi dự án được triển khai, diện tích trồng tiêu đã tăng lên, đời sống người dân dần được cải thiện.

Khôi phục vườn tiêu

Nằm ở vùng trung du, cách TP Tam Kỳ về hướng tây chừng 25 km, huyện Tiên Phước là xứ sở của các loại cây trái nổi tiếng như: lòn bon, mít, chè và tiêu Tiên Phước. Những ngày đầu tháng 6 này, có dịp về lại Tiên Phước, chúng tôi ngắm cảnh sông Tiên nước chảy ngược dòng, được người dân nơi đây chiêu đãi món "mít non kho với cá chuồn" truyền thống và nhất là được rảo bước trong những vườn tiêu đang mùa thu hoạch. Năm nay tiêu ra trái nhiều và giá cả ổn định, cho nên bà con nông dân rất phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Huệ, ở thôn 3, xã Tiên Cảnh cho biết, trước đây do giá cả bấp bênh, cho nên nhiều hộ chặt phá cây tiêu để trồng các loại cây khác. Thời gian qua, từ khi dự án đầu tư hỗ trợ phát triển cây tiêu Tiên Phước được triển khai, người dân có điều kiện khôi phục và mở rộng thêm diện tích trồng tiêu. "Với nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ, từ ba choái (gốc) tiêu ban đầu, đến nay, gia đình tôi đã nhân ra được 250 choái và dự kiến mở rộng thêm nữa. Với giá tiêu như hiện nay, chừng vài năm nữa, tôi sẽ có được khoản thu nhập khá từ trồng tiêu", ông Huệ phấn khởi nói.

Ðưa chúng tôi đi thăm những vườn tiêu ở xã Tiên Cảnh, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Phước Tống Phước Thuần cho biết, vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, cây tiêu phát triển mạnh trên địa bàn huyện, phong trào trồng tiêu lan rộng khắp các xã, tổng diện tích lên đến 450 ha, với sản lượng hạt tiêu chừng 525 tấn. Hồi đó, cây tiêu trở thành cây trồng chính trong sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện. Hạt tiêu Tiên Phước không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu, đem lại nguồn thu lớn cho nông dân. Tuy nhiên, từ sau năm 2000, do nhiều nguyên nhân như giá cả thị trường, tình hình sâu bệnh gây hại nặng, cho nên diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, xuống cấp và chết ngày càng nhiều. Ðến năm 2010, diện tích cây tiêu cả huyện chỉ còn lại 10 ha.

                  Vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Duy Lai, ở thôn Cẩm Tày, xã Tiên Cẩm.

Sau khi có chính sách khuyến khích của huyện, với Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển cây tiêu Tiên Phước giai đoạn 2014 - 2018, người dân trong huyện đã mạnh dạn đầu tư vốn khôi phục, mở rộng diện tích trồng tiêu. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã trồng mới và phục hồi được hơn 150 nghìn choái tiêu; nâng tổng diện tích tiêu lên 150 ha, tăng 110 ha so với năm 2013. Ông Mai Huấn ở xã Tiên Cảnh trước đây đi làm ăn xa quê, nhưng từ năm 2014, khi địa phương có chính sách hỗ trợ, ông đã quay về quê hương và bắt đầu khôi phục vườn tiêu. Từ một choái tiêu ban đầu, đến nay, gia đình ông Huấn đã nhân rộng ra thành vườn tiêu với 150 choái. Nhờ chăm bón tốt, cho nên vườn tiêu phát triển nhanh, ít sâu bệnh và đã bắt đầu cho thu hoạch vụ tiêu đầu tiên. Còn ông Nguyễn Văn Trung ở xã Tiên An cho biết, năm 1986, khi mới lập gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, phải đi làm khắp nơi và làm đủ nghề, nhưng đến năm 2000, ông quyết định về quê khôi phục khu vườn rộng hơn 3.000 m2 để trồng hơn 200 choái tiêu. Ðến nay, đã có hơn 60 choái tiêu ra trái, với sản lượng khoảng một tạ hạt tiêu khô/năm, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Trung cũng đã thu nhập hơn 50 triệu đồng.

Mở rộng thị trường tiêu thụ

Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Lê Trí Hiệu cho biết, trong chương trình phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, địa phương luôn chú trọng đến cây tiêu. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Tiên Phước lần thứ 15 (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã xác định: Khôi phục và phát triển cây tiêu Tiên Phước là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp. HÐND và UBND huyện đã đề ra nhiều giải pháp, biện pháp để hỗ trợ khôi phục và phát triển cây tiêu trên địa bàn huyện.

Theo đó, những hộ trồng mới 20 choái tiêu sẽ hỗ trợ năm triệu đồng, còn những hộ trồng từ 100 choái trở lên sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng. Mặt khác, công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân được tổ chức thường xuyên. Qua đó, phần lớn nông dân đã tiếp cận được kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để đầu tư, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu. Hiện, nhiều vườn tiêu đã được phục hồi, hạn chế hiện tượng tiêu chết sau mỗi mùa mưa, diện tích tiêu trồng mới tăng dần và phát triển bền vững hơn. Hằng năm, có khoảng gần 150 mô hình nông dân tự đăng ký trồng từ 100 choái trở lên, trong đó có những mô hình trồng từ 500 đến 1.000 choái tiêu.

Theo kỹ sư Tống Phước Thuần, tiêu Tiên Phước thuộc giống tiêu sẻ, có mùi thơm đặc trưng, chùm trái ngắn, năng suất trung bình khoảng từ 1,5 đến 2 tấn/ha, nếu thâm canh tốt đạt từ 2,5 đến 3 tấn/ha. Những năm trước đây, có một số hộ nông dân đã đưa các giống ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), Gia Lai và tiêu Ấn Ðộ về trồng, nhưng sau thấy các loại tiêu này không đạt hiệu quả bằng tiêu Tiên Phước cho nên đã chặt bỏ và trồng lại giống tiêu Tiên Phước. Nhờ có hương vị thơm, hạt tiêu Tiên Phước không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Hiện tại, hạt tiêu đen của Tiên Phước được bán với giá khoảng từ 600 đến 700 nghìn đồng/kg, cao gấp từ năm đến bảy lần so với hạt tiêu của các địa phương khác trong nước.

Sau khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hàng trăm vườn tiêu ở Tiên Phước đã được khôi phục và phát triển nhanh chóng, đời sống người trồng tiêu được cải thiện rõ rệt. Hiện tại, có nhiều hộ thu mỗi năm từ 50 đến 100 triệu đồng từ cây tiêu. Tuy nhiên, để cây tiêu Tiên Phước phát triển bền vững và hạt tiêu Tiên Phước ngày càng được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa chuộng, tỉnh Quảng Nam và huyện Tiên Phước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân mở rộng diện tích; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ.

                                           Tấn Nguyên - Thanh Bình, Báo Nhân Dân

Để tiêu Tiên Phước là sản phẩm chủ lực của chương trình mỗi xã một sản phẩm

 Phục hồi đặc sản tiêu Tiên Phước

Những cây tiêu "khủng" ở Tiên Phước

100 tấn tiêu sẻ Tiên Phước thu hoạch mỗi năm

Thơm nồng đặc sản xứ Tiên

Khôi phục nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tiêu Tiên Phước

Liên kết sản xuất tiêu

Xanh lại những vườn tiêu Tiên Phước

 Hồ tiêu Tiên Phước phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng và lợi thế

Giải pháp nào cho cây tiêu Tiên Phước

Hồ tiêu Tiên Phước

Video: Cay nồng hạt tiêu Tiên Phước