www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ký ức trường Mính Viên

 Trường Mính Viên (lấy theo tên tự của cụ Huỳnh Thúc Kháng) ở Tiên Lộc - Tiên Phước, mái trường cấp II đầu tiên và duy nhất được dựng lên từ năm 1952, vẫn còn đọng lại trong ký ức nhiều thế hệ học trò về những người thầy đáng kính…

Ngôi trường ân tình

Nhà của tôi nằm bên sông Bà Rén. Năm 1946, quân Pháp tràn đến quấy đục dòng nước yên bình, dân làng đành rời bỏ quê nhà, kéo nhau đi tản cư. Đặt tôi ngồi trong một đầu thúng, đầu bên kia lỉnh kỉnh nào gạo, sắn, nồi niêu…, cứ thế cha “gánh” vào Thăng Bình, lên Việt An, vượt đèo Le, qua Cẩm Hà, xẻ ngược nước sông Tiên rồi dừng lại trên làng Thạnh Bình. Thạnh Bình cũ nay là xã Tiên Cảnh, Tiên Phước - quê của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Lê Vĩnh Khanh, Lê Vĩnh Huy…

Năm 1952, rời cấp I, xa thầy hiệu trưởng Đồng Triết hiền từ, tôi xuống Tiên Lộc học tiếp. Hồi ấy, cha may cho tôi một túi ruột tượng và chiếc áo sơ mi bằng vải xita bà Tân. Mẹ bịn rịn đưa thêm cho tôi một chiếc gióng mây nhỏ nhắn, có lồng sẵn hũ mắm cái. Tôi không bao giờ quên được kỷ niệm anh Lê Văn Bảo cõng tôi qua sông Tiên; anh Võ Thành đốn tre làm phao, tập cho tôi bơi qua sông Cà Đong, sông chảy ngược dòng phù sa đỏ quạch. Hay chuyện anh Lê Xuân Thu nhắc nhở bạn bè làm bài trong những buổi học tổ tại mái hiên đình làng… Hồi ấy học trò ở vùng tự do đều dùng giấy tự túc. Giấy được làm từ rơm rạ, do phân xưởng giấy thuộc quân xưởng công binh QB150 chế xuất. Quân xưởng đặt tại xã Tiên Cảnh, chuyên sản xuất và cung cấp vũ khí, đạn dược cho chiến trường Liên khu V.

Trường Tiên Lộc ngày ấy có 3 lớp, hai lớp năm và một lớp sáu. Trường lợp mái rạ, dựng cột tre và cây rừng. Các anh lớn tuổi phụ sức với dân đảm trách việc nặng nhọc như chặt cây, chẻ hom đánh rạ, lợp mái. Các học trò nhỏ thì cắt rạ, bên nhau chung sức, chung tay dựng lên mái trường yên ấm.   

Tôi vẫn còn nhớ như in hiệu trưởng lúc ấy là thầy Đỗ Tấn Xuân. Nhà của thầy dưới bóng cây bàng xây tròn lá đỏ, bên ngã ba bà Xù, gối đầu tuyến đường Tam Kỳ - Tiên Phước. Mái nhà trông ra con đường đất, thưa thớt mấy mái rạ quê sơ. Đường làng quanh co dọc theo những đám ruộng cằn cỗi, nằm se mình, ngó hố bom giặc nứt lửa nắng nung. Phía sau nhà thầy, chênh vênh đồi sim chín lựng. Ký ức êm đềm về thầy hiệu trưởng hiền từ là những bài giảng lịch sử tôn vinh đất nước Việt Nam, ngợi ca truyền thống quật cường của cha ông, thắp sáng trong tôi ngọn lửa kiêu hãnh… Quên làm sao được thầy Thái Văn Tình dạy môn toán và vật lý. Lại nhớ giọng thầy Trương Sốc dạy môn Hoa văn chậm rãi, ôn nhu như một cụ đồ, có khi giọng thầy nghiêm trang, hào sảng…

Những cuộc hạnh ngộ    

Năm 1962, nhân dịp đi thi tú tài I ở Đà Nẵng, biết thầy Thái Văn Tình đang sinh sống tại đây, tôi tìm đến thăm. Thầy trò gặp nhau vui mừng khôn xiết. Rồi cuộc đời đưa đẩy tôi đến xứ trầm hương. Nhưng thật vô cùng bất ngờ, cứ tưởng như không thể nào tin được. Năm 1966, tôi đã gặp lại người thầy khả kính ấy, trong dịp người làm giám thị (surveillant), coi thi tú tài II tại trường Võ Tánh (nay là Lý Tự Trọng, thành phố Nha Trang). Ôi biết bao xúc động! Riêng đối với thầy Ngô Hoành, phụ trách các môn văn, sử ký và địa lý, là giáo viên trẻ nhất của trường. Học trò thường gọi thầy bằng anh. Thầy cho phép chúng tôi gọi như thế, nghe thật gần gũi và thân mật. Thầy rất vui tính, hiền từ, luôn tươi cười đối với những học sinh thân yêu. Nhà thầy Hoành ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước. 

Năm 2002, từ Khánh Hòa, nhân dịp Đài truyền thanh huyện Tiên Phước mời tôi về dàn dựng và viết ca khúc cho các em học sinh tham gia chương trình Hoa phượng đỏ tỉnh, tôi tìm đến thăm thầy, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm dưới mái trường Tiên Lộc ngày nào. Rồi cứ thế, mỗi khi có dịp về quê, tôi không bao giờ quên nghĩa tôn sư trọng đạo. Thích nhất là mỗi lần nghe thầy đọc thơ và ngắm nhìn giàn hoa lan đung đưa trước thềm nhà yên tĩnh, nằm khuất trong con ngõ đường làng.

Thầy trò nhắc nhau về vở kịch Chị Ngộ, do Đoàn Văn công Liên khu V trình diễn. Trong kịch bản có tái dựng cảnh tượng một tên lính Pháp dã man, giết chết bà mẹ quê hiền lành và em bé thơ vô tội. Cảnh diễn đã làm nổ bùng lòng thù hận giặc, khiến chúng tôi đồng thanh hô to: “Đả đảo giặc Pháp! Đả đảo giặc Pháp!”. Bất ngờ ngay lúc đó, có tiếng máy bay địch gầm gào giữa rừng đêm mịt mùng, chúng tôi vội vã tắt đèn.

Mặc dầu mái trường đã giấu giữa rừng cây, nhưng cũng bị máy bay địch phát hiện. Đầu năm 1954, trường dời về Đình tây xã Tiên Mỹ. Tháng 5-1954, quân ta thắng to ở trận Điện Biên Phủ, tiếp đến là Hiệp định đình chiến Genève. Các anh bộ đội đi đến tận trường để thuyết minh, tôn vinh những anh hùng quả cảm, nêu cao lòng yêu nước nồng nàn của quân và dân ta. Lịch sử vẻ vang đã tô đậm nét son hồng đất Việt và được trân trọng viết lên trang sử thế giới về sự nghiệp cả nước chống thực dân xâm lược. Các thầy bảo: “Chúng ta ráng chịu đựng cực khổ trong 2 năm. Sau đó sẽ tổng tuyển cử hòa bình thống nhất”. Nhưng rồi, đồng bào ta đã chờ đợi ngày thống nhất mất quãng thời gian gấp hơn 10 lần. Những bà mẹ mất con. Những người vợ mất chồng. Biết bao thanh niên yêu nước bị giặc mang đi không bao giờ trở lại…

Mỗi người tự chọn riêng cho mình một ngả rẽ, nhưng chúng tôi đã may mắn được học với những người thầy khả kính. Nơi ấy, chúng tôi được yêu thương dạy dỗ ngay từ những ngày đầu bước lên cấp II trường Tiên Lộc-trường Mính Viên, tiền thân của trường Huỳnh Thúc Kháng ngày nay nằm giữa thị trấn Tiên Kỳ.

Võ Khoa Châu - Báo Quảng Nam