www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Kỹ sư nông học sản xuất tinh bột nghệ

Nhận thấy thị trường tinh bột nghệ, tinh bột ngải còn nhiều tiềm năng, nguồn nguyên liệu tại địa phương lại dồi dào, chị Trần Thị Minh Thuấn ở thôn 5, xã Tiên Sơn (Tiên Phước) đã đầu tư sản xuất và bước đầu thành công ngoài mong đợi.

Năm 2014, tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế nhưng chưa tìm được việc làm phù hợp, chị Trần Thị Minh Thuấn quê xã Tiên Lãnh theo chồng về thôn 5, xã Tiên Sơn. Chị tham gia công tác đoàn thể và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã. Hai vợ chồng đều là cán bộ bán chuyên trách nên thu nhập không cao, trong khi thời gian rảnh rỗi nhiều, vì thế chị Thuấn bàn với chồng mở cơ sở chế biến tinh bột nghệ và tinh bột ngải, vừa tạo hướng khởi nghiệp, vừa giúp bà con nông dân tiêu thụ nguồn nguyên liệu khá dồi dào tại địa phương.

Chị Thuấn chia sẻ: “Trước đây, tôi từng sử dụng tinh bột nghệ, tinh bột ngải, thấy công dụng của sản phẩm này rất tốt, lại được nhiều người ưa chuộng, nguồn nguyên liệu tại địa phương phong phú, tôi nảy ra ý tưởng sản xuất thử nghiệm loại tinh bột này”. Bằng kiến thức được học cùng với thông tin cập nhật trên internet và học hỏi thêm tại một số cơ sở sản xuất đi trước, vợ chồng chị Thuấn mua một máy xay tinh bột nghệ và nguyên liệu sản xuất lô sản phẩm đầu tiên với 30kg tinh bột nghệ và 20kg tinh bột ngải, bán được hơn 20 triệu đồng.

Mô hình sản xuất tinh bột nghệ, bột ngải của chị Trần Thị Minh Thuấn thôn 5, xã Tiên Sơn (Tiên Phước).
Mô hình sản xuất tinh bột nghệ, bột ngải của chị Trần Thị Minh Thuấn thôn 5, xã Tiên Sơn (Tiên Phước).

Nhờ thường xuyên cập nhật thông tin qua mạng facebook, bán hàng online nên sản phẩm do chị làm ra bán khá chạy. Theo chị Trần Thị Minh Thuấn, việc sản xuất tinh bột nghệ, bột ngải không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật nhưng lại mất nhiều thời gian vì phải trải qua nhiều công đoạn. “Vợ chồng tôi chế biến bột nghệ, bột ngải theo phương pháp thủ công bằng rửa sạch vỏ sau đó cho vào máy nghiền, lọc bỏ phần tạp chất và váng dầu để thu được tinh bột nghệ, bột ngải lắng phía dưới. Để có được tinh bột nghệ, bột ngải đạt chất lượng, phải lọc qua nhiều lần, sau đó đem phơi ở trong nhà, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời thì mới đảm bảo chất lượng, màu sắc sáng đẹp, bảo quản tốt, sử dụng cả năm mà không hư hỏng” - chị Thuấn nói.

Thời gian nông dân thu hoạch nghệ từ tháng 3 đến tháng 5, gia đình chị mua gom để làm nguyên liệu sản xuất. “Tinh bột nghệ, bột ngải rất có lợi cho sức khỏe, có tác dụng trong việc trị bệnh đau dạ dày, viêm loét đường ruột, bồi bổ cơ thể. Riêng tinh bột nghệ, ngoài công dụng chữa bệnh, còn làm đẹp da cho chị em phụ nữ. Hiện gia đình bán ra thị trường tinh bột nghệ với giá dao động 500 - 600 nghìn đồng/kg, bột ngải 180 nghìn đồng/kg” - chị Thuấn cho biết thêm.

Trong thời gian tới, chị Thuấn dự định sẽ vay vốn mua thêm máy móc thiết bị, đồng thời liên kết với bà con nông dân tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho việc mở rộng quy mô sản xuất, vừa tăng thu nhập cho gia đình vừa tạo thêm việc làm cho người dân tại địa phương. Chị Bùi Thị Sương - Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Sơn nhận xét: “Mô hình làm tinh bột nghệ, tinh bột ngải của gia đình chị Trần Thị Minh Thuấn là một mô hình mới trên địa bàn xã, vừa có hiệu quả kinh tế cao, vừa tiêu thụ nguồn sản phẩm cho người dân địa phương. Hội LHPN xã sẽ tạo điều kiện để chị Thuấn cũng như các chị em phụ nữ phát triển mô hình kinh tế sản xuất tinh bột nghệ, bột ngải, tăng thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống”.

                                   P.Hoàng - N.Hưng, Báo Quảng Nam