www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Huyện ủy Tiên Phước trong chiến dịch "Vượt sông Tiên giải phóng Sơn Cẩm Hà"

 Sau khi có Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị (1/1959), ở miền Nam, phong trào đấu tranh vũ trang và đồng khởi của quần chúng nhân dân chống chính quyền Mỹ - ngụy và tay sai nổ ra khắp nơi, giành được những thắng lợi to lớn.

 

Trên địa bàn huyện Tiên Phước, vào những ngày cuối tháng 10 năm 1961, lực lượng vũ trang huyện phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực của Quân khu 5 và tỉnh đội Quảng Nam mở đợt hoạt động vượt sông Tranh giải phóng hai xã Phước Lãnh, Phước Ngọc. Thắng lợi này làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân yêu nước huyện nhà, gây tiếng vang lớn trên chiến trường cả tỉnh, làm cho quân địch rúng động, hoảng sợ, nhất là tuyến phòng thủ giáp ranh giữa miền núi và đồng bằng.

Phát huy chiến thắng Lãnh, Ngọc, Khu ủy 5 và Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định mở chiến dịch Vượt sông Tiên, giải phóng Sơn - Cẩm - Hà. Ngày 25 tháng 9 năm 1962, các đơn vị lực lượng vũ trang của Quân khu, Tỉnh đội (Tiểu đoàn 70 của tỉnh là đơn vị chủ công) phối hợp với cán bộ, lực lượng vũ trang huyện tiến công đánh chiếm Sơn - Cẩm - Hà.

Sơn - Cẩm - Hà là tên gọi tắt của 3 xã phía tây bắc huyện Tiên Phước (Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà), là nơi tiếp giáp với các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Tam Kỳ. Nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng, nếu ta giải phóng được Sơn - Cẩm - Hà sẽ mở rộng địa bàn liên thông sang vùng giải phóng Phước Lãnh, Phước Ngọc; tạo thế đứng chân của bộ đội chủ lực, hỗ trợ đắc lực cho phong trào cách mạng huyện nhà và các huyện lân cận; mở lối xuống đồng bằng uy hiếp quân địch, trực tiếp là các mục tiêu trên trục đường 1A và thị xã Tam Kỳ. Do có vị trí chiến lược quan trọng như vậy, nên tại đây đã diễn ra sự đấu tranh giằng co, quyết liệt giữa ta và địch.

Trong chống Pháp, Sơn - Cẩm - Hà là chiếc nôi của phong trào Duy Tân; trong kháng chiến chống Mỹ, phong trào đấu tranh yêu nước của các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát triển. Do hoảng sợ trước làn sóng đấu tranh ngày càng lớn mạnh, chính quyền Mỹ - Diệm và bọn phản động Quốc dân đảng đã tập trung khủng bố, đàn áp vô cùng khốc liệt; tại đây chúng đã gây ra cuộc thảm sát man rợ hàng trăm đồng bào, đồng chí của ta vào năm 1955. Tiếp theo đó, là những năm tháng “tố cộng, diệt cộng” hết sức khốc liệt của bè lũ tay sai. Thời kỳ này địa bàn toàn huyện nói chung, vùng Sơn - Cẩm - Hà nói riêng, nhiều tổ chức cơ sở đảng bị bể vỡ, hoặc bị đứt liên lạc phải nằm im; nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên bị sát hại, phong trào đấu tranh của nhân dân ta tạm lắng xuống. Song, nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng trung kiên vẫn quyết tâm bám trụ trước đầu lê mũi súng và đòn roi của kẻ thù, quyết không sờn lòng, kiên nhẫn chờ đợi ngày cách mạng trở về, sẽ vùng lên giành lại độc lập, tự do cho quê hương, đất nước.

Chiến dịch Vượt sông Tiên, giải phóng Sơn - Cẩm - Hà đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy - Ban chỉ huy Trung đoàn 1 kiêm Tỉnh đội Quảng Nam. Trong đó Huyện ủy Tiên Phước đóng góp vai trò quan trọng cả trước, trong và sau chiến dịch, cùng với bộ đội chủ lực giành thắng lợi hào hùng, trọn vẹn.

Năm 1962, do địa bàn rộng, Huyện ủy Tiên Phước chia thành 2 Ban cán sự, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hồ Truyền. Cánh Nam: gồm các xã Tiên Hương, Tiên Dương và Tiên Trà do đồng chí Huỳnh Sự (Năm Niên) làm Bí thư, đồng chí Phan Ngọc Ánh phụ trách quân sự. Cánh Tây: gồm các xã Phước Lãnh, Phước Ngọc, Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà do đồng chí Nguyễn Chí làm Bí thư, đồng chí Trần Phụng phụ trách quân sự.

Trước khi chiến dịch diễn ra, các lực lượng vũ trang của tỉnh, huyện đã tổ chức huấn luyện một thời gian tại thôn 8 xã Phước Lãnh. Đồng thời, tiến hành trinh sát nắm chắc tình hình địch - ta, trên cơ sở đó Ban cán sự cánh Tây đã xây dựng kế hoạch tác chiến cụ thể. Các đội công tác phụ trách từng xã nhanh chóng được thành lập, phía tỉnh đã bố trí một số chiến sĩ của Tiểu đoàn 70 cùng với cán bộ, chiến sĩ của huyện lập thành 3 đội công tác phụ trách 3 xã:

 Đội công tác xã Phước Sơn, do đồng chí Lưu Văn Chính làm đội trưởng, cùng với các đồng chí Phan Ngọc Minh (tức Hương) bộ đội của Tiểu đoàn 70, quê Điện Bàn được điều sang; đồng chí Đặng Đẩu (tức Hoàng), quê Phước Sơn; đồng chí Đức, quê Duy Xuyên; đồng chí Kinh, quê Quế Sơn.

Đội công tác xã Phước Cẩm: do đồng chí Phạm Quang Diệu (tức Oanh), bộ đội Tiểu đoàn 70 điều sang, làm đội trưởng cùng với các đồng chí Nho, Toàn.

Đội công tác xã Phước Hà do đồng chí Nguyễn Thâm (Lâm), người địa phương làm đội trưởng cùng với các đồng chí Trần Văn Chước, Võ Chính, Lê Xuân Quang.

Ngày 25 tháng 9 năm 1962, với kế hoạch nhanh chóng, bất ngờ, Tiểu đoàn 70 của tỉnh, cùng 3 đội công tác xã bí mật vượt sông Tiên. Trong khí thế tiến công, đoàn quân chủ lực lặng lẽ, men theo dây mây căng ngang trên dòng sông Tiên, tiếp cận đồn giặc, thì đồng thời trên bến sông Bà Đời, Bà Bèo… xã Phước Hà, thuyền nan của nhân dân được Huyện ủy huy động bố trí chuyên chở các phương tiện cần thiết vào khu chiến. Nhiều quần chúng tiêu biểu như: ông Trương Nhỏ (Tú An), Võ Diệm, Nguyễn Lấm (Phú Vinh) dùng thuyền của mình khẩn trương chở vũ khí, đạn dược và bộ đội sang sông. Chính nhờ sự tiếp sức mạnh mẽ của nhân dân địa phương, đã tạo điều kiện cho bộ đội nhanh chóng tiếp cận mục tiêu, nổ súng tiến công địch ở các xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà (Tiên Phước) đến các xã Thăng Phước, Bình Sơn (Thăng Bình).

Tại Phước Hà, ta đánh chiếm cơ quan hội đồng xã, bọn tổng đoàn dân vệ và ngụy quyền hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Tiếp theo là trận đánh tao ngộ tại Dốc Xoài (thôn 4, Phước Sơn), Tiểu đoàn 70 diệt 37 tên địch, đánh tan 2 đại đội ngụy. Tại Gò Dạn (Phước Cẩm) du kích xã cùng Tiểu đoàn 70 tấn công tiêu diệt 48 tên địch, thu 14 súng các loại. Tiếp theo, du kích đánh đồn Hủng Lớn diệt 15 tên bảo an, bắt sống 1 tên, thu 2 súng, phá trên 1.500 mét rào ấp chiến lược. Thừa thắng, Tiểu đoàn 70 tập kích gò Bớm, diệt 60 tên địch, buộc chúng phải rút chạy. Địch điều quân từ Tam Kỳ lên tiếp viện, bị tiểu đoàn phục kích đánh quân viện tại Eo Gió, bẽ gãy 3 đợt tiến công, diệt 90 tên địch.

Tại khu vực vừa mới được giải phóng, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, các đội công tác xã cùng với các đồng chí trong đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh tổ chức vận động quần chúng vùng lên phá tan ấp chiến lược của địch. Dùng loa kêu gọi tàn binh địch còn lẫn trốn ra hàng, tổ chức vận chuyển chiến lợi phẩm về vị trí tập kết đã định của bộ đội. Nhờ sự hỗ trợ của lực lượng quần chúng, nên đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi để bộ đội chủ lực thừa thắng xông lên phía trước, góp phần làm tan rã tinh thần chiến đấu của ngụy quân.

Trong giai đoạn 1961, trên địa bàn huyện chỉ mới mở ra địa bàn đứng chân ở Lãnh - Ngọc, các xã khác còn nằm trong sự khống chế, quản lý của địch. Tại những địa bàn đó, Mỹ - ngụy ra sức xây dựng chính quyền tay sai và gom dân vào các ấp chiến lược, đồng thời sử dụng nhiều thủ đoạn mị dân chống phá cách mạng; chúng đặt “cộng sản” ra ngoài vòng pháp luật, thường xuyên duy trì lực lượng quân đội tay sai canh gác, lùng sục kiểm soát mọi hoạt động của nhân dân. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy và các đội công tác xã là sau khi giải phóng, tiếp quản địa bàn, phải nhanh chóng liên lạc, sử dụng có hiệu quả số cán bộ, đảng viên, quần chúng trung kiên đang sinh sống, trụ bám ở các xã Sơn - Cẩm - Hà, để hình thành lực lượng nòng cốt xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối kháng chiến của Đảng, giáo dục khơi dậy tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc; phát động phong trào hành động cách mạng trong tất cả các tầng lớp nhân dân, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp vào mục tiêu đấu tranh toàn diện với quân thù, giữ vững thành quả cách mạng đã giành được.

Tại những vùng đất vừa được giải phóng, quân địch tức tối, điên cuồng, dùng các loại pháo ngày đêm bắn phá, làm cho không ít người dân thương vong, nhà cửa, ruộng vườn tan nát. Do vậy, việc lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, sâu sát, kịp thời của tổ chức đảng giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từ chủ trương nhiệm vụ, đến tổ chức thực hiện đều được các đồng chí Huyện ủy viên đứng khu vực và đội công tác tận tình giải thích, vận động, nên nhân dân hăng hái thực hiện. Mọi người dân ở các xã Sơn - Cẩm - Hà không kể già, trẻ, nam hay nữ đều tích cực bám trụ địa bàn; đồng bào tham gia giúp đỡ các đơn vị bộ đội, đi dân công sang tận Đông Bình, Na Sơn để vận chuyển lương thực, vũ khí về chiến trường. Trên khắp các nẻo đường lực lượng dân công luôn phấn khởi, kiên trì thực hiện nhiệm vụ vẻ vang được cách mạng giao.

Việc xây dựng chính quyền, lực lượng tại chỗ cũng đã được Huyện ủy và các đội công tác lên kế hoạch từ trước. Sau khi giải phóng Sơn - Cẩm - Hà, ta quản lý 8.965 dân, thành lập được 2 chi bộ, phát triển 20 du kích xã, 143 du kích thôn ở 2 xã Phước Sơn, Phước Cẩm. Rút thanh niên bổ sung lực lượng vũ trang huyện từ 3 trung đội trong năm 1962, lên 4 trung đội. Chi bộ Đảng, Mặt trận giải phóng, ủy ban tự quản xã được thành lập, tập trung phát động nhân dân xây dựng làng chiến đấu, trừ gian, thuần khiết nội bộ nhân dân.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được các đội công tác phối hợp với các đơn vị bộ đội tích cực thực hiện; ban đêm đội công tác, cùng lực lượng du kích lặn lội đến từng nhà, nắm bắt thông tin tình hình mọi mặt của từng thôn xóm, động viên nhân dân làm tốt công tác cách mạng. Việc họp dân được tổ chức từng nhóm nhỏ, theo từng xóm dân cư, nên các mặt công tác luôn đạt hiệu quả cao. Sự có mặt của những đội viên đội công tác là con em địa phương, kết hợp với cán bộ của tỉnh, khu đã tạo niềm tin cho nhân dân, phấn khởi, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mặt công tác trên giao. Từng tập thể, từng người tích cực đóng góp công sức, vật chất cho công việc chung, kể cả hy sinh xương máu để hoàn thành nhiệm vụ.

Là một trong những người dân ở thôn Phú Vinh (xã Tiên Hà) đã từng chứng kiến việc bộ đội ta Vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mịch bồi hồi nhớ lại: “… Mặc dù, lúc đó đạn pháo từ đồn địch bắn ra rất nhiều, nhưng hàng đoàn bộ đội lát ván vượt rào thép gai ấp chiến lược, nhanh chóng tiến công làm tan rã hoàn toàn quân địch. Những ngày tháng sau đó, bom đạn địch không ngừng dội xuống ác liệt, dân trên khắp các thôn chết rất nhiều, nhà cửa tan nát, xóm làng từ đông đúc trở thành tiêu điều, nhưng những người dân yêu nước trung kiên như gia đình mẹ vẫn nén thương đau, kiên trì trụ bám. Các đồng chí cán bộ huyện và đội công tác lãnh đạo, động viên, giải thích kịp thời, từng người biến đau thương thành quyết tâm hành động cách mạng, tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương” .

Mặc dù địch đánh phá liên miên, bộ đội và dân đều khó khăn, nhưng tình đoàn kết quân dân luôn được thắt chặt, bộ đội cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Các đồng chí lãnh đạo huyện, đội công tác tuyên truyền giáo dục làm cho dân thấy rõ điều hay, lẽ phải, nên tích cực, tự nguyện hiến lúa, chuối, mít và cả trâu, bò cho bộ đội làm lương thực. Người có ít hiến ít, người có nhiều hiến nhiều mà không hề suy tính, tiêu biểu như má Hòe ở Phước Sơn hiến nhà của mình làm nhà thương để chữa trị cho bộ đội. Nhiều thôn xóm cử một đội gồm nhiều chị em phụ nữ, thay phiên nhau ngày đêm xay, giã, dần, sàn gạo, có đợt khoảng 50 - 60 ang lúa (tương đương 200 - 250 kg) để kịp thời cung cấp gạo cho anh em bộ đội ở tiền tuyến.

       Có thể nói, Trong chiến dịch giải phóng Sơn - Cẩm - Hà, Huyện ủy Tiên Phước đã huy động sức mạnh tổng lực của nhân dân địa phương, nhất là đã tuyên truyền giác ngộ được tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, tạo nên mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một pháo đài, cùng với bộ đội chủ lực thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân toàn diện, từng bước tiến lên đập tan bộ máy quân sự khổng lồ của địch, giành thắng lợi hoàn toàn về tay nhân dân.

             Theo Kỷ yếu “50 năm chiến dịch Vượt sông Tiên, giải phóng Sơn Cẩm Hà"