www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Hội thảo nghiệm thu phần tự nhiên và lịch sử địa chí Tiên Phước

Sáng ngày 1.10.2017, UBND huyện Tiên Phước tổ chức hội thảo khoa học nghiệm thu phần tự nhiên và lịch sử địa chí Tiên Phước do các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Khoa học Huế nghiên cứu và biên soạn. 

Địa chí Tiên Phước được bắt đầu nghiên cứu từ cách đây 3 năm, nhằm mục tiêu sưu tầm, xử lý, nghiên cứu về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị trên địa bàn huyện Tiên Phước. Những nghiên cứu này được biên soạn lại một cách hệ thống, đầy đủ và toàn diện phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu.

Địa chí Tiên Phước có 7 phần, phần mở đầu 1 chuyên đề, phần tự nhiên 20 chuyên đề, phần lịch sử 19 chuyên đề, phần kinh tế 18 chuyên đề, phần chính trị xã hội 18 chuyên đề, phần văn hóa truyền thống 18 chuyên đề, phần kết luận chung 2 chuyên đề. Đến nay, các chuyên đề đều đã được các nhà khoa học nghiên cứu, biên soạn về phần cơ bản, hoàn thiện để nghiệm thu.

Hội đồng nghiệm thu tiến hành cho ý kiến nghiệm thu phần tự nhiên và lịch sử Địa chí Tiên Phước. Ảnh: D.L
Hội đồng nghiệm thu tiến hành cho ý kiến nghiệm thu phần tự nhiên và lịch sử địa chí Tiên Phước. Ảnh: D.L

Phần tự nhiên và lịch sử địa chí Tiên Phước được biên soạn kỹ với nhiều kiến thức địa lý và môi trường chuyên sâu, lịch sử hình thành qua các thời kỳ tạo nên sự hình thành sự sống của con người cho đến ngày hôm nay. Vùng đất Tiên Phước có quá trình hình thành và phát triển lãnh thổ lâu dài từ thời kỳ Tiền Cambri cho đến Tân Sinh. Người cổ đã sinh sống ở Tiên Phước từ thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh.

Tiên Phước có bề dày lịch sử lâu dài, với tính cách con người kiên trung, khẳng khái, cương trực, không khuất phục trước bất kỳ sự đàn áp nào. Vùng đất này đã tạo nên những danh nhân lịch sử kiệt xuất, có tầm ảnh hưởng lớn cho đến cả thời điểm này, như Lê Cơ, Lê Vĩnh Huy, Trần Huỳnh, Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Tựu, Huỳnh Thúc Kháng...

Hội đồng nghiệm thu đề tài đã có nhiều ý kiến phản biện về phần tự nhiên và lịch sử địa chí Tiên Phước nhằm giúp cho các nghiên cứu hoàn thiện hơn. 

                                                   Diễm Lệ - Báo Quảng Nam