www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Góp sức từ việc nhỏ

Họ là những người hết mình với công tác xã hội. Trường hợp một học sinh vì cái nghèo không thể đến trường, hay một nông dân vì khó khăn không thể thoát nghèo… đều khiến họ đau đáu. Họ làm theo gương Bác Hồ bằng những việc làm bình dị nhưng hết sức hữu ích, giúp cho những hoàn cảnh vươn lên trong cuộc sống.

Vì học sinh nghèo

Qua con đường quanh co, nhiều đèo dốc mới đến được căn nhà của Nguyễn Thị Mỹ Quyên (thôn 6, xã Tiên Sơn, Tiên Phước) ở tận cuối làng.

Mẹ Quyên là bà Nguyễn Thị Thu Hà dù mang trong mình bệnh sỏi thận nhưng phải gắng sức lao động để có thể một mình nuôi 3 người con đang tuổi ăn học.

“Các con đã cố gắng học giỏi dù hoàn cảnh khó khăn, tôi không nỡ nào cho con nghỉ học. Đứa lớn năm nay vào lớp 12 xin nghỉ để đi làm giúp mẹ, nhưng tôi động viên con cố gắng, được chừng nào hay chừng đó. Bé Quyên dù cực khổ nhưng 9 năm liền là học sinh giỏi. Biết hoàn cảnh cháu, Hội Khuyến học xã, nhất là bác chủ tịch hội luôn dành sự động viên cho Quyên, giúp cháu tiếp tục đến trường” - bà Hà tâm sự.

 

Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tiên Sơn - Dương Văn Trường thăm hỏi, động viên gia đình Nguyễn Thị Mỹ Quyên. Ảnh: D.L
Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tiên Sơn - Dương Văn Trường thăm hỏi, động viên gia đình Nguyễn Thị Mỹ Quyên. Ảnh: D.L

 

Hết hè năm nay bước vào lớp 10, Quyên chọn đi học ở xã Bình Lâm (Hiệp Đức) vì bên đó có chị vừa học vừa làm, lại gần hơn so với xuống thị trấn Tiên Kỳ trọ học.

Con đường đến trường của Quyên những năm qua hết sức chông chênh, may nhờ có được những suất học bổng của nhà trường và Hội Khuyến học xã Tiên Sơn, nhất là Chủ tịch Hội Khuyến học xã - Dương Văn Trường.

Sau khi hết đảm nhận nhiệm vụ của một Phó Bí thư Đảng ủy xã vào năm 2015, ông Dương Văn Trường lại tiếp tục hành trình của một người làm công tác xã hội, với vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tiên Sơn.

Từ khi ông Trường đảm nhận vai trò mới, phong trào khuyến học của xã Tiên Sơn có những hoạt động nổi trội. Khuyến học không còn là trách nhiệm của riêng hội khuyến học, mà thành nhiệm vụ của mỗi gia đình, tộc họ, hội đoàn thể ở Tiên Sơn.

“Khi bắt đầu công tác khuyến học, tôi nghĩ trước tiên phải đưa phong trào đến từng gia đình, để người dân hiểu khuyến học là nhiệm vụ chung của cả xã hội. Vì thế nên tôi tổ chức chương trình văn nghệ “Thắp sáng ước mơ” vào dịp cận tết để vận động nguồn hỗ trợ. Giấy mời, thư ngỏ được gửi đến từng gia đình. Chương trình diễn ra tôi cũng lo lắm, sợ không đủ bù đắp kinh phí tổ chức. Nhưng không ngờ lại thành công ngoài mong đợi. Con em của xã đi làm xa về quê ăn tết, rồi người dân đến xem, ủng hộ. Từ nguồn ủng hộ đó, hội tổ chức trao tặng học bổng cho các trường hợp học sinh khó khăn ngay tại đêm văn nghệ. Người dân thấy thiết thực nên lần tổ chức sau lại tiếp tục ủng hộ” - ông Trường tâm sự.

Hàng trăm phần học bổng đã được ông Trường vận động, trao đến tay từng hoàn cảnh học sinh khó khăn, giúp các em tiếp bước đến trường trong hơn 3 năm qua.

Năm 2017, ông Trường đã hỗ trợ hết mình cho gia đình ông Lê Nguyên Đại (là cháu nội cụ Lê Cơ) thành lập Quỹ học bổng Lê Cơ, tạo thêm nguồn động lực quan trọng cho những hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập xuất sắc của xã Tiên Sơn tiếp tục con đường đến trường.

Trợ sức cho nông dân

Với một người là hộ nghèo, lại bị khuyết tật tay chân như ông Đỗ Quốc Thích (thôn 3, xã Tiên Hiệp, Tiên Phước) không ai nghĩ ông có thể thoát nghèo được. Vậy nhưng không chỉ thoát nghèo, ông Thích còn trở thành gương điển hình nông dân sản xuất giỏi của xã Tiên Hiệp. Kết quả này, theo lời ông Thích là “nhờ Chủ tịch Hội Nông dân xã Phạm Thị Nghi giúp đỡ nhiều”.

Ông Thích kể, ban đầu khi Chủ tịch Hội Nông dân xã nhận đỡ đầu giúp hộ ông thoát nghèo, ai cũng nói sao làm được, ngay bản thân ông cũng không dám tin chứ nói chi người khác. “Ban đầu chị Nghi hỗ trợ gia đình tôi một đàn gà, sau đó kèm kẹp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, theo sát hỗ trợ nên đàn gà dần được nhân lên và tôi liên tục có gà xuất bán. Hiện giờ gia đình tôi đang có lứa gà hơn 200 con chuẩn bị xuất bán. Tôi cũng đã đầu tư máy ấp ứng để nhân giống gà thuận tiện hơn”.

Ông Thích còn cho biết, cũng trong thời gian đó, ông được Hội Nông dân xã cho đi tham quan mô hình và tập huấn kỹ thuật trồng trọt, sau đó áp dụng thành công trên mảnh vườn nhà mình. Chỉ hơn 3 năm gieo trồng, giờ ông Thích đã có một vườn thanh trà gần 150 gốc, hơn 200 choái tiêu đang phát triển tốt, và những rẫy keo sắp đến kỳ thu hoạch.

Về Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Hiệp - Phạm Thị Nghi, bà là người luôn trăn trở làm sao để giúp càng nhiều nông dân thoát nghèo, giúp họ làm ăn hiệu quả. Mỗi năm, bà Nghi mạnh dạn nhận đỡ đầu cho 4 - 5 hộ nghèo của xã thoát nghèo bền vững, và năm nào cũng hoàn thành chỉ tiêu.

Không chỉ hỗ trợ tận nơi theo nhu cầu của hộ nông dân nghèo, bà Nghi cùng với các chi hội ở thôn còn bám sát, theo dõi, động viên thăm hỏi nên hộ nghèo có thêm động lực làm ăn. Hàng chục hộ nghèo đã thoát nghèo bền vững nhờ có sự vào cuộc của bà Nghi cùng Hội Nông dân xã Tiên Hiệp.

Ngoài ra, mỗi năm bà Nghi còn nhận đỡ đầu một học sinh nghèo học tốt của xã, mỗi tháng chỉ 150 nghìn đồng và những lần thăm hỏi, nhưng là nguồn lực động viên cho các em tiếp tục con đường học tập.

Được biết, từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, bà Nghi đã vận động được hộ kinh doanh Huỳnh Thị Lan và Võ Thị Tý làm điểm xây dựng mô hình hỗ trợ nông dân mua thức ăn gia súc, phân bón trả chậm nhưng không tính lãi.

Lúc đầu, hai hộ kinh doanh này chỉ thực hiện đối với loại thức ăn, phân bón do tỉnh hỗ trợ. Sau này, với sự vận động, thuyết phục của bà Nghi, cùng với tấm lòng vì nông dân, hai hộ kinh doanh đồng ý bán trả chậm không lấy lãi đối với tất cả loại phân bón, thức ăn gia súc mà họ đang kinh doanh.

Từ sự hỗ trợ này, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Tiên Hiệp có thể nuôi heo, bò, gà và trồng lúa, trồng cây hoa màu mà không lo lắng về chi phí mua thức ăn, phân bón. Khi thu hoạch, họ mang tiền đến trả một lần cho các hộ kinh doanh mà không bị tính lãi.

“Tôi nghĩ mình làm vì người dân thôi, chứ cũng không có gì to tát. Đã làm công tác hội thì phải vì hội viên của mình, giúp được gì cho họ thì giúp, càng nhiều càng tốt” - bà Nghi tâm sự.

                                                                   Diễm Lệ - Báo Quảng Nam