www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Giải phóng Tiên Phước - Phước Lâm tạo đà chiến thắng Quảng Nam

 Phối hợp với chiến trường chính Tây Nguyên do đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo, trên chiến trường ven biển khu 5, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 5 quyết định tập trung mở chiến dịch độc lập trong Xuân – Hè trên hai hướng: hướng chủ yếu là Tây Nam – Tây Bắc Quảng Ngãi, hướng quan trọng là đường 19 An Khê.

        Tiên Phước, Phước Lâm (địch gọi là chi khu quân sự - quận lỵ Hậu Đức) được chọn làm mục tiêu tiến công đầu tiên của chiến dịch (mật danh A1), giao cho chủ lực quân khu đảm nhận. Toàn bộ chiến dịch được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 5 do đồng chí Nguyễn Chánh (tức Bình) Phó Tư lệnh Quân khu làm Tư lệnh tiền phương và đồng chí Võ Tiến Trình (tức Đoàn Khuê), Phó Chính ủy Quân khu làm Chính ủy tiền phương.

Theo dự kiến ban đầu, chiến dịch này sẽ tiến hành theo 3 bước: bước 1 đánh tiêu diệt lực lượng chiếm đóng của địch, giải phóng khu vực Suối Đá, Tiên Phước, Phước Lâm, tiêu diệt quân cơ động đến phản kích, chủ yếu là sư đoàn bộ binh 2 của địch. Bước 2 chuyển một bộ phận sang phòng ngự vùng mới giải phóng, còn lại đại bộ phận tiến vào giải phóng chi khu quận lỵ Sơn Hà (Quảng Ngãi), tiếp tục tiêu diệt một bộ phận sư đoàn bộ binh 2 của địch đến phản kích. Bước 3 sẽ tiến công giải phóng chi khu quận lỵ Trà Bồng rồi điều chỉnh, bố trí lực lượng giữ vùng mới giải phóng, chuẩn bị cho chiến dịch Thu năm 1975.
Tiên Phước – Phước Lâm nguyên là địa bàn của một huyện Tiên Phước nhưng địch chia ra làm hai chi khu quân sự - quận lỵ. Địch xây dựng nơi này thành một cụm chốt tiền tiêu trong hệ thống phòng ngự cơ bản, gồm 3 cụm phòng thủ: Chi khu quận lỵ Tiên Phước, chi khu quận lỵ Phước Lâm và dãy cao điểm Suối Đá. Toàn bộ quân số của địch gồm 6 tiểu đoàn bảo an, trong đó có 1 liên đoàn 916, 2 đại đội biệt lập, 41 trung đội nghĩa quân. Tổng cộng khoảng 3000 quân. Chúng bố trí quân ở 74 điểm. Trong đó, khu vực Phước Lâm 14 điểm, Khu vực Tiên Phước 17 điểm, khu vực Phước Tiên (nay là Tiên Thọ), Kỳ Ngọc 28 điểm, khu vực Dương Con, Núi Vú 15 điểm. Ngoài lực lượng đồn trú, địch còn có lực lượng cơ động ứng cứu gồm Liên đoàn 12 biệt động đứng chân tại Tuần Dưỡng, tiểu đoàn 115 bảo an đứng ở Tam Kỳ, tiểu đoàn 132 đứng ở Thăng Bình. Hỏa lực của địch tại khu chiến này có 8 khẩu 105mm, 2 khẩu 155mm. Trong trường hợp bị tấn công, bọn địch ở hai chi khu này sẽ được sự chi viện của hỏa lực kkhu sân bay Kỳ Bích và các trận địa pháo ở tây Tam Kỳ gồm 8 khẩu 155mm, 2 khẩu 175mm và 4 khẩu 105mm.
Quân khu chọn Tiên Phước và Phước Lâm làm mục tiêu tiến công đầu tiên của chiến dịch Xuân – Hè trong tổng tấn công và nổi dậy, vì nơi đây hội được những điều kiện đảm bảo thắng lợi, tạo thế và lực mới cho mở ra đánh giải phóng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đà.
- Một là, địa hình Tiên Phước có giá trị quan trọng về mặt chiến thuật đối với cả ta và địch. Địa hình Tiên Phước ở cao hơn nên nếu ta chiếm được nơi này thì tỉnh lỵ Quảng Tín cũng như tuyến phòng thủ dọc đường 1 của địch sẽ bị uy hiếp trực tiếp. Đối với ta, Tiên Phước sẽ là địa bàn mở ra giành quyền chủ động trên chiến trường Quảng Nam và thông đường ô tô vận chuyển hàng sẽ từ phía bắc tỉnh Kon Tum theo hướng Trà My xuống Tiên Phước để chuẩn bị lương thực, đạn dược cho đánh giải phóng Tam Kỳ. Kinh nghiệm cho thấy, ngay từ đầu những năm 1960 với chiến dịch “Vượt sông Tranh” giải phóng hai xã Phước Lãnh – Phước Ngọc (nay là Tiên lãnh và Tiên Ngọc) trong năm 1961 và tiếp đến với chiến dịch “Vượt sông Tiên” giải phóng 3 xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà (Tiên sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà) trong năm 1962, ta đã tạo được thế đứng chân có tầm khống chế cả vùng đồng bằng phía nam của tỉnh Quảng Nam(1). Từ đây, lực lượng vũ trang ta tiến xuống các huyện Quế Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình, tạo thế thuận lợi để phát triển, mở rộng vùng giải phóng và vùng làm chủ. Trong chiến dịch Thu năm 1972, cũng tại địa bàn Tiên Phước, ta đã phá vỡ được hệ thống phòng ngự kiên cố bảo vệ phía tây tỉnh lỵ Quảng Tín của địch, tiêu hao tiêu diệt lớn sinh lực địch, giải phóng và làm chủ quận lỵ trong 1 tháng; diệt và làm tan rã hệ thống kìm kẹp dân mà địch đã dày công xây dựng trong suốt 18 năm, đẩy được thế và lực của ta lên một đỉnh cao mới. Cũng qua chiến dịch này cho thấy nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động tác chiến tập trung của chủ lực. Với địch, nếu mất địa bàn Tiên Phước, coi như “tấm áo giáp” bảo vệ tiểu khu – tỉnh lỵ Quảng Tín của chúng đã bị chọc thủng.
- Hai là, tuy tại hai chi khu – quận lỵ Tiên Phước và Phước Lâm địch có lợi thế lực lượng đông, đóng nhiều chốt điểm, bố trí liên hoàn, lại gần đường giao thông số 1 nên dễ cơ động nhiều trận địa pháo, nhưng lực lượng của chúng chủ yếu là bảo an, dân vệ, đóng quân phân tán, dễ bị quân ta bao vậy chia cắt, phần lớn công sự lại không vững chắc nên nếu bị quân ta chia cắt tại khu vực Suối Đá thì chúng sẽ không có pháo chi viện cho Tiên Phước, nếu bị ta đánh vào trung tâm Tiên Phước thì chúng lại không có pháo chi viện cho Phước Lâm và một khi đã mất hai cứ điểm này, các cứ điểm khác sẽ dễ bị tan rã. Và trên thực tế diễn biến chiến trường thì từ tháng 1/1975, để phá kế hoạch tiến công của ta, địch đã mở chiến dịch “bình định cấp tốc” trong 3 tháng, nhưng chúng lại dồn quân luân phiên tấn công vào khu vực phòng ngự của ta ở Bồng Sơn (Bình Định), Nghĩa Hành, Minh Long (Quảng Ngãi) và Nông Sơn (Quế Sơn)(2). Như vậy, hai chi khu quân sự - quận lỵ Tiên Phước và Phước Lâm là nơi chúng phòng ngự sơ hở hơn cả. Trong khi đó, về phía ta, kể từ cuối năm 1973 sư đoàn 2 bộ binh Quân khu 5 đã mở được khu chiến từ núi Chóp Vung (Tiên Lập) chạy dài xuống phía nam, đến giáp xã Kỳ Thịnh của quận Tam Kỳ. Khu chiến này lại gần với đường dây 559 nên thuận lợi cho việc triển khai mọi công tác bảo đảm như chuẩn bị đường sá cơ động xe pháo, vận chuyển đạn dược.
- Ba là, thực lực cách mạng của địa phương cũng đã tăng lên nhiều. Tính đến năm 1974, dân được giải phóng đã lên gần 2.300 người, đảm bảo khi mở ra chiến dịch lớn sẽ có được sự giúp đỡ tích cực. Công tác xây dựng vùng giải phóng được đặt ra một cách toàn diện. Nhiều cơ quan của Tỉnh ủy, Tỉnh đội Quảng Nam chọn nơi đây đặt bản doanh trực tiếp chỉ đạo kháng chiến.
Tham gia hướng tấn công này chủ yếu là lực lượng chủ lực của Quân khu, gồm: Trung đoàn bộ binh 31, Trung đoàn bộ binh 38, Trung đoàn pháo binh 368, Trung đoàn bộ binh 1, Lữ đoàn bộ binh 52, Trung đoàn pháo binh 572 (thiếu), Trung đoàn pháo cao xạ 573, một bộ phận của trung đoàn xe tăng 574 có 10 chiếc tăng và bọc thép, Trung đoàn công binh 83 và 1 đại đội vệ binh Quân khu. Quyết tâm của các đơn vị chủ lực Quân khu là: “Tập trung lực lượng, trong khoảng 3 ngày tiêu diệt, làm tan rã, bắt toàn bộ quân địch, cả quân đồn trú, kìm kẹp, phòng ngự dự phòng trong khu chiến, hoàn thành tốt chỉ tiêu là diệt và bắt toàn bộ quân địch, thu và phá hủy toàn bộ phương tiện chiến tranh của địch trong khu vực Phước Lâm, Tiên Phước và Suối Đá”. Tư tưởng chỉ đạo là: “Giữ bí mật, tạo và tranh thủ bất ngờ. Đánh chắc thắng, thắng trận đầu, trận mở màn. Diệt nhanh, gọn các mục tiêu then chốt. Tiêu diệt gọn, hiệu suất chiến đấu cao. Càng đánh càng mạnh, đánh liên tục, không ngừng nâng cao tốc độ tấn công. Đánh đúng chiến thuật, tập trung lực lượng hợp lý vào từng mục tiêu, từng hời gian, khéo sử dụng lực lượng thay phiên để có dự bị”3]. Theo kế hoạch tác chiến, Sư đoàn sẽ chọn mục tiêu Suối Đá ở phía nam làm hướng tấn công chủ yếu, còn cao điểm 211 ở phía bắc sẽ là hướng quan trọng.
Về phía địa phương, thực hiện chỉ thị của cấp trên, đầu tháng 2/1975, Tỉnh ủy Quảng Nam  tổ chức một cuộc họp tại thôn 1 xã Phước Sơn (nay là Tiên Sơn) ra nghị quyết: “Động viên sự nổ lực lớn nhất của Đảng bộ, của lực lượng vũ trang, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh với quân chủ lực của quân khu thực hiện mục tiêu tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phá hủy phương tiện chiến tranh, giải phóng quận lỵ Tiên Phước – Phước Lâm và các xã vùng đông và tây Thăng Bình, bắc Tam Kỳ tạo thế bao vây tỉnh lỵ Quảng Tín”4]. Thường vụ Tỉnh ủy thành lập 3 bộ phận chỉ đạo, trong đó bộ phận đi cùng chủ lực quân khu ở hướng trọng điểm Tiên Phước – Phước Lâm do đồng chí Võ Quỳnh, Phó bí thư Tỉnh ủy phụ trách chung.
Triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, từ ngày 26 – 28/2/1975 Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước tổ chức một cuộc họp quan trọng thảo luận cụ thể kế hoạch hành động. Cuộc họp phân công các đồng chí thường vụ và huyện ủy viên chỉ đạo lực lượng du kich, các đội công tác và huy động nhân dân nổi dậy đánh giải phóng ở các xã. Đồng chí Lưu Văn Chính, Bí thư Huyện ủy phụ trách chung cuộc nổi dậy của quần chúng phá khu dồn, giải phóng toàn huyện. Trong những ngày chuẩn bị chiến dịch, nhân dân vùng giải phóng được huy động đã cùng với các chiến sĩ công binh ngày đêm tu sửa và mở thêm một số tuyến đường quan trọng từ vùng căn cứ địa chạy xuống khu chiến. Đến tháng 2/1975, lực lượng vận chuyển của Quân khu và của tỉnh Quảng Nam đã lót được 179 tấn đạn; 136,6 tấn lương thực.
Để giữ bí mật và nghi binh phân tán lực lượng địch, Quân khu sử dụng một bộ phận lực lượng hoạt động mạnh ở phía tây, tây nam Đà Nẵng và xung quanh thị xã Quảng Ngãi. Tiểu đoàn đặc công 35 tập kích kho đạn Sũng Mây, bãi cơ giới Xuân Thiều, đại đội công binh Hải Vân cắt đứt đường số 1 trên đèo Hải Vân. Một bộ phận của sư đoàn 304 tấn công đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn bộ binh thuộc sư đoàn 3 của địch ở vùng B Đại Lộc, buộc sư đoàn 3 và quân dù ngụy phải đưa quân đến giải tỏa. Ở Quảng Ngãi, chủ lực quân khu đánh lui các đợt phản kích của sư đoàn bộ binh 2 ngụy tại Nghĩa Hành. Các tiểu đoàn đặc công 406, 403 tập kích Gò Hội và sân bay thị xã Quảng Ngãi.
Đến ngày 7/3/1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy mới phát hiện công tác chuấn bị chiến trường của ta ở hướng Tiên Phước. Viên Tư lệnh Ngô Quang Trưởng liền điều Liên đoàn biệt động quân 12 từ Phú Lộc (Thừa Thiên) vào Tuần Dưỡng. Về phía ta, theo phương án cơ bản, trận đánh mở màn chiến dịch sẽ diễn ra trong 2 ngày. Nhưng đến ngày 9/3 khi các đơn vị của ta đang hành quân chiếm lĩnh trận địa thì nắm được thông tin về động binh của địch. Qua phân tích tình hình, Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân khu nhận định: Nếu trong ngày 9/3 toàn bộ đội hình Liên đoàn biệt động quân 12 của địch đến được Tuần Dưỡng thì cũng phải tới ngày 10/3 chúng mới đến được khu chiến Tiên Phước. Trong khi đó, theo kế hoạch tác chiến đã định thì sáng ngày 10/3 quân ta đã bắt đầu nổ súng. Như vậy, quân địch sẽ đến muộn. Tuy nhiên, đề phòng khi quân Liên đoàn biệt động quân 12 đến, bọn địch ở Tiên Phước và Phước Lâm được hỗ trợ về mặt tinh thần sẽ chống trả quân ta quyết liệt nên Bộ Tư lệnh Tiền phương hạ quyết tâm rút lại thời gian giải quyết chiến dịch chỉ trong 1 ngày. Theo đó, Trung đoàn 31 đánh chiếm đồi 211 rồi phát triển đánh quân địch ở trung tâm quận lỵ trong ngày 10/3. Trung đoàn 38 sau khi giải quyết xong các điểm Dương Con, núi Vú sẽ chốt chặt không cho quân địch kéo lên chi viện. Các trận địa pháo A12, H12 sẽ bắn vào trung tâm quận lỵ và đội hình Liên đoàn biệt động quân 12 ở Tuần Dưỡng. Các trận địa cối 82 của Trung đoàn 1 cũng sẽ bắn kiềm chế làm rối loạn đội hình của Liên đoàn này, buộc chúng phải mất thời gian củng cố, không thể phản kích ngay trong đêm ngày 10/3.
Đúng 4g30 phút ngày 10/3/1975, hai quả pháo hiệu một xanh một đỏ được bắn lên tại Sở Chỉ huy Sư đoàn 2 ở chân điểm Dương Con báo hiệu giờ G đã điểm. Lập tức, tại đây các chiến sĩ đại đội 5 và đại đội 7 của tiểu đoàn 5 trung đoàn 38 dùng mìn thổi mở cửa, nhanh chóng đánh chiếm vị trí bàn đạp. Đến 6g50 phút tiểu đoàn 5 đã làm chủ toàn bộ Dương Con. Các chiến sĩ đại đội 6 tiểu đoàn 5 và đại đội 1 tiểu đoàn 4 dùng hỏa lực kết hợp mìn thổi phá rào nổ súng đánh núi Ngọc, núi Vú. Các chiến sĩ tiểu đoàn 6 cũng nhanh chóng vận động triển khai đội hình. Đến 6g50 phút trung đoàn 38 đã giải quyết xong các mục tiêu được giao.
Khi trung đoàn 38 nổ súng, các phân đội nhỏ của trung đoàn 31 cũng tập kich hiệp đồng binh chủng lần lượt nổ mìn và dùng hỏa lực đánh chiếm các vị trí: đồi Xây Dựng, đồi Đá, ấp và đồi Không Tên, cao điểm 215, Dương Ươi, Hố Tre, ấp chiến lược Phước Hòa (Tiên Châu). Tiểu đoàn 1 trung đoàn 1 hình thành tuyến bao vây phía đông quận lỵ Tiên Phước và đồi 211. Các tiểu đoàn 9, 15, 7 của Lữ đoàn 52 cũng bằng tập kích đánh tiêu diệt các điểm nũi Mỹ, Hòn Nhọn, núi Sấu, Dương Dẻ.
Theo kế hoạch hợp đồng tác chiến, đúng 5 giờ, pháo binh của Trung đoàn 572 sẽ bắn vào các mục tiêu quy định. Nhưng do thời tiết xấu, sương mù dày đặc không quan sát rõ mục tiêu nên đến 11 giờ 20 phút, theo yêu cầu của Lữ đoàn 52, pháo 122mm của Trung đoàn 572 mới bắn vào Dương Bàng Quân. Sau 30 phút đã phá hủy hoàn toàn 2 lô cốt, làm sập vỡ 2 lô cốt khác. Sau đó, trận địa pháo này quay sang bắn vào mục tiêu Dương Dẻ, ngay từ loạt đạn đầu đã làm sập hoàn toàn 5 lô cốt của địch.
Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt ở điểm cao Suối Đá và đồi 211. Với ta, chiếm được điểm cao Suối Đá là khóa chặt toàn bộ quân địch ở Tiên Phước và Phước Lâm để tiêu diệt, đồng thời tạo bàn đạp đánh phản kích hoặc phát triển tiến công xuống Tam Kỳ. Bọn địch ở đây dựa vào địa hình và công sự vững chắc tổ chức chống trả quyết liệt nên tiểu đoàn 7 của Lữ đoàn 52 phải tạm dừng để tổ chức lực lượng đột phá. Đến 14 giờ, Trung đoàn 572 bắt đầu dùng pháo bắn ghìm đầu địch. Ngay từ loạt đạn đầu đã bắn trúng sở chỉ huy Liên đoàn bảo an 916. Sau đó, các trận địa pháo chuyển sang bắn cấp tập phá hủy 12 trong số 13 lô cốt của địch tại điểm cao này. Đến 15g30 phút, bộ binh của Lữ đoàn 52 hoàn toàn làm chủ trận địa. Phối hợp với tiểu đoàn 7, các chiến sĩ tiểu đoàn 8 của Lữ đoàn 52 đánh chiếm đồn thôn 1 Phước Tiên (nay thuộc Tiên Thọ) và đồi Cù Lao. Ở hướng Phước Lâm, các chiến sĩ tiểu đoàn 10 và tiểu đoàn 12 trung đoàn 36 đánh chiếm Cửa Rừng, Đèo Liêu, Hòn Gành, Hàn Thôn. Đại đội 90 vệ binh Quân khu đánh Dương Lách, vây ép Phước Lâm. Bọn địch ở Phước Lâm bỏ chạy xuống quận lỵ Tiên Phước, bị tiểu đoàn 2 Trung đoàn 36 chặn đánh trên đường.
Điểm cao 211 là cứ điểm chủ yếu bảo vệ quận lỵ Tiên Phước, cách trung tâm quận lỵ chỉ 1,5 km. Theo kế hoạch hợp đồng, khi Lữ đoàn 52 chiếm xong Suối Đá, diệt được trận địa pháo Trung đoàn 31 mới nổ súng đánh chiếm điểm cao này. Nhưng nhận thấy địch có hiện tượng tan rã ngay khi ta mới triển khai đánh chiếm các vị trí vòng ngoài, đồng chí Nguyễn Chơn Sư đoàn trưởng và đồng chí Mai Thuận Phó Chính ủy đã hạ lệnh cho đánh chiếm sớm hơn dự định. 11 giờ, khi các trận địa pháo của Trung đoàn pháo binh 368 ở Hàn Thôn, điểm cao 228 và Hội Sơn dồn dập bắn vào mục tiêu đồi 211 thì từ ấp Phước Hòa (nay thuộc Tiên Châu), các chiến sĩ tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 31 chia làm 2 mũi tiếp cận vị trí của địch, dùng hỏa lực đánh chiếm các tiền đồn phía bắc và phía tây điểm cao. Cùng lúc, pháo nòng dài của ta trên đỉnh núi Vú bắn nát hơn nửa số lô cốt, công sự và nhà lính trong cứ điểm. Quân địch bỏ chạy về hướng nam. Chớp lấy thời cơ, tiểu đoàn 8 chuyển từ đánh vây lấn sang tập trung hỏa lực cối bắn dồn dập vào khu trung tâm hỗ trợ cho bộ binh dùng mìn và bộc phá khai thông cửa mở, đánh chiếm đầu cầu. Đúng 15 giờ, quân ta đã chiếm toàn bộ điểm cao. Ngay sau khi chiếm được đồi 211, các trận địa pháo của ta tập trung bắn dồn dập vào khu trung tâm quận lỵ, hỗ trợ cho ba hướng tấn công của tiểu đoàn 7, tiểu đoàn 8 và tiểu đoàn 9. Đến 16 giờ, quân ta đã hoàn toàn làm chủ khu trung tâm quận lỵ.
Phối hợp với các đòn tấn công của chủ lực Quân khu, đơn vị C 7 bộ đội địa phương huyện đánh từ Phước Lộc (Tiên Lộc) qua ấp Hữu Lâm của Phước Kỳ (Tiên Kỳ). Sau đó, phối hợp với chủ lực Trung đoàn 31 từ Phước Hòa (Tiên Châu) đánh vào trung tâm quận lỵ. Đơn vị C45 triển khai đội hình đánh chặn tàn quân địch rút chạy qua núi Sấu xuống Tam Kỳ. Tại Phước Tân (Tiên Phong) C45 chặn đánh ban chỉ huy Liên đoàn 916 địa phương quân của địch, diệt được tên trung tá chỉ huy trưởng trung đoàn này. Cùng với đòn tấn công của lực lượng vũ trang, các đội công tác và du kích xã phát động quần chúng truy bắt ác ôn, dùng loa kêu gọi các binh sĩ địch còn trốn trong núi ra hàng.
Kết quả, chủ lực ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 2505 tên địch. Trong đó tiêu diệt 1011 tên, bắt 991 tên, thu 779 súng các loại. Về phía ta, có 27 chiến sĩ hy sinh, 98 chiến sĩ bị thương5]. Riêng bộ đội địa phương huyện và du kích các xã đánh 26 trận, diệt 93 tên địch, bắt sống 310 tên. Tổng cộng loại khỏi vòng chiến đấu 403 tên, thu 102 súng các loại. gọi hàng gần 611 ngụy quân, 318 ngụy quyền6].
Mất Tiên Phước, địch lập tức đưa lực lượng trung đoàn 5 sư đoàn 2, 2 liên đoàn bảo an và 2 chi đoàn thiết giáp có sự yểm trợ của không quân và trọng pháo, kéo lên định tái chiếm nhưng đều bị chủ lực ta đánh quỵ. Sáng ngày 24/3 Tư lệnh sư đoàn 2 nghe tin kỹ thuật quân địch trao đổi với nhau căn cứ Chu Lai đã hết đạn pháo, liền hạ lệnh cho Trung đoàn bộ binh 1 cùng với xe tăng, pháo binh đánh chiếm thị xã Tam Kỳ ngay trong ngày. Ngay sau đó, Lữ đoàn 52 cũng được lệnh thần tốc tiến vào đánh chiếm thị xã Quảng Ngãi trong ngày hôm sau (25/3).
Thắng lợi của giải phóng Tiên Phước – Phước Lâm cho thấy, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 5 đã rất thành công trong việc chọn đúng  hướng chủ yếu chiến dịch và trận mở đầu là Tiên Phước – Phước Lâm; chọn đúng đối tượng chủ yếu là sư đoàn bộ binh 2 của ngụy và có chủ trương đúng trong việc nghi binh đánh lạc hướng địch để tận dụng thời gian chuẩn bị khu chiến. Đến khi địch phát hiện được hướng tấn công của ta thì kịp thời thay đổi quyết tâm để tận dụng lợi thế, khiến địch chưa kịp triển khai ứng phó thì các đơn vị chủ lực của ta đã nổ súng mở màn chiến dịch.
Trong trận tấn công này, ta đã vận dụng sáng tạo cách đánh chiến dịch đột phá kết hợp với bao vây, tiêu diệt gọn quân chiếm đóng của địch tại Tiên Phước và Phước Lâm, sau đó kiềm chế không cho sư đoàn 3 của chúng từ phía tây bắc Quảng Đà kéo vào và từng bước kéo sư đoàn bộ binh 2 của chúng từ Quảng Ngãi ra phản kích để đánh các trận then chốt làm tan rã sư đoàn này, tạo thời cơ trực tiếp thuận lợi để hiệp đồng cùng Quân đoàn 2 phát triển tiến công trong hành tiến giải phóng Đà Nẵng (là khu liên hiệp quân sự lớn thứ hai của địch ở miền Nam). Mặc khác, thắng lợi của đòn tấn công giải phóng Tiên Phước – Phước Lâm còn cho thấy sự thành công trong kế hoạch tác chiến. Đó là, đã xác định đúng chiến thuật và kiên định chiến thuật trong thực hành chiến đấu; chọn đúng hướng chủ yếu là hướng nam (khu vực Suối Đá), các hướng quan trọng là hướng bắc (cao điểm 211), đông bắc (quận lỵ Tiên Phước) và đông nam (quận lỵ Phước Lâm); chọn đúng mục tiêu chủ yếu và then chốt 1 là Suối Đá, then chốt 2 là điểm cao 211; các mục tiêu quan trọng là Dương Con, núi Vú, núi Sấu, Dương Bàng Quân.
Đồng thời, đã sử dụng đúng lực lượng, vận dụng phù hợp thủ đoạn và cách đánh; nhạy bén, chính xác, táo bạo và kịp thời trong xử trí tình huống. Nhờ đó, đã tiêu diệt được một bộ phận lớn quân địch, giải phóng nhanh, gọn hai chi khu – quận lỵ chỉ trong một ngày (10/3/1975), tạo thế để hành tiến giải phóng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đà, phá vỡ thế trận phía nam Quân khu 1 của địch, tạo thế  để Sư đoàn bộ binh 2 giải phóng nhanh Đà Nẵng, góp vào thắng lợi chung của tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam trong mùa xuân năm 1975 lịch sử.

                                                                 PGS - TS Ngô Văn Minh

 

* In trong kỷ yếu Hội thảo "35 năm chiến thắng Tiên Phước, Phước Lâm", do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Bộ Chỉ huy quân sự tinh Quảng Nam, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước đồng tổ chức, tháng 3/2010. Đăng lại trong tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 3/2010
 
1] Địch gọi Quảng Tín, ta gọi Quảng Nam.
[2] Nay thuộc huyện Nông Sơn.
[3] Báo cáo trận tấn công diệt cụm cứ điểm Tiên Phước – Phước Lâm – Suối Đá của Sư đoàn bộ binh 2 tăng cường  (10/3/1975). Tài liệu lưu tại Phòng Khoa học Công nghệ & Môi trường Bộ Tư lệnh Quân khu 5.
[4] Dẫn theo: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng. Tập III (1954-1975). Nxb Đà Nẵng, 1996, tr 365 – 366.
[5] Báo cáo trận tấn công diệt cụm cứ điểm Tiên Phước – Phước Lâm – Suối Đá của Sư đoàn bộ binh 2 tăng cường  (10/3/1975). Tài liệu lưu tại Phòng Khoa học Công nghệ & Môi trường Bộ Tư lệnh Quân khu 5.
[6] Tổng kết phong trào nhân dân du kích chiến tranh Quảng Nam trong chiến dịch Xuân – Hè 1975. Tài liệu lưu tại Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng.